Đọc Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam

Ngày 23-4-2011, Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam tổ chức Tọa đàm về tác phẩm Thổ phỉ, tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam, NXB Hội Nhà văn, H., 2010, cuốn tiểu thuyết đoạt Giải thưởng cao nhất của Hội năm 2010. Bàn tròn được tổ chức tại Phòng khánh tiết cơ quan Hội – Hà Nội, do Inrasara với tư cách Trưởng Ban Lí luận Phê bình – làm Trưởng Ban Tổ chức Tọa đàm.
Kính mời các bạn đọc và góp ý thảo luận.
Inrasara

*
Không nên đọc tiểu thuyết như đọc một cuốn tiểu luận xã hội, hay biên niên sử gì gì đó; để qua đó đối sánh hiện thực xảy ra trong tác phẩm văn chương với các sự kiện thực ngoài đời, rồi đưa ra nhận định, chê ở chỗ này tác phẩm phi hiện thực hay khen nơi kia tác giả biết bám hiện thực cuộc sống. Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam cũng thế. Không nên đọc nó để đối sánh với hiện thực đời sống các dân tộc thiểu số Việt Bắc ở một thời chưa xa. Nhưng lạ, Thổ phỉ cứ kêu đòi người đọc làm cuộc đối sánh. Từ trang này đến trang khác, chương này qua chương khác.
Bởi tiểu thuyết của Đoàn Hữu Nam được viết theo phương pháp hiện thực. Hiện thực xã hội chủ nghĩa nữa. Và không thể nói là nó không thành công.

Thành công ở các trang soi chiếu cận cảnh ngôi nhà dân tộc miền núi, mô tả chi tiết về rượu của người vùng cao; về sinh hoạt xã hội của nhiều dân tộc thiểu số; thuốc phiện và thu thuế; cách yêu đương, lễ tục và hủ tục; các trận đánh lớn hay nhỏ, kéo dài hay chớp mắt cùng bao nhiêu kế hoạch, trò mị dân, xách động và mua chuộc, khống chế với răn đe, các cuộc thanh toán, cuộc đấu tranh tư tưởng, trận chiến tâm hồn ở từng cá nhân, cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể, gia đình và dòng họ, đối kháng giữa các dân tộc, các quan niệm. Vân vân…
Non nửa trăm sinh phận sống, yêu thương, lao động, chiến đấu cùng bao nhiêu hi vọng và tuyệt vọng, tội ác và hình phạt của họ. Cả các “nhân vật” Pháp, Nhật, Việt Minh, và dĩ nhiên – Thổ phỉ.

Thổ phỉ như một bức tranh toàn cảnh của dân tộc miền núi phía Bắc ở một giai đoạn lịch sử nhiều biến động. Biến động lịch sử đất nước kéo theo bao nhiêu đảo lộn cuộc sống thanh bình của người miền núi bấy lâu.
Đây đó, ta bắt gặp vài trang văn đẹp.
Trời quá chiều hư hư, thực thực. Nắng chiều nhộm nhoạm, mọi thứ cứ rối tung, tất bật mà chẳng cái nào vào cái nào. Mùa gặt, mùa chim gọi bầy, mùa chuột dửng mỡ vừa qua. Những búp lá thoát thai từ đau đớn thân cành run rẩy, e ngại nép vào những nách lá đang khô đét trên những cành cây mốc meo. Ánh nắng mặt trời đang soi mói từng kẽ lá bỗng chốc bị mây mù ùn ùn kéo đến phá phách làm cho cả vùng chìm trong biển mây. Một trận gió ào qua tất cả lại rõ ràng trước thanh thiên bạch nhật. Trong nóng lạnh thất thường như giận yêu, hờn ghét của giời, của đất, bóng Pham lòng khòng như chiếc câu liêm níu giữ chiều hiu hắt” (trang 118-119).

Đẹp không kém gì thuở lãng mạn.
Nhưng không. Thổ phỉ vẫn là một tác phẩm hiện thực đúng nghĩa.
Với những tố cáo:
Triệu Tá Sắn là một kẻ chống đối chính quyền điển hình“.

Điển hình, nên nhân vật “hắn” cũng được/ bị tác giả gán cho mấy đặc tính điển hình. Ở đó chuyện ăn và cách ăn là một trong những:
Mỗi thằng nửa con gà béo luộc, vừa gặm vừa tợp rượu. Mỡ gà vàng óng nhoe nhoét quanh miệng, đầy tay, chảy ròng ròng xuống bộ ngực đầy lông lá. Kẻ đói khát thường lấy ăn uống làm đầu. Bệnh này đã ngấm vào máu rồi nên kể cả lúc ba ngày không có gì nhét bụng đến thừa mứa thả thịt thả rượu xuống sống, chúng cứ gặp nhau là ăn, là uống, trong lúc đói đói khát ăn uống càng được đặt lên đầu” (trang 349).

Ngoài Triệu Tá Sắn còn có Hoàng Seo Lùng, Lý Văn San, có cha chồng và cả chồng Pham nữa. Cạnh đó, đương nhiên – các nhân vật điển hình tích cực được đặt làm đối trọng để ngợi ca: cụ giáo Choong, Đoàn Văn Long, Bắc mang tính cách ấy.
Đính kèm nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, phong cách hiện thực xã hội chủ nghĩa thì không thể thiếu vắng thuyết lí. Thuyết lí nhiều lúc được đẩy lên cao trào như thể văn… chính luận của chính ủy viên nhiệt tình. Hãy nghe tác giả thuyết:
Cách mạng nửa vời đã tiếp tay cho thổ ty mang danh cán bộ vừa vơ vét, hạch sách dân chúng, vừa tập trung củng cố sức mạnh của mình. Cách mạng nửa vời đã dẫn đến việc quân Pháp chưa đến ủy ban xã, ủy ban huyện đã rã tan như cơn mắm dính nước mưa” (trang 201).

Chưa thấm vào đâu. Người đọc có thể đọc thấy:
Xét cho cùng chính sách của ta cũng có những cái nóng vội, bất cập, không tính đến đặc điểm từng vùng” (trang 194-195).

Phương pháp sáng tác thuộc hệ mĩ học này buộc tác giả phải thế, không thể khác. Nhưng người đọc vẫn có thể đặt dấu hỏi: Hà cớ Đoàn Hữu Nam đã phải khổ ải mang vác câu đó, mà không “đổ trách nhiệm” sang các nhân vật, đẩy họ vào thế người phát ngôn thay mình? Thế không hay hơn sao?

Thêm: Kết cục có hậu hiển lộ ngay từ cách đặt tên tiểu thuyết: Thổ phỉ, hé lộ ở bản khai lí lịch ban đầu của nhân vật chính: “Sắn đã một lần được mang chân mệnh đế vương” (trang 37), qua việc tác giả nhìn nhân vật này đầy phê phán: “bảo vệ dân làng, thực chất là bảo vệ dòng họ Triệu” (trang 39), để cuối cùng lộ bày trọn vẹn nơi trang cuối:
“Sau một thời gian dài bị truy quét quyết liệt, không chịu nổi đói, rét, căng thẳng trong sống chui sống lủi, Phùng Zùn Thanh – Phụ trách Tài chính của Mặt trận Phòng Tô tự trị cùng chín tên phỉ còn lại bắt cắt đầu Tổng chỉ huy Triệu Tá Sắn ra hàng cách mạng” (trang 514).

Nghĩa là Thổ phỉ tự đánh mất tính bất khả đoán của một tác phẩm văn chương.

Rồi, tác giả còn sắm vai thượng đế (godlike author) nhìn thấy mọi sự, phán xét mọi sự, diễn tả mọi sự… nữa.
Pham bịn rịn ra về, cô linh cảm đây là lần cuối cô gặp được người mình yêu dấu” (trang 279).

Trong khi tiểu thuyết đương đại của thế giới và phần nào ở Việt Nam đã rất khác. Trung tâm tiểu thuyết hết còn là nơi chốn vẫy vùng của riêng tác giả, mà đã được giao phó cho nhân vật – cho các nhân vật, với những cách thái biểu hiện đa thanh và độc đáo hơn. Thế giới văn chương là thế giới chứa đựng rất nhiều những khoảng trống. Khoảng trống nơi đó độc giả được trao cơ hội nhìn sự kiện hay nhân vật từ nhiều chiều khác nhau để có thể nhập cuộc đồng sáng tạo. Thế giới tiểu thuyết được mở rộng hơn, từ đó khả tính đời sống được nắm bắt linh động và đa diện hơn. Chúng mời gọi nhiều diễn giải hơn nữa.
Và chắc chắn, tiểu thuyết sẽ có sức hấp dẫn đầy tính [hậu] hiện đại.

Sài Gòn, chiều mồng Một Tết Tân Mão.

*
Gợi ý thảo luận
– Nét đẹp của văn hóa dân tộc thiểu số được mô tả trong tiểu thuyết Thổ phỉ.
– Bối cảnh lịch sử xã hội trong tiểu thuyết: Hiện thực văn chương so với hiện thực đời sống thực.
– Hạn chế của phương pháp hiện thực chủ nghĩa: Làm nổi bật hạn chế của “cái nhìn của Thượng đế-tác giả” (omniscience) trong Thổ phỉ.
– Tiểu thuyết hiện nay có cần đến hệ mĩ học sáng tác cũ đó nữa không? Phương pháp sáng tác nào có thể thay thế?
– Giả dụ bạn là tác giả tiểu thuyết Thổ phỉ, bạn sẽ xử lí [kĩ thuật] câu này: “Xét cho cùng chính sách của ta cũng có những cái nóng vội, bất cập, không tính đến đặc điểm từng vùng” như thế nào?
– Không thay đổi cách viết, văn học dân tộc thiểu số sẽ đi về đâu?

2 thoughts on “Đọc Thổ phỉ của Đoàn Hữu Nam

  1. Bác Inra ơi! Đọc đoạn này không hiểu:
    “Làm nổi bật hạn chế của “cái nhìn của Thượng đế-tác giả” (omniscience) trong Thổ phỉ”.
    Ko hiểu làm sao bàn đây??

  2. NTC’s Dictionary of Literary Terms định nghĩa:
    Omniscient point of view: In Fiction, the point of view from which a godlike author, who can see, hear, and know everything, tells the story.
    Nghĩa là tác giả thấy, nghe và biết hết mọi chuyện, và kể. Tác giả nhảy từ chuyện này sang chuyện khác, từ nhân vật này sang nhân vật khác. Hắn có thể vào sâu trong lòng nhân vật mà kể. Hắn biết cả ý nghĩ thầm kín nhất của nhiều nhân vật cùng lúc… Vân vân.
    Làm gì có chuyện đó chứ, nếu hắn không là Thượng đế? Trong khi hắn chỉ là con người.
    Nhà văn thế kỉ XX không còn ngây thơ như xưa nữa. Các nhà văn lớn thế kỉ XIX, dù họ có vĩ đại đến đâu, họ cứ ngây thơ. Ngây thơ ở lối viết.
    Camus, Faulner… viết khác. các nhà văn hậu hiện đại đã viết khác…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *