Ghi chép tháng 8-2009

1. Ramưwan
Về quê, đúng Ramưwan Chăm.
Xưa, thời học Pô-Kong, Bbơng Muk Kei của Chăm Bàni với mình là lễ hội thiêng liêng đầy chờ đợi. Cứ phải theo đám bạn bằng được để ăn Tết Bàni. Phước Nhơn, Văn Lâm, Thành Tín,… trở thành quen thuộc. Ngủ lang lại nhà Ngạt, anh Ve, Đạt, Trưởng, Hộp, Nhạc…
Nay, dù đã mất đi vài nỗi ngây thơ thuở nào, nhưng Ramưwan vẫn cứ linh thánh. Màu áo và màu mắt, nụ cười và tiếng hát, liên hoan và thánh lễ,… Hôm ngồi ở nhà Triển, Cát và Trầm Ngọc Lan cười tôi về vụ thầm yêu sau lưng đến cả chục cô gái Bàni mà không dám hó hé! Ừ, vụ yêu sau lưng có cái thú vị của nó. Chứ chạy theo tán tỉnh thì không biết nói cái nỗi gì với mấy cô. Hẫng thì có, từ đó ta đánh mất luôn cái đẹp của tình yêu niên thiếu.

15-8, chú Cahya Mưlơng từ Mỹ về, làm bữa sinh nhật mời khách. Phone cho mình, nhưng không thể về được. Cahya là cộng sự đầu tiên về thơ tiếng Chăm của Tagalau, từ đó mỗi kì là mỗi có thơ. Tiếc rằng số 10, lại thiếu thơ chú. Chú không xài mạng, nên không biết mình dời nhà. Thư từ Mỹ về tới Việt Nam đã phải trả lại Hoa Kì. Khi nhận được thư và thơ viết bằng akhar thrah đã khá quen thuộc với mình thì bản thảo đã duyệt xong. Phải ghé Văn lâm thăm chú thôi. Vừa để biết mặt vừa tạ lỗi. Nhưng mãi 21-8 mới thỏa lòng. Hai chú cháu thế là xổ bầu tâm sự về bao nỗi.

Hai hôm trước chạy xe ngược ra Pabblap klak thăm gia đình thầy Đảo. Mình tự hứa với lòng chỉ ghé mỗi nhà dưới tiếng đồng hồ thôi, vậy mới chào được nhiều, lai rai được nhiều. Chớ ngồi lì mỗi nhà đến cả buổi như tính khí của Trà Vigia thì chán chết. Mất lòng quý bạn với bà con xưa! Cát, Imưm Ghẹ, thầy Tỷ, Triển, Xoài, Chiến, Phăng,…
Tối đầu tiên của Ramưwan, ngồi với Thiện mãi quá khuya. Nhắc lại thời chưa xa: Katê số đầu tiên, mới đó mà đã 10 năm. Mới đó mà cuộc hành hương Mỹ Sơn đẹp và buồn đã trở thành kí ức. Chăm thì hiếu khách hết biết. Dù nghèo tới đâu, ba ngày “tết” thì phải chơi bia thùng, bia két. Câu chuyện cứ râm ran, bia rượu cứ rót. Chỉ có bia mới hiểu, bụng mênh mông dường nào… như bài hát nhại thường được dân nhậu lè nhè…
Lại phải nói lời tạ ân cuộc đời, một lần và muôn ngàn lần nữa…

2. Viết như lên đồng tập 4 của bộ tứ: Thơ Việt đương đại: Các khuôn mặt mới.
Như những ngày Tết vừa qua, chỉ trong 24 ngày mình đã làm xong tập 3: Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại, gồm 18 khuôn mặt cả trong lẫn ngoài nước.
Đã xong 16 người, nhưng chỉ chọn 12 người cho phần 1 thôi. Còn lại dành cho phần 2. Sang năm làm tiếp. Hứng thú thì làm. Vậy thôi. Không ai đặt hàng, không vì cái gì cả. Chỉ muốn tìm hiểu tinh thần và tâm hồn người Việt thời đại. Tìm hiểu không làm gì cả! Nên khi Trà Vigia chê Sara “làm cái việc thậm vô ích” cũng đành ngồi chịu trận. Có một nhà văn phê phán dân Việt không chịu, bất cần tìm hiểu Mỹ, trong khi ở Hoa Kì có cả Trung tâm nghiên cứu Việt Nam. Từ đó họ đẻ ra bao nhiêu công trình viết về Việt Nam!
Nhưng kì này, không có chuyện viết xong bài nào nổi hứng đăng Tienve.org bài nấy như trước, mà im lặng. Để tránh điều tiếng của người văn chương.

3. Nhà thông thái trong nỗi lẩm cẩm liều lĩnh.
Đang hứng khởi chuyện văn chương chữ nghĩa với tình bà con mùa Ramưwan, vào Sài Gòn mở computer thấy trong inbox một bài viết của một nhà thông thái sống ở miền Trung do anh bạn gởi, và hỏi ý kiến. Hứng, đọc một lèo từ đầu đến cuối. Đọc xong, tự cho phép mình cười một mẻ muốn vỡ bụng.

Nhà này đã từng tự quảng bá tên tuổi trên một Website là biết tới vài chục sinh ngữ. Không vấn đề gì.
Cả khi ông liệt kê đến mấy chục đầu sách sắp in nữa. Trò trẻ con: Tâm lí chung của kẻ mới nhập làng chữ nghĩa là thế. Nổ xíu cho vui. Ngày trước in Tháp nắng, mình cũng kê vài cuốn “sắp in”, “sẽ in” như thế, dù đó là các bản thảo đã nộp cho nhà xuất bản, nhưng sau khi chúng không được ra lò thì xấu hổ muốn tìm gò mối mà lủi vào. Katê năm ngoái thôi, gởi “Quà tặng” cho bà con, tôi có kê gần mươi đầu sách sẽ in trong năm. Đến nay đã ba quý trôi qua mà chỉ có mỗi bốn cuốn mở mắt chào đời, mới nhủ lòng là từ nay hãy chưa tính “khoe khoang” như thế nữa.

Cũng chả chết chóc ai!
Phiền là trong một bài viết đầy lẩm cẩm này, nhà thông thái ta đã chê tất tần tật Chăm không rành chữ Chăm – cả chữ Chăm hiện đại! Từ quý ngài Tiến sĩ Tây Dharma cho đến tay nông dân thi sĩ Inrasara, từ cái ông “chỉ là giáo sư đệ nhị cấp” Lưu Quang Sang đến giáo viên làng Lâm Gia Tịnh, từ Ban biên soạn sách chữ Chăm ngày nay cho chí Trung tâm của ông cha xứ người Pháp Moussay thời xưa… Với nhà này, Chăm chỉ có mỗi ông Thiên Sanh Cảnh và Sử Văn Ngọc.
Có sao đâu! Lẩm cẩm là thuộc tính cố hữu của nhà [học đòi] thông thái khắp mọi nơi trên trái đất mà. Đức tính này từng làm phong phú đời sống và làm cho cuộc đời vui và nhộn lên, có gì đáng kêu ca phàn nàn.

Chuyện chê người này nọ không biết chuyện này kia là điều bình thường. Nhất là với ngôn ngữ chữ viết Chăm, trường ốc: không, bằng cấp: không, học hàm: không. Vân vân không… Ai khả năng với thẩm quyền đứng ra chấm điểm hay phán xét kia chứ!?
Liều nỗi, là ông chê dân tộc Chăm không có văn học. Sáng tác của Chăm viết bằng tiếng Việt là không phải văn học hiện đại Chăm. Ờ, thì được thôi. Vương quốc Champa đã tiêu, và người viết Chăm muốn hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam, họ cần dùng ngôn ngữ phổ thông để thể hiện! Nhưng có phải các cây bút Chăm hiện tại không còn sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ mình? Không biết mà nói, thì liều hết chỗ nói.
Ngàn lần liều lĩnh hơn là, nhà này bảo Chăm xưa không có văn học! “Có đâu mà đọc”, nhà này phán thế! Chứng tỏ nhà thông thái còn chưa đọc phần “Phụ lục” cuốn Văn học Chăm – khái luận của tôi. Ngay ở công trình đầu tay này, tôi cũng đã nói rất rõ ở “Phần dẫn nhập”: “đến lúc này người viết vẫn chưa chắc mình đã có trong tay một nửa văn bản văn học Chăm”. 73 tác phẩm với hơn 150 dị bản khác nhau. Đó là vào năm 1994. 15 năm sau, tôi đã có được gấp hai lần như thế. Đó là chưa nói đến chuyện văn học dân gian…

Sáng ngày, kể vài chuyện đời nghe vui. Còn nhiều nỗi liều [lĩnh] khác nữa của nhà thông thái độc nhất vô nhị này… Nhưng kể chừng đó cũng đủ liều hầu bà con để cười dzui dzẻ chiều chủ nhật cuối tháng.
Amen!

3 thoughts on “Ghi chép tháng 8-2009

  1. Khi biết bài báo của Nguyễn Thành Thống đã được đăng trọn vẹn qua đường link do Trần can cấp Sara xin được xóa Comment này: Sẽ có bài viết đầy đủ và nghiêm túc hơn về bài trên, sử dụng lại phần comment này. Mời đọc giả đón đọc.

  2. Các bạn nào thắc mắc về bài viết mà nhà thơ Sara đề cập, có thể xem trực tiếp theo link :
    http://ganesha.sky.vn/archives/190

    Theo mình thì vấn đề cũng không có gì nghiêm trọng, có lẽ tác giả bài viết không nắm rõ mà đã vội vã kết luận.

    Mình rất yêu văn hoá Chăm, nhưng càng tìm hiểu , mình càng thấy mình…chẳng biết gì!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *