Thư cho bạn trẻ: Về ngôn ngữ

SG, 28-8-2009.
Bạn Nh. thân mến
Cám ơn bạn đã có thắc mắc đáng trao đổi.

1. Trước hết bạn cần phân biệt 4 khái niệm này, là điều nhiều người hay nhầm lẫn:
Từ (word): bauh akhar, là “đơn vị ngôn ngữ nhỏ nhất có nghĩa hoàn chỉnh”.
Ví dụ: Cách dùng từ tiếng Việt.
Từ vựng (lexicon): akhar, là “toàn bộ các từ vị hay các từ của một ngôn ngữ”.
Ví dụ: Từ vựng tiếng Pháp.
Tiếng (language): xơp, là “ngôn ngữ cụ thể nào đó”.
Ví dụ: Tiếng Khmer.
Chữ viết hay chữ (writing, script): akhar wak, là “hệ thống kí hiệu được đặt ra để ghi tiếng nói”.
Ví dụ: Chữ Quốc ngữ.

Về từ vựng (đúng hơn: từ), Chăm hiện nay và Chăm xưa không có gì khác nhau cả. Có một số từ cũ chết đi, từ mới được đẻ ra. Bất kì ngôn ngữ nào cũng vậy. Thời đại mới nảy sinh vài khái niệm mới, khái niệm này đòi hỏi có tên gọi. Người Chăm trong thời đại mới, hoặc vay mượn hoặc sáng tạo từ mới, để dùng.

2. Nhưng tôi ngờ rằng bạn đang muốn hỏi về CHỮ VIẾT Chăm truyền thống, gọi là akhar thrah . Muốn bàn về một vấn đề gì, cần đặt nó trên cơ sở. Cơ sở để dùng qui chiếu và so sánh ở đây là các từ điển. Về chữ Chăm akhar thrah để ghi tiếng Chăm, có thể tạm chia làm 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Lối ghi akhar thrah trong Từ điển Aymonier – Cabaton, in năm 1906.
Giai đoạn 2: Lối ghi akhar thrah trong Từ điển do Moussay chủ trì biên soạn, in năm 1971 và Từ điển do Bùi Khánh Thế chủ biên, in 1995.
Giai đoạn 3: Lối ghi akhar thrah của Ban Biên soạn sách chữ Chăm, hoàn chỉnh năm 1985.
Về cơ bản, cả 3 lối này là giống nhau, chỉ có rất ít khác biệt ở tiểu tiết.

2.1. Bởi chữ viết Chăm chưa trải qua kĩ thuật in ấn, nên ông bà ta ở nhiều vùng khác nhau, nhiều thầy khác nhau, chép nhiều lối khác nhau. Sự KHÁC biệt (ở tiểu tiết) này thể hiện rất rõ trong Từ điển Aymonier (Giai đoạn 1).
Ví dụ: từ MỚI được viết 5 cách; từ HOA được viết 10 cách. Cần lưu ý là ở mọi trang trong Từ điển này đều xuất hiện tình trạng như thế. Tại sao? Aymonier không chủ trương chọn lựa một cách viết, mà ghi tất cả cách ông bà Chăm đã từng viết trong các văn bản ông và cộng sự sưu tầm được.

2.2. Nhận thấy điều đó gây khó khăn cho việc học và tra cứu, Moussay và cộng tác viên là trí thức Chăm đã có bước “cải tiến”, “chuẩn hóa” rất quan trọng. Nhưng tôi thích dùng từ “chọn” ở đây hơn.
Ví dụ: Từ MỚI, Aymonier viết 5 cách, Moussay chỉ chọn 1 cách là: BIRUW.
Từ HOA, Aymonier viết 10 cách, Moussay chỉ chọn 1 cách là BINGU.
Có thể nói thế hệ Chăm 50-70 tuổi đều viết theo Từ điển Moussay.
Bạn nói là “chuẩn chữ Chăm xưa” chính là bạn nói về lối viết được dùng trong Từ điển này (giai đoạn 2), nghĩa là đã cải tiến, chuẩn hóa.

2.3. Đến khi BBSSCC thành lập vào năm 1978, các trí thức Chăm (toàn những người giỏi) một lần nữa, nhận thấy lối viết trong Từ điển Moussay còn tồn đọng vài điều “chưa hợp lí”, nên đã “cải tiến”, “chuẩn hóa” nữa, đến năm 1985 căn bản là xong.
Ở đây, tôi cũng lại thích dùng từ “chọn” hơn.
Ví dụ từ NUỐT:
– Giai đoạn 1 viết 2 cách: luan, luơn, nếu bạn đọc nhiều văn bản cổ, bạn sẽ thấy rất nhiều văn bản cổ Chăm viết: LUON. Chăm hôm nay phát âm hôm nay là “lôn”.
– Moussay ở giai đoạn 2 chọn: LUƠN, bỏ LUAN, đọc là “lôn”.
– BBSSCC ở giai đoạn 3 viết: LON, cũng đọc là “lôn”.

Ví dụ 2, từ BUỒN:
– Giai đoạn 1, Aymonier viết 4 cách: druy, drwai, droy, draiy. Chăm hôm nay phát âm “trồy”.
– Moussay ở giai đoạn 2 chọn 1: DRWAI, đọc là “trồy”.
– BBSSCC ở giai đoạn 3 chọn 1: DROY, cũng đọc là “trồy”.

3. Kết luận: Tôi cho là không có ai viết sai, hay viết khác truyền thống cả. Hai giai đoạn sau, từ năm 1970, các trí thức Chăm có ý hướng chọn một cách viết. Vậy thôi. Nếu dạy cho các em nhỏ viết theo lối viết “truyền thống”, thì phải dạy theo Từ điển Aymonier mới truyền thống hơn cả, nghĩa là dạy chữ lối viết hiện diện cách nay hơn một thế kỉ. Tôi e rằng đó là điều không thể.
Còn bạn nói học chữ Chăm cải biên bây giờ thì khó đọc văn bản cổ ư? Tôi nghĩ không phải vậy. Lối viết văn bản xưa gây khó cho tất cả mọi người, cả người đã học qua lối viết akhar thrah ở giai đoạn 2 hay giai đoạn 3 cũng vậy. Vì đó là văn bản viết tay, viết tháu, viết nhiều lối khác nhau (như đã thể hiện trong Từ điển Aymonier, giai đoạn 1). Một khi chúng ta đã rành một lối viết, chỉ cần vài hướng dẫn nhỏ, mọi lối viết đều được vượt qua dễ dàng.
Ban Biên soạn SCC là cơ quan duy nhất có trách nhiệm soạn sách và theo dõi dạy MỘT LỐI VIẾT cho thế hệ tương lai. Người ta có thể đặt câu hỏi ngược lại, nếu không dạy theo MỘT LỐI VIẾT của BBSSCC, thì dạy MỘT LỐI VIẾT theo ai đây? Chăm có Bộ Giáo dục không? có Viện Ngôn ngữ học không?
Chữ Quốc ngữ cũng vậy thôi, thời manh nha nó khác, sau đó qua bao lần “cải biên” nó mới như hôm nay. Nhưng đến lúc này vấn đề đã quyết toán xong đâu: các nhà ngôn ngữ vẫn chưa chọn được triết lí hay triết lý? Nhưng người ta dạy trong trường học chỉ một lối duy nhất, sau này học sinh lớn lên họ đọc được tất. Họ cũng sẽ đọc được cả chữ quốc ngữ thời Alexandre de Rhodes nữa!
Theo tôi, có một cơ quan để thống nhất là ổn rồi, còn muốn đọc văn bản cổ thì chúng ta cần vài nỗ lực thêm. Chứ ngồi đó mà cãi nhau thì bao giờ mới xong?


Tâm tư
:
Sara là người học chữ cổ của ông bà, viết theo lối dùng trong Từ điển Moussay, đọc các văn bản Chăm cận đại (1930-1970); tôi có làm việc ở BBSSCC, dù tôi không tham gia chuẩn hóa lối viết chữ Chăm của Ban, nhưng tôi không thấy chút trở ngại nào trong việc tiếp nhận 3 giai đoạn lối viết akhar thrah cả.
Không ít người cũng đã thắc mắc như bạn, nhưng khi họ gặp Sara – chỉ qua mươi, hai mươi phút trao đổi, tất cả đã được giải quyết thỏa đáng.

Dẫu sao theo tôi, chữ viết không quan trọng bằng tiếng. Chữ viết chỉ là vỏ bọc âm thanh mang tính vật chất, còn tiếng, ngôn ngữ mới là tinh thần. Chính ngôn ngữ lưu trữ văn hóa dân tộc. Mất ngôn ngữ mới mất tất cả, như nhiều nhà bác học đã công nhận như thế. Hôm nay, ngôn ngữ Chăm đang bị độn, bị lai căn. Đó là nguy cơ lớn nhất, phải không bạn?

Mến.
SARA

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *