Thử nhận diện Lam Hạnh

Tên thật: Ngô Thị Kiều Hạnh
Sinh: 1983
Bút danh: Lam Hạnh
Hội viên hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa
Đã có thơ đăng trên các tạp chí Trung ương và địa phương
Hiện sống và làm việc tại Cam Ranh
Đã in:
Ngực cỏ, NXB Hội Nhà văn, H., 2008.

*
Thử nhận diện Lam Hạnh

*
Nhận diện một khuôn mặt
Ở bài “Tự họa”, người đọc bắt gặp đoạn thơ:

Tôi bắt gặp tôi giữa mảnh vỡ bê tông cảm xúc
Kiêu hãnh trùng trùng mái chóp nhô, đôi mái lá lạc điệu
Tên như một định mệnh cong vênh

Mẹ khai sinh, không phải hạnh đào hạnh trắng
Hạnh màu lam cơn mưa giấc nắng
Mùa tháng bảy, một cánh tay treo lên, bất ổn
Không xâu hết xúm xít nỗi buồn đỏ sậm
Hoang mang thân cuống triệu chứng úa màu lá
Héo

Và họ làm cuộc đoán mò: người thơ ấy tên Hạnh – Lam Hạnh. Giới tính: nữ. Nàng chịu một bất ổn, một sự hẫng nào đó, nếu có thể nói thế. Về thể chất: một cánh tay treo lên; gia cảnh: đôi mái lá lạc điệu giữa trùng trùng mái chóp nhô; quê nhà: nắng, mưa, gió thừa thãi và thất thường; hay cả cuộc tình: “mảng cỏ rối giấu những xao động hẫng”. Nàng chìm ngập giữa điệp điệp nỗi buồn đỏ sậm, ngổn ngang bao mảnh vỡ của cảm xúc. Nàng cảm nghe hẫng, lạc lõng, hoang mang. Nàng sẽ… héo, tàn chăng?
Không! Người thơ ấy vẫn còn niềm kiêu hãnh, thứ kiêu hãnh của kẻ mang trong mình phận thơ: “Những con chữ hiện hình giấc mơ”… Người thơ ấy cần thức nhận đúng mặt thật mình, để mà cưu mang, mà khát khao, vươn vượt.

một quê nhà,
Là Cam Ranh. “Khúc ruột, cánh đồng trưa chang nắng / những luống cày chảy / mồ hôi…” (“Khúc ruột”). Cam Ranh của bão dông, của mưa thối đất và nắng cháy da. Cam Ranh ngập tràn mây trắng, biển trắng xóa, đồng lũ trắng xóa. Người lam lũ trong cuộc đời lam lũ. Nên, chỉ có kẻ thực sự yêu đất mới ở lại với đất, tha thiết với người mới thủy chung gắn bó với người. Cam Ranh.

anh chạy trốn vùng cát tênh hênh gió
giàn giụa giọt nắng mồ hôi em

(“Cỏ em xanh”)

Cuộc tình rời xa, em ở lại. Người đến rồi người đi, nhưng không vì thế mà Cam Ranh héo, tàn hay mất đi sức sống:

Cam Ranh
đêm thị xã
những gốc hoa sữa chồm dậy nói chuyện với con đường
bằng ngôn ngữ nồng
vàng lóa mắt đường không hình dung nổi
màu biển đen thăm thẳm
nhạy cảm dưới gốc những chuyện tình
những quán cà phê thênh thang
thả vào ngồn ngộn cơn gió mênh mang
hòa âm mới
.
(“Đêm Cam Ranh”)

Cam Ranh có lại hòa âm mới, em có lại cuộc tình mới: “Vắt ngực tình em bay hương cỏ / Không quê mùa… / Không hiện đại”.

Ngày hơn hớn dẫn ta đi miền sông bướm lạ
cánh xập xòe chảy bóng vàng hoa
nụ cười em vẽ lên ngực cỏ
ngọn mi xanh
đất mộng du và trời anh mộng du
.
(“Hơn hớn ngực cỏ”)

và một giọng thơ.
Ngực cỏ phồn sinh sẵn sàng đón đợi cuộc tình mới, một cuộc tình thôi làm màu mè phấn son, “không còn ngọng nghịu giả vờ” tán tỉnh với những thề non hẹn biển đã sáo mòn; kẻ tình nhân dám quẳng hết mọi nỗi trang nghiêm trí tuệ [rởm], đạo đức [giả] ở lại phía sau, để nhập cuộc. Như cặp tình [nhân] bò trong bình minh Mornington phóng dật kia:

… quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói
bên đường
không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và
làm tình
khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát
… bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân

(“Mornington – Bình minh dậm dật những đôi chân”)

Nỗi khát yêu và kêu đòi giải phóng tình dục như kiểu này, không mới. Đã xảy ra mươi năm qua, ở thơ nữ. Đậm đặc nữa là khác. Khác chăng, Lam Hạnh dám cắt đứt hình tượng “ngựa” (Inrasara, “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”) để quay về với hình ảnh “bò” lạ mà quen. Với lối nhìn cận cảnh, khá độc đáo.
Tại điểm này, người đọc bắt gặp giọng thơ Lam Hạnh – một giọng thơ “không quê mùa, không hiện đại” nhưng không vì thế mà nó không có sức hút riêng.

Sức hút ấy – chính là hình tượng [cũ mà] mới và cách nhìn mới.
Thơ trẻ [nhất là nữ] lâu nay hay bị than phiền là quá chủ quan, quá hướng về cái Tôi cảm tính mà ít mở ra bên ngoài. Lam Hạnh cũng khó thoát khỏi quỹ đạo đó. Ngực cỏ vẫn làm dáng với những “lưỡi bí mật”, “bâng khuâng tiên cảm phồn sinh”, “mùa yêu nồng nàn”, “hoang tưởng đen”, “khát cơn tội lỗi”, “nhiễm độc tinh khiết thơm”, “đường bay vọng động”, “cơn mưa huyễn hoặc”, “khối u mãn tính”,… Chúng ta cứ tưởng Lam Hạnh sẽ chết chìm giữa đống nhàm cũ kia! Nhưng không, người thơ nữ của đất nắng Cam Ranh vẫn có thể trỗi dậy. Với cách nhìn riêng, sắc lẹm.
Từ hào quang lộng lẫy của “Hoa hậu” được quan sát từ xa:

Nàng đi qua, trên phố đông xa lạ
Lưng trần dán lên mắt khát thèm
… Mình chỉ là cái nhãn quảng cáo
con cờ của những cuộc chơi…
!

Qua việc nhận ra mình bị phân mảnh giữa nhịp sống cuồng loạn chốn vũ trường:

Xập xình vũ trường đêm saxo man dại
Lưng trần đẫm mồ hôi, chân hồng bít tất
… Tôi thấy tôi trên những ô cửa kính 8x
Phân mảnh
.
(“Trên những ô cửa phân mảnh”)

Cho đến phản ứng khi đọc phải tin tức từ mảnh báo [Tuổi trẻ] về 53 cô gái Việt Nam dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc, Lam Hạnh vẫn cho người đọc cái nhìn khác, một liên tưởng gần, thực – vừa phê phán vừa cảm thông phận người:

Nước đang lên và son phấn xếp hàng
đợi
rốn sâu
lưng ong
chờ mở cửa bàn tay chồng ngoại
… Nước vẫn lên miền Trung
Em cô gái miền Tây phơi ngực
ung dung
quên
những mặt người cơn lũ gian nan

(“Nước vẫn lên”)

“Vắt suốt mùa đợi, một ngóng trông…”. Suốt mùa đợi, bên dòng thơ ca đang chìm nghỉm giữa muôn vàn chủng loại thông tin đại chúng, trước cấp tập sản phẩm thơ ra đời như thác lũ chữ nghĩa, người đọc thèm ngóng trông một giọng thơ lạ. Lạ và khác. Lam Hạnh với Ngực cỏ ở mức nào đó, vẫn cho chúng ta hi vọng.

Sài Gòn, 9-1-2008.

_______________________

(*) Các trích đoạn thơ từ Ngực cỏ, NXB Hội Nhà văn, H., 2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *