Sự kiện văn hóa Chăm trong năm 2010

Năm mới 2011 đã đến, thử nhìn về năm cũ có những sự kiện nào nổi bật đã diễn ra liên quan đến các hoạt động văn hoá – xã hội Chăm. Dưới đây, là những sự kiện xảy ra đáng chú ý.

Sự kiện 1: 5 bạn thơ trẻ Chăm nhập cuộc văn chương Việt Nam.
Vào ngày 28-2-2010, nhân kỉ niệm Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 8 và đón chào Đại lễ ngàn năm Thăng Long Hà Nội, lần đầu tiên gương mặt 5 bạn thơ trẻ người Chăm là Đồng Chuông Tử, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Bá Minh Trí, Sonputra xuất hiện chính thức tại Văn Miếu – Hà Nội qua hình ảnh poster được thiết kế khá ấn tượng trên phông nền kiến trúc cổ kính và hiện đại của kinh thành Thăng Long. Trước đó, tác giả Đồng Chuông Tử với tập thơ Mùi thơm của sự im lặng và Tuệ Nguyện với tập thơ Những giấc mơ đa chiều đã lọt vào chung khảo Giải thưởng Thơ Bách Việt năm 2009. Đây là những nhà thơ được phát hiện từ sân chơi Tagalau có sức sáng tác mạnh, hứa hẹn nhiều thành công mới trong nghệ thuật thơ ca Việt Nam.


* Bá Minh Trí, một trong 5 thi sĩ trẻ Chăm tại Văn Miếu.

2: Inrasara được trao Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh.
Vào ngày 24-3-2010, Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh được trao tại Hà Nội cho 5 tác giả là Hồ Ngọc Đại, Phạm Vĩnh Cư, Lê Anh Minh, Inrasara, Georges Condominas (người Pháp) trên các lĩnh vực giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu và dân tộc học. Đây là một trong những giải thưởng cao quý và uy tín mà tác giả Inrasara (dân tộc Chăm) nhận được. Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh nhằm tôn vinh, ghi nhận những thành quả sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng diện mạo văn học Chăm đã góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hoá Việt Nam.

3: Bức tranh sơn dầu Làng Chăm ơn Bác của Chế Kim Trung và dư luận Chăm.
Vào ngày 14-5-2010, nữ họa sĩ Chăm là Chế Kim Trung với tác phẩm nghệ thuật sơn dầu Làng Chăm ơn Bác được trao giải A do Hội Văn học Nghệ thuật Dân tộc Thiểu số. Tác phẩm này được sáng tác trong phong trào cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua những tác phẩm nghệ thuật khác lấy cảm hứng từ chất liệu văn hoá Chăm như Lễ trưởng thành, Rija Nưgar, Rija Prong, Tục cưới Bàni, Lễ hội Katê, Lễ hội Chăm, Palao Pasah, Lễ cầu mưa v.v. Chế Kim Trung đã đoạt vài giải thưởng cấp tỉnh và khu vực Đông Nam bộ rất được công chúng Chăm khen ngợi, khích lệ.
Tuy nhiên, không biết vì để đảm bảo chủ đề của cuộc thi đưa ra hay vì sự nhận thức hạn chế, Chế Kim Trung đã lấy tên tựa đề của một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Amư Nhân dùng đặt tên cho tác phẩm, kèm thêm 2 câu biểu ngữ “Hồ Chí Minh trong trái tim Việt Nam – Hồ Chí Minh trong trái tim người Chăm” có tính chất ngợi ca người lãnh tụ gắn trên nền phông của tháp Chăm. Vì đền tháp là nơi tôn nghiêm biểu tượng tâm linh thuộc truyền thống tôn giáo linh thiêng của dân tộc Chăm. Chi tiết này của họa phẩm đã gây phản cảm, tạo ra một làn sóng dư luận Chăm lên tiếng tỏ thái độ không đồng tình là vậy.


* Họa sĩ Chế Kim Trung.

4: Triển lãm Không gian Văn hoá Chăm ở Hà Nội.
Từ ngày 28-5 đến ngày 11-6-2010 tại Hà Nội diễn ra cuộc triển lãm Không gian Văn hoá Chăm do Công ty Dệt may Thổ cẩm Chăm Inrahani kết hợp với Không gian Sáng tạo Coffee Trung Nguyên tổ chức. Tại cuộc triển lãm này, lần đầu tiên những sản phẩm văn hoá Chăm được giới thiệu với công chúng như khung dệt thổ cẩm Chăm, những sản phẩm dệt thủ công, trang phục truyền thống, vật dụng, đồ trang trí làm bằng gốm đất nung, các ấn bản sách viết về văn hoá Chăm và tác phẩm của các tác giả Chăm hiện đại. Đặc biệt, người dân thủ đô được tận mắt chiêm ngưỡng văn bản chép tay chữ Chăm Akhar Thrah và nghe Inrasara thuyết trình về văn hoá Chăm.


* Anh em Chăm tại Không gian Văn hóa Chăm, Hà Nội.

5: Nguyễn Văn Tỷ ra mắt sách Đời sống văn hoá – xã hội người Chăm.
Vào tháng 5-2010, tiếp nối công trình Giáo dục toàn diện và sự phát triển xã hội tác giả Nguyễn Văn Tỷ cho ra mắt cuốn sách Đời sống văn hoá-xã hội người Chăm Việt Nam đã phân tích khái quát về văn hoá Chăm, vấn đề giáo dục, thực trạng sinh hoạt tôn giáo, nguồn gốc địa danh và những suy tư, trăn trở về một dân tộc có bản sắc văn hoá độc đáo. Tuy, nội dung tác phẩm chỉ giới hạn trong không gian sinh sống của người Chăm ở Panduranga, những kiến giải như là sự gợi ý ban đầu. Đôi khi, những luận cứ của một trường hợp riêng rẽ nhưng tác giả tổng kết thành một giả thiết như sự việc đó có tính phổ quát. Tác phẩm là cả sự trải nghiệm nói lên từ chính trong lòng xã hội mà tác giả đang sinh sống, là một gốc độ nhìn nhận trực diện về văn hoá Chăm.

6: Ban Biên soạn sách chữ Chăm bị giải thể thành Phòng Giáo dục Dân tộc thiểu số.
Ban Biên soạn Sách Chữ Chăm (BBSSCC) ra đời và phát triển hơn 32 năm (1978-2010) cái tên và địa chỉ khá quen thuộc và gần gũi với xã hội Chăm đã trở thành biểu tượng về việc giáo dục, truyền bá chữ Chăm. Cơ quan này chính thức thay hình đổi dạng từ 1-8-2010, khi UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định sáp nhập thành Phòng Giáo dục Dân tộc Thiểu số trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận. Với quyết định trên việc phổ biến chữ Chăm Akhar Thrah có hướng phát triển mới không? Nhìn lại, vai trò của BBSSCC trong lịch sử đã quy tụ được đông đảo tri thức, nhân sĩ Chăm đương thời tham gia vào quá trình soạn giáo trình và giảng dạy tiếng Chăm, đào tạo được hàng chục ngàn học sinh. Lẽ ra, Nhà nước cần đầu tư phát triển đội ngũ chuyên viên và mở rộng quy mô hoạt động, tiến tới việc thành lập Viện Nghiên Cứu và Ứng dụng Ngôn ngữ Chăm ở Việt Nam trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Tiếc thay, cơ quan BBSSCC không được đầu tư đúng mức để phát triển, nhằm góp phần gìn giữ và phát triển tiếng nói và chữ viết người Chăm.


* Ban Biên soạn sách chữ Chăm thời đạm bạc, (Chú ý: Inrasara ngồi chống cằm thuở còn nhiều… tóc!!!) 1984.

7: Tuyển tập Tagalau vượt qua con số 10.
“Hành trình 10 năm Tagalau” được tổ chức tại Nhà Trưng bày Văn hoá Chăm Inrahani tại Caklaing vào Katê 2010 đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sinh hoạt văn chương Chăm. Đặc san Tagalau đã vượt qua con số 10, thu hút và phát hiện nhiều tiềm năng sáng tác và nghiên cứu về văn hoá Chăm. Đặc biệt, Tagalau làm nên một điều kị lạ nhất trong lịch sử xuất bản báo chí ở Việt Nam, mặc dù, chưa có khả năng trả nhuận bút nhưng vẫn được sự nâng niu và yêu mến từ độc giả. Có phải thế chăng mà Tagalau chưa có bước biến chuyển lớn lao luôn trong tình trạng báo động về sự đình bản? Thiết nghĩ, Tagalau có vai trò rất lớn trong việc giới thiệu văn hoá Chăm, bảo tồn chữ Chăm truyền thống. Nên, các cơ quan có chức năng về văn hoá và dân tộc như Uỷ ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội (Hội đồng này có Vụ Chính sách văn hoá – giáo dục dân tộc), Vụ Văn hoá Dân tộc, Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận.v.v. cần có chính sách đầu tư cụ thể đưa văn hoá Chăm phát triển đi lên đúng tầm của nó.


* Inrajaka phát biểu cảm tưởng tại Hành trình 10 năm Tagalau, 2009.

8: Lớp tiếng Chăm căn bản cho sinh viên.
Vào ngày 19-9-2010, Lớp tiếng Chăm căn bản dành cho sinh viên đã được khai giảng tại Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, dưới sự điều hành của PGS.TS. Thành Phần, Ths. Đàng Năng Hoà. Trong quá trình dạy chữ Chăm có tổ chức một số buổi nói chuyện về chuyên đề văn hoá và ngôn ngữ Chăm do TS. Phú Văn Hẳn, Ths. Trương Văn Món, Inrasara… thuyết trình. Lớp tiếng Chăm đã kết thúc bằng kì thi cuối khoá vào 4-12-2010 với 48 học viên dự thi. Nhìn chung, học viên đến với lớp học đều đã từng học qua chữ Chăm ở Trường Tiểu học, Trường THPT Dân tộc Nội Trú tỉnh Ninh Thuận hay tự học chữ Chăm ở nhà. Những học viên được học chữ Chăm lần đầu có khả năng đọc được văn bản chữ Chăm không? Nguy cơ tái mù chữ có diễn ra không? Bởi vì, trước năm 1975, ông Dương Tấn Thi từng mở một lớp tiếng Chăm cho khoảng 15 sinh viên người Chăm ở Sài Gòn. Kết thúc khoá học, sinh viên chỉ nhớ được bản chữ cái rồi bị mù chữ hẳn! Nỗ lực dạy và học chữ Chăm là công việc đáng trân trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là người học chữ Chăm có thể tự tin trong việc đọc và viết một cách lưu loát và thành thạo Akhar Thrah để hiểu được di sản văn hoá của tổ tiên.

9: Sắc màu lễ hội Katê & Ramưwan lần VI của Chi hội Chăm.
Vào ngày 7-11-2010, Sắc màu lễ hội Katê & Ramưwan lần VI diễn ra tại Hội trường Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh thành công tốt đẹp. Đây là sinh hoạt văn hoá-văn nghệ thường niên của sinh viên, cán bộ, nhân dân Chăm đang học tập và sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh do Chi hội Chăm thuộc Hội Dân tộc học TP Hồ Chí Minh bảo trợ. Trải qua VI kì tổ chức, Chi Hội Chăm đã nhận được nhiều sự khen ngợi và tin yêu. Đặc biệt, đã tiếp đón nhiều nghệ sĩ, nhân sĩ, tri thức, bà con Chăm trong và ngoài nước đến tham dự chung vui.


* Sắc màu lễ hội Katê – Ramưwan tại TP HCM, 2010.

10: Sakaya ra sách Văn hoá Chăm, nghiên cứu và phê bình.
Tác phẩm Văn hoá Chăm, nghiên cứu và phê bình của Sakaya đã công bố đang được sự đón đọc đông đảo của bạn đọc quan tâm đến văn hoá Chăm. Khác với các công trình trước đây, ở lần xuất bản này, tác giả Sakaya tập trung nhiều vào việc định vị cội nguồn văn hoá Chăm qua những tư liệu văn bản viết. Qua đó, đưa ra nhiều đề nghị cho các nhà nghiên cứu không nên căn cứ vào tài liệu dịch thuật, ghi chép điền dã sơ lược, mà đưa ra nhận thức, kết luận một cách cưỡng ép về văn hoá Chăm. Nên, căn cứ từ tư liệu gốc bằng chữ Chăm để làm cơ sở nghiên cứu được chính xác hơn. Sau khi, tiến hành điểm luận các công trình nghiên cứu về văn hoá Chăm sau năm 1975, Sakaya chỉ ra các sai lầm, thiếu sót của các tác giả mắc phải, mở ra một hướng mới trong tiếp cận và nghiên cứu văn hoá Chăm.

11: Tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng ấn hành số lượng lớn.
Tháng 12-2010, tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng của Trà Ma Hani viết cho thiếu nhi từng nhận được giải nhì của Nhà xuất bản Kim Đồng vào năm 2001 – 2002, được tái bản với số ấn hành 33.552 bản. Như vậy, tập thơ đang giữ kỉ luật về số lượng ấn hành lớn nhất từ trước đến nay mà tác giả người Chăm làm được.

Tóm lại, những sự kiện văn hoá diễn ra trong suốt năm 2010 liên quan đến hoạt động văn hoá – xã hội người Chăm đã mang đến một làn gió tươi mát. Bên cạnh, các hoạt động của cả cộng đồng là các hoạt động có tính chất nỗ lực của từng cá nhân, tổ chức nhằm xây dựng văn hoá Chăm tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, cũng thấy được, vấn đề văn hoá – xã hội Chăm chưa nhận được sự đầu tư xứng tầm, chưa xác định phương hướng đi rõ ràng nào. Bản thân chủ nhân của nền văn hoá cũng không có nhiều cơ hội để hưởng thụ giá trị văn hoá./.

6 thoughts on “Sự kiện văn hóa Chăm trong năm 2010

  1. Bahasa bao quát được sinh hoạt văn hóa Chăm như thế thì khá lắm. Từ 11 sự kiện này, tôi bình bầu thêm:

    + Sự kiện vui nhất: sự kiện đầu và cuối. 5 nhà thơ Chăm trẻ xuất hiện đồng loạt như thế ở Văn Miếu là đáng vui. Tập thơ cho thiếu nhi in kỉ lục thì rất tốt cho con cháu.

    + Sự kiện lớn nhất: Không gian Văn hóa Chăm xuất hiện tại thủ đô lần đầu, giới thiệu được như vậy là đáng lắm.

    + Sự kiện căn bản nhất: Lớp tiếng Chăm căn bản. Nếu tổ chức được liên tục không bị gián đoạn thì hay biết bao.

    + Sự kiện kì lạ nhất, Tagalau vượt qua con số 10. Tác giả dùng chữ “kì lạ” là chính xác. Hoan hô Tagalau!

    + Sự kiện đáng hãnh diện nhất: Giải thưởng cho Inrasara. Biết bao giờ có thêm nhân vật Chăm đứng ngang hàng với tên tuổi lớn như thế?

    + Sự kiện gây buồn lòng và đáng suy nghĩ nhất: Là sự kiện 3 và sự kiện 6.

  2. Thêm một sự kiện nữa vừa diễn ra vào tháng 12/1010 tại Cần Thơ:
    Chương trình tổng hợp tiếng Chăm của Đài Truyền hình Ninh Thuận đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 30 tổ chức tại thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, ở thể loại văn hóa, văn nghệ, với tác phẩm” Pô Sà và câu chuyện từ đá” cũng được tặng bằng khen của Ban tổ chức.

  3. Cần nhiều người bổ sung mới hay. Nhiều người chọn khác nhau mới tốt. Để không sai sót hay thiên lệch.
    Yut Triều đề nghị được lắm.
    Thân

  4. Còn một sự kiện nữa của Chăm mình trong 2010 có tên là Pameran : “Wajah Cam- saudara serumpun” di Malaysia( Cuộc triển lãm : “Nét mặt Chăm- một anh em đồng tộc” tại Malaysia). Được diễn ra vào ngày 4 tháng 6 năm 2010, và nhiều sự kiện khác nữa. Nếu mở rộng thế giới Chăm ra khỏi khuôn khổ Việt Nam thì chưa biết sự kiện nào là lờn đâu bạn. Niếu bầu chọn như bạn vậy thì phải mở ngoặc và ghi rõ hai chữ Việt Nam để tránh hiểu lầm. Ranam!!!

  5. Mình la dua con Champa. minh tu hao la nguoi con cua vung dat nang va gio nay. Minh muon hoc chu Cham, nhung hoc o dau ai chi voi!

  6. e rất hâm mộ tranh của họa sĩ Chế Kim Trung,có thể cho em xin địa chỉ và số điện thoại của Họa sĩ Chế Kim Trung được không ạ???

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *