Thế nào là học?

(Thử so sánh quan niệm học của dân gian Chăm và học của Khổng Tử)

1. Tôi đã hơn một lần dẫn truyện cổ “Đi tìm học bán vợ” để thử phân tích “Người Chăm học như thế nào?”, như một thể cách học từ truyền thống. Một truyền thống mang đậm bản sắc Chăm.

“Học, không phải để mưu lợi mà để biết. Đây là tinh thần thiện tri thức đúng nghĩa: tình yêu tri thức. Chỉ học như vậy, bạn mới đạt đến minh triết thực sự. Ta yêu tiếng Chăm, ta học nó; chứ không học vì nó có hứa hẹn cho ta có cái gì bỏ vào nồi – buh tamư gauk lisei được hay không?
Thầy, không buộc trò phải làm nô lệ mình, nô lệ vật chất nhất là, nô lệ tinh thần. Khi trò đã khôn lớn, hãy bỏ thầy mà đi. Hãy đi một mình, và Thầy phải đuổi đi, trò để trò dám và biết đi một mình.
Như một Thiền sư: “Gậy mình mình vác, đường mình mình đi, giữa đồi núi trập trùng!”
Hay Đức Phật: Con hãy rời bỏ ta, đừng tin tưởng vào sách vở, vào kinh Phật, cũng đừng tin tưởng vào cả ta nữa,… và hãy tin tưởng những gì mi từng trải, kinh nghiệm và cho là đúng mà thôi”.

2. Ở một chân trời khác, Khổng Tử quan niệm về học rất khác, độc đáo không kém.
“Ham đức Nhân mà không ham học thì bị che lấp là ngu muội; ham đức Trí mà không ham học thì bị che lấp là phóng đãng; ham đức Ngay thẳng mà không ham học thì bị che lấp là gắt gao, mất lòng người; ham đức Dũng mà không ham học thì bị che lấp là loạn động” (Phạm Thường Khanh – Phạm Linh Thành dịch).

Tạm lí giải như sau:
– “ham đức Dũng mà không ham học thì bị che lấp là loạn động”.
Dấn mình vào đời, dũng rất cần thiết. Dũng, ta mới dám làm những việc mà người bình thường không dám làm. Dũng, ta hi sinh bản thân ta để phụng sự cộng đồng. Dũng tạo anh hùng. Thế nhưng dũng cảm mà thiếu trí tuệ thì sự tai hại của nó khôn lường. Suốt dòng lịch sử, loại dũng kia đã đẩy nhân loại rơi vào biển đau khổ không kể xiết.

– “ham đức Ngay thẳng mà không ham học thì bị che lấp là gắt gao, mất lòng người”:
Ngay thẳng, chân thật là quý, trong thế giới nhiều xảo trá, lừa lọc. Đây là đức tính đáng trân trọng. Nhưng nếu ta chỉ nhấn vào Ngay thẳng thôi mà không học, ta thiếu đi tầm nhìn xa trông rộng, ta chỉ thấy quanh bản thân ta và khuôn rào làng ra mà không thể nhìn ra ngoài. Sự ngay thẳng như thế dễ làm ta gay gắt, mất đi tính Nhân.
Ngoảnh lại xã hội Chăm hôm nay, đã có kẻ hết phê phán người này đến chê bai người nọ,… gây tổn thương cho tâm hồn biết bao người mà ta không biết. Ta không học để biết. Ta còn cho đó vì ta ngay thẳng, ta dũng cảm. Buồn thay!

– “ham đức Nhân mà không ham học thì bị che lấp là ngu muội”? Lòng thương người, đức từ bi hỉ xả, tình nhân ái là điều cao đẹp. Đạo sư, nhà sáng lập tôn giáo khắp thế giới bỏ cả đời để vun đắp và truyền giảng nó đến mọi người. Nhưng Nhân và không có trí tuệ hỗ trợ, kẻ Nhân không biện biệt đúng sai nên rất dễ bị thao túng, lợi dụng. Rồi chính Nhân kia cũng sẽ bị hại. Nên Nhân cần đi kèm với Trí.
Bạn thử nhìn xung quanh, bởi thiếu khả năng biện biệt đúng sai nên không ít người dù rất tốt nhưng đã nghe theo, tin theo một chiều gây phiền toái.

– Cuối cùng, “ham đức Trí mà không ham học thì bị che lấp là phóng đãng”, là mệnh đề đáng suy ngẫm. Đã Trí mà còn học nữa là sao? Chắc chắn Đức Khổng nhấn đến học làm người. Trí không là tri thức uyên bác mà là trí tuệ, sự hiểu biết, tinh thần minh triết đối nhân xử thế.
Mươi năm qua, xã hội ta thiếu nhất tinh thần minh triết này, có lẽ.
Có Trí rồi cũng cần phải học. Bởi kẻ có trí hay sinh tính ỷ lại, ta xem thường người ít tri thức hơn ta, ta sanh tâm ngạo mạn coi trời bằng mâm, coi người bằng con nhái. Chính hạng người này cần học hơn ai cả, Khổng Tử nói thế. “Dũng bất trí”, Dũng chỉ có thể điều hành vạn quân tàn phá một đất nước, ngược lại nếu “Trí bất nhân “, Trí có khả năng hủy hoại cả tinh thần và tư tưởng con người nhiều thế hệ.

Nhân – Trí – Dũng – Thành, bốn đức tính như bốn chân kiềng nâng đỡ sinh thể mang tên con người đi giữa con đường lớn trong trời đất. Làm thành một Kẻ Đại trượng phu gánh vác việc đời. Không riêng nhấn vào đức tính nào bất kì mà – hài hòa, để cả bốn đức tính kia cũng hỗ trợ nhau.
Còn nếu muốn chọn một, bậc Vạn tuế Sư biểu không ngần ngại chọn đức… NHÂN. Không phải không nguyên do, khi Đức Khổng yêu Nhan Hồi là thế.
Bạn sở hữu cả ba đức tính kia, tôi luyện thật tinh chúng, nhưng thiếu NHÂN thì coi như mất tất, đó là điều chắc chắn: Bạn hết còn là CON NGƯỜI theo đòi hỏi tối thiểu.

Như vậy, nếu học theo quan niệm Chăm nhấn vào sự biết để siêu thoát “thoát trần một gót thiên nhiên”, thì học của Khổng Tử mang mục đích rất rõ ràng: Vận dụng vào sự đời, việc người trên mặt đất trần gian.
Thực tế và Siêu thoát, Hữu vi và Vô vi cứ ngỡ là thế nhị nguyên đối lập, nhưng nếu ta học nhìn một cách biện chứng, chính thế nhị nguyên tưởng như bất khả hòa giải này vẫn có thể được hóa giải làm MỘT. Ta sống giữa đời tục lụy mà vẫn phiêu diêu cõi miền cực lạc, ta là Chăm mà ta cứ phi-Chăm, là Việt Nam mà ta vẫn là thế giới…

3 thoughts on “Thế nào là học?

  1. Ôi bà mẹ Chăm kăk tian rong nưk nao bac để giật lấy cái bằng cử nhận thạc sĩ tiến sĩ để kiếm cơm nuôi vợ con cũng đủ oải rồi, mà anh Inra đòi hỏi cao quá. Có ảo tưởng không?
    Hay cố gắng nghiên cứu để viết vài bài báo vài cuốn sách để lấy le với đời xíu đủ chết rồi, còn học như anh yêu cầu thì ôi thôi, có nước phải qua mấy kiếp.
    Đời cả một thế kỉ cả dân tộc có mấy ai?

  2. Phân tích rất đáng nể.
    Nhà thơ không đòi hỏi cao như một độc giả nói, mà phân tích để chỉ ra lối giáo đục toàn diện của Đức Khổng tử. Học thì phải toàn diện, cho dù trình độ tới đâu cũng cần sự toàn diện. Nếu không thì chênh lệch. Chênh lệch mang đến tác hại cho xã hội.
    Nhà thơ đưa ra dẫn chứng chung chung như sau:

    “Ngoảnh lại xã hội Chăm hôm nay, đã có kẻ hết phê phán người này đến chê bai người nọ,… gây tổn thương cho tâm hồn biết bao người mà ta không biết. Ta không học để biết.”

    Bản thân tôi cũng quen với anh rất tài nhưng thiếu dũng cảm, nên không dám tranh đấu cho cộng đồng mình. Rồi có anh bạn tôi dũng cảm thì thừa nhưng không biết ăn nói nên đành chịu…

    Kính

  3. Bà này ngắn nhưng rất toàn diện. Phân tích đâu ra đấy. Người Chăm mình thì ít ai có được cái nhìn toàn diện kiểu Khổng Tử như vậy. Hoặc là chúng ta học khơi khơi, mông lung rất mơ hồ, hoặc là chúng ta quá thực tế, chỉ học để làm cần câu cơm. Inra nêu vấn đề này ra rất đáng học tập, thảo luận.
    Cám ơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *