Trần Can – Văn 21: Giống như tôi

Còn duyên kẻ đón người đưa
Hết duyên vắng ngắt như Chùa Bà Đanh

(ca dao Hà Nội)

Câu ca dao xưa gợi cho tôi chút tò mò từ thuở bé, sau này tìm hiểu tôi mới biết cái tên chùa lạ lùng này lại có liên quan đến Champa.

Chùa Bà Đanh là một ngôi chùa tại Hà Nội dành cho người Chăm. Tây Hồ chí ghi là vua Lê Thánh Tông đã cho làm một thiền viện (vừa là chùa vừa là trung tâm nghiên cứu) ở gò Phượng Chủy bên bờ Nam hồ Tây cho người Chăm hành đạo, gọi là Thiền viện Châu Lâm, nhưng dân thì gọi là chùa Bà Đanh.

Một tài liệu khác thì ghi: Chùa Bà Đanh là tên gọi Nôm của chùa Châu Lâm. Chùa này được cất lên cùng với viện Châu Lâm vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) ở làng Thụy Chương, Hà Nội. Vì để tránh húy miếu vua Thiệu Trị nên sau này Thụy Chương phải đổi thành Thụy Khuê. Vào thời đó, viện Châu Lâm được dùng làm chỗ ở cho những tù binh người Chiêm Thành được đưa về sau các cuộc chiến tranh, còn chùa Châu Lâm là nơi dành cho họ cúng lễ (vì hầu hết những người này đều theo đạo Phật).

Đọc thì biết vậy thôi chứ mình có sống thời đó đâu mà cãi sai hay đúng, nhưng thích tìm hiểu Champa nên tôi cũng tìm thêm nhiều điều mà mình thắc mắc. Ngày xưa chiến tranh tàn khốc, lại chẳng có luật lệ, những tù binh Chăm ngày xưa rồi ra sao? có sử sách nào ghi chép lại thân phận lạc loài của họ?

“… xưa kia Hồ Tây chỉ là một nhánh cụt của sông Hồng, không rộng tới 560 ha và chứa tới 8 triệu m3 nước như hiện nay. Bên Hồ Tây có hàng chục làng mạc cổ, cánh đồng, ruộng vườn bám ở mép hồ và cũng có hàng chục cái nghĩa địa để chôn cất những người trong làng, hoặc chôn người chết ở các làng phía trong bãi.
Trong sử sách cũng chép, thời Lê, khi đánh nhau với quân Champa, bắt được tù binh, đều tạo điều kiện cho họ lập kế sinh nhai bằng cách khai hoang vùng đất rậm rạp, heo hút quanh Hồ Tây suốt hàng trăm năm. Sống ven hồ, chết cũng ở ven hồ, nên dưới đáy Hồ Tây, có thể vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ Champa. Tuy nhiên, thời gian đã quá lâu, lớp bùn đất bồi lấp, dìm những nghĩa địa này xuống rất sâu rồi.”

“… theo chúng tôi thì việc Thái úy Lý Thường Kiệt sai Giáp thủ Vũ Thừa Thao xuất lĩnh người hương Cửu Chân, dò núi tìm đá trong mười chín năm (tức mười chín năm Lý Thường Kiệt làm tổng trấn Thanh Hóa, từ 1082-1101) chính là việc cho đi tìm những thợ đục đá lành nghề, mà rất có thể đó là những người Việt gốc Chăm (gồm những tù binh mà thời bình Chiêm của Lê Hoàn ở thế kỷ X và của Lý Thái Tông cùng Lý Thường Kiệt mang về (năm 1065) để khai khẩn đất hoang, lập ra các trang ấp ở Thanh Hóa và nhiều nơi trong nước).
Sở dĩ có nhận định như vậy vì ở làng Nhồi hiện nay vẫn có một nhóm cư dân khá đông mang tên họ Lôi, tức họ Lồi gốc Champa- theo Phạm Tấn (TienPhong online chủ nhật, 29-11-2009 )
Ngay Hà Nội cũng đầy dấu tích Chăm, xã Yên Sở (huyện Hoài Đức- Hà Nội) có tên nôm là Giá Lụa hoặc Giá.
Làng Giá trồng rất nhiều cây dừa nên còn gọi là “làng Dừa” và tương truyền đây là một sở đồn điền ngày xưa có người Chiêm Thành (Champa) sinh sống. Mà Champa xưa vốn là xứ Dừa.
Vài tìm tòi cho vui vì tôi không chuyên môn nghiên cứu, nhưng thâm tâm tôi luôn tin rằng hậu duệ những người Chăm xưa vẫn còn trên khắp đất nước, và đôi khi thi thoảng gặp những chàng trai mạnh mẽ với nước da đồng và mái tóc xoắn bềnh bồng, dù họ có ở nơi nào trên nước Việt, tôi vẫn nghĩ thầm, đó chính là một người Việt gốc Chăm. Giống như tôi.

5 thoughts on “Trần Can – Văn 21: Giống như tôi

  1. Cám ơn tác giả Trần Can nhiều lắm.
    Bạn đọc tham khảo bài viết rất giá trí của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường trên mạng Da màu để hiểu tường tận hơn. Điều này chứng tỏ rất nhiều người Kinh ở miền Trung (và không ít ở miền Bắc) là Chăm. Nêu chuyện này để ta biết mà đừng có phân biệt đối xử. Mà hãy tử tế với nhau.

    Tạm đọc phần trích:
    Địa bàn tù binh sống
    Huyện Tương Dương, Nghệ An và vùng Yên Báy, Lao Kay ngày nay. Trong trận đánh đầu năm 1044, trên chiến trường ở Quảng Nam, quân Lí bắt 5000 tù binh… Vua “xuống chiếu cho các tù binh đều được nhận người cùng bộ tộc, cho ở từ trấn Vĩnh Khang đến Đăng Châu (nay là Quy Hoá) đặt hương ấp phỏng theo tên gọi cũ của Chiêm Thành.” (huyện Tương Dương, Nghệ An và vùng Yên Báy, Lao Kay ngày nay).
    … Khi Trần Nhật Duật mất (1330), sử kể chuyện ông “thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già có khi ba bốn ngày mới về.” Thôn này hồi Lí Thánh Tông đánh Chiêm Thành, bắt được người Chiêm cho ở đấy, lấy tiếng Chiêm đặt tên là Đa Gia Li, sau gọi sai thành “Bà Già”.
    Thế là năm nghìn tù binh về xứ Lí được tập họp theo bộ tộc, phân bổ trong những khu vực mang tên gọi theo kiểu Chàm.
    Trong trận chiến 1069, số tù binh bị bắt lại gấp mười lần trước: 5 vạn người.

    Làng Yên Sở, Đắc Sở
    … tù binh Chàm sau Lí không còn được dùng vào việc sản xuất cho nhà nước nữa. Trường hợp Lí quả là duy nhất… vùng phía tây Thăng Long, trọng tâm là đền Lí Phục Man với dân chúng các làng Yên Sở, Đắc Sở thờ cúng ông.
    Dấu vết đặc biệt về mặt cảnh quan quanh đền là cả một vùng trồng dừa, “một sản phẩm hiếm hoi ở đồng bằng Bắc Kì… là thứ cây tạo thành nguồn thu lớn của nơi này” (Nguyễn Văn Huyên, Tác phẩm được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, tập I, tr. 481) khiến cho người Pháp đặt tên là village des Cocotiers.

    Xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, vùng Bắc Ninh
    Vùng thứ ba tập trung tù binh Chàm của Lí được Lê Văn Hưu (1272) xác nhận thêm địa điểm là ở vùng Bắc Ninh,… cây Cột đá chùa Giạm còn lại ngày nay ở xã Nam Sơn, huyện Quế Võ mà ta nhìn ra là một mukhalinga mang dáng dấp Việt Hán.

    Tạ Chí Đại Trường, “Tù Binh Chàm, Lực Lượng Sản Xuất Riêng Biệt Của Lí”, Hopluu.net, 26-10-2008)

  2. @ Nguoi Suu Tam:
    Mình phải cảm ơn bạn ngược lại, vì kiến thức của bạn thật rộng. Tất nhiên là sử gia Tạ Chí Đại Trường mình cũng đọc rồi, nhưng không nhớ hết.

    Rất thích câu này của bạn: …”Điều này chứng tỏ rất nhiều người Kinh ở miền Trung (và không ít ở miền Bắc) là Chăm. Nêu chuyện này để ta biết mà đừng có phân biệt đối xử. Mà hãy tử tế với nhau.”

    Đó cũng chính là ước mong của mình. Bởi mình hiểu, và rất yêu quý dân tộc Chăm.

    Cái khó nữa là mình không chuyên văn thơ, nên chỉ biết viết bằng tấm lòng và sự cảm nhận.

    Bạn vui nhé.

  3. Theo tôi đọc tài liệu của ông Đại Trường và theo suy luận của tôi thì tù binh không bị giết. Cộng tất cả các cuộc bắt lại thành hơn 100 ngàn người. Tù binh bị dẫn đi để phục vụ sản xuất, phục dịch các chúa, hay làm nghệ thuật. Rất nhiều dấu tích ở miền Bắc là do nghệ nhân Chăm làm ra.
    Tù binh lấy vợ Việt nhiều lắm. Họ sinh con đẻ cái nhiều vô số. Bây giờ rất nhiều người ở Bắc tự nhận họ là gốc Chăm. Nên họ vào nam trong cuộc Nam tiến thì họ không giết tù binh, nếu không ở vào thế buộc. Lính ngụy và Việt cộng xưa cũng vậy thôi. Toàn là Chăm hay Chăm lai Việt, hoặc Việt lai Chăm. Chiến tranh chỉ với các nhà cầm quyền với nhau tranh giành quyền lực.

  4. Chào anh Trần Can,

    Cách đây mấy hôm, tôi có trả lời anh trên Người Việt Boston mà không thấy anh đáp lại, nên hôm nay mò vào đây tìm anh.

    Câu ca dao anh dẫn ở đầu bài hình như không phải vậy. Tôi từng nghe là:

    Còn duyên kẻ đón người đưa
    Hết duyên đi sớm về trưa một mình.

    và cô đào hát rằng:

    Còn duyên ư kẻ đón ư đón người đưa
    Hết duyên ư đi sớm ư về trưa ư mình một mình!

    Ý nói các cô gái còn xinh đẹp thì mọi người tranh nhau dưa rước, nhưng khi quá thì tức già rồi thì không còn ai săn đón nên phải lũi thủi đi sớm về khuya có một mình.

    Còn nói “Hết duyên vắng ngắt như chùa Bà Đanh”, tôi thây không ổn. Từ “vắng ngắt” là để chỉ sự vật như chùa, miễu, chợ, trường học, v.v., chứ nói cô gái hết duyên thì vắng ngắt, e không hợp lắm. Nếu như nói vì cô hết duyên nên nhà cô vắng ngắt thì được. Khi nói cái nhà thì người tới người lui, chứ không đưa nhà đi được. Chỉ có cái nhà đi được là cái nhà của Bùi Giáng: “nhà tôi”.

    Khi cô gái còn duyên, nhà cô tấp nập:

    Còn duyên kẻ sớm người trưa

    Và khi hết duyên thì:

    Hết duyên nhà vắng như chùa Bà Đanh!

    Ôi! thật đáng thương cho một kiếp hồng nhan. Tôi cầu mong sao các cô đều an bề gia thất và nhiều hạnh phúc bên chồng con.

    Chúc cô mãi mãi còn duyên
    Trăm năm hạnh phúc lương duyên bên chồng
    Chúc cô dẫu phận má hồng
    Cùng chồng gánh vác non sông Lạc Hồng.

    Nước sông và nước biển khi gặp nhau ở hạ lưu thì không mặn không ngọt mà lợ lợ. Người Việt và người Chăm cũng vậy, hai dân tộc đã bao đời kết hợp thì thành ra ViệtChăm hay ChămViệt chứ không còn nguyên thủy nữa.

    Xin hãy đừng phân biệt nữa mà đoàn kết cùng nhau giữ gìn đất nước toàn vẹn. Mong lắm thay.

    Chúc anh và Inrasara cùng gia đình vạn an.

    Thân mến,

    Nguyễn Bao Lương
    Friday, 26 February 2010, 2202 ET

  5. Chào anh NB.Lương

    Cũng tình cờ đọc bài viết về lục bát của anh Sara mà mình đi lạc vào NV.Boston.

    Thấy comment của anh cảm ơn chị(?) Sara nên mình buồn cười & lên tiếng đính chính. Không ngờ anh cũng là tay văn thơ rất tài tử, dễ mến như vậy!

    Thật ra cũng muốn comment lại cho anh, nhưng không truy cập được vào trang NV.Boston nữa, nên đành chịu. (Mình ở VN)

    Cảm ơn anh về góp ý cho câu ca dao. Có lẽ anh đúng, nhưng có thể nó cũng có nhiều phiên bản, biến thể, và mình cũng…không sai!

    Trang Web của anh Sara chuyên về văn hoá Chăm, yêu văn hoá dân tộc Chăm và quý mến anh Sara nên mình thỉnh thoảng góp bài. Mình chẳng phải nhà thơ nhà văn gì cả đâu.

    những trao đổi riêng, anh NB.Lương có thể email cho mình: trancancamera@ yahoo.com

    Mình linh cảm anh là một người gốc Huế?

    Thân mến.
    Trần Can

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *