Nguyễn Văn Tỷ 16: Tìm hiểu lịch sử các tôn giáo Chăm

Hiện nay, người Chăm Việt Nam có ba tôn giáo chính: Bà-la-môn, Bàni và Islam. Ba tôn giáo này đã xuất hiện tại Champa cũ không cùng thời điểm, cũng không cùng nguồn gốc và đã có những diễn tiến phức tạp, những uẩn khúc khá ly kỳ suốt chiều dài lịch sử dân tộc Chăm. Trong thời đại mà cả nhân loại đang tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoàn toàn, con người vẫn phải quan tâm đặc biệt đến mối quan hệ của các tôn giáo trong cùng một quốc gia và hơn thế nữa các mâu thuẫn tôn giáo trên toàn thế giới. Nói rộng hơn, ảnh hưởng tôn giáo đối với con người thật là to lớn và sâu sắc, không những tôn giáo là xúc tác quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho xã hội ổn định lâu dài mà chính tôn giáo cũng là rường mối gây muôn vàn khó khăn, lắm lúc trở thành thách thức lớn cho sự tồn vong của quốc gia, nhất là khi quốc gia đó có những tôn giáo mâu thuẫn nhau. Chúng ta không khỏi ngán ngẫm khi nghĩ tới sự xáo trộn kinh khủng do các tôn giáo gây ra và có lúc phát triển thành tai họa lớn cho đất nước như đã xảy ra ở Trung Đông (Iran, Irắc), Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Cashmir), Đông Âu (Tchécoslovaquie, Nam Tư, Grusia), Indonesia (Aceh), v.v…
Hôm nay chúng tôi muốn tìm hiểu về lịch sử các tôn giáo dân tộc Chăm chính là muốn “ôn cố tri tân”, hiểu cái cũ để rút ra những kinh nghiệm cho cái mới trong cuộc sống hôm nay, không riêng gì cho dân tộc Chăm mà cho cả các dân tộc khác ở Việt Nam và trên thế giới.

I. BÀ-LA-MÔN GIÁO
A. Trước khi tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ

Như chúng ta đã biết, người Chăm cổ đã chịu ảnh hưởng sâu nặng văn hóa Ấn Độ. Chính vì thế, sau khi lập quốc (năm 192 sau CN), gần như tất cả các hệ thống chính quyền – từ luật pháp, quản lý điều hành tôn giáo đến sinh hoạt xã hội – đều mang nặng dấu ấn Ấn Độ. Như vậy, trước khi tiếp xúc với nền văn minh này thì người Chăm theo tôn giáo nào? Đấy là câu hỏi mà các nhà Chăm học thường đặt ra.

– Người Chăm cổ cũng như tất cả các dân tộc khác ở bán đảo Đông Dương đã có một nền văn hóa bản địa nặng về tín ngưỡng nông nghiệp lúa nước. Đặc biệt là chế độ mẫu hệ đã chi phối mọi sinh hoạt xã hội Chăm như là yếu tố định hướng cho mọi tín ngưỡng cũng như lễ nghi tôn giáo Chăm sau này. Có thể nói là tín ngưỡng dân gian nguyên thủy của người Chăm lúc bấy giờ cũng na ná như tín ngưỡng các dân tộc khác:

– Tín ngưỡng thuần túy ban sơ: Cư dân Chăm tôn thờ các thần sơ khai như thần Sấm Sét, thần Mặt Trời, thần Lửa, thần Gió và Các thần Sông, Núi, Rừng, Biển, v.v… Nghĩa là hướng về sự tôn thờ đa thần, chính là ảnh hưởng của văn minh nông nghiệp vậy.

– Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên: Bên ngoài thì tôn thờ đa thần, còn bên phía gia đình và cộng đồng, người Chăm cổ có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên. Ngày nay chúng ta vẫn thấy các hình thức tôn thờ ấy qua các biểu tượng Kut và Ghur (nghĩa địa Bà-la-môn và Bàni) tồn tại hàng ngàn năm nay và đấy cũng là biểu tượng của sự tin tưởng linh hồn người đã khuất, hàng năm có cúng quẩy định kỳ.

– Những dấu tích tôtem giáo: Một số nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho rằng tôtem giáo của người Chăm là Cau (Kramuka Vamsa) và Dừa (Narikela Vamsa) và đấy là tên gọi của hai thị tộc chính của người Chăm. Họ cho rằng thị tộc Cau thì ở núi (mang tính dương) và thị tộc Dừa ở đồng bằng ven biển (tính âm). Hai thị tộc này thường gây chiến với nhau để tranh giành ưu thế. Thị tộc Cau làm vua xứ Panduranga và thị tộc Dừa cai trị ở phương Bắc. Ngày nay ta còn thấy người Chăm tôn thờ những thần linh Atuw Cơk và Atuw Tathik phân biệt rõ ràng “dòng núi”và “dòng biển ”trong lễ Rija(1). Như vậy, dưới thị tộc là những dòng họ hay thị tộc họ (ciet atuw).

– Ma thuật và bùa chú: Người Chăm cổ sống theo tín ngưỡng đa thần rất sợ uy lực thần linh vì tin tưởng có thần thiện, thần ác. Chính vì vậy mà họ phải cầu nguyện và cúng kiếng các thần linh để vừa cầu phước, vừa xua đuổi được các thần ác. “Trong nghi lễ vòng đời, các thầy chủ lễ sử dụng rất nhiều bùa chú. Những thầy pháp giỏi phải kiêng cữ rất nhiều thứ và phải thuộc tới 137 bài thần chú và hàng chục loại bùa ngải”(1).
Như vậy, vào thời sơ khai người Chăm cổ chỉ theo tín ngưỡng thuần túy ban sơ của văn hóa nông nghiệp chưa phát triển, nghĩa là chỉ biết tôn thờ và cúng kiếng các thần linh theo quan niệm của bộ tộc mình.

B. Tôn giáo Bà-la-môn:
Căn cứ vào các tư liệu khảo cổ học người ta được biết là Bà-la-môn giáo đến Champa rất sớm, vào đầu công nguyên. Ban đầu người Chăm tiếp nhận Bà-la-môn cổ đại và sau này là Ấn Độ giáo (Hindu), cuối cùng người Chăm đa phần ngả theo Shiva giáo. Vì vậy các đền đài, tháp cổ từ Mỹ Sơn đến Bình Thuận đều là những biểu tượng thờ Shiva(1). Các nhà dân tộc học cho rằng tôn giáo Bà-la-môn được truyền bá đến Đông Nam Á bằng hai con đường: đường thủy và đường bộ. Đường thủy thì từ cảng Coromandel thông qua eo biển Malaka (Mã Lai), và đường bộ thì từ Atxan đi vào Mianma rồi qua khu vực đồng bằng sông Mêkông. Từ thời Lâm Ấp đến Hoàn Vương (từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ IX) Bà-la-môn giáo là tôn giáo chính và luôn luôn được coi trọng. Tôn giáo Bà-la-môn có ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống tâm linh của người Chăm, tạo nên bản sắc văn hóa Chăm mang nhiều màu sắc pha trộn giữa văn hóa Tôn giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của dân tộc Chăm.
Khi tôn giáo Bà-la-môn du nhập vào Champa, người Chăm cổ xây dựng các đền tháp (Kalan) để thờ các vị thần Shiva, Brahma, Vishnu là tam Thần giáo của Ấn Độ. Về sau họ còn theo cả đạo Phật, có khi cũng tin bộ ba Shiva, Brahma,Vishnu và Phật(2), vì vào thế kỷ thứ IX, Phật giáo (trung tâm là Đồng Dương) cũng có vai trò quan trọng một thời trong đời sống vương triều Champa(3).
Tóm lại, toàn bộ người Chăm đã theo Bà-la-môn giáo (Ấn Độ giáo trong thời gian từ khi lập quốc cho đến thế kỷ thứ X (thời điểm du nhập của đạo Islam) cả về sau, luôn luôn vinh danh Tam thần giáo của Ấn Độ. Nhưng đến thế kỷ XVI, XVII thì tình hình tranh chấp giữa Bà-la-môn và Islam rất căng thẳng dẫn đến nhà vua (lúc đó là Ppo Rome) phải vào cuộc để đưa ra quan điểm dung hòa tôn giáo mà chúng tôi sẽ nói rõ ở phần sau.

C. Bà-la-môn bản địa hóa
Vào thế kỷ thứ X, Hồi giáo bắt đầu du nhập vào Champa. Tôn giáo mới này bước đầu gặp nhiều khó khăn, nhưng trong những thế kỷ sau (từ thế kỷ XI đến XVII đã không ngừng phát triển. Chính vì thế mà hai tôn giáo Bà-la-môn và Hồi giáo (Islam) có xảy ra sự cạnh tranh và xung đột ngày càng gay gắt. Trong các thế kỷ đầu (X-XIV) tôn giáo Islam chủ yếu phát triển trong giới thượng lưu xã hội chứ ít ảnh hưởng đến vùng thôn quê. Nhưng trong các thế kỷ sau (thế kỷ XV-XVII) gần như toàn thể dân chúng đều bị xáo trộn mạnh do sự truyền đạo và cạnh tranh của tôn giáo mới này đến nỗi các vua chúa Champa thời đó không giải quyết nổi. Chính vì thế mà giữa thế kỷ XVII, vua Ppo Rome (1627-1651), một vị vua anh minh của Champa, đã đưa quan niệm “nhất thể lưỡng hợp” để dung hòa hai cộng đồng tôn giáo này, cho rằng người Chăm theo tôn giáo Bà-la-môn được gọi là Ahier thuộc dương, theo Bàni (Islam được bản địa hóa) được gọi là Awal thuộc âm. Theo quan niệm này thì hai cộng đồng tôn giáo “tuy hai mà một”, sống gắn bó và kết hợp với nhau như nam và nữ, chồng và vợ. Quan niệm này được thể hiện thông suốt và nhất quán trong nội dung lý thuyết (trong âm có dương, trong dương có âm) cũng như trong hình thức nghi lễ (các đám cưới, đám tang), trong cả trang phục các vị chức sắc của hai tôn giáo. Từ đó hai tôn giáo lớn thế giới là Bà-la-môn và Islam đã bị Chăm hóa hoàn toàn để trở thành Bà-la-môn Chăm và Bàni (tức Islam Chăm) khác hẳn với các đạo nguyên gốc: Đạo Bà-la-môn tiếp tục thờ đa thần nhưng phải thờ phượng thêm Đấng Allah (của Islam), và ngược lại đạo Bàni vừa phụng thờ Allah (Ppo Uwlwah theo Chăm hóa) vừa phải tôn thờ tất cả thần Yang của Bà-la-môn.
Trong thực tế, người Chăm Bà-la-môn vẫn mời các tu sĩ Bàni (Ppo acar) đến chủ lễ trong một số việc cúng kiếng (như cúng ngạnh, cúng “Hal Lwah” cúng Ban hwak v.v…) Trong tháng Ramưwan (chay tịnh) tín đồ Bà-la-môn cũng đến Thánh đường Bàni để cầu nguyện và cúng dường. Ngược lại, người Chăm Bàni vẫn làm các lễ Rija (Rija praung, Rija Dayơp, Ngak xwa, các lễ tẩy uế, và mùa Katê cũng đội mâm quả hay gà lên Tháp cúng để cầu nguyện các thần Yang Chăm phù hộ cho gia đình và quê hương được bình an… Ngoài ra, qua sự “lưỡng hợp” này, dân tộc Chăm còn phát sinh một số tu sĩ mới như Ong Mưdwơr, Muk Pajuw, Ong Camưnei. Về việc thờ các thần linh thì từ khi được bản địa hóa, Tôn giáo Bà-la-môn làm lơ với các Tam thần Ấn Độ (Shiva, Brahma, Vishnu) để tôn thờ Ppo Inư Nưgar (Bà Mẹ xứ sở) và các vua có công trình lưu lại cho hậu thế như: Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, v.v…).
Như vậy hai tôn giáo Bà-la-môn và Bàni dân tộc Chăm trở thành hai tôn giáo kỳ lạ, độc đáo tại Việt Nam (tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận) mà trên thế giới không đâu có được. Còn cách hành đạo thì các nghi thức tôn giáo “đan chéo” nhau đúng là “tuy hai mà một, tuy một mà hai” theo như thuyết nhất thể lưỡng hợp.

II. TỪ ISLAM ĐẾN BÀNI:
A. Champa Islam hóa:
– So với các tôn giáo khác (Ấn Độ giáo, Phật giáo) thì Hồi giáo du nhập vào Champa tương đối muộn. Các nhà nghiên cứu thường đặt vấn đề tìm hiểu là Hồi giáo đến Champa vào thời kì nào và sự phát triển ra sao?
Trả lời câu hỏi này chúng tôi cố gắng giới thiệu, phân tích từng thời kì hội nhập của tôn giáo mới. Nhìn chung quá trình hội nhập của Islam vào Champa xảy ra rất chậm chạp, trải dài suốt tám thế kỷ từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII.

– Ed Huber viện dẫn trong bài viết của mình một đoạn trong Tống sử câu phiên âm “A lo ho kibar” mà người Chăm đọc khi giết trâu tế thần. Căn cứ vào câu này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có thể Hồi giáo đã xâm nhập vào Champa ở thế kỷ thứ X. Còn Ravaisse tìm thấy hai tấm bia mà một tấm ghi niên đại 1039 đề cập đến những thương nhân ngoại quốc theo Hồi giáo đã đến Champa và được quyền tạm trú ở ven biển Trung Bộ. Hơn nữa theo biên niên sử Chăm, năm 1000 “Ppo Uwlwah” đã hành hương Mưkah (tức thánh địa La Mecque) và làm vua tại Champa từ năm 1000 đến năm 1036. Một số người Chăm lại hiểu rất “thiển cận” cho rằng Ppo Uwlwah này chính là Đấng Allah hóa thân (mà người Chăm gọi là Ppo Uwlwah). Thật ra nhà vua này là một người có lẽ thuộc hoàng tộc đã cải đạo (hoặc ít nhất đã hành hương La Mecque) trước khi lên ngôi và trị vì tại Bal Sri Binưy. Theo G. Maspéro, sở dĩ những thương nhân Hồi giáo đến Champa rất muộn vì họ cho xứ này có nhiều khó khăn nhất định: Khí hậu khắc nghiệt và khai thác thổ sản ít thuận lợi, dân cư không mến khách, thiếu hải cảng tốt… Những người đến Champa vào thời kì này bằng hai con đường: buôn bán và ngoại giao giữa các cộng đồng Hồi giáo ở khu vực Đông Nam Á – Hải Đảo.

– Theo P. Manguin trong Sự du nhập của IsLam vào Champa(5) quốc vương Champa vào năm 951 có gởi đến Trung Hoa vị đại sứ đầu tiên và vào các thế kỷ X và XI có nhiều đại sứ khác tiếp tục đến. Trong các vị đại sứ này có người mang chử BU (Abu) gắn với tên họ (như Abu – Hassan); theo các sử gia Trung Hoa có lẽ là người của những gia đình Hồi giáo giàu sang quyền quý định cư tại Nam Trung Hoa (Canton) và trước kia đã từng cư trú tại Champa. Từ năm 986, nhân một người Việt tiếm ngôi (Lưu Kỳ Tông), có những đoàn người Chăm di cư đến Nam Trung Hoa và miền Nam đảo Hải Nam, trong số này có người theo đạo Islam. Trong thời kỳ này có nhiều công chúa hay hoàng tử Champa lấy chồng hay vợ là người có đạo Hồi giáo như công chúa Daravati và cô em. Quốc vương Champa tiếp nhận một người du lịch giàu sang xứ Trung Đông tên là Pandita Arifa, chính vị này về sau đã chuyển hóa nhà vua và cả dân chúng vào Hồi giáo. Một bài viết của Ciberon vừa được khám phá gần đây tiết lộ rằng có nhiều cuộc quan hệ giữa La Mecque, Champa và Java. Ông ta còn khẳng định là việc dạy giáo lý của kinh Coran do những vị Maulana đảm đương, có một vị trong số Maulana này đã cưới công chúa của nhà vua.

– Marco Polo đã đến Champa vào năm 1280 và nhấn mạnh rằng nhà vua và dân chúng đều là người thờ hình tượng Islam. Ở xứ Champa, những nhà buôn lớn gốc Hồi giáo lúc nào cũng quan hệ chặt chẽ với nhà vua và triều đình để kiểm soát sự xuất cảng và tài trợ cho du lịch thương mại. Nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với nhau là việc Islam hóa xứ Champa chỉ xảy ra tích cực sau 1471 (năm thủ đô Vijaya – Bình Định thất thủ). Những nhà lãnh đạo Champa lúc bấy giờ không tin ở văn hóa Ấn Độ nữa mà mong ước trang bị cho đất nước mình nền văn minh Ả Rập. Vị Sejarah Melayu viết trong đoạn nói về Champa rằng: Sau khi Vijaya thất thủ vào năm 1471, một trong những hoàng tử của nhà vua tên Idera Berna Syah (Indravarman?) cùng bà vợ và đoàn tùy tùng đến nương náu tại Malaka của Sultan Mansur Syah. Tất cả đều cải đạo sau đó. Còn hoàng tử em Syah Pauling (Po Liang) thì đến xin nương náu tại Aceh nhưng tác giả không nói đến tôn giáo của vị này.

– Vào năm 1518, Duarta Barbosa viết về châu Á có một đoạn nói: “Một đảo lớn gồm nhiều người sùng đạo mà người ta gọi là Champa và có một ông vua sùng đạo”
– Ngày 7 tháng 12 năm 1595, Diogo Veloso và một số người khác lấy tin từ Champa (vì bị cầm tù ở đó) nói rằng: Trong vương quốc này có nhiều người theo đạo Islam và nhà vua lấy làm thích thú khi được giảng giải về đạo giáo của Mahomet và ở đó có nhiều thánh đường Hồi giáo.

– Tháng 10 năm 1607, hạm đội của Đô đốc Cornelis Matelief từ Trung Quốc ghé Champa để tiếp nhiên liệu viết rằng: Vua ngự trị ở thủ đô tại Phan Rí. Nhà vua không theo đạo (Hồi giáo) nhưng Urang kaya (Vị quan lại đại diện nhà vua) đến viếng hạm đội là một người theo Hồi giáo. Nhà vua có những mối quan hệ tốt với triều đình Johor.
– Vào năm 1640, linh mục Escalona OFM đến bờ biển Champa và thuyền của ông bị những người theo đạo Hồi giáo tấn công. Vào năm 1675, Linh mục M. Hainques viết: “Người Chăm hầu hết đã vào đạo của Mahomet nhưng chẳng cần xem xét kỹ… (thiệt hơn)”. Nhưng vào 1676, Linh mục Mahot MEP là người đầu tiên được giáo hội Thiên Chúa đưa đến Champa để truyền đạo Thiên Chúa và chăm sóc các con chiên Việt Nam đã cho những thông tin khá chính xác về sự bành trướng Hồi giáo: “Nhà vua và một phần vương quốc đã là tín đồ Hồi giáo, nhưng ngu ngốc. Về tình trạng tôn giáo của vương quốc này, những người Mã Lai theo Hồi giáo đã rất xông xáo hơn chúng ta; chúng đã lôi cuốn cả nhà vua và triều đình đi theo giáo phái đáng nguyền rủa của họ”.

– Năm 1685, M. Feret MEP cũng chứng kiến tôn giáo Islam của nhà vua: “Trong một lá thư gởi cho Toàn quyền ở Bativa vào năm 1680, nhà vua Chăm mang chức tước rõ ràng của Mã Lai “Paduca Seri Sultan”. Chữ Sultan khẳng định hình thức bề ngoài là Islam.
– Giữa 1607, năm mà nhà vua Chăm còn là Bà-la-môn, và năm 1676 quốc vương Chăm là Hồi giáo, gần bảy mươi năm trôi qua, trong khoảng thời gian ấy không có một chứng cứ nào cho chúng ta biết tôn giáo của nhà vua.

– Theo nguồn tư liệu Chăm, thì vua Ppo Rome đã tìm mọi cách chấm dứt cuộc tranh chấp giữa hai tôn giáo và có một trong ba người vợ là Hồi giáo. Ppo Thaut thì thuyết dụ dân chúng liên tục để vận động dân vào Islam nhưng vị vua này vẫn theo đạo Bà-la-môn. Còn ở đền thờ Ppo Nraup – vị vua kế vị Ppo Rome – người ta vẫn thấy hai mộ của hai bà vợ và một trong hai bà là người có đạo.

– Qua cuộc viếng thăm của chiếc tàu chống tàu ngầm (la frégate) của Pháp vào năm 1720, người ta được biết là đạo của Mahomet chế ngự vương quốc Champa. Một thế kỷ sau, qua các Cha cố truyền đạo, người ta biết được đạo Islam có một vị trí đàng hoàng nhưng lại không được thông tin về tôn giáo của nhà vua.
Cuối cùng, những sự kiện trên đây dẫn chúng đến các nhận định sau:

1. Có ít nhất là một nhà vua Champa đã cải đạo theo Islam trong phần tư cuối cùng của thế kỷ XVII, vì thế vào thời kỳ đó có thể xem là Champa đã được Islam hóa.
2. Chưa có thể kết luận là sự Islam hóa đó là dứt điểm vì người ta không thể chắc là các vị vua sau tiếp tục theo đường lối tôn giáo đó (vì có những lý do đặc biệt là sự sáp nhập của Champa vào Việt Nam vào năm 1693).
3. Theo Mahot MEP, khoảng năm 1676 nhà vua và một phần quan trọng của dân chúng đã cải đạo (hơn phần nửa), nhưng vào thể kỷ XX chỉ có 1/3 cải đạo tại Bình Thuận (có phải do sự di cư sang Campuchia là nguyên nhân của sự sụt giảm này?)
4. Theo Moura, nếu tính cả người Chăm di cư ở Campuchia thì toàn thể dân chúng cải đạo lên đến 80%.
5. Để có sự nhận định khách quan và toàn diện, chúng ta nên xem xét mối quan hệ của Champa với các nước lân bang:
– Vào cuối thế kỷ XV, một cộng đồng Chăm đã định cư tại Malaka (Malayxia) và ở Campuchia thì cộng đồng định cư càng quan trọng hơn.
– Ở Campuchia và ở Xiêm La cộng đồng Chăm kết hợp với dân Mã Lai đã tổ chức lật đổ nhà vua bản xứ để thay thế bằng vua theo Hồi giáo, Sultan Ibrahim 1642 ở Campuchia, nhưng không thành công ở Xiêm La (Mak Phoeun 1927).
– Vào năm 1594 quốc vương Champa đã gởi một đoàn quân tiếp viện giúp vua Johor trong trận chiến chống quân Bồ Đào Nha tại Malaka (Blair và Robertson 1903).
– Vào thế kỷ thứ XVII các tàu buôn của Champa vẫn dọc ngang ở các thương cảng Đông Nam Á và quan hệ tốt với Pahang, Patani, Johor và Minangkabau (Noorduyn, 1956).
– Vào thời kỳ này, những người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Nhật Bản có quan hệ tốt với Champa (Peri 1923).
– Sự tham gia tích cực vào mạng lưới thương mại ở Đông Nam Á với các nước hồi giáo đã giữ phần quan trọng trong quá trình hồi giáo hóa Champa .Nhưng đầu thế kỷ XVIII (với sự cố chính trị 1693) Champa chỉ còn là một tỉnh – Thuận Thành trấn – thì mọi liên lạc với các nước Hồi giáo mới chấm dứt.

B. Sự xung đột giữa Bà-la-môn giáo và Hồi giáo.
Chúng tôi nhận xét là sự xung đột cạnh tranh giữa tôn giáo cũ và tôn giáo mới du nhập trong một nước là một điều tất yếu dù sự du nhập đó có cả nhà vua đỡ đầu đi nữa. Ở đây chúng ta nên phân ra hai giai đoạn trong quá trình Islam hóa này.

– Giai đoạn đầu là từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XV (trước năm 1471) sự truyền đạo mới chỉ xảy ra ở cấp thượng lưu xã hội (triều đình và các người quyền quý ), chưa quan tâm đến nông thôn nên sự cạnh tranh và xích mích vẫn được êm dịu và hạn chế. Tuy nhiên căn cứ vào các yếu tố lịch sử lúc bấy giờ các quan lại và các tướng lĩnh cũng có những pha tranh cãi gay gắt làm cho triều đình các thời đại lúng túng và khó xử. Có người cho rằng lý do mà Ppo Bin Swơr kiêng cả thịt heo lẫn thịt bò là chỉ để dung hòa các vị quan lại trong triều đình.

– Giai đoạn thứ hai từ thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVII: Đây là giai đoạn mà sự truyền đạo rất tích cực ở toàn địa bàn, thành thị cũng như nông thôn, giới thượng lưu cũng như giới bình dân. Sự va chạm và sự xích mích ngày càng gay gắt. Chúng ta chỉ cần xem qua sự chia rẽ đó trong văn chương và xã hội cũng đủ để… rùng mình!

– Trong Akayet Um Mưrup “Xung đột này lên đến đỉnh điểm khi hoàng tử Um Mưrup vào đạo Hồi bất tuân vua cha, dẫn quân về đánh tan nát quân triều đình. Sau đó khi hoàng tử bị giết, Ali – đại biểu của Hồi giáo) – đã phá nát tất cả đền tháp Champa là biểu tượng của sức mạnh Bà-la-môn giáo(6)

– Trong một văn bản khác: Ariya Bini – Cam, sự xung đột cao độ đã dẫn đến sự chia li của cuộc tình, sụp đổ của vương quốc.

Bani với Chăm (Bà Chăm) bao năm ròng rã
Ngựa nàng về một bên
Voi ta sang một ngả, đất nước tối tăm
(7)

Chỉ vì sự xung đột 2 tôn giáo mà đôi tình nhân (Hoàng tử Champa và công chúa Hồi giáo xứ Mã Lai) xót xa tuyệt vọng:

Ta ngồi đó một mình trên bãi cát
Biển mênh mông, sông nước bao la
Buồm em đi khói phủ nhạt mờ
Và ta khóc hai bàn tay đẫm lệ

Rồi:
Ta như kẻ mất hồn lang bạt
Cúng thánh đường, lên tháp lạy Yang
Đất nước ta xứ Pandarang
Người đi lưu lạc quê hương rã rời

Nữa:

Xứ Debare loạn lạc lan tràn
Đôi ta sầu muộn, quê hương tan tành
Đất nước ngập chìm trong tối tăm
(8)

Sự xung đột ngấm ngầm còn thể hiện qua ca dao:

Chăm (Bà Chăm) đào giông miệng cười khì
Giông chạy đi Chăm đấm ngực

Đấy là lời khinh khi nặng nhứt đối với người Chăm theo đạo Bà-la-môn.
Qua vài câu thơ trên cũng đủ chứng minh là sự xung đột, kỳ thị đã đến tột đỉnh, đến nỗi qua thế kỷ XXI rồi mà người Chăm khác tôn giáo khó lấy nhau được.

C. Tôn giáo Bàni ra đời
Chúng ta đã thấy hai tôn giáo Bà-la-môn và Islam, qua quá trình sinh hoạt chung trong cộng đồng Chăm đã có những tranh chấp đưa đến xích mích và xung đột, gay gắt nhứt là vào hai thế kỷ XVI và XVII.

1. Do sự xung đột quá lớn nên các vua chúa Champa tìm cách giải quyết ổn thỏa mong đem lại sự đoàn kết cho dân tộc. Chính vua Ppo Rome đã có sáng kiến đưa ra quan điểm dung hòa tôn giáo bằng quan niệm “nhất thể lưỡng hợp” mà chúng tôi đã trình bày khá rõ ràng ở phần đầu. Chính sự bản địa hóa tôn giáo Islam bằng cánh buộc người theo Islam phải tôn thờ tất cả thần linh của Bà-la-môn cùng tất cả hình thức tín ngưỡng dân gian của dân tộc mới đẻ ra một tôn giáo mới là Bàni. Có người cho rằng Bàni và Islam là một, vì cùng thờ Đấng Allah. Nói như thế có đúng không?

2. Trên phương diện học thuật và khoa học, nói như thế chỉ mong muốn vuốt ve tình cảm nhằm giúp anh em thuận hòa với nhau mà đừng bao giờ chia rẽ và xích mích, xung đột… Suy nghĩ như vậy là rất tốt và thiện chí. Nhưng vấn đề ở đây là khoa học, trên phương diện lý luận cũng như trên phương diện thực tiễn.
– Trên phương diện lý luận, có bao giờ một người Hồi giáo chính thống chấp nhận việc thờ cúng thần linh và cả thờ cúng tổ tiên không? Không bao giờ, vì như thế là haram.
– Trên phương diện thực tiễn, các anh em theo đạo Islam không bao giờ dám đến dự lễ Katê có cúng quẩy và cầu nguyện thần linh, vì người Hồi giáo không được thờ một thần linh nào khác ngoài Allah.

3. Ngoài ra, về giáo lý giáo luật Islam, các tín đồ phải có đức tin và tuân thủ năm điều cơ bản của giáo luật. Đức tin rút lại ở sự công nhận ba điều: Một Thượng đế duy nhất, sứ mạng của giáo chủ, và sự phục sinh và sự phán xét cuối cùng sau ngày tận thế.
Năm điều cơ bản của giáo luật gồm: Biểu lộ đức tin, Cầu nguyện mỗi ngày, Ăn chay trong tháng Ramưwan, Bố thí, Hành hương đến thánh địa La Mecque.
Các điều răn trên đây không được các tín đồ Bàni tuân thủ. Họ chỉ phó thác cho các thầy acar… Như vậy chúng ta thấy Bàni không giống Islam trong những điều giáo luật căn bản nhất.

Kết luận
Qua sự phân tích trên đây, chúng ta có thể tạm kết luận như sau:
1. Vấn đề tôn giáo thật là phức tạp. Đối với cá nhân cũng như cộng đồng chúng ta, không bao giờ được phép giải quyết “lấy lệ” hay “cho xong việc” mà phải quan tâm thực sự khi có một quyết định nào về tôn giáo. Chuyện xích mích, xung đột tôn giáo dẫn đến tiêu vong một quốc gia là một bài học lịch sử của dân tộc Chăm.
2. Các vua chúa Chăm quá chủ quan. Không tin ở văn hóa Ấn Độ vì thường là “bất cần đời” (học giỏi không phải để giúp đời mà để tiếp tục học thêm… hay đi tu), các vua Chăm mong muốn chuyển hóa dân chúng theo văn minh Ả Rập. Việc tưởng là dễ nhưng không dễ tí nào. Khi thực hiện mới đụng đầu với những khó khăn phức tạp khó vượt nổi.
3. Con cháu hậu thế phải sáng suốt mà rút kinh nghiệm:
– Ít nhất là không tiếp tục kỳ thị tôn giáo trong cộng đồng.
– Không nên xem tôn giáo mình là tiêu biểu của Chăm (nghĩa là các tôn giáo khác đều là ngoại lai hoặc ma quỉ…)
– Vấn đề hôn nhân giữa hai tín đồ tôn giáo là vấn đề khá gay cấn nhưng khách quan và khoa học mà xét thì cũng không lấy gì làm khó khăn cho lắm. Khó khăn là do kiến thức hạn hẹp và quan điểm chưa nâng lên tầm cao…
– Về mặt tôn giáo, không có gì quý hơn sự thông cảm và khoan dung.
Tôi thành thật ước mong mấy điều kết luận này sẽ được giới trẻ quan tâm và đặc biệt chú ý.

Phước Nhơn, 31-5-2009.
____________________

Chú thích:
(1) Phan Quốc Anh, Nghi lễ vòng đời của người Chăm Ahiêr, NXB Văn hóa dân tộc, 2006.
(2) G. Maspéro, Vương quốc Champa, Paris. 1929, tr. 10.
(3) Sakaya, Lễ hội của người Chăm, NXB Văn hóa dân tộc, 2003, tr. 36.
(4) G. Maspéro, Sách đã dẫn, tr. 13.
(5) P. Manguin, Sự du nhập của Islam vào Champa, EFEO, T.LXVI, Paris 1979.
(6) Inrasara, Ariya Cam, NXB Văn nghệ, 2006, tr. 51.
(7) Inrasara, Văn học Chăm khái luận, NXB Văn hóa dân tộc, 1994.
(8) Inrasara, Sách đã dẫn.

*
Tagalau 10.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *