Inrasara: Sống như là tạ ơn

Inrasara: Sống như là tạ ơn
hay Làm thế nào tiếp bước truyền thống văn hóa cám ơn?

Sống, có nghĩa là tạ ơn – ơn ngãi đầy tràn
Nằm ngoài chân trời đếm đo được mất
Tạ ơn làm cho ta lớn lên…

(Inrasara, Lễ Tẩy trần tháng Tư, 2002)


* Anh Cao Nguyên Lợi nói lời cám ơn, khi hành hương về miền đất Panduranga Katê 2009 – Photo Jaka.

1. Hiện nay, trong sinh hoạt ngày thường, Chăm ít có thói quen “xin lỗi” với “cám ơn”. Dù ở đó ta đã gây ra cả khối lỗi [và tội], cũng đã làm được không biết bao nhiêu là điều sáng giá đáng mang ơn, nhưng tuyệt ta đã không biết cám ơn, xin lỗi. Không biết, không quen dùng hai từ này đến nỗi ta quên nó luôn. Việc ta phản bác nhau “cám ơn tiếng Chăm là gì?” cũng là một cách…
Không phải tổ tiên ta không biết xin lỗi (ơmpun) hay cám ơn (đwa karun) – không biết thì làm sao chúng có mặt trong từ điển kia chứ, phải không!? Nhưng dù gì thì dù, hôm nay ta đã quên. Sự thể này không biết xảy ra từ bao giờ, nhưng đó là sự thật không thể chối.

Xin trích lại đoạn “Tiếng Chăm của bạn: Xin lỗi & Cám ơn”:
“Cả 4 từ dhar, apakal, uyamưn, karun đều mang ý nghĩa “công lao”, “công ơn”, “ơn nghĩa” cả. Tất cả đều có thể kết hợp với ĐWA (mang, đội) để tạo từ “hàm ơn”. Xét từng trường hợp cụ thể, ta thấy:
Dhar nên dùng cho công ơn cha mẹ thì hay hơn, bởi nó sâu nặng và kéo dài.
Apakal có thể dùng cho nhiều đối tượng, nhưng “công lao, sự việc” đó cũng phải trải qua thời gian dài, công việc nhiều trắc trở – đwa apakal.
Uyamưn hay Ayamưn, thì chỉ dành cho tình nhân (ân tình)
Vậy thì, KARUN thích hợp hơn cả: – “Cái cho” nhỏ và mang ý nghĩa khiêm tốn hơn (một quyển sách, một món quà mọn hay một lời khen cũng là tặng vật, quà tặng); – Cho và nhận trong thời gian ngắn, người nhận ngay tức thì có thể nói: ĐWA KARUN, hay KARUN, cũng đủ”.

Trưa nọ từ Sài Gòn về quê, ta cùng cô sinh viên Nhật tạt qua làng bên, ghé nhà người quen cũ; ta được bà mẹ Chăm đãi bữa cơm canh cá trê nóng hổi. Ta chưa bao giờ chịu xài đến lời khen ngon suốt thời gian dùng bữa; cả lúc về, ta cũng quên luôn nói tiếng đwa karun. Ta thì không sao, cả bà mẹ Chăm cũng vậy, nhưng cô bạn đi chung với ta đã thấy cực kì là lạ.
Mượn xe bạn đi học tạm, ta lỡ làm đứt thắng, ta mang về trả cho bạn; ta biết ta có lỗi, nhưng chỉ có mỗi tiếng xin lỗi đơn giản vậy thôi mà ta không phát âm được – khó nói sao sao ấy. Ông chú vừa in cuốn sách kí tặng ta, ta nhận và ta… im lặng: tiếng “đwa karun” như ngường ngượng trên môi ta. Ta biết ơn đó lắm, mừng và hãnh diện nữa, nhưng ta không quen. Chịu!
Hành vi đơn sơ ấy đã không thành thói quen trong xã hội ta, hay nói ra vẻ hơn: trong cuộc sống thường nhật, Chăm đã đánh mất văn hóa cám ơn.

Dân Tây, Mỹ thì khác, hai chữ “thank you” và “sorry” như lúc nào cũng chực ở bờ môi họ, sẵn sàng bật ra. Dễ còn hơn lấy cây bút từ túi áo. Có khi ta nghĩ nó như là đãi bôi, nó sáo, nó đầu môi chót lưỡi gì gì đó. Nhưng không. Đó là văn hóa của họ. Họ được dạy từ tấm bé.
Họ biết, và họ nói ra thành tiếng. Là điều cần thiết trong giao tế xã hội. Con người hơn loài thú là có ngôn ngữ để biểu hiện tình cảm, tư tưởng của mình.

2. Xưa, tổ tiên Chăm biết nói cám ơn. Chẳng những biết, ông bà ta còn nâng cấp lời cám ơn thành lễ: lễ tạ ơn. Đại bộ phận lễ Chăm khởi sự và chấm dứt bằng lời tạ ơn. Đầy thành tâm và cung kính. Đó là thái độ văn minh của truyền thống dân tộc Chăm với anh linh những người có công đức lớn với quê hương.

Gần hơn, với người có công với văn hóa dân tộc, nhỏ hay to, dù công kia còn khá khiêm tốn, ta cũng biết tỏ lòng “tri ân”. Tấm lòng tri ân đó cần phải được nói nên lời, viết ra trang giấy trắng.

Ta tri ân Paul Mus, A. Landes, Parmentier, Maspéro, Coedès, Aymonier,… là những người đã khai vỡ mảnh đất hoang văn minh Champa ngủ vùi suốt thế kỉ, sau khi vương quốc Champa rã tan. Ta biết ơn Phan Đăng Nhật, Nguyễn Tấn Đắc, Trần Kì Phương, Ngô Văn Doanh, Bùi Khánh Thế, Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp, Hải Liên, Phan Quốc Anh… đã nối bước cùng với các công trình hay bài viết của họ.
Ta cũng tri ân “Trung tâm Văn hóa Chàm – Phan Rang với cả chục trí thức Chăm xung quanh G. Moussay đã sưu tầm và cho ấn hành một số bản chép tay cổ, biên soạn bộ Từ điển Chàm – Việt – Pháp dày dặn và công phu; Nhóm ngôn ngữ học mùa hè với sự tích cực của D. Blood với thành quả về nghiên cứu ngôn ngữ Chăm; Nội san Panrang của Thiên Sanh Cảnh và đồng sự đã đóng góp các bản Việt ngữ một số truyện thơ Chăm. Trước đó nữa là các bài nghiên cứu sắc sảo của một khuôn mặt trí thức đáng trân trọng: Lưu Quý Tân…”. Ta cũng không quên “các ca khúc đậm tình quê hương được viết bằng một thứ ngôn ngữ điêu luyện của Châu Văn Kên, Quảng Đại Tựu…“. Ta cám ơn Đàng Năng Quạ “đã ban tặng cho chúng ta Bhum Adei bất tử giữa lòng Chăm“. Ta biết ơn sâu xa Trường Trung học Pô-Klong là “lò đào tạo đội ngũ trí thức Chăm sáng giá gắn liền với tên tuổi Thành Phú Bá, Lưu Quang Sang...”.

Hãy ca ngợi và học biết ngợi ca. Ngợi ca và cám ơn người đã mất và người đang sống.
Chị Hồng Loan năm 1996 đã xin Quỹ Terre des Hommes làm hệ thống nước sạch cho hai làng Chăm và Raglai, Tuy Phong – ta nói đwa karun. Bà Hani năm 1999, liên hệ Sứ quán Canada làm hệ thống nước sạch và Trường mẫu giáo cho Caklaing – ta cũng nói lời đwa karun!
Dohamide và Dorohiêm làm một hành trình tâm tư dài dặc vượt qua được vời vợi không gian, xa xăm thời gian; quan trọng hơn, hai đứa con Chăm ấy đã vượt qua hố thẳm cách ngăn của hồn người: khoảng cách của đức tin tôn giáo, ý hệ chính trị, định kiến xã hội, ngôn ngữ và tri thức để tìm về và đưa dẫn chúng ta về khoảng sáng của cội nguồn Bangsa Champa” – ta cám ơn.
Nguyễn Văn Tỷ là một trí thức chân chính, hành trình đi sâu vào văn hóa dân tộc để tìm nguồn cội, đồng thời mang hoài vọng mở hướng đi khả dĩ cho đời sống của cộng đồng. Bằng lời nói, việc làm cho đến trang viết” – ta cám ơn.
Cám ơn các nghệ sĩ Chế Linh, Từ Công Phụng, Đàng Năng Thọ đã “là hãnh diện chung cho cả dân tộc Chăm“. Gần ta hơn, ta cám ơn Trầm Ngọc Lan “tài hoa cả trong thơ lẫn văn“, Trà Vigia “giàu chất suy tưởng, nhiều thể nghiệm mới, luôn tìm tòi bứt phá“… Sakaya – Văn Món “một tuổi trẻ không lãng phí“. Jalau Anưk “trí tuệ, tài năng nhưng rất mực… khiêm tốn“. Còn bao nhiêu khuôn mặt khác nữa!…
(Các chữ in nghiêng trong ngoặc kép là trích đoạn rải rác các bài viết của Inrasara).
Dù cá nhân họ hay tác phẩm họ mắc không ít lầm sai, nhưng với công sức, thiện chí và ý hướng họ, ta cần nói lời trân trọng và biết ơn.

3. Như mới nhất, ta cần biết nói lời cám ơn Hồ Trung Tú… Bõ công gần nửa đời người để tìm về nguồn cội, cặm cụi hơn mươi năm để viết ra tập sách, rồi thắc thỏm chờ đợi,… không phải chờ đợi tiền bạc hay tiếng tăm chi cả, mà chỉ hi vọng nhận được những sẻ chia. Ta có thái độ nào nào để sẻ chia?
Một chiều nọ tôi nhận được tin nhắn:
– “Trang mạng Gilaipraung nhận định như thế, không biết Tú sẽ nghĩ thế nào đây anh?”
Qua tin nhắn, tôi cảm nhận được giọng anh buồn buồn.
– Không vấn đề gì đâu, bạn à. Tác phẩm ra đời không ai nhắc đến mới tội. Chứ công trình ý hướng dấn vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ như của bạn, nếu tất cả đều đồng ý, mới lạ. Hãy học như Sara, mạnh mẽ và gan lì trước những lời phê phán, dù phê phán kia có oan đến đâu…
– Dạ, cám ơn anh. Chắc phải học tập anh Sara thôi…

Dù gì đi nữa, cũng cần nói lời tạ ơn.
Đọc một tác phẩm, ta hãy tìm cái hay nhất trong đó để học, rút tỉa tri thức hay kinh nghiệm cho riêng mình. Ta nghĩ các kết luận sai lầm ảnh hưởng tác hại đến “bản sắc” hay xã hội, cần phải chấn chỉnh ư? – Đúng lắm. Nhưng hãy học cám ơn đã rồi đưa lời bình luận. Để người ngoài biết ông bà Chăm đã từng sở hữu “văn hóa cám ơn”, những đứa con của Đất hôm nay còn tiếp nhận truyền thống cao đẹp đó. Và để các nhà còn có cơ hội sửa sai hầu nỗ lực phục vụ khoa học, phục vụ xã hội tốt hơn nữa chứ, phải không bạn?

Để kết luận, tôi tạm lấy đoạn kết bài phản hồi của tôi về cuốn Rija Nưgar của Ngô Văn Doanh đăng trên tạp chí Văn hóa Dân gian, 1999:
Tóm lại, Rija Nưgar là “lễ hội rất đặc biệt” của đồng bào Chăm “hầu như chưa có một nhà khoa học nào thực sự nghiên cứu kỹ” nên sự hiểu biết của giới khoa học cũng như của công chúng về nó còn khá mơ hồ. Do đó, nhà nghiên cứu phải có những thao tác “rất đặc biệt” và sự cẩn trọng cần thiết, nhất là trong nhận định. Ngô Văn Doanh đã dũng cảm dấn mình vào vùng đất đầy chướng ngại này và đã có thành quả đáng kể. Anh phần nào lột tả được tinh thần lễ hội này, đi tìm nguồn gốc của nó, so sánh nó với hiện tượng văn hóa tương tự của các dân tộc lân cận,… với những dẫn liệu phong phú. Tiếc rằng, nếu anh cẩn trọng và bình tĩnh hơn thì chắc chắn công trình của anh sẽ chiếm một vị trí xứng đáng giữa các công trình khoa học vẫn còn chưa nhiều lắm về Chăm. Và uy tín anh chẳng những không suy giảm mà còn tăng thêm trong lòng đồng bào dân tộc đã từng dành cho anh không ít sự mến mộ“.

Đó là câu chuyện và tâm thế tôi cách nay chẵn một giáp. 12 năm trôi qua cuộc đời…
Bây giờ thì khác. Tôi chỉ có biết nói lời cám ơn ĐWA KARUN.
Tạ ơn, mà còn cân đong đo đếm, còn tính toán thiệt hơn thì mất hết ý nghĩa nguyên ủy của tạ ơn. Tạ ơn, chỉ tạ ơn thôi, cũng đã đủ. Bởi…

Tạ ơn làm cho ta lớn lên.
Người nhận nói lời cám ơn đã đành. Người cho cũng biết tạ ơn.

Tạ ơn mặt trời thức giấc mỗi sớm mai…
Để ta được sống, được lao động và sáng tạo. Và để còn tiếp tục tạ ơn.

Vậy, tại sao mỗi ngày – dù nhận quà tặng nhỏ nhất từ người trần gian, ta không nói ĐWA KARUN nhỉ?

Sài Gòn, 25-3-2011
.

4 thoughts on “Inrasara: Sống như là tạ ơn

  1. Day la y kien rieng cua toi.

    Co le tu “DWA” co nghia la “Doi” duoc di doi voi chu “doi tren dau” va de chi su viec cao ca, hoac thanh kinh cho nen Cham minh it muon lam dung tu nay khi cam on chuyen nho nhu muon 1 cay viet hay nhan 1 dieu thuoc la.

    Co le vi the ma nguoi Cham CD da thay bang “Uon Karun” (nho on), nghe co ve nhe nhang hon la “doi on”. Phai vay chang?
    YC

  2. Dân tộc Chăm có truyền thống đội.
    Người ta đội thúng, đội ciet, đội lu…
    Nên khi nói Đội ơn cũng rất hay.
    Ơn là danh từ trừu tượng, còn quý hơn đồ dùng vật chất.
    Theo tôi hiểu, rất tốt. Và cũng theo tôi nghĩ ngôn ngữ là thói quen.
    Có khi một chữ sai nói riết nó thành đúng.

  3. Inra lam da hay. Noi cang rat hay.
    Anh TA ON moi nguoi. Chung ta cung can TA ON anh nua cho phai k?
    Ve nhieu dong gop cua anh cho van hoa dan toc Cham. Ve cac sang tac bay bong, doc dao cua anh.
    Dwa karun!!!

  4. Đây là các câu văn đáng chú ý:

    Dù gì đi nữa, cũng cần nói lời tạ ơn.
    Đọc một tác phẩm, ta hãy tìm cái hay nhất trong đó để học, rút tỉa tri thức hay kinh nghiệm cho riêng mình…
    Tạ ơn, mà còn cân đong đo đếm, còn tính toán thiệt hơn thì mất hết ý nghĩa nguyên ủy của tạ ơn. Tạ ơn, chỉ tạ ơn thôi, cũng đã đủ. Bởi…
    Tạ ơn làm cho ta lớn lên.
    Người nhận nói lời cám ơn đã đành. Người cho cũng biết tạ ơn.

    Rất biện chứng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *