Hà Thanh: Gởi Ikan di Ram và…

Tôi đã viết một bài giới thiệu về Chân dung Cát đăng báo 3 năm trước, nay thấy mọi người lại bàn về nó, và đã hiểu sai rất cơ bản. Nhà thơ Inrasara phone cho tôi hỏi có viết được gì thêm không? Nên tôi xin triển khai lại. Theo tôi chỉ cần một ý là đủ.
“Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của tác giả”, nhiều nhà phê bình hay độc giả hiểu như thế là đúng. Nhưng cho rằng “các nhân vật chính là đứa con tác giả” là sai rất căn bản. Đúng hơn phải nói là tác giả hóa thân vào mỗi nhân vật của mình để nói lên suy nghĩ và giọng điệu của chính nhân vật đó. Cách nói càng đặc trưng càng hay. Còn bảo tất cả nhân vật đều là đứa con của tác giả thì hỏng. Nếu vậy cả ngàn nhân vật Chiến tranh và Hòa bình đều là đứa con của Tolstoi hết sao? Hiểu theo mĩ học cũ cũng sai, chưa nói mĩ học mới.
Tôi xin nhắc lại từ HÓA THÂN, NHẬP VAI. Cả vai phản diện lẫn vai chính diện, hay vừa phản diện vừa chính diện.

Đọc đoạn sau đây sẽ hiểu sự linh động của ngòi bút tác giả của Chân dung Cát (chú ý dòng in đậm).

“Lửa xung đột tôn giáo luôn âm ỉ, chỉ cần cơn gió nhẹ cũng đủ làm bùng cháy. Chính ở thời điểm nghiêng bếp nghiêng nồi này, một nhân vật kiệt xuất cuối cùng trong lịch sử vương quốc xuất hiện: Po Rome.
Sinh trong một gia đình khá giả ở Panduranga bởi người mẹ đồng trinh, mẹ con Po Rome bị ông bà đuổi khỏi nhà lang thang từ làng này sang làng khác. Lớn lên đi chăn trâu thuê, cậu bé cũng bị chế nhạo tại các nơi biết lai lịch của mình. Cuối cùng định mệnh đun đẩy chàng làm mục đồng cho vua Po Mưh Taha. Rome có tài bắn cung, mỗi chiều chàng mang về những thỏ, sơn dương… Trưa nọ, ham mê theo dấu chân nai, chàng đi mãi vào rừng đến mệt lả rồi nằm nghỉ dưới gốc cây cao. Đang thiu thiu ngủ, mở mắt ra chàng nhìn thấy hai cục than lửa đỏ lựng giữa tàn lá: một con rồng khổng lồ đang nhìn đăm đắm mình, chàng hoảng hốt bỏ chạy và lạc đường, mãi tối mò mới tìm đến nhà. Thần sắc Rome hoàn toàn đổi khác khi sáng dậy: phương phi, oai vệ lạ thường. Lúc này, Po Mưh Taha đã già nhưng chưa tìm được người nối ngôi. Một hôm, nghe thấy tiếng Rome đuổi chó sau nhà, vị chiêm tinh bảo đấy chính là giọng vua tương lai của Champa. Khi xem kỹ tướng mạo Rome, vị chiêm tinh tiến cử chàng lên nhà vua và được chấp thuận. Công chúa Than Cih được gả cho Rome. Vài tháng sau Rome lên ngôi vua trị vì đất nước.
– Một tư liệu lịch sử mới phát hiện cho rằng Po Rome là người Cru.
Câu chuyện của chúng ta bị ngắt bởi nhà nghiên cứu trẻ tuổi. Giọng tự tin quá đáng. Đính kèm cái rung đùi.
– Chi tiết đó thì mỗ này chưa được hân hạnh biết.
Champa cần đến tài năng xuất chúng của tộc thiểu số này nên người ta đã mơ hồ và huyền thoại hóa nguồn gốc của người để hợp thức hóa ngôi vua.
– Mỗ này có cãi ngài đâu. Đây ta đang thò hai cẳng xuống dọ dẫm trong sương mù dòng sông huyền sử.
Một cuộc cải cách lớn được phát động. Po Rome cho lập thủ đô Kraung Ala ở Bal Caung, xây đập Maren dẫn thủy tưới cho đồng Kraung Biuh hàng vạn mẫu, củng cố triều đình, trao chức tả tướng quân, hữu tướng quân cho Xah Bin, Palak Bin. Rồi thân hành qua Kalentan bảy năm dùi mài kinh Coran lẫn phép thuật gồng mình hầu hóa giải mâu thuẫn tôn giáo đang ngày càng trầm trọng trong vương quốc. Trước khi lên tàu về nước, ông vua hào hoa này không quên để lại hai hạt giống quý hóa ở xứ người.
Ông anh đang chuyển qua chính sử và sắp bỗ bã rồi. Nhà nghiên cứu trẻ tuổi nghiêm túc.
– Ậy, ậy! Đừng vội cụ non thế. Tới đâu vãi hạt giống đến đấy phải công nhận Chăm ta ghi-nét. Cậu đâu tay vừa, chỉ tội giống cậu là giống ma thôi. Tôi cười lớn, vỗ mạnh vào vai nhà nghiên cứu.
Nhà nghiên cứu trẻ đỏ lừ mặt bởi hiểu tôi biết tỏng lí lịch trích ngang của cậu ta. Truyền thuyết kể hoàng hậu không con nên nhà vua tiếp tục lặn lội sang tận Lào tìm thuốc (hệt Inra Patra vậy). Có sang đến xứ sở hoa Champa không chả hiểu, chỉ thấy tháng sau chàng trở về kèm theo phụ tùng là cô gái Rađe xinh đẹp, nghĩa là cả tiềm năng con cháu.
– Anh lại nghĩ bậy rồi. Một đồng minh trên vùng cao cần được tranh thủ.
– Hượm đã. Đấy là Chăm nghĩ chứ phải mỗ này đâu. Thứ hậu Bia Than Can đã tặng cho Po Rome mấy đứa con kháu khỉnh. Vụ này càng làm cho ông Hoàng Phik Cơk, ông anh rể thất sủng thêm sôi ruột. Chính ông anh rể lão làng này đã mách Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên hay cái hau háu khi nhìn thấy gái đẹp của Rome. Ngay tức khắc Chúa Sãi cho Công chúa Ngọc Khoa giả dân buôn qua cửa ải Champa rồi nhanh chóng cô gái Việt được tiến cung và làm choáng váng ông vua quá ngũ tuần phong độ còn dạt dào này. Lịch sử vương quốc rẽ bước ngoặt quyết định. Nói không ngoa rằng Champa tan rã ngay bước đầu tiên của Ngọc Khoa rón rén nhưng quyết đoán dẫm lên bậc thềm dinh Po Rome.
Một nhà sử học uy tín viện kế hoãn binh để giải thích chi tiết này. Nhà nghiên cứu gân cổ.
Hoãn binh đâu không biết, chỉ hiểu chân ướt chân ráo vào dinh, Bia Ut với nhan sắc tuổi trẻ thừa thãi trí khôn đẩy hai hoàng hậu Chăm và Rađe vào hậu trường, để rồi hai tháng sau nàng lăn ra bệnh. Tất cả trí tuệ của vương triều đang ngoi ngóp được huy động tìm cách cứu chữa. Nhưng bệnh tình Ngọc Khoa ngày càng trầm trọng, từng đốt xương sống kêu rào rạo mỗi khi cựa mình (người đẹp để bánh tráng dưới lớp chiếu mà ông vua si tình này đâu hay). Khi nhà chiêm tinh được vời đến khám (phải đứng xa một bước mà xem mạch – tục lệ Việt thế, nàng bảo) tâu rằng hoàng hậu không bệnh hoạn gì cả thì nhà chiêm tinh thâm niên này được cho về làm ruộng (còn may) và thay thế bởi một nhà khác cao đạo hơn do Phik Cơk bố trí sẵn. Chính chiêm tinh gia dỏm này bày nhà vua phải triệt đi Krek – cây lim thần biểu tượng sức mạnh của vương quốc thì hoàng hậu mới khỏi. Không chút ngập ngừng, Pô truyền lệnh chặt Krek. Nhưng lạ, từ mỗi phát rìu rút ra, cây lim phun vọt tia máu giết chết đám lâu la, vết thương được liền da ngay sau đó. Ba ngày liên tù tì thế. Nhà vua nghe báo, nổi giận, phăm phăm vác rìu đi. Chỉ qua ba nhát, thân Krek to lớn đổ nhào, tiếng đổ nghe vang cả nửa đất nước, máu Krek tuôn chảy suốt bảy ngày đêm. Po Rome lảo đảo về dinh. Nhìn thấy Ngọc Khoa đã tắm rửa sạch sẽ, châu thân thoảng trầm hương, miệng nở nụ cười tươi quá hoa Champa, đôi mắt óng ánh long lanh tròng trành đứng cửa chờ thì hằng hà sa ưu tư trăn trở của vị vua nắm hơn triệu sinh mệnh con dân bay đâu mất. Hương tình lại đượm, đượm cho đến khi Bia Ut bịn rịn chia tay để về xứ sở thăm mẹ già cũng vừa lâm trọng bệnh.
Thế là quân Chúa Sãi ào ào thác lũ vào Champa. Xah Bin, Palak Bin đẩy lui mũi tiến công từ đồng bằng. Ba lần Rome lệnh ngưng động binh, ba lần hai Bin bất tuân. Mỗi chiến công là mỗi bị khiển trách. Mối giao hảo Việt – Chăm đang quá hảo hiệp ngon lành. Khi Po Rome biết mình mắc mưu thì đã muộn: hai lương tướng bỏ lên núi biệt tăm. Ngài giơ hai tay lên gầm một tiếng làm lạnh cả bầu trời. Máu anh hùng sôi sục, Po Rome sai xẻ gỗ Krek đóng thuyền và chính ngài thân chinh chỉ huy thủy chiến. Thuyền Krek ào ạt lướt sóng đánh tan tất cả mũi giáp công của thuyền địch. Đến Lamngư Dil, đánh hơi thấy phía trước có nguy hiểm, nó ngưng. Làm đủ mọi cách nó vẫn không chịu nhích lên một bước. Nhà vua nổi giận chặt phăng mũi thuyền, nhảy sang tàu khác, tiếp tục tiến công. Trong cuộc hỗn chiến, Po Rome bị bắt và xử tử. Thủ cấp nhà vua Champa trước khi được xách đi trình Chúa Sãi còn ngoái lại dặn thân: ngươi hãy về trước, ta đến ngay trước lúc trời sáng. Lợi dụng tối trời, thân bước thật nhanh qua đồng ruộng, đụn cát. Cô độc và bất trắc. Tảng sáng thì đến bãi Cwah Patih. Bọn chăn trâu thấy lạ quá réo nhau ơi hời lại xem:
Tụi bây ơi người không đầu mà đi được nè, bây ơi! Tủi hổ, thân ngã xuống cát lạnh mà chết.
Đã vậy, sau khi thoát khỏi cũi sắt, thủ cấp về tới dinh thì đã khuya. Nó lên tiếng gọi. Lâu la nghe tiếng chủ mừng vui khôn xiết, chạy ra mở cửa: một cái đầu lơ lửng! Họ hốt hoảng la lên, đóng sầm cửa lại. Thủ cấp nhà vua tội nghiệp rớt bịch xuống đất vỡ đôi”.

Phân tích.
Đoạn văn trên có ba giọng chính:
1/. Giọng nhân vật “tôi” (chưa hẳn đã là tác giả) vừa ca ngợi vừa có ý phê bình Po Rome. Một giọng nước đôi, mục đích chính là tạo điều kiện cho nhân vật thứ hai phản biện bênh vực vua Po Rome.
2/. Giọng nhân vật “nhà nghiên cứu trẻ” (không tên): bênh vực quyết liệt Po Rome.
3/. Giọng nhân vật “bọn chăn trâu” (tác giả sử dụng huyền sử Chăm) nói giọng trẻ con ngây thơ, khi nhìn thấy hiện tượng lạ. Giả dụ Inrasara cho bọn trẻ chăn trâu mà nói giọng người lớn thì anh sẽ hỏng, với tư cách là nhà văn.
Nếu cho cả ba “nhân vật” kia đều là chính tác giả Inrasara, thì… tiêu rồi!

Hãy qua đoạn văn mà ta đang bàn. Đọc lại và lưu ý đoạn in đậm.

“Ngài rót rượu cho hắn, thấy hắn nhìn chằm chằm vào bàn tay mình trên mặt bàn, run nhẹ.
– Em thấy đó, thầy già rồi. Chợt ngài tự kìm lại.
mình bắt đầu yếu đuối tự bao giờ? Tại sao bất ngờ hôm nay mình bày trò tâm sự với tay đàn ông lập dị này? Mình đã không còn làm chủ được lý trí mình.
– Khả năng của em nếu không ứng dụng để bảo tồn văn hóa Chăm thì có phí đi không? mình đã đặt niềm tin vào những con thiêu thân. Có lẽ đây là con thiêu thân mới, không hơn. Nhưng không còn ai nữa rồi.
– Em chưa viết gì cả.
– Em sẽ để lại tư liệu cho thầy.
– Không, đó là công lao của em hắn còn không biết quý công sức của mình nữa kia. Các nỗ lực được xem như là một trò chơi. Như các vua Champa vắt sức con dân, rút kiệt tài sản quốc gia để xây đền tháp làm trò chơi thỏa mãn óc hãnh tiến, tự phong thần cho mình đang khi sống nhăn. Chế Mân còn dám cắt hai châu Ô, Lý để chơi gái nữa. Hắn tìm biết để mà hiểu biết, không cần ứng dụng nó, khai thác nó, lập thân bằng các thu hoạch từ nó.
Từ hôm đó, hắn đi mất xương cốt. Cùng ra đi với hắn là dự phóng của ngài về bộ văn minh Champa. Ngài thấy sự nghiệp nghiên cứu của mình sao mà mờ mịt nhân ảnh”.

Đoạn này cũng có ba nhân vật: Ngài giáo sư Trần Hùng (Kinh), Chế Khan (Chăm) và nhân vật tác giả (giấu mặt).
1/. Ngài giáo sư có lý tưởng nghiên cứu văn học Chăm, do nhiệt tình nên đã phiền trách Chế Khan không tập trung vào văn hóa Chăm mình. Qua đó ông liên hệ quá khứ, phê bình tính khí của vua Chăm. Ông không chỉ nói chuyện đổi đất lấy công chúa Đại Việt (hiểu theo sách sử lâu nay) mà còn phê vua Chăm về lo xây tháp mà không lo chuyện thực tế, nên mất nước (tác giả cho độc giả hiểu ngầm). Ngài giáo sư này không phê sai. Tác giả cho ông “suy nghĩ” theo giọng của mình. Chý ý: tác giả đã từng đánh giá nhân vật này yêu văn học Chăm thật sự.
2/. Nhân vật Chế Khan, thì có vẻ vô trách nhiệm với văn hóa dân tộc.
3/. Nhân vật “tác giả” viết mang tính phê bình cả hai:
“Từ hôm đó, hắn đi mất xương cốt. Cùng ra đi với hắn là dự phóng của ngài về bộ văn minh Champa. Ngài thấy sự nghiệp nghiên cứu của mình sao mà mờ mịt nhân ảnh”.
Chế Khan thì “đi mất xương cốt”, ngài giáo sư thì “mờ mịt nhân ảnh”.

Nhận định:
Dùng từ “chơi gái” không có gì sai cả. Chơi gái thì gọi là chơi gái thôi. Vua Việt không hiếm vị chơi gái, đến triều đại suy vong. Còn Chế Mân anh hùng “chơi gái” có sao đâu. Ông có công rất lớn trong chiến thắng Nguyên Mông và nhiều công lớn khác. Ông “chơi gái” chẳng có gì hệ trọng cả. Vua Po Rome cũng vậy, Inrasara đã cho ông là “nhân vật kiệt xuất cuối cùng của lịch sử Champa”. Tổng thống Mỹ Bill Clinton lãnh đạo Hoa Kỳ thông minh, mang bao nhiêu thành tích chói lọi về cho đất nước, nhưng khi “chơi gái”, dân Mỹ vẫn dùng đúng từ “chơi gái”. Họ còn đưa ông ra tòa nữa. Nghe chuyện, người Nga nói rằng “Trời ơi, nếu tổng thống Enxin nhà chúng tôi mà làm kinh tế cho đất nước giỏi như Clinton đi, ông có “chơi ba gái” dân Nga chúng tôi cũng cho qua, nói chi mới một. Người Mỹ làm gì mà om xòm thế!!!”.
Chế Mân vĩ đại, nhưng các bạn làm gì om xòm thế.

2 thoughts on “Hà Thanh: Gởi Ikan di Ram và…

  1. Chào anh/chị Hà Thanh:

    Anh/chị nói: “Đúng hơn phải nói là tác giả hóa thân vào mỗi nhân vật của mình để nói lên suy nghĩ và giọng điệu của chính nhân vật đó. Cách nói càng đặc trưng càng hay”.
    Anh/chị cho rằng: “nhân vật chính là đứa con của tác giả” là sai rất căn bản”, nhưng anh đọc câu nói của tôi chỉ 1 vế mà vội kết luận vậy thì phí quá. Tôi nói: “Và nhân vật chính là đứa con của tác giả. Lời nói của nhân vật hoàn toàn xuất phát từ ý tưởng của tác giả.”

    Thử so sánh câu nói lạc hậu của tôi và cách hiểu “mới” hay “đúng hơn phải nói” theo ý của anh/chị có gì khác nghĩa nhau không? Lời nói của nhân vật nếu không phát xuất phát triển từ ý tưởng của tác giả thì làm sao mà tác giả có thể hóa thân vào nhân vật để mà diễn tả cái suy nghĩ hay cái hành động? Vậy nếu thế thì có khác chăng nhân vật là đứa con của tác giả?(nên hiểu nghĩa bóng)

    ((Tôi nói “nhân vật” chớ ko phải “các nhân vật”, nếu anh/chị có dẫn lại câu/từ của tôi cho dù có sai lỗi đến ngàn dặm thì cũng phải nguyên gốc anh/chị ạ!))

    Bàn lại:
    -Tôi ko phải viết bài phản hồi để bình luận tác phẩm ChânDungCát.
    -Tôi phản hồi vì không đồng tình với lối giải thích của Inrasara về chuyện “né” liên quan đến lối suy nghĩ của nhân vật trong đoạn trích trên”

    Anh/chị cứ thao thao tất tần tật búa xua rồi cũng ám về 1 điểm là “tác giả chẳng có liên quan” gì đến mấy tên nhân vật trong truyện. Tôi không hiểu nổi hay tôi không có khả năng hiểu nổi cách hiểu nỗi của các anh/chị.

    Cham so sánh với Đức với Việt, với 1 xã hội, 1 không gian, 1 thời gian.. Thật khập khiễng!
    Cảm ơn anh/chị Hà Thanh đã cho tôi hiểu thêm nhiều bài học bổ ích

    Salam!

  2. Khác với Ikan di Ram, tôi thấy anh Sara và Hà Thanh viết lập luận rất thuyết phục. Nhưng có lẽ gu thưởng thức văn chương của tôi khác, nên tôi cùng cảm thụ giống IDR. Mỗi lần tôi đọc đến đoạn mà có từ ngữ thô thô là tôi thấy kì kì sao đó. Hay anh Sara bớt ton đi có hay hơn không? Cá tính quá thì độc giả bị dội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *