Người Chăm có thông minh không? – Thử đặt vấn đề 02

Vấn đề sáng tạo đang là điều trọng tâm của xã hội hiện đại. Sáng tạo trước tiên đòi hỏi đến trí thông minh xuất chúng, sau đó mới đến các yếu tố khác.
Sắp tới có Hội thảo Minh triết Chăm, minh triết của truyền thống quá khứ. Cho nên việc đặt câu hỏi: “Người Chăm có thông minh không? Thông minh tới đâu? Tại sao trí thông kia chưa được hỗ trợ đúng mức? Và làm gì để phát triển trí thông minh sáng tạo? là điều vô cùng cần thiết. Như là bước đầu hội nhập vào thế giới mới trong thời đại toàn cầu hóa.
Nhận thấy tầm quan trọng của trí thông minh và khả năng sáng tạo quyết định đến tồn vong của dân tộc, tôi xin trích đoạn bài viết rất đáng đọc của Phạm Phú Đức, “Khả năng sáng tạo và ước mơ Nobel”, để bạn đọc Inrasara.com cùng suy gẫm. Và nhất là – THẢO LUẬN
.
Inrasara.

*
Thử đặt vấn đề 02

Đối với bốn thiên tài thuộc hàng ảnh hưởng nhất của thế giới kể từ năm 1848 đến nay, gồm Albert Einstein, Sigmund Freud, Karl Marx và Charles Darwin, thì Einstein và Freud là hai người Do Thái chính gốc, Marx có cha mẹ gốc Do Thái nhưng sau đó đổi qua đạo Thiên Chúa Giáo (còn Darwin là người Anh). Hơn nữa, từ năm 1901 đến 1970, giải Nobel đã về tay người Do Thái với tỷ lệ gấp 28 lần so với người không phải Do Thái (Gentiles). Đứng nhì là người Pháp không phải gốc Do Thái, chiếm tỷ lệ gấp 6 lần người Gentiles.

Arieti cho rằng năm đặc tính sau đây của người Do Thái hiện đại góp phần quan trọng vào khả năng sáng tạo của họ:
1. một tinh thần yêu chuộng giáo dục được hình thành lâu đời đối với người Do Thái, nhờ đó giúp họ hội nhập thành công vào giòng chính khi phải di cư sang một nơi khác;
2. Người Do Thái ít phân biệt những phụ nữ nào có ước mong thăng tiến sự nghiệp (cho nên những nhà sáng chế phụ nữ gốc Do Thái thì rất nhiều);
3. nhiều thế kỷ bị đàn áp đã làm cho họ có những khao khát trở thành xuất sắc trong nhiều địa hạt như là phương tiện để bảo đảm sự an toàn;
4. nhạy cảm vì bị đối xử một cách bất công trong xã hội, họ luôn ủng hộ cải tổ và cách tân xã hội;
5. vì hoàn cảnh quá khứ nên họ muốn giao tiếp với người khác, nhất là khi phải di cư qua một nơi khác, qua đó giữ quan hệ mang tính cách quốc tế để mở mang tầm nhìn, tránh bị đàn áp và cố gắng tạo cho mình cuộc sống tốt hơn.

Từ đó, Arieti đưa ra chín đặc điểm của xã hội sáng-xuất:
1. sự có sẵn phương tiện văn hoá và hiển nhiên vật chất (thí dụ, nếu Mozart sinh ra ở nơi khác, chẳng hạn như Phi Châu, thì chưa chắc gì đã thành như thế)
2. sự phóng khoáng đối với các kích thích văn hoá, nghĩa là ít nhất một phần dân số cũng phải biết thưởng thức kết quả của những thiên tài này;
3. sự nhấn mạnh ý nghĩa trở thành, không chỉ đang là (an emphasis on becoming, not just being);
4. sự tự do tìm đến mọi truyền thông văn hoá cho tất cả công dân mà không có sự phân biệt (về phái tính hay giai cấp, như đã xảy ra trước đây);
5. tự do sau khi bị đàn áp gay gắt (thí dụ như phụ nữ và các sắc tộc thiểu số trước đây bị đàn áp nên bây giờ cần đóng góp sáng tạo nhiều hơn trong tương lai);
6. mở rộng tiếp thu nhiều luồng văn hoá khác, kể cả trái ngược, thí dụ như tính cách đa văn hoá (của Hoa Kỳ, Canada, Úc v.v…) và tinh thần khoan dung đã đưa đến nhiều lợi ích về mặt sáng tạo;
7. tinh thần khoan dung và sự thích thú đối với các quan điểm hay ý kiến lạ thường;
8. cơ hội để giao tiếp giữa những nhân vật đáng kể (giao lưu văn hoá);
9. khuyến khích động cơ và giải thưởng.

(theo Phạm Phú Đức, “Khả năng sáng tạo và ước mơ Nobel”, Tienve.org, 9-12-2008)

One thought on “Người Chăm có thông minh không? – Thử đặt vấn đề 02

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *