Người Chăm có thông minh không? – Thử đặt vấn đề 03

Thử đặt vấn đề 03

Dacey và Lennon cho rằng có 10 đức tính mang tầm quan trọng quyết định đối với tiến trình sáng tạo:
1. chấp nhận tối nghĩa (tolerance of ambiquity);
2. tự do kích thích (stimulus freedom).
Tự do kích thích có nghĩa là phá luật, hoặc coi nó như không có khi có những quy tắc không rõ nghĩa, qua đó người sáng tạo tự làm ra sản phẩm mang tính tưởng tượng của mình. Trong khi đó, có những người hoàn toàn tuân theo luật bởi vì sợ bị sai hay bị phạt. Sự sợ hãi này được cho là một trong những yếu tố cản trở hiệu quả nhất đối với khả năng sáng tạo. Ngược lại, tự do kích thích giúp vượt qua và phát huy khả năng sáng tạo.

3. tự do chức năng (functional freedom)
Tự do chức năng là ngược lại với sự cố định chức năng (functional fixity), mà như thế có thể cản trở khả năng sáng tạo. Giáo dục có hai mặt: một mặt cho ta kiến thức, nhưng càng học có người càng bị cứng ngắt trong lối suy nghĩ (thí dụ về chức năng của một cái gì đó); mặt khác, giáo dục khuyến khích sự suy nghĩ đa dạng và phức tạp. Cho nên chúng ta cần suy nghĩ về cả hai mặt. Có thể lấy học võ làm thí dụ. Học giỏi lý thuyết võ về thế đánh nhưng khi ra trận thật sự thì không thể múa các thế đó mà phải biết uyển chuyển trong các chức năng của thế võ đó.

4. linh hoạt (flexibility)
Mềm dẻo, linh hoạt là đức tính bổ túc cho tự do chức năng ở trên cũng như các đức tính khác. Người sáng tạo là phải linh hoạt trong thế giới rộng mở, linh hoạt đối với những thay đổi chung quanh, và sẵn sàng mang lại sự thay đổi đó. Nó cũng là khả năng để có thể nhìn thấy toàn cảnh, hơn là một số những chi tiết không có liên hệ hay thống hợp gì với nhau.

5. dám mạo hiểm (risk taking);
Dám mạo hiểm là yếu tố cần thiết, bởi thường khi sợ mạo hiểm, chuộng an toàn thì không đưa đến sáng tạo. Càng nhỏ trẻ em càng không biết sợ, cho nên chúng càng sáng tạo (như kết quả nêu trên). Càng lớn, vì kinh nghiệm đau thương do chính mình hay do người khác gây ra, nên chúng càng biết sợ. Nhưng càng sợ thì càng không dám mạo hiểm.

6. chuộng bất ổn hơn (preference for disorder);
Chuộng bất ổn là một đức tính của người sáng tạo vì họ thích sự phức tạp và sự không đối xứng (asymmetry) hơn là những cái đơn giản và đối xứng. Họ thấy thích thú hơn và thử thách hơn vì qua đó họ có thể góp phần thay đổi sự bất ổn định thành ổn định, dù là cái ổn định theo định nghĩa của chính họ. Có thể vì lý do này nên nhiều người không thích thiên tài vì họ cho đó là những kẻ bất trị.

7. chậm hài lòng (delay of gratification);
Chậm hài lòng cũng là một đức tính của người sáng tạo, bởi nếu dễ hài lòng thì khó thể nào làm ra những sản phẩm công trình lớn. Nhiều nhà sáng tạo miệt mài làm việc nhiều năm trong nhiều dự án mà không hề có sự công nhận hay giải thưởng gì cả. Nhiều giải thưởng Nobel cũng trong trường hợp như thế.

8. tự do từ rập khuôn vai trò giới tính (freedom from sex-role stereotyping);
Tự do từ rập khuôn vai trò giới tính chủ yếu là về sự phân biệt phái tính. Cho đến thời gian gần đây (mặc dầu trên thế giới vẫn còn nhiều nơi phân biệt phái tính như thế), gia đình và nhà trường là hai định chế ảnh hưởng mạnh mẽ lên khả năng sáng tạo của con người. Sự đề cao tính cạnh tranh đối với học sinh nam hơn nữ, và sự kiềm chế cung cách hành xử của học sinh nữ hơn nam (thí dụ như nữ phải ngồi ngay ngắn, phải lady-like v.v…) là những yếu tố có khả năng kiềm chế tính sáng tạo của phái nữ. Nam được quyền thử (nghiệm) hầu như mọi thứ, trong khi đó nữ thì bị hoặc là cấm đoán hoặc không khuyến khích gì cả. Tuy thế, dù sáng tạo không được khuyến khích đối với nữ giới, nhiều phụ nữ đã có những đóng góp sáng tạo đáng kể trong lãnh vực nghệ thuật và nhân văn cũng như y học và khoa học, như lịch sử đã cho thấy.

9. kiên trì (perseverance);
Kiên trì là đức tính của người sáng tạo, ngay cả trong những lúc vô cùng nản lòng, thất vọng hay những chướng ngại tưởng chừng khó thể nào vượt qua (đối với người thường). Họ biết tập trung năng lực vào mục tiêu của mình, và biết rõ mình đang muốn đạt được cái gì. Không những siêng năng, họ còn kiên trì ngày này qua tháng nọ, tháng này qua năm nọ. Thiếu kiên trì thì không thể đạt được những thành quả lớn.

10. dũng cảm (courage).
Dũng cảm cũng là một trong các đức tính quan trọng nhất để thành công, bởi người sáng tạo thường cô đơn, từ suy nghĩ đến hành động. Những ý tưởng đầu tiên thường là thiểu số. Muốn đi ngược lại suy nghĩ đa số, đám đông vì trong đầu có những niềm tin hay không chấp nhận cái lạ cái mới thì đòi hỏi sự dũng cảm, không sợ lẽ loi. Ngoài ra, những ý kiến mới thường thách thức nguyên trạng cho nên cũng dễ bị ngay cả những người được xem là vô cùng thông minh bác bỏ cho là ảo tưởng. Do đó một số công trình sáng tạo không hề được công nhận cho đến khi tác giả không còn sống nữa, và đó không phải là chuyện bất thường.

Đức tính quan trọng nhất được cho là chấp nhận tối nghĩa. Lý do là vì trong những tình huống không rõ ràng, không có đầy đủ tin tức dữ kiện, người ta phản ứng khác nhau. Có người quan tâm nhưng kèm theo sự hứng thú. Cũng có người lo lắng quá nên muốn rút lui. Đối với những người sáng tạo, cần phải có mức độ lạ lùng hay tối nghĩa lắm mới làm cho họ sợ hãi hay kinh hoàng. Cũng vì thế nên người sáng tạo tìm thấy những gì mới lạ thích thú và kích động hơn là sợ hãi, và điều đó giúp khả năng của họ phản ứng một cách sáng tạo.

(theo Phạm Phú Đức, “Khả năng sáng tạo và ước mơ Nobel”, Tienve.org, 9-12-2008)
Xem thêm: John S. Dacey and Kathleen H. Lennon (1998), with contributions by Lisa B. Fiore, Understanding Creativity: The Interplay of Biological, Psychological, and Social Factors, San Francisco, John Wiley and Sons

One thought on “Người Chăm có thông minh không? – Thử đặt vấn đề 03

  1. Đoạn này rất đáng suy ngẫm:

    Đức tính quan trọng nhất được cho là chấp nhận tối nghĩa. Lý do là vì trong những tình huống không rõ ràng, không có đầy đủ tin tức dữ kiện, người ta phản ứng khác nhau. Có người quan tâm nhưng kèm theo sự hứng thú. Cũng có người lo lắng quá nên muốn rút lui. Đối với những người sáng tạo, cần phải có mức độ lạ lùng hay tối nghĩa lắm mới làm cho họ sợ hãi hay kinh hoàng. Cũng vì thế nên người sáng tạo tìm thấy những gì mới lạ thích thú và kích động hơn là sợ hãi, và điều đó giúp khả năng của họ phản ứng một cách sáng tạo.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *