Câu chuyện Aw kamei Cam

Báo Đà Nẵng cuối tuần, 20-2-2011


* Áo thiếu nữ Chăm – Photo Chế Mỹ Lan.

Mỗi bận chị mặc áo ngắn là mẹ la: “Hư raglai?” Mày người rừng à?
Theo ý mẹ, phải là Aw kamei Cam áo dài Chăm thì mới là Chăm. Không thì là người thuộc sắc tộc nào đó không biết. Hay tệ hơn: Dân tộc chưa văn minh. Mẹ la chị thế, để răn em gái tôi. Vẫn câu đó lặp lại, tôi nghe mãi từ thuở xà lỏn. Riết thành quen. Thế là chị chạy biến vào nhà thay. Nhưng rồi thế nào đó, nực quá với sẵn mẹ vắng nhà, chị lại mặc aw Ywơn. Mặc sức mà ham chơi bay nhảy với lũ bạn.
Mẹ thì khác. Tôi chưa lần nào nhìn thấy mẹ mặc áo ngắn. Cùng lắm là “áo nhỏ” là thứ áo lót trong, những lúc mẹ tắm. Hầu hết phụ nữ Chăm đều thế cả.
Nói chi các bà mẹ, mấy cô thiếu nữ Caklaing quê tôi những năm sáu mươi, không ai là không aw kamei Cam. Phải là gia đình nghèo rớt hay mấy đứa không biết gì mới không thủ sẵn hai, bai bộ trong rương. Hiện tượng này không phải là không có. Có, nhưng rất hiếm. Và nhất là luôn mắc cở với cánh bạn. Riêng các dịp lễ hội thì miễn bàn: Quý bà, quý cô phô ra bao nhiêu là màu áo với đủ dạng đủ kiểu.
Nửa thế kỉ sau thôi, tình trạng đã khác. Khác lắm rồi. Cô gái Chăm mắc cở vì aw kamei Cam!

Nhưng hưỡn đã!
“Tiến bộ” này cũng có quá trình của nó. Thuở Trường Trung học Pô-Klong, tất cả nữ sinh đều mặc đồng phục áo dài và váy. Một màu trắng tinh. Năm 1971, mỗi thứ Hai đầu tuần, Trường còn tuyển mười cô gái xinh nhất mặc aw bak kwang đứng xếp hàng hát chào cờ nữa. Rất đẹp mắt! Mô đen lúc này là lai áo được nâng lên khá cao để lộ ra phần váy dài chấm gót, điệu không kém. Còn các kiểu cổ áo thì chị em mặc sức cách điệu. Cả vài cô nữ sinh Parik vào học Pô-Klong cũng đua nhau khoe kiểu áo, váy. Được biết, người nữ Chăm Phan Rí lúc này đã lây nhiễm văn minh, sinh hoạt ở nhà đã ăn mặc như… Kinh. Nên mỗi lần đám học sinh chúng tôi vào chơi bắt gặp, các bạn chạy ù vào nhà thay áo với váy. Ừa, cũng được. Còn biết mắc cở với… y phục phi Chăm, thì không gì phải trách nhau cả. Hòa cả làng. Bởi dẫu sao, chị em còn biết xấu hổ khi chối mình là Chăm.


* Aw bak kwang ba màu – Photo Inrajaya.

Aw kamei Chăm là dấu hiệu bề ngoài phân biệt Chăm với các sắc dân khác. Mẹ la chị là vậy. Dù với kiểu áo bó tay, mỗi lần cởi là mỗi bận mẹ réo ơi hỡi chị “mày tới phụ kéo với tao”. Áo với váy, càng khác càng tốt. Không có chi là phân biệt đối xử cả! Nên, dù thời cuộc có thay đổi đến đâu, hãy giữ lấy nó – bà con nghĩ vậy. Để còn nhận được mặt nhau, nhận mặt mũi Chăm, giữa mênh mông thiên địa này.
Mùa xuân năm 1993, vừa thoắt nhìn thấy ba phụ nữ mặc áo váy Chăm thất thểu và ngơ ngác trước cửa chợ Thị Nghè, nhạc sĩ Tantu dừng xe chạy tới hỏi thăm. Biết là các chị luân lạc miền Tây mót lúa kiếm sống trên đường về nhà túng quẫn, đang tìm người quen xin tiền xe về. Giữa bao la đất Sài Gòn này, làm gì gặp người quen! Thế là anh hú anh em chúng tôi gom mỗi người một ít giúp chị em về quê an toàn.

Chăm đã mất nhiều rồi, chỉ còn mỗi akhar thrah với khan Cam. Mất hai thứ này nữa thì coi như mất tuốt tuồn tuột. Khốn nỗi, akhar với khan lại đồng âm (cùng đọc là “khăn”), thế là dân có chữ mang blơk/ pơh akhar (giở sách) với blơk/ pơh khan (vén váy) ra mà đùa nhau. Các bà các mẹ đâu phải vừa: – Quý ông thiếu mất hai thứ đó thì hết là Chăm! Còn nếu có tự nhận mình Chăm thì là Chăm giả hiệu, Chăm lai căn mất gốc, Chăm không đáng mặt anh hào đàn ông Chăm. Không sai! Đàn ông Chăm thế hệ 4X không ai là không biết chữ Chăm. Đó là hiện tượng lạ. Lạ, bởi người Chăm không tổ chức dạy học có trường ốc, mà là cha dạy cho con, ông truyền cho cháu hay thầy giảng cho trò. Nữa, Chăm theo chế độ mẫu hệ, chỉ là Chăm rặt Cam harat mới được vào Kut chính đúng nghĩa trở về nhà mai sang, chứ ông đi gieo giống đẩu đâu thì muốn giải quyết cho ổn thỏa bộ phận F2, F3 này là việc khá nhiêu khê. Mươi năm nay Bà-la-môn còn linh động quang quảng chiếu cố xem xét sự vụ, chứ bốn thập niên trước thôi, các sinh linh kia bị loại ra khỏi cộng đồng không thương tiếc! Nói tôn giáo Chăm (Bà-la-môn) đóng là vậy. Dẫu sao sự thể vẫn có mặt tích cực của nó: Ông bà muốn nhắc quý ông Chăm hãy biết pơh khan vén váy người mình, chớ có khờ khạo một mực đi lột quần hay kéo phẹc-mơ-tuya chị em dân tộc nào khác (có nổi hứng ghé uống nước thì không sao!) thì nòi giống Chăm tiêu tán đường rồi còn đâu để tồn tại mà truyền lưu bản sắc văn hóa dân tộc gọi là đậm đà!?
Lợi cả đôi đường. Do đó, hãy giữ!
Chăm hiện đại có nói độn bảy mươi hay tám mươi phần trăm tiếng Việt tiếng Tây, ai có hỏi đến chuyện nên bỏ akhar thrah không? Câu trả lời dứt khoát là không. Có nên La tinh hóa chữ Chăm không? – Không!
Cho nên, dù cho bão tố có kéo qua đây, – vẫn cứ giữ… váy Chăm, chữ Chăm.


* Kiểu áo thế hệ 1940 – Photo Inrasara.

*
Bàn về bản sắc thì rất khó.
Áo dài Việt có phải là bản sắc Việt không? Chưa hẳn! Bởi nó mới chỉ có mặt từ thời Pháp thôi. Thơ Mới của Việt Nam cũng vậy, nó chỉ được vay mượn thơ Lãng mạn Pháp cuối thế kỉ XIX. Vậy mà cả hai thứ đó bây giờ là bản sắc Việt. Khi cả cộng đồng sử dụng nó trong thời gian đủ lâu, khi nó đẹp, và khi ta gọi nó là bản sắc thì nó chính là bản sắc.
Áo dài Aw kamei Cam có đủ 3 yếu tố đó: Nó là bản sắc Chăm. Là chuyện khỏi bàn!

Câu chuyện 1. Bác Hồ khi thăm một trường đồng bào dân tộc, đã ngạc nhiên hỏi: Tại sao trường dân tộc thiểu số mà toàn các cháu Kinh học? Ông hiệu trưởng mới bảo: – Thưa Bác, là học sinh dân tộc đó Bác à? – Học sinh dân tộc sao lại mặc áo Kinh? Ông hiệu trưởng ú ớ. Từ đó trường này đồng phục áo dân tộc.
Chuyện mang hai ý. Bác Hồ luôn chủ trương đồng bào dân tộc thì mặc áo dân tộc, nhất là cánh học sinh. Vậy nếu nhà trường nào bảo học sinh dân tộc mặc áo dài Việt đi học là sai. Ý thứ hai: Không mặc áo dân tộc là lỗi của học sinh, chứ không lỗi tại Ban giám hiệu.

Câu chuyện 2. Một chiều, đầu những năm chín mưới của thế kỉ trước, ông chú ở palei Bauh Dơng ghé thăm tôi đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á tại Trường Đại học Khoa học & Xã hội TP Hồ Chí Minh. Để tiện hàn huyện nỗi quê nhà, hai chú cháu kéo nhau ra quán cà phê cóc trước cổng Trường ngồi. Chuyện đang ngon trớn, đột ngột chú quay sang hỏi:
– Mấy cô gái Chăm học ở đây trắng trẻo quá nhỉ.
Chú chỉ trỏ mấy nữ sinh viên mặc “váy” đang bước vào cổng.
– Có đâu! Tôi quay sang chú, nói – Mấy cô gái Nhật, Hàn đấy chứ Chăm mình đâu.
Chú vẫn chưa hết ngạc nhiên: – Sao họ lại mặc váy Chăm? À, thì ra chú nhà quê cứ nghĩ mỗi Chăm mới có váy. Hiểu ý chú, tôi hỏi:
– Đẹp không?
– Đẹp quá đi chứ.
Ừ, nó đẹp. Rất đẹp nữa không chừng. Chiếc váy [Chăm] với bao nhiêu cách điệu đầy sáng tạo kia. Nó làm sang trọng người nữ. Vậy sao chị em Chăm không nghĩ cách sáng tạo chó nó tiẹn hơn, đẹp hơn, với phong phú thêm vào mà tính chuyện vứt nó đi.
Hỏi có uổng không chớ?!


* Aw kamei bà con Chăm Islam.

Có thể rút ra kết luận: Thứ nhất, sinh viên Nhật, Hàn thì không lạc hậu rồi. Thứ hai, váy Chăm không bất tiện như mọi người kêu. Cuối cùng, nếu biết cách điệu, váy Chăm còn đẹp trăm lần các thứ quần khác!
Các bạn thấy đó, Aw kamei áo dài và Khan váy Chăm vừa đậm đà bản sắc vừa đẹp. Còn nếu các bạn nữ nào muốn từ chối mình là Chăm thì… chịu.

Có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm
mới ít tháng tha phương – anh không nhận Việt Nam
vì tự trọng – Karl Jaspers không cho mình người Đức
Henry Miller chối từ Mỹ – bởi chán ghét chiến tranh
giữa không nhận và chối từ kia cách nhau trời vực
.

6 thoughts on “Câu chuyện Aw kamei Cam

  1. CHAMPA NẮNG CÒN EM

    Nghiêng mặt dưới trời khô không khốc
    Chỉ thấy những cây xương rồng vẫn giơ gai
    Tự vệ.
    Em- người con gái Chămpa nhiều khi vẫn giật mình của ồn ào tiền kiếp qua khe cửa linh hồn.
    Rừng đang lụi, đàn voi hoang thét lên trời cổ tích.
    Biển ầm ào khắc khoải điền viên…
    Và bao giờ em chết. Cũng như những người còn ở lại.
    Không!
    Không tấm vải nào còn tung trong gió cát, đã mất lâu rồi- kiếp mượn;
    Tiêu điều ơi, tao gọi mày là giặc.
    Máu của em với những người da nâu vẫn căng đầy như máu xương rồng
    Đội nắng ngóng mưa về đất mẹ.
    Và tôi: Em không thể giết đi để lấy lại những gì đã mất.
    Bởi anh chả được hưởng bạc vàng từ cổ nhân.
    Em biết?
    Ánh nắng sẽ dịu lành khi mình còn nắm tay nhau trong mọi ngày thức giấc.

  2. Bài thơ đặc sắc bạn à. Cộng tác với inrasara.com nhé.
    Trang chính thức.
    Thân
    Sara

  3. Mình cũng thấy đây là một bài thơ tốt. Có phải trong câu “Ánh nắng sẽ dịu lành khi mình còn lắm tay nhau trong mọi ngày thức giấc”, khả lôi NVV nhầm từ “nắm tay … ” thay vì là “lắm tay …” không nhỉ!?

  4. Cám ơn bác! Em hay nhầm L,N nẫn nộn cả nàng em nó thế.
    “Ánh nắng sẽ dịu lành khi mình còn nắm tay nhau trong mọi ngày thức giấc”

  5. Cảm ơn chú INRASARA có lời mời, nhưng mà đăng kí thành viên thế nào ạ? Cháu rất chậm chạp về công nghệ tt. Cũng phiền BBT sửa dùm lỗi câu cuối.
    Thân mến!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *