Lễ tục & Hiện đại hóa

Viết ngắn cho báo Lao động, số Tết 2011.

Lễ tục nào bất kì luôn gắn với một/ vài chuyện kể để minh giải một mảnh văn hóa của cộng đồng tộc người nào đó. Nó có thể tàn bạo hay ghê tởm, thậm chí bất nhân với con mắt nhìn của người đương thời, dù trước đó nó phù hợp với quan niệm của cộng đồng trong giai đoạn lịch sử nhất định. Đứng góc độ nền văn hóa này để nhận định về nền văn hóa nào đó, luôn có sự bất cập.
Dẫu sao, thời đại hôm nay đã khác, thế giới đã thành một làng – làng toàn cầu; và internet đã mang thông tin đến tận hang cùng ngõ hẻm của trái đất. Các nền văn hóa con người đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Nên, không khó hiểu khi các lễ tục mang dáng vẻ phi nhân và tàn bạo dễ gây dị ứng với cộng đồng nhân loại hiện đại. Lễ tục nào bất kì đều do con người sáng tạo, và con người vẫn có thể cải biến hay thay đổi nó. Thay đổi phương cách hay, dấn thêm một bước: Có thể từ bỏ nó khi thấy nó đã quá lạc hậu.
Lễ đâm trâu chẳng hạn. Người Chăm cũng có lễ tục này. Nhưng khi giết con vật để tế thần, chủ tế thần chú xin lỗi linh hồn nó. Thao tác giết cũng gọn nhẹ: Trâu được buộc chặt vào hố sâu đào sẵn không cho con người nhìn thấy trâu giẫy giụa; nhánh lá xanh che kín cổ trâu không cho máu bắn ra ngoài; lưỡi gươm cực sắc để chỉ cần ba nhát kéo lên xuống là kết thúc cuộc hiến tế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *