Nguyễn Trường Thăng

Chuyện gạch ngói tưởng là quá đơn giản, thật ra không đơn giản chút nào.
Trước hết phải trả lời các câu hỏi : Gạch ngói xuất hiện khi nào? Các loại lò nung gạch? Nhiệt độ nung?
Nếu không có người nghiên cứu trước, ta cũng chẳng biết đâu mà lần. May mắn thay ngày nay có Internet, chúng ta tìm thông tin không khó lắm. Qua bài viết “Brick” (Gạch) của Wikipedia chúng ta biết gạch bùn xuất hiện từ 7500 trước Chúa Giêsu ra đời tức cách đây gần 10.000 năm tại vùng sông Tigris Đông Nam xứ Anatolia. Loại gạch ở thành Giêricô nay thuộc nước Palestina có niên đại từ 7000 đến 6,395 trước Chúa Giêsu. Gạch phơi nắng ở thành Ur cách đây 6000 năm tức 4000 năm trước Chúa Giáng sinh.
Người Ấn Độ, người Hy Lạp và Rôma biết nung gạch dùng cho chiến tranh như xây pháo đài hoặc dân dụng, xây nhà. Cùng thời, bên Trung Hoa, gạch xuất hiện cách đây 5.800 năm.
Tại Việt Nam chúng ta cũng thấy gạch xuất hiện từ thời Bắc thuộc nhưng mãi đến thế kỷ 10, chúng ta mới thực sự dành lại được độc lập trong khi người Chăm đã thoát ách nầy từ thế kỷ 2 sau Công nguyên.
Ngoài công trình phòng thủ thành quách xây bằng gạch, người Chăm còn sử dụng gạch trong kiến trúc đền tháp, nhà cửa. Sách Thủy Kinh chú viết vào thế kỷ 6 mô tả việc xây dựng thành trì, cung điện bằng gạch của vua Champa.
Các đền tháp Mỹ Sơn và các vùng khác đã gây ấn tượng sâu xa cho mọi người vì cách thức sử dụng gạch trong các công trình hàng ngàn năm qua. Chúng ta khâm phục người Rôma và Trung Hoa trong việc tạo ra các chất hồ (xi măng) liên kết các viên gạch bao nhiêu, chúng ta lại càng thán phục người Chăm trong việc sử dụng gạch không cần chất kết dính và nếu có cũng chỉ là một lớp rất mỏng.


* Bàn chân Chăm nghìn năm trước

Trong bài viết nầy, tôi không dám bàn đến cách thức xây dựng của người Chăm hoặc phương pháp sản xuất và sử dụng gạch nung của họ, một công việc đã được nhiều người quan tâm. Tôi chỉ muốn đưa ra những thông tin về những viên gạch đã được sưu tập được tại Trà Kiệu Simhapura trong 14 năm làm việc tại đây, mục đích chính là để giới thiệu và nếu cần dùng để so sánh với gạch các vùng khác.
Cũng may các bạn sinh viên thuộc ngành khảo cổ Đại học Tổng hợp Hà Nội đã nhanh chóng làm hộ công việc phân tích các viên gạch nầy. Nhóm đầu là hai cô gái Lào Thoong My và Pha Nouvong cũng như Trần Văn Bảo, Hồ Bách Khoa do Giáo sư Trần Quốc Vượng hướng dẫn vào năm 1985; kế tiếp là cô Hoàng thị Nhung, người có nhiều may mắn hơn vì có nhiều nguồn thông tin hơn do thầy Nguyễn Chiểu làm trưởng đoàn.
Trong luận văn tốt nghiệp chuyên ngành Khảo cổ học khóa 31, 1986-1991 cô Hoàng thị Nhung đã mô tả nhiều về “Một số đồ gốm Chàm cổ ở Trà Kiệu” trong đó có nhóm Gốm kiến trúc. Riêng về gạch, cô đã chịu khó dành gần 4 trang đánh máy từ 29 đến 32 để khảo tả, phân tích các kiểu dáng và đo đạc cẩn thận, chỉ thiếu phần cân trọng lượng từng viên. Nhưng những thông tin đó cũng giúp chúng ta nhiều khi tìm hiểu về gạch Kinh thành Simhapura.

* Gạch Chăm tìm thấy ở Trà Kiệu
Cô viết “Ở Trà Kiệu gạch ngói là loại hiện vật phổ biến, chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số đồ gốm tìm thấy ở đây”… Gạch Chàm ở Trà Kiệu rất nhiều, ở đâu cũng thấy, có nơi chất thành đống”.
Cô kể ra 20 viên trong đó có 15 viên thuộc bộ sưu tập Nhà thờ Trà Kiệu.
Cô chia ra. Kiểu 1: gạch có hình khối hộp, kích thước lớn. Kiểu 2: hình chữ nhật, mỏng và các kiểu khác như hình vành khăn. Cô cho biết nhiều loại nung thấp, có loại nung cao biến thành sành.
Cô kết luận phần gạch: “Phần lớn gạch được làm bằng đất sét pha, không được lọc rửa. Người thợ sử dụng nguyên liệu địa phương để sản xuất gạch, đất được lấy ở các đồi, gò vì trong gạch thấy lẫn sạn đá ong. Với độ rắn cao, sức bền tốt, trải qua hàng ngàn năm sương gió những viên gạch nầy vẫn duy trì được chất lượng của nó. Gạch Chàm đã mang nét rất riêng của nó “chẳng cần một yếu tố nào bên ngoài, người Chàm đã xuất trình một nền kiến trúc gạch với một kỹ thuật chế tác tuyệt vời” (Tống Trung Tín, 1967; Hoàng thị Nhung, Một số loại hình đồ gốm Chàm cổ ở Trà Kiệu, Luận văn tốt nghiệp, Hà nội 1991, trang 32).
Đề tài gạch Chăm được khá nhiều người quan tâm từ thi sĩ đến các nhà nghiên cứu vật liệu kiến trúc. Thử gõ vào trang tìm kiếm Google hai từ “Gạch Chăm” ta thấy xuất hiện không biết bao nhiêu bài viết liên quan đến đề tài nầy. Thi sĩ, nhạc sĩ tiếc thương quá khứ. Mỗi viên gạch vỡ vụn trước thời gian lịch sử được được đồng hóa với những vết thương nhân thế. Nhà khảo cổ nghiên cứu so sánh loại chất liệu nầy với các di tích khắp nơi ở Việt Nam và trên thế giới. Người muốn phục chế tìm cách thí nghiệm, lý giải, sản xuất thử như ông Lê Văn Chỉnh, huyện Núi Thành hay các nhà nghiên cứu Tây Phương áp dụng những phương pháp khoa học tân tiến như máy đo nhiệt độ nung hay kính hiển vi điện tử phân tích các loại đất đá.

Ai cũng bảo là đã làm được hoặc sắp tìm ra. Phần chúng ta thì cứ đợi chờ vì làm sao mà minh chứng được khi cuộc đời chúng ta quá ngắn ngủi so với thời gian hàng ngàn năm chịu đựng của gạch .
Đến Mỹ Sơn nhìn những viên gạch nghìn năm vẫn tươi sáng, không có mạch hồ, không thể nhét được một vật mỏng như lưỡi dao cạo, bất giác chúng ta phải cúi đầu ngưỡng mộ những con người vô danh ngàn năm xưa.
Đến Hoa Lư, đến Hoàng thành cổ Hà Nội, đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhìn những viên gạch hao hao giống gạch Champa… tôi bất giác nghĩ đến những cuộc chiến Việt- Chiêm xa xưa và phải chăng nhờ các tù binh Chăm mà người Việt đã tiếp thu kỹ thuật Champa trong việc chế tác gạch ngói??
Hiện tại gạch vẫn còn là vật liệu xây dựng thông dụng nhưng liệu trong tương lai loài người còn quan tâm đến gạch nữa hay không?
Phải chăng đá thiên nhiên, sắt thép, composit, nhôm, kính, nano… sẽ thay gạch trong tương lai?
Nhiều người lạc quan như vậy, phần tôi lại nghĩ khác. Trong một bài viết trên tạp chí Kiến trúc cách trên 20 năm, một kiến trúc sư cảnh báo: Vật liệu trên thế giới không phải vô cùng, năng lượng trên thế giới không phải vô cùng, do đó tác giả khuyên các kiến trúc sư phải biết quay về với những vật liệu cũ dễ kiếm, dễ dùng, ở khắp mọi nơi đó là đất, cát. Hãy xây nhà bằng gạch nung giúp giữ nhiệt, cách nhiệt, cách âm. Tường dày: mùa hè mát, mùa đông ấm. Đừng ham xây dựng nhà nhiều tầng , nhà ba bốn tầng giúp bớt tiêu tốn nhiên liệu cho thang máy và các loại máy móc khác vì nhà cao tầng cần vật liệu nhẹ, bền chắc như sắt thép, kính nhôm… giá thành cao, tiêu tốn năng lượng nhiều để sưởi ấm mùa đông và điều hòa nhiệt độ mùa hè… Những lời khuyên rất thiết thực và đã được minh chứng qua các công trình cận đại của người Pháp ở Đông Dương và qua các đền chùa, miếu mạo từ Rôma đến tháp Chăm.
Hãy cố gắng khám phá thêm nữa những bí ẩn gạch Chăm và hãy ứng dụng nhưng phương pháp khoa học tiên tiến nhất để trong tương lai loài người sẽ có một loại vật liệu kiến trúc nhẹ, bền, đẹp, rẻ… chỉ từ đất cát và nước, lửa!
Đó là gạch!
Hội An ngày 17 tháng 2 năm 2011.

Hình 1: Gạch Chăm tìm thấy ở Trà Kiệu
Hình 2: Bàn chân Chăm nghìn năm trước…
Hình 3: Lm. Nguyễn Trường Thăng bên bức họa kinh thành Shimhapura do chính Cha tưởng tượng vẽ ra năm 1985.

3 thoughts on “Nguyễn Trường Thăng

  1. Tôi không có gì để nói về các bài cha Thăng ngoại trừ hai tiếng CÁM ƠN viết to. Rất đặc sắc và đáng ghi nhớ, đáng để các nhà khoa học tiếp bước. Đáng cho chúng tôi là kẻ tài hèn sức mọn hãnh diện.
    Cám ơn Cha.

  2. Ai đã in bàn chân vào đất?
    Gạnh nung còn nguyên vẹn dấu chân
    Một bàn chân Chăm ngàn năm trước
    Ngàn năm sau còn thấy bâng khuâng…

  3. Nhung bai viet cua Cha Thang rat ly thu. Mong Cha viet them nhieu hon nua ve Champa. Xin cam on Cha.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *