Câu chuyện thứ sáu của Lm. Trường Thăng: Con vỏi con voi


VỀ NHỮNG CON VOI KINH ĐÔ CHAMPA SIMHAPURA

Lịch sử cho biết một tu sĩ Dòng Phan Sinh (Franciscain), tên là Odoric Pordenone, trên đường từ Ấn Độ đi Trung Quốc, Nhật Bản, có ghé qua Dondiin khoảng giữa những năm 1318-1321 và nói là đã thấy ở đó “nhiều điều kỳ lạ như cá tới thần phục nhà vua, 14.000 con voi gia dụng và một con rùa lớn hơn gác chuông nhà thờ thánh Martin ở Padoue” và có người cho rằng Dondiin là Bình Định, và ông vua có quyền lớn kia là Vua Chiêm Thành Chế Anan (1318 -1343) (Trương Bá Cần. Lịch sử Phát triển công giáo ở Việt Nam. Tập I. Hà Nội 2008, tr. 22.) Người đã viết điều đó chính là Linh mục Nguyên Hồng – một linh mục chết khá trẻ – trong cuốn Lịch sử công giáo Việt Nam tập 1, ngài viết “Theo nhiều nhà chép sử truyền giáo miền Đông Á thì vào thế kỷ XIV, cha Odorico de Perdenone trong cuộc vượt biển từ Âu Châu sang Á Châu có đỗ lại ở tỉnh Bình Định lúc đó còn là đất của người Chiêm Thành, đời vua Chế A Nan (1318-1343). Trước cha, vào thế kỷ XIII, Marco Polo trên con đường từ Vân Nam xuống Chiêm Thành cũng qua đất Việt.”
Chuyện cá, chuyện rùa to lớn hơn tháp chuông, chuyện 14 ngàn con voi… hơi khó tin. Nguyên việc phải cho chúng ăn trong một ngày, mỗi con vài tạ thức cỏ cây… thì lấy đâu người và thực phẩm để phục dịch chúng. Ai có cuốn sách ”quý” nầy thì nên xem, đó là cuốn “Những cuộc du hành thế kỷ 14 của Thầy hiền đức Odoric” (Les voyages au XIVe siècle du Bienheureux Frere Odoric do nhà H. Cordier xuất bản năm 1891, tt.187…)
Cả vạn con tập trung tại một địa điểm hơi khó tin, nhưng vài trăm, một ngàn con voi ở đất Champa thì có thể tin được.

Chuyện voi chiến của quân đội Champa cũng đã được sách Trung Quốc nói đến. Khi tướng Lưu Phương đời nhà Tùy tấn công kinh đô Champa, ông đã cho đào hố ngụy trang và khi voi chiến Champa tấn công đã bị sụp hầm khiến đội “xe tăng tượng binh” trở thành vô dụng. Kinh đô nào, hầu chắc là Simhapura Sư tử thành Trà Kiệu thôi.
Nói chuyện chiến tranh không vui gì.
Nhưng chuyện con voi Champa trong nghệ thuật thì nên bàn đến.
Tôi không nói đến voi thần Ganesa, vì đụng đến niềm tin tôn giáo, tuy rằng hình tượng chạm khắc voi thần cũng đáng bàn.
Tôi cũng không bàn đến con Gajasimha… đầu voi mình sư tử, khá lạ.
Tôi chỉ viết về con voi thật trên các ngọn tháp, các phù điêu, tượng tròn… còn sót lại hoặc được lưu giữ qua tranh ảnh.
Hình ảnh con voi chạm trên gạch nung hoặc đá ở các đền tháp Mỹ Sơn và Đồng Dương vẫn còn đó.
Trong cuốn sách: Các sứ mạng khảo cổ Pháp ở Việt Nam. Những công trình Champa (Missions archeologiques francaises au Viet Nam. Les monuments du Champa. Photographies et itinéraires 1902- 1904, Paris 2005). Tôi quá thương cho ông Tây Charles Carpeaux tận tụy với công việc khai quật và chết trẻ (1870- 1904). Nhờ ông mà chúng ta hiểu thêm về nhưng hiện vật đang trưng bày khắp nơi khi còn đang nguyên trạng (in situ) ở Mỹ Sơn hoặc Đồng Dương.
Từ các voi vùng Amaravati đến voi Viyaya hoặc Phan Thiết, lúc nào voi cũng được nhà điêu khắc Chăm gửi gắm những tình cảm thân thương.
Cũng may, qua bao cuộc chiến tranh, bao nhiêu biến đổi tang thương trên đất giải đất miền Trung nầy, tuy voi thật đã biến mất, nhưng những con voi đất, đá vẫn còn đó và tiếp tục tồn tại qua các nghệ nhân Non Nước Ngũ Hành Sơn.



Hùng tráng biết và to lớn biết bao con voi thành Đồ Bàn và Con Voi Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tại Kinh đô Simhapura, không có những con voi cao lớn đó nhưng con voi Trà Kiệu lại có mặt trên khắp thế giới với dáng điệu uyển chuyển, hiền lành.
Tuy có sứt mẻ thương tích vì sự hung bạo của con người nhưng đáng yêu biết bao voi Champa Trà Kiệu.
Linh mục Antôn còn giữ được hai chú voi: một bằng đất nung, mất một chân, một phù điêu voi đá nhỏ, chưa thấy phát hiện kiểu chạm khắc nầy bao giờ. Hai chú voi nhỏ duyên dáng trên luôn theo tôi trên các nẻo đường phục vụ.
Giáo xứ Trà Kiệu còn sở hữu được hai voi đá mà một con – theo tôi – là con voi đẹp nhất trong hàng mấy chục con loại nầy còn lưu giữ tại các bảo tàng từ Âu sang Mỹ, cũng như tại Việt Nam.
Hãy xem cái khối đá nặng nề và tấm thân “ bồ tượng” kia dường như biến mất, chỉ còn lại là bước đi duyên dáng, cái uốn mình, uốn vòi vô cùng dễ thương, điệu nghệ như voi đang tung tăng, nô đùa.
Voi sống, chúng ta còn gặp lại, nhưng còn đâu người nghệ sĩ nghìn năm trước.
Dấu ấn của chàng và dân tộc tài hoa Champa sẽ mãi mãi còn đây!








Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *