Vài điều cần biết khi vào nhà một người Chăm

(gợi í ngắn)

Twai tamư paga yuw ba mưda tamư sang
Khách bước vào cổng nhà như mang cái giàu vào nhà

Câu tục ngữ nói lên đầy đủ tính hiếu khách của Chăm. Giàu hiểu theo nghĩa rộng nhất của từ này. Ta giàu bạn, giàu tình, giàu của cải, “giàu” con cháu (ginup),…
Chăm sẵn sàng mở rộng cửa, rộng lòng để đón khách thập phương. Nhưng ngược lại, người khách cần có lối ứng xử đúng điệu, để hai bên không bị phiền hà khi tiếp xúc, bịn rịn lúc chia tay, và nhất là – nở nụ cười hay vỗ vai hẹn ngày tái ngộ. Cho dù thời hiện tại, người Chăm đã phần nào “văn minh” hóa theo thời, nhưng đâu phải chỉ cần ứng xử lịch thiệp như của người văn minh là xong, là ổn. Mỗi dân tộc có đặc trưng của nó. Chăm không là ngoại lệ. Vậy, trước khi “bước vào cổng nhà” Chăm, mời các vị khách quý tự trang bị cho mình vài “kiến thức” tối thiểu, gọi là nhập môn.

1. Làng palei
Palei Chăm tương đương làng Kinh.
Vị trí tốt nhất của một làng Chăm là: cổng làng hướng về Nam, phía núi. Tục ngữ Chăm:
Cơk mưraung, kraung birak
Núi hướng Nam, sông hướng Bắc
.

Nhưng khác với làng người Kinh mà ngõ chẹt nhỏ hẹp, nhà san sát nhau; đường sá trong palei Chăm khá thoáng. Nhà cửa được bố trí theo liên gia trong dòng họ (gơp); dòng họ này lại chia ra thành chi họ (ciet prauk). Dĩ nhiên trong quá trình chung sống, đôi khi xuất hiện vài gia đình khác dòng họ đột xuất xen vào. Các liên gia được bố trí theo từng dãy nằm song song cách nhau bằng lối rộng và thẳng đủ cho xe bò có thể tránh nhau. Lối này đi sang lối khác bằng các chẹt; chẹt này thì nhỏ hơn.
Nhà Chăm luôn được bao bọc bởi hàng rào, xưa là cây củi hay tre, nay bằng tường thành. Cổng vào nhà người Chăm cũng là hướng Nam. Đi theo lối chính rẽ vào chẹt, nhưng khách chưa thấy cổng ngay mà người Chăm còn mời khách ngoặt thêm 3-4 bước nữa mới tới cổng. Đến lúc này vị khách mới thật sự bước vào cổng nhà.

2. Khuôn viên nhà ala paga
Khuôn viên nhà Chăm có thể có một hay vài gia đình chung sống. Tạm lấy một gia đình ăn nên làm ra làm khuôn mẫu. Nhà (sang) Chăm có 5 căn được bố trí khác nhau, tùy công dụng của nó. Sang Yơ, là ngôi nhà được xây dựng đầu tiên, hướng đông tây, vừa dùng để ở vừa dùng cho phong tục tập quán mang tính gia đình. Sang Mưyuw dựng song song với sang Yơ, cửa lớn mở ra hướng Nam, thông với sang Yơ. Sang Twai dùng để tiếp khác và dành cho khách lưu trú. Sang Gan (nhà Ngang), cửa mở hướng tây nối với đầu hồi sang Yơ. Sang Ging (nhà bếp) nằm biệt lập và cách quãng hẳn các nhà kia, có khi nằm khuất sau sang Gan.
Đại để như thế. Nếu khuôn viên nhà rộng hơn, người nông dân Chăm có thể bố trí một vài giàn mướp, bầu. Quan sát khuôn viên nhà người Chăm, khách thường lấy làm lạ là hiếm khi thấy bóng cây, nhất là cây to cao, dù đây là xứ nắng nóng và ít mưa nhất nước. Có người giải thích Chăm sợ ma trú hay làng xóm thường bị giông bão, nên người Chăm kiêng kị trồng cây.

3. Lễ adat
Tiếng chào cao hơn mâm cỗ, người Kinh nói thế. Chăm có lối chào đặc trưng. Chấp hai tay đặt trước ngực, đầu hơi nghiêng thấp để chào người cùng trang lứa. Tay chấp lại đặt trước trán quá đầu một ít, để chào người lớn tuổi hay bậc cấp cao hơn mình trong xã hội. Riêng “chào” người quá cố hay nhà vua thì vẫn thao tác như trên nhưng người chào phải nằm rạp xuống đất. Lối chào này gần như đã thất truyền; bà con Chăm hiếm khi biết và sử dụng nó trong sinh hoạt ngày thường, mà chỉ thực hiện trong các cuộc lễ, buổi thờ cúng.
Dẫu vậy, khách bước vào cổng nhà người Chăm, nụ cười là điều đầu tiên khách nhận ra, sau đó là: Ai (wa, nai,…) mai mưng bien? Anh (chị, bác, cô,…) đến hồi nào? Không phải để tìm hiểu thời gian khách đến, mà chỉ nên hiểu đó chỉ là câu chào đơn thuần!

4. Người Chăm ăn mặc
Nhìn chung, như mọi người văn minh khác, nghĩa là vẫn quần dài với áo sơmi. Y phục Tây, vắn tắt thế. Chỉ có nữ giới là mặc váy, thi thoảng thoáng thấy bóng áo dài Chăm, nhất là với phụ nữ có tuổi. Chỉ những ngày lễ hay khi tiếp khách, đa số Chăm đều mang y phục dân tộc. Nam: khan váy, aw likei áo ngắn tay hay aw atah áo dài tay. Nữ thì khan váy (quần một ống), aban dằn; còn áo thì có: aw lwak áo dài không xẻ vạt với những biến thái khác nhau. Dĩ nhiên cả hai giới đều thích khăn đội (quấn) đầu mà Chăm gọi là khan hay tanhriak. Ngoài ra còn có dây lưng talei ka-ing các loại.
Y phục xưa người Chăm tự may mặc qua bàn tay khéo léo của người thợ dệt. Caklaing là tên Chăm của làng Mỹ Nghiệp, là làng thổ cẩm nổi tiếng có mặt trên ngàn năm, là minh chứng rõ nhất. Ngày nay, người Chăm dùng các loại vải hay quần áo may sẵn bán trên thị trường.

5. Chế độ mẫu hệ Chăm
Đây là chế độ gia đình tồn tại từ xa xưa trong xã hội Chăm. Người ta còn nhận biết chế độ gia đình này có mặt trong cộng đồng dân tộc sử dụng ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Mã Lai – Đa đảo tại Việt Nam như: Êđê, Raglai, Churu, Giarai,… Với Chăm tính cố kết cao hơn. Trong một làng Chăm, khách có thể phân biệt dòng họ mẹ này với dòng họ mẹ khác qua sự hiện hữu của Kut nghĩa trang hệ mẹ (Chăm Bà-la-môn), hay Ghur (Chăm Bàni) nằm cạnh làng hay cách làng không xa.
Chính chế độ mẫu hệ lưu tồn nếp sống văn hóa lâu bền, để các nét đặc trưng Chăm tồn tại đến ngày nay. Mươi năm trở về trước, xã hội Chăm tuyệt không có hiện tượng đĩ điễm hay ăn xin, cũng là thành quả của chế độ xã hội này. (Nói mươi năm về trước, vì khi môi trường nông thôn bị phá vỡ, không hiểu điều gì sẽ xảy ra).
Một câu tục ngữ Chăm nói lên sự phân công hai giới rất rạch ròi:

Kamei dơng di bơng mưnưk, likei dơng di bơng mưsuh
Đàn ông cho chiến đấu, đàn bà cho sinh nở

Đàn ông lo chuyện xã hội, phụ nữ lo việc gia đình. Tất tần tật, từ cơm ăn nước uống đến đãi khách, chăm lo con cái hay bao quát chuyện phong tục tập quán.
Một chi tiết tưởng vặt vãnh nhưng rất trọng đại với người Chăm, hướng trải chiếu tiếp khách chẳng hạn. Nếu bạn trải hương bắc – nam, thì đố người Chăm-chữ nghĩa nào dám ngồi. Bởi đó là hướng dành riêng cho người cõi âm, người dương thế thì phải là hướng mặt trời mọc – lặn.

6. Người Chăm và tri thức
Chế độ mẫu hệ Chăm đã công lớn trong việc nuôi nấng người có chữ nghĩa Chăm.

Hadiip krah ngap hadah bbauk pathang
Vợ sáng làm sang mặt chồng

Dù khó khăn đến đâu, người mẹ Chăm vẫn cố nuôi con ăn học cho nên người. Ngày xưa, 50 năm trở về trước, có thể nói không có đàn ông Chăm nào mù chữ mẹ đẻ. Không có vài chữ trong bụng, ít ai dám ngồi gần người thiên hạ. Nông dân Chăm không những chỉ cất vài chữ thôi, mà còn khả năng đọc và suy luận sành mọi văn bản cổ. Riêng cánh nữ thì rất hiếm khi sờ mó đến ciet giỏ đựng sách, đó là thiệt thòi lớn. Ngày nay đã khác, người Chăm ít khi thất học, nói chi chuyện mù chữ. Dù nam giới luôn được ưu tiên hơn, nhưng đã có sự công bằng trong cách nhìn nhận giữa hai giới.
Vào làng Chăm, khách có thể ngạc nhiên với người Chăm qua tiếp xúc. Cho dẫu đi cùng vài bạn dân tộc khác, nhưng khi có hai, ba người Chăm có mặt ở đó, họ vẫn nói tiếng Chăm với nhau, như không có gì xảy ra cả.
Chăm có chữ viết ngay thế kỉ thứ IV, sớm nhất Đông Nam Á, là niềm kiêu hãnh của họ. Niềm kiêu hãnh đó ăn vào máu, và vẫn còn truyền lưu đến hôm nay.

Là cư dân của vương quốc cổ có nền văn minh phát triển cao, khi nhập vào dòng sống chung của đất nước, người Chăm vẫn bảo lưu được các nét văn hóa cổ truyền đặc sắc của mình. Dân số Chăm hiện nay non hai mươi vạn người, sống rải rác khắp 10 tỉnh thành trên đất nước Việt Nam. Họ tập trung nhiều ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Chính nơi đây chúng tôi mời các vị khách ghé thăm qua vài phác họa bước đầu.
Dĩ nhiên nhân loại ở đâu bất kì, cũng có vài “tiếng nói” chung; các nét đặc trưng đã phân biệt giữa dân tộc này với dân tộc khác. Chúng làm phong phú nền văn hóa loài người. Chăm cũng vậy. Nhưng không chỉ có chừng đó. Cộng đồng này còn sở hữu nhiều yếu tố văn hóa văn minh độc đáo hơn. Khi thực sự bước chân vào làng Chăm, vào sinh hoạt của cộng đồng người Chăm, quý khách sẽ có những khám phá riêng mình. Bổ ích và hứng thú.

Sài Gòn, cuối năm 2009.

4 thoughts on “Vài điều cần biết khi vào nhà một người Chăm

  1. Cảm ơn bài viết rất hay & bổ ích của Sara.
    Rất mong ước có ngày được ghé thăm Caklaing, thăm Phan Rang, thăm những giấc mộng Panduranga.

    Vân vũ cao sơn viễn
    Thanh tửu hà tằng đạt ngẫu duyên
    Lộ trường ức cố nhân

    Ðường dài nhớ bạn ngày xưa
    Rượu thơm uống mãi còn thua nỗi người
    (TCS phỏng dịch)

  2. Hi anh Sa Ra và anh Can!
    Bài viết của anh Sa ra đã dành cho ọi người sự hiếu kì và mong muốn đến thăm đồng bào Chăm it nhất một lần rồi đó ! Hy vọng sẽ có dịp ghé nhà anh Sa ra và thăm lại cô bạn của TH ( cô ấy là Nguyễn THỊ kim Trinh ) rất dễ thương ,viết chữ rất đẹp.Gia đình cô ấy có nhiều người tài giỏi lắm !
    @Anh Can nè ! Có dịp nào đó anh em mình đến thăm họ một chuyến nha! ĐI với TH thì yên tâm,không để bà xã phải DỄ CHỊU đâu hén ! hi hi hi!
    Hai anh khoẻ nha!

  3. cháu chào bác ạ. Nếu theo mô tả của bác về cách chào thì cháu thấy có nét tương đồng với Thái Lan đúng không ạ? Có nguồn gốc hay căn cứ gì về sự tương đồng giữa 2 điệu chào của hai dân tộc không bác? Hay chỉ là trùng hợp?

    • Đúng rồi, bạn à. Hiện Cham ko chào như thế trong sinh hoạt nữa, nhưng nó xuất hiện trong lễ nghi phong tục Cham.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *