Mỗi kì một chân dung 18. Trần Wũ Khang

Sinh năm 1957, tại Núi Xám, Nha Trang. Thời gian dài lưu trú ở quận Tám, TP Hồ Chí Minh. Đứa con hai dòng máu Chăm – Việt. Viết báo một thời gian, sau đó nghỉ về quê. Anh bắt đầu viết lại vào năm 2004, nhưng đây lại là giọng thơ hậu hiện đại đặc sắc.
Ngôn ngữ thơ Trần Wũ Khang thơ thoải mái, nhịp điệu phóng túng, đề tài thơ đụng chạm trực tiếp vào cuộc hiện thực hôm nay: hộ khẩu và KT3, bán độ bóng đá, cả vấn đề thời sự nóng nhất là nạn khủng bố đang tràn lan khắp mặt địa cầu. Nhưng đề tài gây thú vị hơn cả ở Trần Wũ Khang là thực tế cuộc sinh hoạt văn chương Việt Nam hiện nay. Ngôn từ và nhịp điệu Wũ vô ngại giữa những con chữ và đề tài. Chúng chồng lấp, xô đẩy, lôi kéo nhau vào cuộc chơi – hoạt náo và vui vẻ. “Nỗi niềm phê bình” sử dụng thủ pháp nhại, giễu với nhiều liên tưởng kì quái, nhưng đầy thú vị.
Inrasara chọn thơ và giới thiệu.

Nỗi niềm phê bình

Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu
vào trăn trở của nỗi niềm phê bình
là những giọt nước mắt phim bộ
có lẽ

từ đại hội năm ngoái khóc
sang tập áp cuối
năm nay

khóc chuyền tay như thể đội vận động viên 1000mx4
có lẽ
vòng đầu ta may mắn hơn
kẻ kế bên – Thái Lan chẳng hạn
hay người chạy ở đường line số 4,5
Nhật hay Hàn quốc

vô tư vòng hai
ta yên tâm số một, đinh ninh vô địch

vòng ba ta dồn sức
mồ hôi ta làm nên tất cả
có lẽ là những giọt mồ hôi được làm giả
như mồ hôi trong phòng massage
làm ta đuối sức

cũng có thể ta đã trục trặc khâu nào đó
chỗ đưa-nhận gậy chẳng hạn
ta đổ lỗi cho nhau
đổ qua lại như các bà nhà quê đổ thóc giống ra phơi
vẫn chừng ấy thóc giống cho cả mùa vụ
cho suốt mùa khẩu hiệu
cũng có thể là những hạt thóc đã ẩm, mốc

ta đại hi vọng vòng cuối cùng
có lẽ lại là hi vọng giả
như nước mắt phim bộ
như mồ hôi trong phòng massage
.

2 thoughts on “Mỗi kì một chân dung 18. Trần Wũ Khang

  1. Trần Wũ Khang là ai?…
    Xalam Cei Sara thực tình mà nói Trần Wũ Khang làm cho Jayang hoài nghi lắm khi hiện lúc thì ẩn “Anh-Trần Wũ Khang. Có mà không. Đến và đi.Thoắt hiện rồi vụt mất”. Jayang thỉnh thoảng có đọc qua các tập thơ do nxb Giấy Vụn, Vỉa Hè… cũng thấy Trần Wũ Khang trên mặt trận này. likau ampun Cei, Jayang có được phép coi TrwK chính là sự hóa thân của Cei không nhỉ! Hay thơ hậu hiện đại ai ai cũng dùng ngôn từ, nhịp điệu, chất gọng… như nhau cả (có lẽ). Xalam thuk siam.

  2. Jayang thân
    Thắc mắc của bạn có 2 điểm:
    1. TWK là ai?
    – Câu này mình không trách nhiệm trả lời, Có 2 lí do:
    Nhiều tác giả đăng bài trên Inrasara.com mình không biết lí lịch.
    Họ không viết phê phán ai, nên có lẽ không cần tìm hiểu.

    Nếu bạn còn hồ nghi thì theo mình nên gọi tác giả này là :Ma Hời thì ổn hơn cả!

    2. Về thơ Hậu hiện đại giống nhau, thì xin gởi bạn đoạn trích bức thư ngỳ 8-8-2009 mình trả lời một bạn thơ khi viết cuốn chuyên luận: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại.

    Nhìn vào thơ hậu hiện đại Việt Nam đương đại, đã thấy sự “giống nhau” đến lạ lùng ở bề mặt… Đó có thể gọi là một sự “độc thoại tập thể”, phản bội lại hậu hiện đại mà người viết cố tình theo đuổi“.
    – HHD Việt Nam không giống nhau đâu. Xưa, các cụ đồ cũng cho là Thơ Mới giống nhau, bài nào cũng như bài nào, không phân biệt được. Các nhà cổ điển khi xem tranh lập thể cũng cho là vây, nhà lập thể nhìn tranh trừu tượng cũng thế cả. Đó là chuyện xảy ra ở phương Tây trăm năm trước. Hồi nhỏ nhìn lính Mỹ mình cũng thấy ai cũng mũi lõ không biết ai là ai!
    Bạn đọc mình phân tích “7 bài thơ HHD hay nhất”, và nhất là bài Tổng luận “Thơ Việt, từ hiện đại đến HHD”, là thấy rất rõ. Mỗi người khai thác một thủ pháp khác nhau. Riêng Nguyễn Hoàng Nam sáng tạo nhiều thủ pháp lạ, mỗi hai, ba bài là thay đổi. Mình coi anh này là nhà thơ thiên tài đất Việt. Đỗ Kh tự nhận là học trò anh ta mà.
    Ở Việt Nam, mình chưa thấy ai chống HHD với tư cách là một lí thuyết cả; mà chỉ chống sự du nhập nó vào Việt Nam, nhất là chống mấy ngàn bài thơ HHD dở hay giả được làm ra bởi tay viết kém. Thời Thơ Mới, Hoài Thành phải loại bỏ 99 bài Thơ Mới dở để chọn được 1 bài hay! 100 nhà HHD, mình chỉ chọn được 15 người (3 người còn lại là hiện đại).
    Mỗi người mỗi vẻ, nên nói “độc thoại tập thể”, bạn xem lại nhé.
    Nhóm Mở Miệng 5 người, chỉ có Lý Đợi và Bùi Chát trụ được. Hai người này khác hẳn nhau, dù cả hai rất giỏi ở thơ ý niệm. Đinh Linh khác hẳn Đỗ Kh,…
    Mến
    Sara

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *