Mỗi kì một chân dung – 21. Trần Can


* Vượng, Sara, Can tại Ban Mê, 2009.

Thơ của Trần Can ngắn, thường cấu tứ không chặt, hơi thơ đi lan man. Cảm trạng lan man đưa dẫn ngôn từ thơ anh trôi miên man hai bờ mộng và thực. Bắt gặp một hình ảnh bất chợt, anh dừng lại và ghi nhận nó. Không cần suy nghiệm nhiều, có lẽ. Rồi anh cứ để mặc cho cảm trạng tiếp tục trôi – miên man, bồng bềnh.
Đọc Trần Can là cứ để cảm giác ta lan man cùng nỗi tản mạn, lan man của hơi thơ anh.
Loại thơ này rất dễ tiếp cận với hiện thực cuộc sống Chăm và tinh thần văn hóa Chăm. Tinh thần nhìn ở bề nổi luôn hiện diện sự phân rời, cắt lìa, ra đi, từ bỏ, rời bỏ, từ biệt, chết đi, cùng tận… với bạt ngàn phân mảnh gần như là tùy tiện. Nhưng thế nào rồi, ở bề sâu tư duy là một gắn kết chặt chẽ. Bởi ra đi là để trở về. Rời bỏ để gặp lại. Từ biệt để được nhìn như là lần đầu. Cùng tận để mãi mãi được khởi đầu. Chết đi, để tái sinh ở thế giới khác. Một chân trời khác – “cũ như giấc mộng và mới như cái hiện tiền” (Trúc Thiên).
Inrasara chọn và giới thiệu.

Panduranga

Panduranga
Panduranga tôi đã có lần qua
đền tháp uy nghi
linh thiêng như giấc mơ
không có thật…

Những palei Chăm nằm yên cổ tích
vách giậu rào
khép chặt cửa thời gian…

Panduranga
ôi quê hương anh
khóm xương rồng
sa mạc cát…

Panduranga
nắng vỡ òa trong cát
thi sĩ hát lên
bài hát cuối cùng…

Chùm lục bát rời & Tháp

1.
Tháp xưa bay với mây trời
yêu trần gian trú trên đồi phong nhiêu
ngờ đâu quán trọ tiêu điều…

2.
ngước trông vòi või tháp Chàm
thiên thu lạnh giấc hoang tàn bể dâu
bàng hoàng một cõi xưa, sau…

3.
một ngày hạnh ngộ Mỹ Sơn
nghe thân hoang phế nghe hờn xanh rêu
hồn tan theo nắng quá chiều…

4.
trần gian quán trọ vô tình
trầm luân Tháp đứng thọ hình hưng vong
gởi đời một chữ hư không…

5.
bảo rằng trời đất phù sinh
trăm năm tháp nắng vẫn bình yên trôi
thiên thu còn vọng nỗi người…

One thought on “Mỗi kì một chân dung – 21. Trần Can

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *