Tháp nắng 01.

Inrasara

THÁP NẮNG

NXB Thanh niên, H., 1996.

ĐƯỜNG TRỞ VỀ

Đường trở về
Khi kẻ tha hương nán lại trên đỉnh cao
Ồm mang lần cuối bóng dáng quê hương vào vùng tim tư lự
Còn quay đầu lại nhìn – nhưng nhức, nôn nao
Rừng núi sắp xa và xóm thôn đang tìm về hội ngộ
Khi đêm mùa hạ động gió  lao xao
Mở cửa cánh rừng.

Bàn chân người lữ thứ
Đường trở về
Bước chân người lưỡng lự
Tiếng gọi xa như tiếng gọi gần
Tiếng gọi vọng về từ cố quận quen thân
Hay tiếng gọi dội từ thành tim tư lự.

Ơi miền cố quận xa!
Cố quận kẻ thân yêu ta rơi lại bên bờ
Cố quận bạn bè ta lạc bước bôn ba
Cố quận của đêm cháy nồng mùa hạ
Cố quận ta bỏ đi bươn bả
Đang giục ta trở về.

Đường trở về
Tất cả đã xa xăm, tất cả đã trở thành xa lạ
Từ tiếng nói, câu cười, lá cây, ngọn cỏ
Từ cánh chim vỗ động không gian
Từ nước dòng xanh đến khuôn mặt quen thân
Hay từ sợi khói chiều bay lả
Tất cả đã trôi xa, tất cả đã trở thành xa lạ.

Riêng ở lại đôi mắt em
Vẫn trung thành với tôi nơi cánh cửa quê hương
Đôi mắt ngày xưa từng dõi theo tôi qua gập ghềnh thời đại
Qua ngày tháng bão giông, đôi mắt vẫn thâm trầm chờ đợi
Đôi mắt tôi những lãng quên nơi xó xỉnh tâm tư
Trong bao lần đi viễn du
Sài Gòn – Nha Trang – Tháp Chàm – Phan Rang – Phan Thiết
Qua bao lần tôi mạn du
Long Thọ, Suzuki, Heidegger, Rilke, Nietzsche
Thuở chưa gặp gỡ con đường từ cánh cửa quê hương.

Vẫn quen thân với tôi nơi cánh cửa quê hương
Ôi đôi mắt từng sưởi mảnh hồn tôi nồng ấm
Đôi mắt tha thứ tôi mấy độ lạc lầm
Đôi mắt chịu đựng tôi ngày tháng đi hoang
Lại đôi mắt hôm nay mở cửa đón tôi trên đường về cố quận.

Ơi miền cố quận xa!
Cố quận quen thân tôi còn phải làm quen
Qua vùng đôi mắt em rộng mở
Đôi mắt tôi từng hôn nụ hôn vạm vỡ
Đôi mắt bước chân tôi đã chết ngập ngừng
Và trái tim tôi thôi còn xa lạ
Với ráng đỏ quê hương.

Đường trở về
Gian nan trăm lần bước tha phương
(Không chỉ đường trở về chúng ta còn làm quen với khuôn mặt quê hương
Không những bước tha phương chúng ta phải yêu thương con đường bóng tối)
Nhưng tôi riêng còn đôi mắt em diệu vợi
Đường trở về
Mãi dõi bước tôi đi.

Duyên Hải miền Trung 82


ĐỨA CON CỦA ĐẤT

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak*
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu.*

Lớn lên,
tôi đụng đầu với chiến tranh
tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng
tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng
rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em.

Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
tôi lạc mất điệu đua buk, câu ariya, bụi ớt*
trái tim đui
tôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
tôi tìm lại tôi
tìm thấy nắng quê hương!

Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp

Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.

__________________

* Glơng Anak: tên một thi phẩm cổ Chăm; Plây: buôn, làng; Đua buk: một điệu múa; Ariya: thơ, trường ca.

2 thoughts on “Tháp nắng 01.

  1. Thưa bác Inrasara!
    Hôm trước cháu mua quyển sách Văn hóa – xã hội CHĂM, nghiên cứu & đối thoại. Cháu rất khâm phục sự hiểu biết của bác về văn hóa Chăm, về dân tộc Chăm. Cháu đặc biệt tâm đắc với bác về tư tưởng “chủ nghĩa dân tộc mở” (cháu quên mất thuật ngữ rồi, chỉ diễn đạt theo ý hiểu).
    Cháu nghĩ không chỉ bác đâu! Tất cả người Việt Nam mình đều có những phút trăn trở về nguồn cội, về văn hóa hay cái gì đó đại loại như thế. Nhưng người ta hay quên nó đi, lo cái gánh nặng cơm áo gạo tiền. Số ít dám suy nghĩ về nó, dám mang nó theo. Với riêng cháu, những con người ít ỏi đó thực sự là nhưng người anh hùng, những người hùng thầm lặng.
    Cháu chưa hiểu biết gì lắm về văn hóa Chăm. Nhưng qua những gì cháu đọc, cháu thấy, thì nó là một phần không thể bỏ qua của văn hóa Viêt Nam ngày nay.
    Cháu muốn viết nhiều nữa nhưng trình độ typing kém quá. Chỉ xin chúc bác mạnh khỏe và hãy viết thật nhiều về những gì mình biết. Sớm hay muộn tác phẩm của bác cũng sẽ có nhiều người đọc. Bởi nó rất giá trị, rất rất giá trị.

  2. Bạn trẻ thân mến!
    Hoan hô tinh thần ham học hỏi của bạn. Tiếc là bạn ở xa ít gặp mặt trao đổi.
    Chủ nghĩa dân tộc mở open nationalism là đúng rồi. Chối bỏ dân tộc thì không thể, mà mang tinh thần dân tộc hẹp (hòi) trong thế giới hiện đại thì càng khó tồn tại. Cho ta và cho dân tộc láng giềng xung quanh ta. Chủ nghĩa dân tộc mở vừa giữ được “bản sắc” văn hóa dân tộc mình, vừa thâu thái cái mới từ bốn phương, để làm nên bản sắc mới khác. Nói thì dễ! Ai có thể theo chủ nghĩa dân tộc mà có thể không hẹp hòi?!
    Khó mà nỗ lực thực hiện, khó mà ta làm được mới ngon chớ, bạn nhỉ?
    Thân mến
    Sara.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *