Thân phận vấn đề lục bát

Lục bát Chăm do tôi phỏng dịch từ chữ ariya Cam. Ariya có ba nghĩa:
– Trường ca. Ariya Cam – Bini: Trường ca Chăm – Bàni.
– Thơ. Sa kadha ariya: một bài thơ.
– Thể thơ. Cwak twei ariya: sáng tác theo thể thơ.
Vấn đề được bàn sơ bộ ở “Phần dẫn nhập” (viết xong 12-1992) cuốn Văn học Chăm I – Khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994. Sau đó tôi triển khai thêm trong tham luận “Văn học Chăm – Việt, vài điểm nhìn tham chiếu”, do Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật tổ chức vào tháng 10-2001. Tham luận được in đồng thời ở hai Tạp chí Văn nghệ Dân tộc & Miền núiVăn hóa – nghệ thuật, số 9, 2001, có tên là “So sánh lục bát Chăm – Việt, vài gợi í bước đầu”.
Chính bản này năm sau đăng ở Tiền vệ

Bài viết hoàn chỉnh và in lại trong Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, (tái bản) NXB Văn học, H., 2003, tr. 165-174.
Bác bỏ “gợi í” của tôi, một tác giả Việt cho rằng lục bát Chăm (nếu có thể gọi như thế) “chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thể thơ lục bát của người Việt” bởi “dân tộc Việt có đủ mọi điều kiện để tạo nên hai thể thơ đó mà không cần phải vay mượn từ một dân tộc nào khác” (PDP, 1998). Khẳng định khơi khơi vậy thôi, còn chứng minh để chỉ ra nỗi “chịu ảnh hưởng trực tiếp” đó thì… không! Tác giả này còn chưa có cái nhìn đủ đầy từ hai phía.
Ở hướng ngược lại, cũng để phản bác gợi í đó, một tác giả Chăm trong bài viết liên quan vấn đề khác đã tạt sang va quẹt tôi rằng “không nên và cũng chẳng cần thiết xếp nó vào thể thơ của Trung Quốc và Việt Nam”. Vì “”nói một cách khái quát, trong ariya Chăm có những loại câu ngắn và dài khác nhau” (2002). Cũng chẳng thấy đâu phân tích với chứng minh.
Có nên vì lí do đặc trưng hay bản sắc mà chối bỏ khách quan khoa học không? Đối chiếu sự tương đồng và dị biệt giữa lục bát Việt và ariya Chăm là nỗ lực đi tìm cấu trúc nội tại (hay một quy luật phát triển – nếu có thể nói thế) của hai thể thơ trên, từ đó mở ra nhiều hướng nghiên cứu khác. Còn trong nghiên cứu khoa học, mặc cảm cả tự ti lẫn tự tôn “độc sáng” thì chẳng giải quyết được gì cả!

Vậy đó, tương quan lục bát Việt – Chăm đã đặt ra một cách khoa học từ khá lâu (1992), ít nhiều gây chú í đến giới chuyên môn, trong đó không ít vị lên tiếng tán đồng. Trần Quốc Vượng là một trong những (2002). Nhưng mãi khi Tiền phong cuối tuần số Xuân 2010 in bài Viết ngắn: “Lục bát có phải là thơ thuần Việt?”, nó mới đánh động dư luận. Nói thế, vì ngay trên tạp chí Thơ số tháng 9-2007, vẫn có tác giả cả quyết “lục bát, song thất lục bát… là bản sắc độc đáo riêng của người Việt ta”. May, báo Tết vừa ra, tôi nhận cả mấy chục cú điện thoại ủng… vấn đề lục bát! Vài trang mạng ủng bằng cách cho đường link hay cóp lại.
Cũng đã có vài tác giả quyết “trao đổi” với tôi về lục bát. Đây là í hướng tốt. Tốt nhưng… trật. Trao đổi lại thì chẳng vỡ được khía cạnh nào mới cả! Thứ nhất, bài viết của tôi chỉ mang tính gợi í. Thứ hai: Tôi chưa khẳng định ở đâu là Chăm vay mượn Việt hay ngược lại, mà là một nỗ lực thử tìm nét giống và khác nhau giữa lục bát Việt và ariya Chăm (mà tôi tạm dịch là lục bát Chăm), với hi vọng mở ra vài khoảng sáng khiêm tốn nào đó cho nghiên cứu khoa học chiều sâu.

Sài Gòn, 27-2-2010.

3 thoughts on “Thân phận vấn đề lục bát

  1. Thật ra nó chỉ lạ bởi cách đặt vấn đề của nhà thơ. Còn truy tìm …căn nguyên khởi thuỷ để chứng minh sau trước chắc là còn khó hơn mò kim đáy biển.

    Gọi Ariya Chăm là lục bát Chăm cũng chưa hẳn là hoàn toàn đúng, dù nó có nhiều nét tương đồng với lục bát Việt.

    Do đặc thù ngôn ngữ (đơn & đa âm) nên cái hay cũng khác nhau.

    Mình thích gọi là Ariya Chăm hơn, và thích cả cách gieo vần rất phong phú của nó.

  2. Bác Khâm dường như sính thơ lục bát. Cũng vui vui. Nếu bác nói rõ hơn quan niệm của mình có lẽ hay hơn. Ví dụ ông Thùy hay gom mọi mối về phía người Việt. Cái gì cũng xuất phát từ Việt hết trơn trọi. Và cũng không hiếm người nói là Việt ảnh hưởng từ văn minh Chăm rất nhiều. Nếu chúng ta chấp nhận lịch sử, tôn trọng nhau và tôn trọng khoa học có lẽ là hay hơn. Lịch sử thì qua rồi, nhưng cũng không nên quên bài học của nó. Nhớ lịch sử nhưng đừng có cố chấp, phủi tay chối bỏ đóng góp của mỗi dân tộc. Tớ thấy cách suy nghĩ của ông Thùy bệnh hoạn, vài ông Chăm cũng bệnh hoạn như vậy, nhưng từ phía khác với ông Thùy. Buồn thay!!!

  3. Khâm đã đọc qua bài viết này của anh SARA, cả bài viết đăng ở Tiền Vệ, thấy có nhiều cái hay lắm. Thật tình tôi không biết tiếng Chăm, nhưng SARA giúp tôi hình dung được phần nào. Nói gì thì nói, chúng ta mãi mãi là anh em mà, đất nước VN giờ là của các bạn, các bạn có thể đi bất kì đâu, làm bất kì thứ gì cũng được, miễn sao chúng ta tôn trọng pháp luật là được, phải không?

    Chỉ có điều băn khoăn là về văn hóa, hiện có quá ít người VN biết được CHĂM PA có một nền văn hóa độc đáo! hầu như ai cũng mơ hồ cả (kể cả Khâm cũng vậy ).

    Nếu không vô tình ngồi gần SARA, thì có lẽ bây giờ tôi vẫn là người không hiểu biết về các bạn, và có lẽ trang web này cũng không được khám phá đến lúc tôi mất đi? Đúng là hữu duyên thiên lí ngộ, phải không anh SARA?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *