Văn xuôi 22: La cà Tết Kinh

Thuở nhỏ, được nắm váy mẹ đi ăn Tết nhà ông Tỵ người Kinh ở dưới Từ Tâm, sướng không gì bằng. Vậy mà năm đó mẹ không cho đi. Không hiểu tại sao nữa. Đi ăn Tết, vừa xơi bữa no nê vừa có tiền lì xì với lại được quà bánh mang về.
Năm ấy, gia đình từ quê ngoại chuyển về Caklaing làm ăn. Ông Tỵ có mấy đám ruộng Gađak cho cha làm rẽ. Ruộng gò khó theo nước, chỉ mỗi đất tốt nên sau vụ lúa người ta có thể gieo đậu. Cha làm hai vụ. Ngoài vụ chính, cha tranh thủ vài đám ruộng cạnh bờ sông làm chiêm. Lúa bareng lúa chiêm mà người đàng quê gọi là lúa bà-rên – được coi là có gốc gác từ Champa – hạt màu nâu vàng, nhỏ và khá thơm, chỉ cần ba tháng là thu hoạch được. Giống này năng suất thấp, có thể nói thấp nhất trong các loại giống. Lại gieo trái vụ, nên cần canh me chim chóc. Nhưng được cái là nó giúp cứu đói ngắn ngày. Sau khi gặt chiêm, cha gieo giống lúa ba trăng, để kịp với vài đám khác gieo mùa.
Ông Tỵ là giáo viên làng, say xỉn suốt. Mỗi lần ông có việc hoặc nổi hứng ghé qua nhà là dáng ông cứ là lảo đảo hàng hai hàng ba. Vậy mà ông đòi rượu cho bằng được. Mẹ phải chạy ra quán Bà Hai đong xị rượu gạo cho ông ăn cơm với cha. Cha hiền từ, ít nói. Rượu chè thì tuyệt không. Thế là có mỗi ông lai rai. Và nói. Đúng là một cực hình.
– Thế nào tết này anh chị cũng phải xuống tui. Ông Phó uống với tui chén rượu chi. Ông kéo dài chữ “chi” cuối câu rất ư là Từ Tâm.
Tôi chỉ mong có thế. Và đợi. Nhớ là dường như cha chưa lần đi Tết ông. Có mỗi mẹ. Đính kèm khi là anh Đạm khi thì tôi. Nhưng lần này mẹ đổi ý, không thèm dẫn ai, chẳng hiểu sao nữa. Năm nay không đi đâu hết, mẹ nói, rất dứt khoát. Tôi khóc, chạy theo ôm tảng đá to giữa đường làng, lăn lộn. Thằng này chăng dai, không dễ bảo như anh nó – mẹ hay bảo thế. Chắc không có áo mới. Mà không áo mới làm sao mà đi ăn Tết. Mấy đứa bạn được mẹ cho theo kìa, tôi thì không. Tại sao hôm qua không mua áo mới? Có lẽ tôi đã làm dữ lắm, nên cuối cùng, mẹ cũng chiều. Không dép cũng được, miễn là có áo mới. Mẹ mượn của ai đó.

Xuống thị xã Phan Rang vào học Đệ Thất, tôi biết Tết đã đến khi bãi cát sông Dinh miệt dưới cầu Đạo Long cắm đầy nhóc nhành mai rừng do lính Cộng hòa chặt trên núi chất trên chiếc GMC chạy thẳng xuống phố. Chiến tranh mất an ninh, nên mấy anh lính độc quyền. Gọi là bù lỗ, cũng đáng lắm.
Thuở còn ở quê, khi có đợt rét gió bấc tới, đồng lúa vãn mùa, lũ trâu được đuổi thả bừa trên mênh mông cánh đồng đầy rạ. Là Tết đến.
– Ông bà đằng quê thế mà thiêng! – Mẹ nói khi gió cứ vần làm cho mẹ khó giê hết đống lúa. – Họ khiến trời đứng gió cho con cháu họ dựng nêu ấy mà.
– Năm sau mẹ lặp lại chính câu đó cho mà xem, tôi bảo anh Đạm.
Đó là mùa mai vạn thọ vàng rực núi đồi. Cả rừng mai vạn thọ, trải dài từ khoảng rừng thưa làng Văn Lâm sang tận Vĩnh Hảo. Lên trên nữa là mai núi. Cũng bạt ngàn. Kể rằng, sẵn trời ban tặng nguồn suối thiên nhiên, khi xưa vua Chế Mân cho trồng thả hai loại mai để cùng công chúa Huyền Trân du xuân. Nhưng ông vua hào hoa này chưa hưởng trọn mùa mai, đã đi biệt. Mang theo luôn bí ẩn cuộc tình đẹp đầy éo le vào đêm mờ lịch sử.
Ông đi, rừng mai ở lại. Ở lại cho đến cuối những năm tám mươi của thế kỉ thứ XX, khi chương trình triệt phá rừng đã hoàn tất, thì cây mai cuối cùng cũng làm cuộc chia li không hẹn ngày về.
Những năm Trung học Pô-Klong, Tết – tôi ít khi về quê, mà tình nguyện ở lại trực kí túc xá. Đám nhóc chúng tôi có kiểu Tết khác trần đời. Học trò, quậy thì khỏi nói rồi. Hết giờ trực, hai ông anh lớp trên rủ tôi vào phố càphê, không quên nhắn mang theo cái túi xách vải. Mãi mười giờ mới về. Anh Trăng kêu nhỏ: – Mầy ở đây chờ tao nhé. Bỏ tôi đừng ngơ ngác trong góc phố khuất ánh đèn, anh chạy biến đi, lát sau mang về nải chuối, hộp bánh qui, miếng cốm,… Rồi cứ tiếp tục thế. Dọc đường bao nhiêu là đồ cúng! Anh lại bảo tôi chờ. Tôi hỏi anh:
– Không sợ người ta thấy à?
– Chả sao đâu, họ đi hết cả rồi.
– Nhưng đồ ma…!
– Chăm vẫn ăn đồ padơng đám ma đấy thôi. Nhưng ma Kinh không sao đâu, họ xơi nhanh lắm.
Về đến kí túc xá thì túi xách đã đầy cứng.

*
Bên cạnh Ramưwan của Chăm Bàni, Katê là Tết chung của cộng đồng Chăm, đương nhiên rồi. Đầu tháng Bảy Chăm lịch, Chăm lên tháp cúng tế trời đất, ông bà tổ tiên. Rồi kéo nhau về làng ăn Tết. Nhưng từ lâu lắm rồi, người Chăm vẫn cứ xem Tết Tây, Ramưwan, Nguyên đán,… tất tần tật đều là Tết của mình. Lạ, Bà-la-môn, một tôn giáo rất cổ, ngỡ khép kín, không ngờ lại rất thoáng mở. Chăm cũng thế. Hãy tưởng tượng dân tộc cư trú dọc miền duyên hải Trung bộ nhìn mở ra biển Đông, suốt non hai chục thế kỉ.
Nhìn sang việc thờ cúng. Ngay thế kỉ thứ hai, Chăm xem Ppo Inư Nưgar – Bà Thiên Y Ana là người tạo lập xứ sở. Vị trí thờ phượng luôn được đặt ở hàng đầu. Đến thế kỉ mười bốn, khi Hồi giáo nhập địa Champa, vị trí này được nhường lại cho Allah. Chăm coi Ngài là đấng sáng tạo vũ trụ, trong khi Ppo Nưgar chỉ được xem như người tạo lập xứ sở. Ai nhất thì tôi thứ nhì!
Trong các cuộc lễ, tôn giáo Bà-la-môn Chăm mở ngõ cúng bái cả các vị thánh trong kinh Koran. Rồi khi có xung đột ý hệ tôn giáo Hồi – Bà-la-môn trong lịch sử, Chăm hóa giải và hòa giải bằng sáng tạo ra một giáo phái mới là Mưdwơn, phục vụ cho cả hai phía: Chăm Bà-la-môn và cả Chăm Bàni. Vui vẻ.
Trong lễ lớn là Ramưwan (tháng Chín chay tịnh), hình ảnh thoáng mở đẹp nhất của tôn giáo-tín ngưỡng Chăm là khi từng đoàn cô gái Chăm Bà-la-môn đội ciet bánh trái cúng dường nhà Chùa Hồi giáo. Thành kính và trang trọng. Rồi sau Rija Nưgar, bà con Chăm Bà-la-môn thỉnh mời các vị thầy Acar về tận nhà hành lễ. Lạ!
Lạ mà đẹp.
Với người Kinh – xen cư và cộng cư trong khu vực có cộng đồng Chăm sinh sống – cũng hệt thế. Tết Nguyên đán gần như được bà con Chăm coi như Tết của mình, dù lâu nay người dân quê Chăm chưa xem nó là Tết chung cả dân tộc Việt Nam. Đây chỉ là hành xử rất ư tự phát, một tự phát có nguồn gốc từ ý thức (hay vô thức cộng đồng) rất mở của văn hóa Chăm suốt quá trình lịch sử, tồn tại mãi đến hôm nay. Mấy bà Chăm đội giạ nếp, xách cặp gà qua ăn Tết Kinh cùng hay khác làng có quan hệ quen biết hoặc làm ăn buôn bán. Ăn Tết đã đời rồi còn có quà bánh mang về nữa. Nhất là sắp trẻ, cũng háo hức đón Tết. Mừng dựng nêu, đốt pháo – xưa; hoặc đạp xe xuống phố, qua khu vui chơi giải trí – nay. Tết như có thêm ngày hội. Còn với người lớn, mùa Tết nhằm ngày vụ vừa xong nên con người cũng không tiếc nhau lời chúc, quà tặng.
Chúng tôi nói đùa nhau Chăm hân hạnh đón đến bốn cái Tết mỗi năm là vậy.
Thế hệ trẻ chúng tôi hưởng sái tinh thần mở ấy.
Lạ là tôi chưa lần nào thấy cha đi Tết. Cha không ham vui như mẹ, dù cha vô tư đến vô lo, – mẹ thường la cha thế. Cha luôn ngủ ngon để hôm sau ra đồng sớm. Cha không văn nghệ, khác mẹ ưa nói chữ. Mẹ khoe mẹ học sáng. Khi có chuyện mắng chị Hai, mẹ khoái đem vụ học sáng ấy ra răn dạy. Nông dân Chăm thuở đó biết chữ quốc ngữ rất hiếm. Mãi đến thời Ngô Đình Diệm, ngoài vụ cấm Chăm mặc váy với vài thứ phong tục tập quán dân tộc, ông còn lệnh buộc tất cả công dân tối phải xách đèn theo lớp bình dân học vụ. Mẹ nói mẹ học sáng nhất lớp.
Được mẹ dắt tay đí Tết đằng quê thì sướng hết biết.

Mãi sau khi có gia đình, quen biết và kết thân với nhiều bạn bè Kinh đủ lứa tuổi, tôi có nhiều dịp đi Tết Kinh. Ông Thả ở Hải Sơn, bạn vong niên thuở nhà tôi làm rau muống đạp xe xuống xóm biển nhờ ông sắm thuyền thúng. Rồi ông Mười – Long Bình, sư phụ dạy tôi câu cá. Mỗi sáng sớm, ông với đứa con trai vác cần câu lặn lội khắp mấy vùng sông nước không khác gì thầy trò Don Quichotte! Đi Tết mấy nhà này thì khỏi nói: ngon, no và vui vẻ.
Đấy là nói Tết nhà quê. Tết thành phố thì khác.
Ba mươi năm sau, tôi cơ hội ăn Tết dân Sài Gòn tại Bình Chánh. Vẫn mâm cỗ đầy, hấp dẫn ra phết nhưng, chủ nhà chỉ dọn lên mà không mời khách. Kì thế chứ! Năm trước, anh bạn văn ở Bình Thạnh “ăn Tết” cũng hệt vậy. Vài li rượu – rượu Tây, dĩ nhiên – với ít bánh mứt, thêm lời chúc năm mới nữa. Ngoài ra: không gì cả! Bụng đói meo.
Hay Tết ở thành phố nó thế? Hèn gì, Tết là mọi người đổ xô về quê.
Cứ nhớ cái Tết nhà quê. Có dựng nêu, có ngồi canh xoong bánh tét,… Và nhất là, có rất nhiều màu áo mới đưa hồn mình trôi lang thang về cõi bé thơ.

2 thoughts on “Văn xuôi 22: La cà Tết Kinh

  1. Chú Sara kể chiện có duyên wá hà! Sinh động lắm đó. Dất là nhìu hiểu bít, dất là nhìu kiến thức trong đó. Chú Sara cũng wậy đáo để đấy chớ bộ, đùa hà. Nhưg cháu cứ thích. Chú đang kể chiện mẹ zẫn đi ăn Tết, sau đó là zắt sang chiện phân biệt Katê với Ramưwan, rồi lại đưa sang chiện Chế Mân trồng đào, sau lại đi tết Sài gòn. Tưởng lạc đề mà hổng có lạc.
    Chú kể nhìu chiện dậy đi. Dzui laám đó.

  2. Anh Sara nói la cà cho oai dzậy thôi, chứ năm ngoái anh đóng cửa viết Thơ Việt đương đại. Năm nay nghe nói anh cũng tiếp tục đóng cửa phòng văn hì hục viết…
    Đùa anh dzui thôi. Hồi trẻ nghe đồn anh đi dzữ lắm; giờ trung niên rồi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Viết thôi. Em cũng thèm được ngồi viết như anh mà hổng được nè. Chị em réo thì phải chạy. Mà nếu không có ai réo, mình cũng đi réo mọi người. Bởi trong bụng chả có gì để mà… viết cả! Ngồi như dzậy chán chết đi thôi.
    Chúc anh Sara viết ngon lành.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *