Uông Thái Biểu: Inrasara, từ hành trình khám phá ‘năng lượng văn hóa Chăm’ đến thi sĩ cách tân

1. Inrasara – Những mảng rời kí ức…
Inrasara, “là gã nông phu mắc nợ văn chương, chàng thi sĩ mang khối óc học thuật, người nâng niu và sống hết mình với văn hóa dân tộc Chăm”, một bạn viết đã khái quát về anh như thế. Đó là điều mà chúng ta sẽ bàn trong câu chuyện tiếp theo của cuộc tao ngộ này. Còn bây giờ, tôi thích được tiếp cận với những mảnh ký ức trong đời sống một gã đàn ông Chăm là anh. Hãy chắp nối rời rạc một vài mảnh ghép quá khứ mà anh ám ảnh…


* Sara tại nhà một họa sĩ ở Tây Ninh, trên bàn là tượng Linga (đứng) và Người nữ (nằm) bằng đất dung, do nghệ nhân vô danh Bàu Trúc tạc 2010.

Năm 1978, Inrasara – chàng sinh viên năm thứ nhất khoa Anh – Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh bỏ học giữa chừng, tưởng là để đi đâu làm gì, hóa ra là tất tả về quê nhà ở làng Chakleng – Ninh Thuận tiếp tục nghề cày ruộng; nhưng nông phu trẻ làm đủ nghề mưu sinh lại mang một nỗi niềm đau đáu với thơ ca và văn hóa Chăm. Có bao giờ anh thấy tiếc bởi quyết định này (quyết định bỏ học)?
Inrasara: Chưa bao giờ cả. Tôi còn cho đó là một quyết định thông minh nữa đấy. Đôi lúc trong mơ, thấy mình trở lại ngồi ghế giảng đường mà… kinh. Tỉnh ra đó chỉ là giấc mơ, vui hết biết.

Tiếng gọi linh thiêng nào đó từ cội nguồn đã cất tiếng gọi anh trở về, như anh viết: “Cởi bỏ rũ sau lưng quang gánh/ Ginăng, Baranưng giục về/ Từng chuyến mưa nồng nã Katê…”. Anh lựa chọn sự trở về – nhưng theo tôi, đó là sự trở về nhằm xốc lại hành trang cho những chuyến đi xa. Nếu không có sự trở về ấy, thật khó để làm nên một Inrasara đầy đặn của hôm nay. Có đúng vậy không?
Inrasara: Tôi mê dân tộc mình. Cuộc đời của những sinh phận vô danh cuốn hút tôi cách kì lạ. Ứng xử với giới học thức, tôi còn vướng mắc vài trở ngại nhất định, riêng với người nông thôn vô danh Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh hay Kinh ở Hậu Giang, Bắc Ninh… tôi đều sự sự vô ngại. Họ đối xử với tôi cũng thế. Khi ta cho đi thế nào thì ta cũng sẽ nhận được thế ấy. Chế lan Viên: Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ/ Quay về xem non nước giống dân Chàm… Khi ta rời bỏ như là rời bỏ, để quay về như là quay về, ta mới thu phối vào tầm mắt và trái tim mình đủ đầy câu chuyện, tâm cảm họ. Tôi gọi đó là “những ngày rỗng”. Về, như là cách nạp năng lượng để ra đi, để lên đường làm cuộc khai phá mới.

Ở làng Chăm Chakleng, những người đồng hương có biết anh đã làm được những gì và hôm nay anh đang làm gì?
Inrasara: Vào Sài Gòn làm dân phố chợ gần hai mươi năm, nhưng tôi chưa một lần để đứt rời cuống rốn. Cha mẹ, anh chị em, bằng hữu, người lạ người quen… hầu như tất cả tác phẩm tôi, cả tác phẩm bị cho là khó hiểu, đều đến tay họ. Ý kiến của họ có sức nặng đáng kể với tôi, hơn cả của các nhà phê bình chuyên nghiệp. Nữa, tôi chủ biên Tagalau, mà đặc san này chủ yếu do các cây bút Chăm viết, phát hành rộng trong cộng đồng Chăm. Cạnh đó, tôi còn lập Tủ sách Inra, Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani ở quê cho bà con đến đọc và thăm thú nữa. Đó là chưa kể hầu hết các vấn đề cộm của xã hội Chăm tôi đã phản ánh kịp thời trên website inrasara.com

“Những con chữ nắm đuôi nhau xếp hàng chịu phận đời phiêu dạt”, anh và người vợ Hani (Thuận Thị Trụ) cùng những đứa con đã có thời gian phiêu bạt, nhưng đó cũng là những ngày thật đẹp khi anh biến sự khốn khó làm một cuộc dạo chơi, một cuộc dạo chơi cho những trải nghiệm và thẩm thấu văn hóa. Nghĩ lại mảng ký ức này, anh hàm ơn hay kinh hoàng nó?
Inrasara: Không chút nào gọi là kinh hoàng hay ân hận cả đâu. Đó là những tháng ngày lang thang đầy lầm lạc. Lầm lạc nhưng tuyệt đẹp. Đẹp, vì nó cần thiết cho tôi, vì tôi làm cho nó trở nên cần thiết. Mọi ngày là mỗi ngày linh thánh với tôi! Không nhớ ai đã nói câu này, nhưng đó là châm ngôn tôi viết bằng phấn màu trên bức tường đất trước bàn học thuở thanh niên đầy mơ mộng của tôi. “Tạ ơn bước chân hoang, trái tim lầm lạc” – thơ Inrasara đấy!

2. Inrasara và hành trình khám phá ‘năng lượng văn hóa Chăm’
“Chưa đủ cô đơn để sáng tạo”. Anh đã viết một tiểu luận mang tên gọi như thế. Nhưng thống kê lại những việc anh đã làm thì hẳn là Inrasara đã quá đủ cô đơn rồi. Cô đơn nhưng không cô độc đâu nhé, tôi biết Inrasara là con người như thế. Trong anh, cô đơn là tự thân hay một sự gượng ép, một lựa chọn bắt buộc mình phải cô đơn “để sáng tạo”?
Inrasara: Cendrars cho rằng có ba điều làm phong phú tâm hồn một con người: Trải nghiệm ở nhiều vùng đất, tiếp xúc với nhiều con người và tiếp cận nhiều ý tưởng. Tôi thêm: Cuối cùng phải cần thiết trở lại với cô đơn. Cô đơn để kiểm nghiệm chúng, cho tất cả lắng lại ở miền thẳm sâu tâm hồn mình. Tôi phân cô đơn làm ba tầng: Cô đơn trước khi viết, người viết đối mặt với con chữ và ý tưởng chính của tác phẩm sắp viết mà không bị chi phối bởi đề tài nào khác; cô đơn trong khi viết, tâm trí nhà văn không phải bị tán loạn bởi nên hay không nên thế này thế kia, tự do hoàn toàn trước trang giấy hay màn hình trắng; cuối cùng, cô đơn sau khi tác phẩm đã ra đời, kẻ sáng tạo loại bỏ mọi chộn rộn với những khen chê; tác phẩm mình sẽ tự bảo vệ nó trước công luận, mà không cần đến sự can thiệp của tác giả. Kẻ sáng tạo lao vào tác phẩm mới. Đó chính là sự cô đơn toàn phần, cô đơn đầu tiên và cuối cùng.

Inrasara đã góp công lớn trong việc “khai quật”, nghiên cứu và làm xuất lộ nhiều tầng nền văn hóa Chăm hay chính văn hóa dân tộc Chăm đã làm nên Inrasara?
Inrasara: “Văn hóa Champa là văn hóa đùa vui/ Chịu chơi cả trong đau khổ” (thơ Inrasara). Mười bảy thế kỉ tồn tại, sáng tạo và đùa vui, người Champa đã để lại cho đời bao nhiêu thành tích giàu sang và chói sáng, đến nỗi hơn hai trăm năm bị lãng quên và hủy hoại vẫn chưa thể chôn vùi hết chúng. Nửa đời người yêu thương, nhập cuộc đùa vui với nền văn hóa ấy, tôi vỡ được vài lớp vữa từ trầm tích phong nhiêu kia. Nhưng mấy thành tựu cỏn con đó không thấm vào đâu cả, so với những gì tổ tiên Chăm để lại. Nói đúng hơn, chính văn hóa Chăm đã làm nên Inrasara. Bạn có thể hỏi ngược lại, tại sao văn hóa kia đã không làm nên người nào đó, mà là Sara? – Bí ẩn ở chính sự tiếp nhận tinh thần nhập cuộc chịu chơi ra sao của sinh thể Chăm nào đó…

Suốt cuộc đời anh là một cuộc hành trình ra đi trong trở về – ra đi vào thế giới cao rộng và trở về với không gian văn hóa cội nguồn Chăm. Hãy lý giải điều này?
Inrasara: Có thể lấy con diều làm so sánh. Cánh diều càng to để có thể tung bay giữa khoảng trời cao lộng gió thế nào thì nó cần đến sợi dây săn chắc thế ấy; sợi dây đó càng bám chặt vào cọc trụ được cắm sâu vào lòng đất quê hương. Không thể khác.

Trong cuộc hành trình ấy, có lúc nào anh cảm thấy cô độc và mệt mỏi? Anh có thấy hoang mang khi mà bể cả mênh mông văn hóa Chăm chỉ có rất ít người, trong đó có anh, khám phá, trong khi đó, rất cần một cuộc chạy tiếp sức đến tương lai?…
Inrasara: Xin trích đoạn “Bế tắc sáng tạo” trong Song thoại với cái mới (2008):
“Tôi biết rằng mình rất nghiêm túc trong nghiên cứu văn chương Chăm, kiên nhẫn trình bày nền văn chương đang nguy cơ trầm một này cho thế giới bên ngoài biết; rất nghiêm trang canh giữ ngôn ngữ dân tộc đang ngưỡng lai tạp bằng sáng tác thơ ca, nhưng tôi cũng biết rằng cái nghiêm túc, nghiêm trang với nỗi kiên nhẫn kia vẫn là trò chơi. Khi nhận thức sâu thẳm như thế, chúng ta nhập cuộc vào trò chơi. Không tính toán. Ngôn ngữ mang chở nền văn chương ngàn năm kia, nhúm tập thơ mỏng tang cùng dăm ba công trình nghiên cứu dày cộp này, ngày nào đó rồi cũng tiêu vong. Không vấn đề gì cả! Không vì thế mà ta chán nản bỏ cuộc hay bày trò bế tắc”.
Tôi cho đó là lối chủng ngừa hiệu quả giữa cuộc vật lộn vô tận này.
Còn các cuộc chạy tiếp sức ở thì tương lai ư? Hãy xem bút lực của các cây bút trẻ trong đặc san Tagalau, thì biết ngay thôi.

Trong cuốn “Văn hóa xã hội Chăm – nghiên cứu và đối thoại” của anh do NXB Văn học ấn hành năm 2008, tôi rất thích chương “Điểm danh các khuyết tật Chăm”. Đó là sự đồng thoại, song thoại hay đối thoại? Có ai trong Chăm phản biện lại anh và phản ứng về những điều anh nói?
Inrasara: Làm nhà văn có nghĩa là bị đẩy xuống tàu, Camus nói thế. Không phải nhập cuộc (engagé) mà là bị đẩy xuống tàu (embarqué). Khi bị đẩy xuống, tôi đã phải chiến đấu để chèo chống con tàu qua cơn sóng gió. Vào cuộc, tôi không thể từ chối lên tiếng. Về nhiều vấn đề nóng, cộm của xã hội. Lao mình vào nhiều lĩnh vực: Sáng tác, nghiên cứu, phê bình, hoạt động xã hội… Một nhà văn như thế không nhận phản hồi hay phản ứng từ cộng đồng mới lạ. Tốt và xấu, tích cực hay tiêu cực, đồng tình với phản bác, đủ cả. Tôi bình tĩnh đón nhận chúng. Có vị còn tố cáo tôi “kết án mười thói tật” của dân tộc mình nữa là. Ồ, nếu suy luận kiểu đó thì có riêng Chăm đâu, tôi còn “kết án” bao nhiêu nhà thơ và giới phê bình người Kinh nữa! Thử lướt qua vài tiểu luận: “Gọi tên các căn bệnh phê bình hôm nay”, “Khuyết tật của hội thảo”, “Giải Nobel cho văn chương Việt, tại sao chưa?”, “Độc giả cũng cần phải được đào tạo”, “Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ”, “Thiếu tư tưởng, nên phê bình ăn theo sáng tác”, “Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ”…

Tagalau – cuốn tạp chí nghiên cứu văn hóa Chăm mang tên một loài hoa tím quê hương anh, là cuốn tạp chí duy nhất ở Việt Nam chỉ tập trung chủ đề cho việc nghiên cứu văn hóa của một tộc người. Từ đâu mà anh và những cộng sự đã đưa ra ý tưởng xuất bản Tagalau? Anh có nghĩ là nó sẽ đủ sức vượt khó, đứng vững và phát triển?Có nhiều người ngoài Chăm đọc Tagalau?
Inrasara: Tagalau manh nha từ năm 1996 qua số đặc biệt về Katê Chăm do các cây bút Chăm viết, in ở đặc san Văn nghệ Dân tộc & Miền núi của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau ba năm thử thách, mùa Katê 2000, Tagalau ra số đầu tiên. Đây là ý tưởng của tôi và nhóm trí thức Chăm gồm Trà Vigia, Trầm Ngọc Lan, Nguyễn Văn Tỷ… Qua hai kì, không ít vị đã chơi cáp độ về chuyện đến năm nào nó cắt khẩu. Nhưng bạn thấy đó, dù bao gian nan trắc trở, mười một cây Tagalau sống sót qua mười năm, ngày càng xanh lá tốt cây. Đến kì mười một, nó còn được nhóm trẻ tiếp sức. Trong số đó không ít thuộc dân tộc ngoài Chăm. Viết, đọc và ủng hộ.

3. Inrasara – Thi sĩ cách tân
Trong tiểu thuyết Chân dung Cát, anh đã cho nhân vật của mình phát biểu “viết như một công dân của thế giới”, có lẽ đây cũng là phương châm của tác giả – Inrasara? Và nếu như vậy, anh đã làm được mấy phần theo phương châm ấy?
Inrasara: Cứ cho đó là tuyên ngôn của tôi đi. Nhưng hãy hiểu nó theo tinh thần của châm ngôn hậu hiện đại: “Suy tư toàn cầu, hành động địa phương”. Ta hiểu hệ sinh thái của trái đất bị tàn phá đang tác động lên toàn thể cuộc sống con người trên trái đất. Song ta đừng lo lắng cho thế giới mà hãy cặm cụi trồng cây trong khu vườn nhà ta, can ngăn bà con ta chớ phá rừng, là ta đã làm việc cho thế giới rồi. Với nhà thơ, cứ canh thức ngôn ngữ dân tộc, viết sâu thẳm về con người sống quanh bạn, là bạn đã “viết như một công dân thế giới”. Bởi thế giới là bạn và tôi, chứ không là cái gì trừu tượng khác.

Thi sỹ là người lưu giữ ký ức dân tộc, – Inrasara đã nói như thế. Làm một phép tự đánh giá, anh đã làm gì và còn làm gì để lưu giữ ký ức dân tộc Chăm của mình (và mở rộng hơn là dân tộc Việt Nam)?
Inrasara: Tôi đã làm Nhà Trưng bày Văn hóa Chăm Inrahani ở Caklaing, trưng bày các sản phẩm văn hóa vật thể như: Nông ngư cụ, đồ dùng hàng ngày, nhạc cụ, các bản sao tượng cổ Chăm… Tôi cũng đã làm xong bộ Văn học Chăm, Khái luận – văn tuyển, góp phần soạn ba cuốn Từ điển song ngữ Chăm – Việt, biên soạn Tự học tiếng Chăm… để bảo lưu một phần văn hóa hóa phi vật thể dân tộc. Nhưng nhà thơ “lưu giữ kí ức dân tộc” không như nhà khảo cổ, nhà dân tộc học hay nhà sử học, mà như một nhà thơ và tư tưởng gia. Nghĩa là phần tinh túy nhất của tinh thần dân tộc, minh triết của dân tộc ấy. Là câu chuyện kể xuyên thế hệ, tồn tại và lưu truyền đời này sang đời khác qua ngôn ngữ dân tộc.

Chỉ riêng sáng tạo văn chương, Inrasara đã là một người rất nổi tiếng, bởi số lượng tác phẩm và hàm lượng những giá trị sáng tạo. Đến lúc này, anh thấy năng lượng sáng tạo của mình còn dồi dào hay đã sắp bước vào thời kỳ hanh hao?
Inrasara: Chưa! Nó cứ tràn trào và đòi hỏi tôi thể hiện. Vấn đề là tôi phải tìm ra cách nói khác, lối thể hiện khác. Khác tôi cũ, cũng như khác các nhà văn khác.

Inrasara là một thi sỹ cách tân và luôn cổ súy cho những cuộc cách tân thi ca, ủng hộ những tác giả khao khát đổi mới. Những giải thưởng được trao cho anh (về văn chương) thường được chấm bởi một hội đồng không ưa lắm sự cách tân, đúng không? Vậy theo anh thì tại sao họ chấp nhận chọn tác phẩm của anh? Trong tiến trình cách tân và ủng hộ cách tân không mệt mỏi, có lúc nào anh e ngại sự đụng chạm đâu đó, ai đó?
Inrasara: Về phần đầu câu hỏi, tốt hơn bạn nên hỏi Hội đồng đó. Theo tôi, sau Tháp nắng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1997) ở lại với bút pháp hậu lãng mạn, Lễ Tẩy trần tháng Tư (Giải thưởng cũng của Hội này năm 2003) vẫn còn “hiện đại” lắm. Nghĩa là lối thơ mà Hội đồng đó có thể chấp nhận được. Do đó, hai tập trên đoạt Giải, chẳng có gì ngạc nhiên cả. Đến Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (2006), nhất là Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2010) đầy cảm thức hậu hiện đại được thể hiện bằng thủ pháp hậu hiện đại, thì Hội đồng [“không ưa lắm sự cách tân”, như bạn nói] đành im lặng thôi, có lẽ.
Cách tân, không phải cách tân hời hợt nửa vời như thay đổi trật tự câu chữ hoặc uốn éo ngôn từ… mà là thay đổi lớn, thay đổi mang tính hệ mĩ học. Nó không bị dị ứng hay va chạm với lực lượng bảo thủ, mới lạ. Sự thể đã xảy ra nhiều lần và liên tục, biểu hiện bằng nhiều thái độ với mức độ khác nhau. Tôi cũng đã có phản ứng rải rác đây đó, xin miễn nhắc lại. Nhưng lẽ nào ngại va chạm mà từ chối làm hay ủng hộ, cổ súy cái mới? Như vậy, thơ Việt sẽ đi về đâu?…

Những gì Inrasara đang làm và những dự định tiếp theo của anh?
Inrasara: Tôi đã xong bộ Thơ Việt đương đại bốn tập, gồm: Thơ như là con đường (tiểu luận), Nhập cuộc về hướng mở (tiểu luận về thơ Dân tộc Thiểu số Việt Nam), Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại (nghiên cứu, phê bình, tuyển 18 nhà thơ), Thơ Việt – các khuôn mặt mới (nghiên cứu, phê bình, tuyển 24 nhà thơ) chỉ chờ in. Hàng mã kí ức (tiểu thuyết) và Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] đang in. Trước mắt tôi là ba cuốn tiểu thuyết dự kiến. Và tiếp tục sáng tác thơ, đương nhiên…

One thought on “Uông Thái Biểu: Inrasara, từ hành trình khám phá ‘năng lượng văn hóa Chăm’ đến thi sĩ cách tân

  1. @Klủn:
    Ông Inra đẹp trai lâu rồi chớ không phải bây giờ mới đẹp.
    Tôi thấy trong hình ổng chẳng cười đến nỗi “săng sái” như bạn nói.
    Chụp với những đồ vật đó, tôi không nghĩ là ổng cố ý.
    (Chụp ở Tây Ninh thì dĩ nhiên đó không phải là đồ vật của ổng rồi)
    Bức ảnh còn nhiều thứ khác, sao bạn Klủn để ý chi hai thứ đó vậy cà?

Leave a Reply to Một bạn đọc Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *