Xung quanh tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú

Inrasara
Xung quanh tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú

Tác phẩm khảo cứu lịch sử Có 500 năm như thế của tác giả Hồ Trung Tú vừa ra đời, tạo được dư luận đáng kể. Trước tiên là phải kể đến các nhận định của Inrasara. Phản ứng về các nhận định này, có vài dư luận ngoài lề cho là tôi quá khen; bên cạnh cũng có ý kiến bảo tôi chê tác phẩm. Thế là thế nào?
Về Có 500 năm như thế, tôi rất nhất quán trong cả ba lần nhận định. Lần đầu khi viết Giới thiệu tác phẩm vào tháng 6-2009. Bài này không được in đầy đủ, mà chỉ trích đoạn in ở bìa bốn, như là cách PR cho tác phẩm của nhà xuất bản. Để bán sách. Nhà nào cũng như nhà nào, vậy thôi. Lần thứ hai là bài trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn tiếp thị đăng ngày 16-2-2011. Và cuối cùng là phần trả lời phỏng vấn trên đài BBC tiếng Việt hai ngày sau đó (18-2-2011).

Lần thứ 1, giới thiệu tác phẩm nên yêu cầu ngắn, như một cách đưa dẫn vào tác phẩm.
Bằng thao tác khoa học, anh lùng sục vào những dấu ấn của bản sắc văn hóa Quảng Nam thể hiện qua từng giai kì lịch sử Nam tiến, khảo sát địa phương tính ở từng miền đất hẹp, lần mò ngược về nguồn cội các dòng họ dân Quảng, và nhất là phân tích sự hình thành giọng nói người Quảng Nam,… với những dẫn liệu phong phú và chuẩn xác. Qua bao nhiêu tài liệu đa ngành, cổ và kim, từ trong nước đến hải ngoại. Để đi đến kết luận rằng: Chúng ta là Chăm “đang nói tiếng Việt bằng giọng Chàm”. Đây là một nhận định vừa chuẩn xác vừa dũng cảm, vừa khoa học vừa nhân văn.
Tôi đánh giá cao công trình mang tính đột phá này.

Qua Có 500 năm như thế, cộng đồng Chăm biết mình không cư trú cô độc hiu hắt ở vài vùng hẻo lánh, mà đang hiện diện khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S này. Là khởi điểm quan trọng cho hóa giải lịch sử và hòa giải “dân tộc
”.

Tôi (và cả Hồ Trung Tú) không cho “chúng ta” này là tất cả cư dân Quảng Nam, mà là một bộ phận cư dân mà tác giả “khám phá” ra. Hiện nay, ở khu vực này còn hiện hữu bộ phận không nhỏ tộc Trà muốn xin chuyển khai sinh sang “dân tộc Chăm”, làm sáng tỏ thêm kết luận đó.
Nếu nhà xuất bản in đầy đủ bài giới thiệu, ở đó tôi có định danh và phân tích nguồn gốc các “loại” người Cham, có lẽ tránh được hiểu lầm nho nhỏ.

Lần thứ 2, trả lời phỏng vấn, tôi đi vào chi tiết hơn:
– Đồng ý ở cách nhìn: “Nhưng đứng về phía nhân dân, phía ngoại vi – huyền sử hay lịch sử truyền miệng để nhìn lại giai đoạn lịch sử 500 ấy thì có lẽ đây là “gợi ý” đầu tiên. Cách làm này mức độ nào đó hóa giải được các nan đề do lịch sử để lại. Tôi gọi đó là cách nhìn lịch sử mang tính giải trung tâm của hậu hiện đại“.

– Nêu các hạn chế ở tài liệu: “Tác giả chưa làm chủ được ngôn ngữ Chăm để có thể tiếp cận kho tư liệu phong phú về ngôn ngữ và văn học, phong tục tập quán Chăm từ đó có thể làm cuộc đối sánh. Cạnh đó, không ít công trình mới nhất về văn hóa dân tộc này – cả tác giả Chăm lẫn ngoài Chăm viết, in trong nước hay nước ngoài – rất thiết yếu cho đề tài đã bị bỏ sót. Nên ta thấy có vài chỗ bị hẫng, vài luận chứng chưa thật thuyết phục. Hơi đáng tiếc là vậy“.
Ý này tôi có lặp lại khi trả lời phỏng vấn BBC.

– Dĩ nhiên, ngay sau đó, là khẳng định: “Tôi nói đáng tiếc, là do đòi hỏi sự toàn bích dành cho công trình khoa học đạt chuẩn cao. Nhưng nếu coi khảo cứu này như là một gợi ý khởi đầu, thì Có 500 năm như thế rất đáng ghi nhận“.
Đánh giá như thế theo tôi là khá công tâm.

– Sau rốt, tôi muốn hướng độc giả về phía nhân văn: “Hãy cẩn trọng với các vấn đề do lịch sử đặt ra. Với đất nước Việt Nam đa dân tộc nhiều biến động qua các giai đoạn lịch sử thì càng“.

Lần thứ 3, trong bài trả lời phỏng vấn BBC, tôi đưa ra cái nhìn toàn cục, lượt qua hầu hết đóng góp và hạn chế của tác phẩm. Rồi nói câu cuối cùng: “Giá trị gợi mở còn hơn là giá trị thực của tác phẩm“.
Nghĩa là, qua lối nhìn mới về vấn đề cũ, một lối nhìn mang tính nhân văn – Có 500 năm như thế dù có những thiếu sót đáng tiếc về mặt tư liệu, nhưng đây là bước khởi đầu quan trọng. Giá trị thực của công trình là có, nhưng giá trị gợi mở thì lớn hơn nhiều.

Không có chuyện khen hay chê ở đây, mà là “mở” cuốn sách ra như là thế.
Dĩ nhiên “giới thiệu” một tác phẩm thì khác hoàn toàn với “đọc” một tác phẩm. Giới thiệu là dẫn vào, còn đọc là đưa ra. Đọc một công trình nghiên cứu, đòi hỏi người đọc nắm bắt vấn đề, đôi khi còn bao quát và sâu hơn cả tác giả, từ đó mới khả năng đưa lời bình phẩm khả tín.
Mới đây thôi, tôi đã đọc vài phản biện trong một tác phẩm “phản biện” khá non kém. Sự non kém này – qua lời lẽ đầy tự tin – dễ đánh lừa bộ phận người đọc. Bể học mênh mông – trong khoa học, cẩn trọng chưa bao giờ là điều thừa.

Thêm:
Về bài viết của Jaya Bahasa “Đọc sách Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú”, bỏ qua vài thiếu khuyết như vài “phản hồi” đã chỉ ra (chưa hẳn “phản hồi” kia đều đúng), tác giả – sau thao tác lượt qua sáu cột mốc lịch sử của quá trình Việt hoá và giải Việt hoá của Champa – đã đi vào thực tế của vấn đề: nhìn nhận hay không nhìn nhận tộc người mình, tại sao nhìn nhận và nên nhìn nhận như thế nào. Dù Bahasa chưa đi đến tận cùng (chỉ là “đọc sách”) nhưng đây là phân tích cần thiết, dẫu ta đồng ý hay không.
Cũng xin nói thêm, mươi năm qua, tác giả Hà Văn Thùy nỗ lực xác minh rằng “nguồn gốc Việt của dân tộc Hoa”. Dẫn lời Y. Chu: “Người hiện đại tới Việt Nam khoảng 60-70.000 năm trước. Nghỉ lại ở đây 10.000 năm, họ hòa huyết sinh sôi rồi 50.000 năm trước đi tới châu Úc và 40.000 năm trước đi lên Trung Hoa”, anh tự tin xác quyết: “Không chỉ vậy, khảo cứu của tôi còn dựa vào rất nhiều bằng chứng khảo cổ, cổ nhân chủng, văn hóa học khu vực. Vì vậy có thể nói là đạt độ chính xác rất cao” (khoahoc.net, 15-1-2009). Trước đó nữa, nhà văn Bình Nguyên Lộc có nguyên công trình khổng lồ: Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam.
Hôm nay, Hồ Trung Tú “nguồn gốc Chàm của người Quảng Nam”, hơn thế – một bộ phận cư dân Quảng Nam chính là người Chàm.

Nhưng tất cả để làm gì?
– Nếu là hay nếu có mang trong mình dòng máu Chàm, họ có nhận họ là Chăm không?
– Họ có nỗ lực đóng góp tích cực vào “bảo tồn và phát huy” văn hóa văn minh Chăm không?
– Họ có quan tâm cuộc sống của nhau, tìm đến nhau trong tình thương chung không?
– Và cuối cùng, họ có dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng khi hữu sự không?

Truy nguyên nguồn cội hay đặt lại vấn đề lịch sử không phải là điều không thiết yếu, dù đau lòng tới đâu. Bởi quá khứ đã từng chỉ cho hiện tại nhận ra bao lỗi lầm tai hại. Miễn là ta biết nhìn nó bằng con mắt tự thức và đẫm tình người. Còn lại, thì hãy chôn quách nó đi. Để sống.

Sài Gòn, 4-3-2011

6 thoughts on “Xung quanh tác phẩm Có 500 năm như thế của Hồ Trung Tú

  1. – Nếu là hay nếu có mang trong mình dòng máu Chàm, họ có nhận họ là Chăm không?
    – Họ có nỗ lực đóng góp tích cực vào “bảo tồn và phát huy” văn hóa văn minh Chăm không?
    – Họ có quan tâm cuộc sống của nhau, tìm đến nhau trong tình thương chung không?
    – Và cuối cùng, họ có dám đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng khi hữu sự không?

    Rất OK!
    Đwa karun

  2. Bạn Khủn thân mến
    Có 1 “phản hồi” của bạn, do nhiều bạn đọc phản ứng là nó không thích hợp với tinh thần web này, nên BBT xin phép bạn được xóa.
    Mong bạn thông cảm và vui vẻ cộng tác.
    Thân
    BBT

  3. Có hai ý cần nói:
    1/ Bài trên sgtt được hiểu theo hai cách khen và chê. Người bào anh chê là vì chỉ đọc thấy phần thiếu sót. Thật ra thì những điểm anh gọi là thiếu sót ấy nó không quan hệ nhiều lắm với “có 500 năm như thế” đơn giản là vì cho đến giờ chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác Chăm lúc ấy, lúc hình thành bản sắc Quảng Nam, và Chăm bây giờ ở Nam Trung Bộ là một hay khác nhau. Ngay ngôn ngữ cũng vậy, ta vẫn chưa thể biết ngôn ngữ của người Chăm thế kỷ 14-15 ở Quảng Nam với ngôn ngữ người Chăm hiện nay là giống hay khác. Tương tự vậy, tiếng Việt để người Chăm học nói lúc ấy so với tiếng Việt bây giờ là hai hay một. Đó là một công trình lớn, để vướng vào đó là vĩnh viễn không có lối ra, Hồ Trung Tú đã chọn con đường khác là đi vòng và vì vậy ta có được một bức tranh tương đối rõ trước khi quay lại kiểm tra tất cả một lần nữa. Vì vậy cái mà anh gọi là thiếu sót đó theo tôi là không thực sự cần thiết lắm với công trình này vì những đối chiếu so sánh bây giờ sẽ không hiện rõ lên được bức tranh lúc ấy, trước đây vài trăm năm.

    2/ Nếu xét vùng đất nào gần Chăm hơn thì theo tôi vùng đất Bình Định Phú Yên mới thực sự gần với Chăm hơn Quảng Nam. Trong “có 500 năm như thế” ta thấy nếu vùng bắc Quảng Nam thuộc Việt từ 1306 thì Phú Yến đến 1611 mới thuộc Việt, và họ chỉ chịu chuyển sang nói tiếng Việt muộn hơn nữa (và đó là thổ ngữ vùng Phú Yên).
    Nếu bây giờ bỏ công tìm kiếm cái gì Chăm, cái gì Việt theo tôi là một điều bất khả, vô ích và là điều không nên. Chỉ cần một cái nhìn, một nhận thức trong cộng đồng rằng vùng bản sắc văn hóa của vùng Trung Trung Bộ là sản phẩm, là tổng hòa 500 giao hòa của hai nền văn hóa ấy. Một sự nhận thức như vậy là đủ

  4. Bác Nguyenquan à.
    1/- Bác viết:
    “cho đến giờ chúng ta vẫn chưa thể biết chính xác Chăm lúc ấy, lúc hình thành bản sắc Quảng Nam, và Chăm bây giờ ở Nam Trung Bộ là một hay khác nhau. Ngay ngôn ngữ cũng vậy, ta vẫn chưa thể biết ngôn ngữ của người Chăm thế kỷ 14-15 ở Quảng Nam với ngôn ngữ người Chăm hiện nay là giống hay khác”.
    Chăm 4 khu vực văn hóa lịch sử hiện hữu cùng lúc, chứ không phải bị đẩy lùi dần. Vua Champa trong một thời kì có thể cũng làm vua ở nhiều khu vực khác nhau. Dời đô ra vô liên tục. Bác Inra chỉ gợi ý như thế này nè:
    Nếu biết chữ, thì ta so sánh chữ trên bia ở vùng Amaravati (Quảng Nam) và vùng Panduranga (Phan Rang – Phan Thiết) ở thời điểm đó khác nhau thế nào. Từ đó lần lên tiếng hay giọng nói. Xem 2 bên khác hay giống nhau thế nào.
    “CHƯA THỂ BIẾT” nên nhà sử là tìm để biết chứ, phải hôn bác? Mà bác Inra đâu có nói ngôn ngữ đâu, bác ấy còn đòi so sánh nhiều món nữa mà. Phong tục tập quán, hộp sọ, xương bánh chè…

    2/- Bác lại viết:
    “Nếu bây giờ bỏ công tìm kiếm cái gì Chăm, cái gì Việt theo tôi là một điều bất khả, vô ích và là điều không nên”.
    Bác bảo không nên, thì dân khảo cổ với nhà sử thất nghiệp hết đó, kiếm đâu ra việc làm cho mấy bà mấy ổng phó giáo sư tiến sĩ kia chớ.

    3/- Nhưng bài của bác Inra chỉ là giới thiệu với trả lời phỏng vấn thôi, có là phê bình lịch sử to tát đâu. Nếu em là bác Inra em bắt bẻ một câu kết của HTT trong sách ấy:
    “Mĩ Sơn chính là di sản của tổ tiên ta để lại, chứ không phải là của một Vương quốc Chămpa đã bị diệt vong”. Nếu là em, em bắt bẻ dữ lắm!!!
    Nhưng em không phải là bác Inra.

    Kính bác.
    Klủn

  5. Dù chưa phải là một công trình nghiên cứu hoàn hảo, tác phẩm Có 500 năm…của Hồ Trung Tú cũng đáng ghi nhận bởi tính nhân văn của nó.
    Tôi thích nhận xét rất sâu sắc của anh Sara:
    “Giá trị thực của công trình là có, nhưng giá trị gợi mở thì lớn hơn nhiều.”

  6. BBT
    Xin lỗi bạn Hoang, bạn Lamvy và các bạn khác về “phản hồi”.
    Dù sau khi thông báo “ngưng” hơn 1 tháng nay, nhưng vẫn có mươi ý kiến gửi đến. Tất cả ý kiến đều không mới, cả ý bênh vực hay chống đối hoặc trung dung. Mỗi người hiểu tác phẩm mỗi cách tùy thế đứng và khả năng tiếp nhận. Không phải BBT phân biệt đề tài nhạy cảm hay không mà là chỉ cho ngưng như đã từng với các bài trước đó, khi thấy không còn ý kiến nào mới để trao đổi, học tập.
    Mong độc giả, anh chị em hiểu và cảm thông
    Thân mến
    BBT

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *