Thư cho DVC: Về Tagalau và vài vấn đề liên quan đến Chăm

Chú ý: Đây là thư riêng. Nhận thấy vài hữu ích của nó với Chăm, nên tôi xin phép người nhận thư, viết tắt tên bạn và có vài biên tập cần thiết, để đưa lên inrasara.com cho bà con cùng đọc.
Thư cho DVC 1.
SG, 15-6-2009
Bạn DVC thân mến

Rất cảm ơn bạn về tình cảm của bạn dành cho bản thân Sara và Tagalau.
Các thắc mắc của bạn liên quan đến lịch sử văn hóa Chăm và xung quanh dư luận cộng đồng mình thời gian qua, tôi đã trả lời bàng bạc trong các bài viết trên inrasara.com. Nay tóm ý chính cho bạn chia sẻ nhé.

1. Về ngôn ngữ chữ viết:
Chữ Chăm “truyền thống” thể hiện rất đầy đủ trong Từ điển Aymonier in năm 1906, ở đó trang nào cũng xảy ra chuyện viết “bất nhất”. Một chữ có nhiều lối viết khác nhau. Sau đó vào đầu thập niên 70, Moussay và cộng sự Chăm đã “chọn” để viết thống nhất một lối. Có thể nói tất cả những người thế hệ tôi và thế hệ trước đó một ít viết chữ Chăm theo Từ điển Moussay. Đến Ban Biên soạn sách chữ Chăm, quý chú bác lại “chọn” một cách thống nhất hơn nữa. Người học không buộc phải “suy luận” pacơn inư nhiều.
Chú ý ở đây là sự CHỌN LỰA, chứ không phải đúng sai. Chọn từ kho “truyền thống” là Từ điển Aymonier. Việc này tôi đã nêu rõ, nên khi Chăm có “chiến trường Akhar thrah” (chữ trong thư bạn dùng lại của ai đó), tôi hoàn toàn không tham gia. Vì tôi nghĩ trong vụ này, vài người tham gia không thuần “khoa học”. Ít ai chịu nghe ai.
Có vài bạn phát biểu không đồng tình với BBS, khi gặp tôi giải thích thì họ mới vỡ lẽ ra. Câu đầu tiên tôi nói với các bạn: “Các bạn đừng nói ai đúng ai sai mà hãy tìm hiểu…”

2. Về lịch sử:
Chăm hay Ấn Độ không có truyền thống chép sử như Trung quốc: chi li ngày tháng và sự kiện. Điều đó phát nguyên từ tinh thần văn hóa. Mãi khi Anh vào Ấn, họ mới viết lịch sử cho Ấn Độ. Người Pháp vào Đông Dương đã dựa vào bi kí Chăm và văn bản Tàu,… làm nên sử Champa đầu tiên tương đối đầy đủ là Maspéro: Royaume du Champa (1928). Bên cạnh đó Chăm còn có sử khác là Dak ray pataw Cam, và cả Damnưy được Ong Mưdwơn hát trong các lễ Rija nữa. Theo tôi cả hai đều có giá trị, chúng bổ sung cho nhau. Ở đây chớ yêu cầu chính xác 100%, quan trọng là TINH THẦN. Chăm hiểu Po Bin Swơr là Chế Bồng Nga, tôi thấy chả có gì nghiêm trọng cả khi hai “nhân vật” bị sử gia chép chênh nhau vài chục năm!
Champa là liên bang hay một quốc gia thống nhất? Theo chỗ hiểu biết của tôi, nó không phải liên bang kiểu Mỹ bây giờ mà như Ấn Độ thời xưa. Nước Nhật trước thời Minh Trị, nhiều sử gia phương Tây cứ nghĩ đó là một đất nước thống nhất, là điều hoàn toàn sai. Đó là những “đất nước” rất rời rạc, một sử gia Nhật đã cho tôi biết như thế. Champa có bốn bang, thể hiện qua bốn khu vực văn hóa và địa chính trị: Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga.

3. Uy tín của Sara:
Hiện nay Sara ít nhiều có uy tín trên diễn đàn văn học Việt Nam.
Với Chăm, bạn nghĩ Sara cũng có uy tín – đúng lắm, nhưng không phải tất cả đâu. Nên khi Chăm còn nhiều phân rẽ, thì mạnh ai nấy nói, ai cảm tình người nào thì nghe người nấy, nhảy vào can thiệp là rất khó. Nên Sara chon lựa sự im lặng, hoặc chỉ bàn lướt.

Câu chuyện cũ: Trước 1991, Chăm ba vùng ăn Katê mỗi khác. Năm 1991, ông Châu Văn Mỗ và Sara đã mở cuộc hội thảo nhỏ ở Caklaing mời các vị chức sắc Chăm tới để bàn việc thống nhất lịch Chăm. Từ đó Chăm mới ăn Kate cùng ngày tháng. Chúng tôi đều không rành Xakawi, câu đầu tiên Sara nói với chú bác và các vị cả sư rất đơn giản: “Chớ bàn chuyện đúng sai hay khoa học ở đây, mà cần đi vào tâm tình và tâm lí là được”. Thế là chỉ qua một giờ bàn bạc, tất cả đều nhất trí. Rồi khi ba vị trí thức Chăm Phan Rang được phân công soạn thảo Xakawi mang vào Phan Rí và Tuy Phong…, Sara dặn các chú đừng nói đúng sai, mà là halih halah.

4. Về người nghiên cứu ngoài Chăm
Các nhà nghiên cứu nước ngoài và người Việt có công trình về Chăm đều đáng quý. Phải nói rằng trước thập niên 90 của thế kỉ trước, nhờ những con người này mà Chăm mới có sách để tìm hiểu về dân tộc mình. Từ đó ta có công trình hay hơn, đúng hơn. Nên cần phải cám ơn người đi trước. Còn nếu vì vài sai sót trong tác phẩm họ mà ta lên tiếng phê phán nặng lời e rằng là không công bằng. Sau này, còn ai dám viết về Chăm nữa?!

Cuối cùng, chúc bạn và gia quyến sức khoẻ và hạnh phúc.
Thân mến, SARA.

Thư cho DVC 2.
Sài Gòn, 18-7-2009
Bạn DVC quý mến

Rất đáng quý tinh thần của bạn về dân tộc và văn hóa dân tộc. Nhất là giọng điệu điềm đạm của bạn. Xin trình bày sâu hơn về vài vấn đề liên quan nhé:

1. Về lịch sử, cần phân biệt rõ hai loại: lịch sử chính thống (chính sử) và huyền sử. Ông bà Chăm ngày xưa cũng có phân biện rõ ràng: XakkaraiDamnưy. Damnưy về Po Nưgar theo ông bà Chăm kể không có gì sai cả, nghĩa là nó có thể bất hợp lí theo chuẩn “khoa học” hiện đại, nhưng nó đúng khi nhìn qua con mắt huyền sử.
Có lịch sử giáo khoa (chuẩn, ổn định), có lịch sử hiện hữu qua sáng tạo văn chương. Lịch sử giáo khoa thì ai cũng biết rồi, riêng lịch sử được nhìn qua văn chương thì cần vài minh giải. Ví dụ cuộc chiến tranh Nga – Pháp, bên cạnh sử ghi trong sách sử được dạy trong nhà trường còn có lịch sử hóa thân trong tiểu thuyết sử thi Chiến tranh và Hòa bình của L. Tolstoi. Một nhà văn vĩ đại có thể chuyển dịch cách nhìn về lịch sử của người đọc. La Quán Trung đã làm được như vậy khi viết Tam quốc chí. Chúng ta nhận định về nhân vật này theo Tam quốc chí, chứ ít khi biết Tào Tháo theo sử chính thống Trung Quốc! Văn học lợi hại là vậy.

2. Về akhar thrah của Ban Biên soạn. Mình đã viết rất kĩ trong bài tham luận về vấn đề này trình bày tại Sở Giáo dục Ninh Thuận rồi, chỉ xin nhắc lại: Những người nói chữ Chăm “truyền thống” là nói về chữ Chăm trong Từ điển Moussay xuất bản 1971. Trước đó Chăm viết khác nhiều. Từ điển Aymonier năm 1906, mỗi chữ viết nhiều dạng khác nhau, trang nào cũng có.
Mình nói CHỌN là vậy. Moussay chọn, BBS cũng chọn. BBS chọn cách viết gần đúng với cách đọc của đại đa số người Chăm bây giờ hơn. Trong ba cách viết ghi trong Từ điển Aymonier, không ai dám nói cái nào đúng nhất cả. Moussay chọn. BBS chọn một cách viết để dạy cho con em. Sau này chúng lớn lên, nếu muốn thì học thì chỉ cần vài đối chiếu là có thể đọc văn bản cổ, không vấn đề gì cả. Lẽ nào sách giáo khoa tiếng Việt dạy cho con em cả trí lẫn trí.
Đó là nói về âm chính, còn về lang likuk (âm tiết tiền trọng âm) và phụ âm cuối (pauh), thì ở cả ba cuốn từ điển đều rất ổn định. Ví dụ lời PANWƠC, lang likuk PA thì không đổi, phụ âm cuối C cũng không thể khác, chỉ âm chính là có vài biến dạng: Panoc, Panwơc, Panwoc.
Việc này cần một trang bị rất căn bản về ngôn ngữ học mới giải minh cho bà con hiểu. Mình đã cố gắng nói một lần, bị gây phiền hà, nên đành im lặng. Có dịp gặp bạn, hi vọng minh giải kĩ hơn.

Riêng về việc 2-4 tiết học, Tagalau 10 này sẽ đăng bài về vấn đề này. Còn học sinh ra trường sau đó quên chữ mẹ để, mình cũng đã đề cập nhiều lần trong các bài viết. Trích một đoạn bài viết của Sara đã đăng nhiều lần trên báo chí trong nước và nước ngoài nhé:

Bản thân nhà thơ đã vậy. Các cơ quan báo chí giữ vai trò và hỗ trợ gì trong phát triển thơ dân tộc thiểu số? Tạp chí Văn hóa các dân tộc ra định kì hàng tháng đăng đủ loại từ sáng tác thơ văn, nhạc họa cho đến sưu tầm – nghiên cứu thuộc mọi dân tộc, vùng miền. Cần thiết, nhưng không đủ. Phụ san của tờ Văn nghệ là Văn nghệ dân tộc, mỗi kì đăng vài bài thơ song ngữ, dù rất cố gắng nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Chúng ta chưa thử xem các bài thơ ấy có tác động gì đến suy nghĩ của đồng bào về tiếng và văn chương dân tộc? Hay chúng chỉ mãi dậm chân ở phong trào?
Một tạp chí hay đặc san dành riêng cho các dân tộc có phong trào sáng tác mạnh, chúng ta vẫn chưa đặt vấn đề đó. Hay đồng bào chưa thực sự có nhu cầu? Không nói đến dân tộc Hoa hay Khmer, họ có cả bề dày truyền thống văn chương ở phía sau với một lượng rất đông người đọc phía trước; và thực tế họ cũng đã có các tập san bằng ngữ dân tộc của/ cho họ. Ngay tộc Tày, với số dân khá đông bên cạnh hơn chục nhà thơ (tôi chỉ kể những người viết là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), cũng không có đặc san cho riêng mình. Tại sao? Hay Tày không thích đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ?
Đây là xu hướng chung của phát triển: con người luôn hướng về phía mạnh, phía đông. Chúng ta biết, không ít nhà văn Đông Âu, khi lưu vong sang phương Tây, đã viết thẳng bằng tiếng Anh hay Pháp. Nửa thế kỉ nay, tác giả Việt sáng tác bằng tiếng Pháp không phải là chuyện hiếm. Rồi hơn hai thập niên qua, ít nhất cũng có năm nhà thơ Việt kiều thành danh trên đất Mĩ bằng chính ngôn ngữ bản địa: Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hoa, Ở Việt Nam, không chỉ các nhà thơ dân tộc thiểu số xu hướng sáng tác thuần tiếng Việt, mà ngay cả người đọc dân tộc thiểu số cũng không hào hứng lắm trong đọc văn bản bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Không có tác phẩm hay để đọc hay chưa đủ lưng vốn tiếng dân tộc để đọc? Theo tôi: cả hai, có lẽ.

Tày thì như vậy, thế Chăm có nhu cầu thì thế nào?
Tagalau mỗi năm ra được một số, nhưng đó chỉ là Tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu, chứ chưa là tạp chí hay đặc san. Mà nó là thành quả từ nỗ lực của một vài anh em trí thức Chăm bên cạnh hỗ trợ của bà con dân tộc. Mỗi kì Tagalau đi được năm, bảy bài thơ bằng tiếng Chăm của các tác giả khác nhau, bên cạnh đăng nguyên tác thi phẩm cổ điển kèm theo bản dịch tiếng Việt; số mới nhất còn trích in cả một chương cuốn tiểu thuyết hiện đại bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Nhưng, như thế đã đủ chưa?
Trường hợp Chăm cũng đủ cho ta một cái nhìn khái quát: qua sáu số Tagalau, chỉ mới thấy xuất hiện mười tay viết bằng tiếng mẹ đẻ; trong đó hết sáu người đã ở ngưỡng cổ lai hi, ba trong độ tuổi từ năm mươi trở lên, chỉ có một Jaya Hamu Tanran có năm sinh là 1958! Chăm có cả một Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Thuận với năm cán bộ chuyên môn, khá mạnh về lãnh vực sưu tầm – nghiên cứu; có cả Ban biên soạn sách chữ Chăm thuộc Sở Giáo dục Ninh Thuận với bảy biên chế hoạt động hiệu quả; Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời biên soạn và xuất bản bộ Từ điển Chăm – Việt, Từ điển Việt – Chăm dày dặn và bổ ích. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ dừng lại ở cửa “hàn lâm” và trường học chứ chưa thực sự đi vào quần chúng. Ngôn ngữ đó sẽ sống và phát triển ra sao, nếu chưa có tiếp tay của những người làm sáng tác văn học? Và, nếu các sáng tác phẩm ấy không được tạo điều kiện phổ biến?
Vẫn chưa có lối thoát cho vấn nạn này.

Còn việc dạy và học tiếng dân tộc, nó có giúp ích được gì cho sáng tác và tiếp nhận thơ tiếng dân tộc? Ngoài người Hoa, theo tôi được biết, có bốn dân tộc được Bộ Giáo dục dành cho chương trình dạy tiếng-chữ trong trường tiểu học là: Khmer, Mông, Bana, và Chăm; trong đó Chăm được Trung tâm giáo dục dân tộc thuộc Bộ Giáo dục đánh giá tốt hơn cả trong việc biên soạn sách bằng ngữ dân tộc, dạy và học tiếng-chữ dân tộc. Số liệu mới nhất của Ban biên soạn sách chữ Chăm về công tác này:
Sau ba lần chỉnh lí, đến hôm nay (niên khóa 2001-2002), trên 25.000 cuốn được in phục vụ cho các trường ở địa phương. Cụ thể đã có 10.102 học sinh ở 345 lớp của 22 trường tiểu học được cấp miễn phí tài liệu. Ngoài ra, từ lớp bốn trở lên các em học sinh trong cộng đồng người Chăm còn nắm bắt thêm tri thức cơ bản của nền văn học dân tộc bằng vài trích đoạn thơ-văn, thông qua chữ viết.
Đó là thành tựu không thể chối cãi, tác động tích cực trong duy trì và phát triển tiếng-chữ dân tộc Chăm thời gian qua. Nhưng, sau cấp tiểu học, các em không được học tiếp, sách đọc thêm cho các em cũng không. Không có tạp chí cho các em đọc, không cả việc tạo điều kiện cho tài năng văn chương cơ hội thi thố nữa. Lực lượng độc giả và tác giả tương lai Chăm sẽ ra sao trong tình trạng ấy? Và ngôn ngữ dân tộc? Nó có nối thêm tên vào bảng danh mục ngôn ngữ nhân loại bốc khói của UNESCO, thời gian tới?
(Inrasara, “Thơ Dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”)

3. Về Tagalau. Bạn yêu Tagalau thì miễn bàn rồi. Thế nhưng đây đó cũng có người hô lên rằng Sara lợi dụng Tagalau để gây uy tín và chấm mút. Sara có hỏi lại: Bạn có thể làm được Tagalau không? Nếu được, mình sẽ giao nó lại cho bạn ngay tức thì, ngoài ra còn ủng hộ bạn năm triệu đồng mỗi kì mà không thắc mắc. Vị đó nín thinh!
Thế cũng đủ hiểu.

4. Rất đồng ý về việc bạn hay bất kì mạnh thường quân ủng hộ Tagalau. Tagalau nghèo, mình chỉ cần vài triệu để làm quà mọn cho các bác lớn tuổi hay mấy em nhỏ đang thời học sinh, mỗi kì phát hành. Vừa đủ để an ủi và khích lệ. Còn việc người của BBT không dám trực tiếp nhận tiền của bạn là đúng. Mình đã dặn rất kĩ: Không nhận bất kì cái gì của ai, nếu chưa được phép.

Chúc bạn và gia đình khỏe, vui và may mắn.
Thân mến, SARA.

3 thoughts on “Thư cho DVC: Về Tagalau và vài vấn đề liên quan đến Chăm

  1. Không có nhà thơ Inrasara, làm sao có Tagalau? tinh thần & nghị lực, cũng như tình yêu của anh với dân tộc Chăm thật đáng cảm phục.
    Nếu có một con người xứng đáng để tôi yêu quý và ngưỡng mộ, đó chính là nhà thơ Chăm: Inrasara

  2. Nhiều người nói sao cũng được nhưng mà vào việc làm mới thấy khó thì chùn bước thôi. Đọc bài văn của Trà Vigia đăng ở Tagalau số 10 mới biết cái gì cũng phải nhờ nhiệt tình và rồi còn phải biết chịu hy sinh nữa.
    Có anh Tiến rồi có anh Phăng giúp đỡ, nhà thơ Inra được sự động viên của bạn, tấn tới. Nên mới bảo một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao.
    Tôi nhận thấy ba người bạn chí cốt này đã rất tâm đắc với việc làm của mình. Họ nhận thấy Tagalau có ích lợi cho xã hội Chăm thì họ làm. Cho dù ai có nói này nói nọ.
    Tiền bạc thì ai cũng khó khăn cả, chứ có ai giàu có đâu. Tưởng là nhà thơ Inra giàu có là sai. Không có ai làm giàu nhờ văn chương cả. Còn ai đó bảo nhà thơ “chấm mút” thì thật là tội lỗi. Chẳng giúp thì thôi chớ có nói ra. Như thầy Tỷ hay như ông Cahya Mưlơng tuổi tác đã cao mà còn nhiệt tình như thế thì rất đáng là trân trọng.
    Phần tôi tôi đều quý trọng công lao đóng góp của tất cả mọi người viết hay đóng góp công sức cho tạp chí này.
    Inra nói chí phải, im lặng và làm việc thì hơn. Cãi nhau mất lòng mất bề vô ích và mất đoàn kết.

  3. Inrasara viet:
    “Các nhà nghiên cứu nước ngoài và người Việt có công trình về Chăm đều đáng quý. Phải nói rằng trước thập niên 90 của thế kỉ trước, nhờ những con người này mà Chăm mới có sách để tìm hiểu về dân tộc mình. Từ đó ta có công trình hay hơn, đúng hơn. Nên cần phải cám ơn người đi trước. Còn nếu vì vài sai sót trong tác phẩm họ mà ta lên tiếng phê phán nặng lời e rằng là không công bằng. Sau này, còn ai dám viết về Chăm nữa?!”
    Hay!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *