“Khóc Tây Tạng”, xuất xứ, đại ý, cảm tưởng

Thế là cuối cùng, hơn nửa đời chữ nghĩa, tôi cũng đã làm ra được một bài thơ gây xôn xao dư luận!
Nhớ năm ngoái, trong buổi ra mắt tập thơ mới của Bằng Việt tại Nhà sách Đông Tây ở Hà Nội, sau khi nghe hết MC rồi tác giả nói về tập thơ mất 45 phút, khi được mời ý kiến, tôi có nói đại ý: Nhà thơ Bằng Việt đã hiểu thơ mình… sai. Đùa Bằng Việt như thế, tôi muốn nhắc rằng, nhà thơ không nên nói về thơ mình mà, nếu loại thơ đó được viết theo hệ mĩ học lạ, cần tập trung nói về nó, như thể ném sợi dây dẫn cho bạn đọc lần sang chính tác phẩm. Ở đó, tác phẩm sẽ tự nó phát biểu về chính nó.

Nhưng hôm nay, “nhân” dư luận xôn xao (chú ý, ở Việt Nam có loài phê bình “nhân”), tôi nảy ra cái ý nói về thơ tôi. Nhảm nhí vậy chứ. Nhưng thôi, cứ thử nhảm nhí một lần cho trót. Và nhân thể, PR luôn cho tập thơ sắp in của mình.
Bài viết chia làm 3 phần:

I. Đại ý.
Tập thơ Ở nơi ấy [thơ thời cuộc], gồm non trăm bài, được gợi hứng từ/ cảm tác về các sự kiện nóng ở nhiều vùng miền khác nhau trên thế giới, trong đó có Việt Nam và xã hội Chăm(*). Hơn 20 bài đã được đăng ở Tiền Vệ, còn thì tôi dành lại để phòng hờ yêu sách của nhà xuất bản. Đáng lẽ Ở nơi ấy đã mở mắt chào đời từ cuối năm ngoái, nhưng tôi mãi lưỡng lự. Thứ nhất, bởi gần một nửa số bài… chưa là hàng độc! Thêm: vài lời khuyên nên thế này không nên thế nọ của nhà xuất bản tràn trề kinh nghiệm. Hơn nữa, tôi thì dát. Ba ba nhập một, nên nó cứ lấp ló ở cửa…

Tập thơ được gợi hứng từ tinh thần bài “Déjeuner du Matin” của J. Prévert mà tôi thuộc lòng từ năm Đệ Lục Trung học: con người thờ ơ với thế giới xung quanh. Nó ám ảnh tôi lạ. Hôm nay đọc lại, cảm tưởng buổi ban đầu vẫn còn đó, nhưng thấy nó hơi ướt, nên tôi muốn làm khác đi.
Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] không gì hơn là ý định lay thức người cầm bút ngó xem chút xíu chuyện xảy ra xung quanh, hằng ngày. Chớ gánh thái độ bàng quan như đã. Biết để lên tiếng, để cảm thông hay bỡn cợt hoặc chỉ thuần để tự hào về nỗi cây sậy suy tư gì gì đó, tùy thể tạng trời ban cùng ý hướng của mỗi sinh linh trên mặt đất này.

Xin phép trích vài đoạn hầu độc giả, và để làm tang chứng.

Ở nơi ấy, hảo hảo hảo
(cảm tác từ Việt Nam)

Như chưa hề có gì xảy ra
Đoàn thể thao Việt Nam vừa giật thêm tấm huy chương
Vừa giật thêm vài ưỡn ngực
Thế giới như đặt dưới chân huy chương vàng môn billard Đông Nam Á
Cờ xí với khẩu hiệu
Như thể chưa hề có chuyện gì đang xảy ra
Chúng ta có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Không thể chối cãi

Tuần lễ văn hóa Cà phê Sài Gòn cứ đông nghịt
Chơi tới bến đi em, chẳng có gì xảy ra, ở nơi ấy
Dzô dzô D Z Ô…

… Nam Quan Hà Giang Tam Sa
Như chưa hề có chuyện gì đã xảy ra
Tiền phong Thanh niên Tuổi trẻ
VTV1 HTV9 VTV3
Bia nổ nhịp ba vắng ngắt…

*
Ở nơi ấy, tự do

(cảm tác từ Miến Điện)

những sinh phận loãng ý thức về tự do
chối từ, chạy trốn, đào ngũ, hết thèm khát
tự do
tự lường gạt đã có khi chưa bao giờ có
tự do
lang thang đầm lầy ân sủng…

 

*
Ở nơi ấy, nhà thơ
(cảm tác từ Apghanistan)

Vô ích làm thơ vô ích suy nghĩ thậm vô ích
tôi sinh ra thật vô ích
Nadia
sinh ra không vô ích chết đi
không vô ích làm thơ
Nadia
cánh én xẹt ngang cánh đồng chữ nghĩa
bay qua bầu trời tự do

*
Ở nơi ấy, cuộc sống theo đuôi
(thêm cảm tác từ Miến Điện)

Các người chưa đủ trình độ tự do, chúng nói
Chúng tao đang lên đề án nghiên cứu tự do
sắp mở các cuộc hội thảo về tự do
Chúng tao sẽ viết chữ TỰ DO thật to thật đậm
Sẽ treo TỰ DO đầy đường sá thành phố thôn quê
Sẽ hô rất to khẩu hiệu tự do
Và nhân dân chúng tao sẽ hô khẩu hiệu T Ự D O
Rất to

Cho chúng bây biết mặt.

Thế giới trong ngày [19-6-2009]
(cảm tác viết dưới hầm)

… Hoa Kì sẵn sàng chơi lại Bắc Hàn tới bến
Salman Rushdie cặp kè người tình mới đáng tuổi con mình
1 mét 52 với 1mét 85 thì sá gì
Thây kệ thế giới Pia Glen nói mặc xác chân ngắn cẳng dài
Tàu chiến Nga vừa cặp bến Đà Nẵng và Ấn Độ vừa thử thành công lần hai hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân đất đối không
Biểu tình sinh nhật lần thứ 64 bà San Suu Kyi ngày mai
Ngày mai ngày mai

Em không thể nào nghĩ ra được những lời chúc mỹ miều
Cho tối sinh nhật anh – một nữ thi sĩ Việt vừa đăng lên mạng bài thơ mới
Có một tỉ người đói ăn trên thế giới

Các bài thơ có trích đoạn trên đăng lên Tiền Vệ, được vài bạn thơ xoa đầu vỗ vai: được lắm, khá lắm, có tiến bộ! Nhưng đến “Khóc Tây Tạng” thì có chuyện.

II. Xuất xứ và vân vân
Tây Tạng là sự kiện nóng. Nóng và rất buồn. Gây ám ảnh. Tôi hứa với lòng rằng nó phải có mặt trong tập thơ. Dù nó đã một lần xuất hiện:

Có vô số người tu hành vừa ăn dùi cui và ngửi lựu đạn cay cảnh sát
(“Ở nơi ấy, có…”, Tienve.org)

Nhưng tôi nghĩ như thế vẫn chưa xứng tầm. Cần có bài thơ riêng.
Thề rồi, một buổi chiều…
Trong cuộc lai lai ồn ào tại quán nhậu bình dân ở quận 4, một anh bạn văn nhắc đến Tây Tạng. Nhắc, lơ đãng vậy thôi. Tôi mới kể: – Tối qua có cô bé Tây Tạng trong phim tư liệu giống cháu mình kì lạ. Cùng cảnh quay: Cô bé đang ngồi lớp học tạm được dựng tạm bợ gần biên giới Ấn. Đôi mắt tròn ngây thơ thiên thần. Tôi đưa ảnh cháu gái cho mấy bạn xem (cắt ra từ phim tư liệu: Inrasara, nhà văn hóa Chăm).
– Khuôn mặt thiên thần kia sẽ bị thời cuộc vùi dập thế nào, ai biết?
Có lẽ giọng tôi lúc đó khá sến, thế chăng nó làm động lòng anh nhà báo.
– Cái Đức Lạt Ma dát gan, gặp tay ông, ông chỉ có mỗi đem ngón khủng bố ra mà xài. Cho tanh bành cái đế quốc ba Tàu đỏ. Giọng anh ồm ồm đến các nhậu sĩ mấy bàn bên quay lại.
– Có chuyện gì ở Tây Tạng thế nhỉ? – Bạn thơ bên cạnh ngơ ngác, hỏi. Nghĩa là anh bạn đã không hay không biết gì cả. Rồi thì bạn văn vừa nhắc ở trên phẩy tay:
– Thôi, chuyện Tây Tạng tang tậy để cho thế giới lo. Dzô đã mới tin…
Một nhậu sĩ bàn bên kia ngoắc: – Dời qua đây đi cha nội. Có mấy em xinh xẻo lượn lờ đây chả phục vụ mà đi lo chuyện đại sự chính trị chính chú, tây tạng với tẩy tan.
Thế là tôi chộp bắt ngay chữ đầu tiên để sớm mai “Khóc Tây Tạng” cất tiếng o oe chào đời.

III. Cảm tưởng.
Trong các cuộc nói chuyện về thơ hay khi được mời đọc thơ, tôi ít đọc thơ mình. Nêu hoàn cảnh ra đời với ý đồ của bài thơ thì càng. Tránh xa hơn nữa là chuyện lên gân biện hộ khi chúng bị chê. Tại dịp đó, tôi đọc các sáng tác mới của bạn thơ tôi cho là đặc sắc hơn cả. Một buổi như thế ở một thành phố nọ, tôi đã đọc “Khóc Văn Cao” của Bùi Chát, và quyết đó là bài thơ “hay” nhất trong năm. Mọi người nghĩ tôi đùa.
– Không đùa đâu! – Tôi nói.
Chẳng một ai cho đó là thơ, nói chi bài thơ hay. Cả khi nghe tôi bình tán xong, các bạn vẫn một mực:
– Sara phân tích hay lắm, nhưng tôi vẫn không thấy nó hay (xem thêm lời bình trong Song thoại với cái mới, 2008).
Thuở trước, đọc “Một hôm gầu guốc…” của Bùi Giáng, tôi cảm nhận được, nhưng có lẽ do chưa thói quen mang bài thơ mình thích ra phân tích nên không hiểu nó hay cỡ nào. Xem lời bình của Nguyễn Hưng Quốc, tôi mới vỡ ra ít điều. Với “Khóc Văn Cao” cũng thế. Tôi nói với thính giả:
– Đó không phải lỗi ở các bạn hay tác giả, mà là ở hệ thống giáo dục và thông tin. 30 năm rồi, chúng ta chưa được làm quen/ chuẩn bị đón nhận sáng tác thuộc hệ mĩ học mới.
Tôi biết không ít người đã cho tôi ngụy biện. Dù vui vẻ.

“Khóc Văn Cao” không phải khóc Văn Cao mà là, khóc cho người khóc Văn Cao. Và nhiều thứ khác… Khi dịch chuyển lối nghĩ như thế, vài thứ sẽ thay đổi, có lẽ. Tôi “đùa” dai thêm:
– “Khóc Văn Cao” chẳng những là bài thơ “hay” mà còn là bài thơ lớn.
“Khóc Tây Tạng” viết giữa hai thủ pháp “Một hôm gầu guộc…” và “Khóc Văn Cao”. Nó không [những, chỉ] khóc Tây Tạng mà [nhất, còn] là khóc cho người [không] khóc Tây Tạng.
Tôi thấy dường như bài thơ hỏng hóc đâu đó và có vẻ thất bại!
Mà đúng thế thiệt. Nàng thì nhấn vào kĩ thuật cho nó bị vài “khiếm khuyết” nên “khiên cưỡng và nhạt nhẽo, lãng xẹt” (Bùi Thị Lài); chàng thì đẩy nó sang ngoài cõi kĩ thuật để chỉ ra sự “bất cẩn, bừa bãi, cẩu thả”, rất không đúng “chất Inrasara” vốn là, nghĩa là “chẳng Inrasara tí nào” cả (Võ Vi), nên nó phản tác dụng; rồi có bạn bẻ cách hiểu sang hướng khác để nhận sự “cảm thông” thân phận gần hơn (Đinh Nhã Lan). Và dĩ nhiên, Ngọc Hương nữa.

Một bài thơ thất bại – đáng kể lắm chứ! Văn chương thơ phú, dzậy mới dzui.
Nên, xin đa tạ tất cả.

Sài Gòn, 9-8-2009.

____________________

(*) Tôi có câu trả lời khá ư “nổi tiếng” dành cho thắc mắc của cô sinh viên Chăm trong một buổi nói chuyện: “Tại sao nhà văn như Inrasara lại đi làm mấy chuyện vặt vãnh đó?” là: Một nhà văn hậu hiện đại là kẻ có thể dõi theo trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng thời vào tận làng palay hẻo lánh điều tra nạn mất cắp gà, mà không vấn đề gì cả.
Tôi đã làm đúng tinh thần đó.
Vấn đề tranh chấp đất đai Văn Lâm, Vụ Kiều Minh Vũ, Lao động Chăm ở Malaysia, vệ sinh và an ninh palay, thanh niên Kinh – Chăm đánh nhau, cô gái Chăm làm thuê mang bầu tâm sự từ Sài Gòn về, nạn tiếng Chăm độn, ngôn ngữ Ban Biên soạn sách chữ Chăm, trường mẫu giáo hay nước sạch cộng đồng, mổ đục thủy tinh thể, bóng đá làng xã, văn nghệ thiếu nhi, Tủ sách và Nhà trưng bày văn hóa cho Chăm, tạp chí riêng cho DTTS, tại sao trong văn học sử Việt Nam không có lấy một dòng về nền văn học dân tộc này… Tất tần tật tôi đều liên can, có mặt tại hiện trường, lăn xả vào và lên tiếng kịp thời. Trên các trang báo trong nước, vài website Chăm tận Mỹ hay gặp trực tiếp với người trách nhiệm.
Nhưng chúng tuyệt chưa có mặt trong thơ. Trước, tôi có làm bài thơ như vầy:

Phác thảo ở bề mặt cuộc sống
(cảm tác từ Phanrang)

… Vui sướng chúng ta bị lịch sử bỏ quên
vui sướng chúng ta sống sót
vui sướng chúng ta còn tay bắt, môi hôn cùng những chiều nâng cốc

Vợ bạn còn chưa chịu phận bà mẹ Somali
con tôi còn chưa nếm hận em bé Palestine
mình vẫn còn sướng chán

Hô hoán bảo tồn di sản văn hóa cha ông
mà ở mỗi hành vi mỗi suy nghĩ mỗi ngày
chúng ta miệt mài vùi chôn nó

Thánh địa Mĩ Sơn đã là di sản thế giới
tháp Dương Long sắp là di sản của quốc gia
ai biết chúng ta đang là di sản của nhân loại

Mặc cho nhân loại đi tới đi tới
chúng ta cứ vô tư nán lại
cãi vã nhau…

nhưng nó chung chung quá xá. Chẳng có chi tiết thực để gọi là ngồn ngộn.
Mà văn chương đời sống thì cần chi tiết. Cho nên khi chộp được tin lò viba và điện thoại di động vừa được chính quyền Cuba cho phép toàn dân dùng, thấy nó đắc quá, tôi phải tìm cách nhét nó vào thơ. Và tôi đã xong nhiệm vụ. Cũng trong bài này, tôi đã đẩy được câu nói đầy trọng trách của một cô sinh viên “nhà văn bây giờ viết không ai hiểu cả, cần định hướng các bác ấy” trong tối Cà phê sách của Hội đồng Anh định mệnh cách đó 2 năm tại Sài Gòn (“Ở nơi ấy, có…”, Tienve.org).
Mênh mông chuyện thời sự kia đòi hỏi có mặt trong Ở nơi ấy, tôi nghĩ. Biết đâu sẽ có vài ngón độc chiêu để hầu bà con. Cứ tạm tin thế.

*
Bài thơ vẫn còn được bàn đến ở Tienve.org.

One thought on ““Khóc Tây Tạng”, xuất xứ, đại ý, cảm tưởng

  1. Pingback: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] 08. Khóc Tây Tạng | Inrasara.com

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *