Mỗi kì một chân dung 22. Hoàng Thanh Hương


* Hoàng Thanh Hương tại Hồ Lak, 2007.

Hoàng Thanh Hương sinh năm 1978, là biên tập viên tạp chí Văn nghệ Gia Lai, đã có 3 tập thơ in riêng, trong đó Lời cầu hôn của rừng (2008) đoạt Giải thưởng Hội VHNT các DTTS Việt Nam. Con gái dân tộc Mường quê goocs Phú Thọ ấy đã hòa nhập nhanh với vùng đất mới: Tây Nguyên. Hòa nhập vào dòng chảy của đời sống lẫn không gian văn hóa Tây Nguyên. Sáng tác của Thanh Hương ít hoài niệm về quê cũ, mà thể hiện sinh động tâm cảm của con người Tây Nguyên hiện thời. “Buôn xa” là một trong những bài thơ như thế. Chớ nghĩ hễ có “amí”, “buôn”, “gùi”, “thổ cẩm” hay các đặc ngữ dân tộc là đã đậm đà bản sắc. Nếu có, thì đó chỉ là những bản sắc giả hay lai tạp. Thơ Thanh Hương thể hiện bản sắc dân tộc ngay bề sâu thẳm của tâm hồn con người. Ở cách nghĩ, cách nói, lẫn khía cạnh tưởng nhỏ nhặt nhưng cực kì cốt tủy, đó là tập tục cổ truyền (”em chưa muốn bắt anh về “) bật ra trong lời nói thường ngày.
Inrasara chọn thơ và giới thiệu.

Buôn xa

Buôn xa
em gùi gió mưa về
hoang dại chiều ơi tóc nâu mắt nâu
gót trần cỏ cứa
dã quỳ tàn trong gió
thảng thốt tiếng chim kêu bầy
thảng thốt tiếng gió lạc
bên tai vấn vít lời ướm hỏi
em chưa muốn bắt anh về
gầm sàn nhà em chưa đầy củi
áo chăn em dệt chưa nhiều
em chưa thuộc hết lời amí dạy
người có thương em thì đợi.

Buôn xa
khói nhà sàn xòe hoa
khói thơm mùi ngô non
khói thơm mùi mía già
khói giục bước chân em thoăn thoắt
tiếng chiêng ngân nga
tiếng chiêng gọi người đi xa
nhớ kịp về mùa cơm mới.

Buôn xa
gót trần cỏ cứa
mưa mù giăng giăng
em gùi cả gió mưa về
chiều ơi chiều hoang dại
ướt cả vào giấc ngủ
tóc nâu
mắt nâu…
buôn xa.

One thought on “Mỗi kì một chân dung 22. Hoàng Thanh Hương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *