Kalưu: Văn 03 – Giọt nước mắt muộn màng

Kính tặng hương hồn dì

Không phải là lần đầu tiên trong đời tôi khóc, những giọt nước mắt dào dạt cứ tuôn trên má đắng chát trên môi. Tôi khóc như chưa bao giờ khóc, tiếc thương cho một cuộc đời ngắn ngủi đã ra đi, một số phận hẩm hiu đã phải chịu bao áp lực của cuộc sống và xã hội-cái xã hội nhỏ bé đầy thi vị nhưng vô tình quá hà khắc.

Vâng, đó là cuộc đời của dì Mây, người dì mà ngay chính bản thân tôi cũng có một sự định kiến. Định kiến từ cách nhìn đến lối tư duy, từ cuộc sống éo le mà tôi không nhận thức được vì lý do hoàn cảnh đến tập quán sinh họat của gia đình, từ sự áp đặt của họ hàng và gia đình đến cái gọi là sĩ diện ảo mà đôi khi một cá nhân nào đó bất hạnh trở thành một nạn nhân.
Dì Mây là con gái út của một gia đình có địa vị trong xã hội. Theo chế độ mẫu hệ, con gái út sẽ là người thừa hưởng toàn bộ gia tài sau khi bố mẹ về già.
Dì trưởng thành trong những năm của thập niên 70, cái thời mà con gái đi học là một sự vô cùng hiếm hoi trong xã hội. Dì được hưởng sự giáo dục của một gia đình gia giáo mang âm hưởng của sự phong kiến khắt khe. Có lẽ vì thế mà con người dì trở nên rụt rè và thụ động, chính điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của dì vào những năm kinh tế thị trường. Dì lặn ngụp và vùng vẫy trong cơn lốc kinh tế gia đình trong cái cảnh phi nông lưỡng thương vô phương chống chế.
Cũng như bao người khác, vào tuổi cặp kê dì được gia đình sắp đặt vào cuộc hôn nhân mang tính chất môn đăng hộ đối hơn là hôn nhân tình yêu. Tôi không biết dì có yêu hay không nhưng chỉ vỏn vẹn một khoản ngắn thời gian cuộc hôn nhân ấy tan vỡ, bỏ lại sau lưng dì một khoảng trắng đơn côi. Nghiệt ngã thay sự đổ vỡ ấy lại bị quy tội lỗi từ phía dì, tất cả mọi sự hiềm khích đều đổ về phía dì vì một gia đình gia giáo không thể có một người con gái ở giá nhất là con gái út, đó là một sự bôi nhọ lên bộ mặt họ hàng và dòng tộc.
Ê chề và đau đớn, sự mất mát tình cảm trong hôn nhân chưa nguôi ngoai nay lại thêm một áp lực tâm lý từ phía những người xung quanh thì chỉ có một con đường tự giải phóng mình mới có thể sống được. Nhưng phải đi đâu và làm gì khi xưa nay dì chỉ là một tiểu thư đài các?
Vật vã với cuộc đời, cô đơn trong tình cảm, dì quyết định đi thêm một bước nữa. Mặc dù không tròn trịa như bao gia đình hạnh phúc khác nhưng ở đó cũng có vang lên những tiếng cười hạnh phúc mặc cho sự túng quẫn hàng ngày cứ qua đi, bao cay đắng nhọc nhằn cũng tạm lùi lại. Một căn nhà đơn sơ cũng đủ làm cho lòng người ấm cúng trong những đêm mưa lạnh.
Dì quyết định không trở lại căn nhà và gia sản được thừa kế. Dì đi theo tiếng gọi của sự khát khao hạnh phúc, một hạnh phúc bình thường mà bao cuộc đời luôn mong mỏi và chờ đợi bỏ lại sau lưng những định kiến từ sơ khai. Dì chấp nhận tất cả để chỉ mong đến được bến bờ tươi đẹp nơi mà dì luôn hằng mơ ước.
Dòng đời cứ thế trôi đi, dì lặn ngụp trong sự thương yêu và đùm bọc của những người biết cảm thông và chia sẻ, trong sự thương yêu và kính trọng của những đứa con, sự trìu mến của chòm xóm.Nhưng tấn trò đời thường bao giờ cũng không mỹ mãn cho số phận. Vì thường xuyên vật lộn với những cơn túng quẫn, người chồng của dì bắt đầu rượu chè nhếnh nhác bỏ lại sau lưng một gia đình èo uột về kinh tế nay lại càng cạn kiệt hơn. Dì vô cùng buồn bã vì không thể can ngăn người chồng mình được trong khi những đứa con dần dần bỏ học. Nghiệt ngã hơn cùng lúc ấy dì lại phát hiện trong mình đang mang chứng ung thư cấp tính.
Những tưởng cuộc đời sẽ vượt qua số phận, giành lại hạnh phúc hiếm hoi trong đời thường nhưng định mệnh sao lại quá cay nghiệt. Ai đã đưa số phận của dì đi đến nỗi oan cuồng như thế hay chính dì tự chuốt lấy cho mình? Một con người nhu mì và ý nhị như dì sao lại phải chịu nhiều đớn đau đến vậy?
Tôi không thể lý giải được vì chính trong tôi cũng đang day dứt không nguôi dẫu có là sự day dứt muộn màng. Suốt cuộc đời này tôi không thể tha thứ cho chính mình trong sai lầm về nhận định cũng như về những gì mà tôi đã vô tình đối với dì.
Hôm nay, đứng nơi đây trước nấm mồ đơn sơ như cuộc đời dì, tôi kính cẩn cầu xin vong hồn dì hãy tha thứ cho tôi, cho những người cũng vô tình đã khiến cho dì đến ngày đi qua bên kia thế giới lòai người mà vẫn chưa trọn vẹn được một niềm khát khao bé nhỏ của mình – hạnh phúc!
Khi những người đưa tiễn hương hồn dì lần lượt ra về, đó là lúc những giọt mưa li ti bắt đầu ướt lên lớp đất mới trên nấm mồ nơi dì đang an nghỉ nghìn thu. Những giọt mưa như những giọt nước mắt muộn màng mà tôi muốn gởi vào ấy lời cầu chúc cho hương hồn của dì sẽ đi đến một bến bờ hạnh phúc mới – nơi mà dì hằng khát khao nay chỉ còn có thể ở thế giới bên kia – thế giới của sự vĩnh hằng.
Tôi đang đứng bên nắm mồ không vun đất
Một mảnh đời bất hạnh ngủ thiên thu
Bao oan trái, bất công hay số phận?
Có thấu chăng giọt nước mắt muộn màng.

TP Hồ Chí Minh, 11-8-2005

*
Tagalau 10.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *