Về Comment không được cập nhật & giải minh

 

Sài Gòn, 7-6-2009

Kính gửi quý bà con, anh chị em và bạn đọc!

Trước hết tôi xin cám ơn bà con, anh chị em và bạn đọc ủng hộ website inrasara.com khiêm tốn này.

3 tháng từ khi inrasara.com hoạt động, đa số comment độc giả gởi tới đều được cập nhật. Rồi bẵng đi thời gian dài vắng ngắt. Duy một bạn post trực tiếp vào được; còn vài comment khác do tôi nhận qua thư điện tử đưa lên. Không hiểu sao nữa. Có vài người nhắc, nhưng tôi nghĩ trục trặc bình thường. Mãi đến sáng nay khi giao diện website thay đổi, tôi mới nhận ra có trục trặc và sai sót lớn. Hơn 6.800 bình luận còn treo!

Đó là lỗi kém vi tính của người chủ trang website này. Thành thật xin lỗi độc giả.

Hồi đáp thì đã mất tính thời sự rồi. Nay tôi chỉ xin được trả lời chung.

Ngoài comment rác, các nhận định thiếu thiện chí (đứng nickname chê bai vài câu hay chửi bới người này người khác), tôi đều xóa bỏ. Còn lại các nhận định, phê bình, yêu cầu,… dù khen hay chê, tôi đều phục hồi lại. Cũng có vài sơ suất nhỏ: người phụ trách lỡ xóa vài comment tốt; khoản này, tôi cũng rất mong độc giả lượng thứ.

Vài giải minh cần thiết, vừa cho tôi vừa cho bạn đọc, để sáng tỏ vấn đề và giải tỏa vài ngộ nhận.

1. Sara dựa vào thế lực.

Thật lòng tôi không hiểu một bạn đọc nghĩ đến thế lực gì? Tôi – đảng viên: không; chức vụ trong hệ thống Nhà nước: không; bằng cấp hay học hàm: không; giàu có: càng không. Vài năm nay, một tháng tôi viết bài kiếm được 2 triệu # 100 USD là may!. Nên có thể nói tôi phi thế lực toàn phần. Các vai trò tôi giữ như: Phó Trưởng Ban văn học dân tộc của Hội Nhà văn Việt Nam hay Trưởng Ban lí luận – phê bình của Hội Văn học – nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, đều không lương và không chút tí ti quyền. Ở đó tôi xong phận sự chuyên môn rồi thôi.

Còn danh vị “nhà văn” thì không là gì cả. Tôi đã bỡn cợt cái danh vị này cả chục lần trong các bài viết của tôi.

2. Về chuyện Sara với D, tôi cũng đã quyết toán rồi. Bạn TrTr. mới đọc bài viết nên ngạc nhiên. Sau bao lời cáo buộc tôi trên Champaka từ năm 2002, tôi mới có 1 bài đính chính. Hay khi ông chê trước tác giả cổ điển Chăm về Ariya Bini – Cam, tôi mới nói lại. Sau đó tôi hứa với mình và tuyên bố với bà con Chăm là sẽ không bao giờ nhắc đến D nữa. 4 năm sau do ông tố cáo Ban biên soạn trước, sau đó tôi mới có bài giải minh. Chú ý thời điểm: tôi luôn nói sau, và nói ở thế buộc do yêu cầu từ xã hội và cộng đồng. Ví dụ dễ thấy nhất: D viết “Tagalau của Chăm vẫn viết theo akhar thrah truyền thống”, để tránh hiểu lầm nên tôi mới nói lại: Tagalau viết cả hai dạng: Moussay và BBS. Tôi là chủ biên, nên thế buộc tôi phải giải minh.

Cách nói là điều quan trọng. 5 năm Bộ Giáo dục mời thẩm định bản thảo sách giáo khoa BBS, tôi phê Ban này nhiều hơn cả (về chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp,…), nhưng BBS luôn chấp nhận phê bình của tôi: 95% họ sửa theo tôi.

(Đầu năm 1997, 1 lần duy nhất tôi trao đổi với ông trước về Dewa Mưno,là trao đổi khoa học đăng tạp chí Đại học KHXH&NV Tp.HCM, ở đó tôi dùng 1 từ rất ư nhẹ nhàng: “tắc trách”. Nhận định chính xác 100%: cứ xem kì tái bản 2 năm sau đó ông đã sửa thế nào cũng đủ thấy). Nhưng 2 năm qua, bạn có bao giờ thấy tôi lên tiếng về D nữa không? 6 năm qua, tôi có đăng ở Tagalau bất kì bài nào phê phán bất kì cá nhân Chăm nào không, dù ChampakaHarak Champaka không bỏ phê phán tôi nặng nề, nghe nói thế.

Có bạn đề nghị cần làm cho rạch ròi chuyện S và D ai đúng ai sai.  Chuyện đúng sai mênh mông lắm bạn à. Nếu muốn, để công bằng, bạn cứ liệt kê ra hết một bên là D và Champaka, bên kia là Sara: thời điểm, số lần phê phán, tần số xuất hiện các từ nặng nhẹ,… là hiểu ngay thôi.

3. Sara không làm gì cả chỉ lo nói.

Tôi không hiểu bạn hiểu chữ LÀM hàm nghĩa gì?

Tôi là nhà văn, nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc, và phần nào được xem là trí thức. Đó là xã hội định danh tôi như thế. Tôi đã làm những gì? Mươi tập thơ, tiểu thuyết, phê bình, hàng trăm cuộc nói chuyện,… nếu định nghĩa theo danh vị nhà văn thì đó chính là làm rồi. Ở đây chỉ xin đề cập việc liên quan tới Chăm:

– Về chữ Chăm: Ngay 16 tuổi, tôi đã dạy chữ Chăm. Hè 1975, tôi mở khóa học cho 70 anh chị em tại Caklaing. Sau đó nhiều lớp khác nữa tại Phan Rang, Sài Gòn,… Ít nhất 200 người biết rành chữ mẹ đẻ qua “thầy Sara”. Danh sách này tôi còn lưu. Cạnh đó, soạn Tự học tiếng Chăm (1975), Từ vựng học tiếng Chăm (1982) và góp công soạn 3 cuốn từ điển.

– Sưu tầm, dịch, nghiên cứu để cho ra bộ Văn học Chăm khái luận – văn tuyển ba tập ngàn trang, công trình mà giáo sư Lafont cho là “có giá trị lớn về mặt khoa học”. 3 năm nay, tôi đang chủ trì làm Tủ sách Văn học Chăm (10 tập, đã in 4 tập).

– Nhưng có lẽ việc tôi thích hơn cả là chủ biên tuyển tập Tagalau. 9 năm 10 số, đây là điều chưa có dân tộc thiểu số nào trên đất nước Việt Nam làm được. Dĩ nhiên, tôi có hỗ trợ bài vở và tài chính của trí thức và bà con Chăm.

– Ngoài việc tặng khoảng 3.000 bản sách cho Chăm, tôi cũng đã thành lập Tủ sách INRA với 5.000 đầu sách báo cho Chăm đọc và mượn tại quê; và vân vân chuyện khác. Kể ra như thế không khéo bạn lại cho tôi khoe, tự ca tụng mình. Bởi bạn nhận định Sara không làm mà lo nói, nên mới xảy ra vụ này.

4. Khen chê. Sara chỉ biết chê Chăm!

Tôi rất cần và luôn chờ đợi Chăm có một thành tích dù nhỏ nhất, để ca tụng. Bất kể họ sống ở đâu, làng nào, theo phe hay không theo phe phái nào, làm gì. Cứ đọc các trang viết hay sách nghiên cứu của tôi thì rõ. Tôi ca ngợi không tiếc lời từ Lưu Quý Tân, Thiên Sanh Cảnh, Lâm Nài, Dohamide Dorohiêm, Nguyễn Văn Tỷ, Nguyễn Ngọc Đảo, Quãng Đại Hồng, Đàng Năng Quạ, Thành Phú Bá, Bạch Thanh Chạy, cho đến Dharma,… từ Amư Nhân, Đàng Năng Thọ, Chế Kim Trung, Trà Vigia, Sakaya, Trầm Ngọc Lan, Lưu Văn Đảo, Quang Cẩn, Jalau Anưk, Chế Mỹ Lan, Bá Minh Trí, cho đến các bạn trẻ có vài thành tích bé nhất. Tôi thèm Chăm có thành tích để giới thiệu ra với thế giới bên ngoài. Đó là sự thật. Và tôi làm đúng như vậy. Chính tôi giới thiệu Trà Vigia trên BBC, Jalau Anưk trên Tiền phong chủ nhật, Chế Mỹ Lan trên Vanchuongviet,…

Vậy nếu mang hai bên ra so đọ, lời chê chiếm chưa tới 3% lời khen.

Tại bạn không chú ý đó thôi.

Ví dụ Nguyễn Văn Tỷ có bài viết rất hay để ca ngi và nêu đức tính tốt Chăm: Ngõ vào plây Chăm, đăng tạp san Văn nghệ dân tộc năm 1996, chẳng ai chú ý cả; sau đó ông viết Thực trạng xã hội Chăm trên Tagalau 4, nêu các điểm không hay của cộng đồng thì bị tố cáo khắp nơi (tôi nhận cả trăm thư). Nhưng rồi khi 2 năm sau ông viết bài ca tụng Chăm: Những nét đặc trưng văn hóa Chăm trên Tagalau 8, thì không nhận phản hồi nào. Nhà trí thức khi phản biện xã hội, chịu chấp nhận thiệt thòi là vậy. Lẽ nào xã hội ta chỉ toàn tốt!? Và lẽ nào một trí thức có trách nhiệm với cộng đồng lại không nên nêu khuyết tật xã hội ra để sửa? Quan trọng là nói thế nào.

5. Tốt xấu. Sara nói xấu Chăm trong tiểu thuyết?

Nói thật, điều này làm tôi rất ngạc nhiên. Tôi viết tiểu thuyết chớ không phải tiểu luận xã hội. Tiểu thuyết là hư cấu. Một nhà văn Mỹ viết một truyện tên “Tôi đã giết Kennedy như thế nào?” đăng trên tuần san rất uy tín. Trong đó ông kể cách ông đã giết chết vị tổng thống tài hoa này bằng kĩ thuật đặc biệt. Không ít độc giả hoảng hốt và ngạc nhiên, bởi Ken vẫn còn sống nhăn! Ông nói: trời đất, truyện đó đăng trong mục sáng tác mà, chứ đâu mục xã hội hay mục nào khác! Mặc dù Kennedy là tên thật trong môi trường xã hội thật (như tôi dùng tên làng Chăm thật trong cộng đồng Chăm trong đó không ít chi tiết thật), nhưng đó chỉ là truyện do nhà văn hư cấu để làm nên tác phẩm nghệ thuật.

Thử đưa vài chi tiết Márques – Inrasara – Phan Bá Thọ nhé:

Márques:

Đứa con ra đời có đuôi lợn: không có thực; vị mục sư làng ông có dương vật khổng lồ, làng bán vé cho khách tham quan: không hề có.

Inrasara:

Chi tiết tốt: nhân vật Cao Xuân Hoang gửi thư cho Bộ trưởng – không có thực.

Chi tiết xấu: chị Hathaw ban phát thoải mái – không có thực.

Chi tiết phản kháng: Cao Xuân Hoang “viết ngang xương vào giấy làm bài môn sử rằng: Đề thi sai, Chiêm Thành không quấy phá, hiếu chiến xâm lấn biên giới Đại Việt, nộp lên giám thị” cũng chưa bao giờ có thực trong xã hội Chăm.

Phan Bá Thọ:

Hemingway cắm cờ trên nóc hầm đờ cát và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và được Phạm Duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí, là chuyện hoang tưởng.

Kết luận: chuyện về làng Márques không phải chuyện của làng ông! hay Chân dung Cát không phải là chân dung Chăm; và nhà thơ Phan Bá Thọ không kể tiểu sử thật của Hemingway và Phạm Duy. Chúng chỉ là hư cấu của tác phẩm nghệ thuật, chúng đòi hỏi được đọc như một tác phẩm nghệ thuật. Dân Columbia chưa bao giờ tố cáo Márques nói xấu đồng bào mình; thế giới còn trao ông giải Nobel nữa là. Phạm Duy không kiện Phan Bá Thọ vì đã gán cho ông các tật xấu.

Không có chuyện tiểu thuyết tốt, mà chỉ có tiểu thuyết hay hoặc dở thôi. Thời của tiểu thuyết phản ánh hiện thực kiểu Balzac đã chấm dứt rồi. Tiểu thuyết tốt xấu phân minh kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa (nhân vật bên tốt bên xấu rõ ràng, anh hùng và phản động đúng lề đúng phép) đã hết đất đứng. Chúng không là tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.

Có bạn trẻ thật lòng nghĩ tôi viết về một nhân vật nữ là đại diện cho phụ nữ Chăm. Không phải thế đâu, bạn à. Văn chương hiện đại không có nhân vật điển hình như kiểu cũ. Không riêng bạn hay mỗi Chăm đâu, không ít nhà phê bình Việt còn nhầm lẫn như thế. Tôi bày đặt ra nhân vật đó cho cả thế giới chứ không phải Chăm. Cao Xuân Hoang hay Trần Hùng không có trong đời thực, mặc dù người đọc có thể thấy ở nơi này một ít nơi khác một ít. Trong đời thực, tôi luôn từ chối danh vị nhà văn đại biểu dân tộc Chăm do báo chí gán cho tôi. Đây là sự thực nữa.

6. Về giải thưởng. Cần phân biệt giải thưởng định kì với giải cho cuộc thi, 2 thứ này hoàn toàn khác nhau. Tôi chưa hề mang tác phẩm của tôi dự thi bất kì đâu cả. Tôi cũng chưa đoạt bất kì Giải của cuộc thi nào. Tác phẩm của tôi được giải là do bạn bè, nhà xuất bản hay cơ quan giới thiệu, và tôi hoàn toàn không hay biết. Đó là sự thật. Ví dụ rõ nhất: Văn học Chăm khái luận là do ông Bùi Khánh Thế mang đi Pháp giới thiệu, chứ trước đó tôi không hề biết CHCPI của Sorbonne là cơ quan nào. Còn tập Tháp nắng đoạt Giải Hội Nhà văn Việt Nam là do Nông Quốc Chấn gửi đi; khi ấy tôi còn chưa vào Hội. Tôi đã nói rõ chuyện này trong các bài phỏng vấn. Các tập khác đoạt các giải khác cũng thế. Tôi có 2 Giải Hội Nhà văn và Giải Đông Nam Á, là giải uy tín nhất trong ngành. Giải này không liên quan đến tác giả, nhiều khi tác giả không hay biết, chỉ đến năm 2005, khi gặp sự cố 2 nhà văn t chối Giải, BCH Hội mới thêm chi tiết vào Quy chế: “tác phẩm tham gia Giải phải có sự đồng ý của tác giả”.

7. Về truyền thống và sáng tạo. Khi đọc bài này của tôi có bạn comment: “Như vậy thì phải giết nghệ sĩ đi, vì tội phá hoại truyền thống văn hóa dân tộc”. Đúng, kẻ sáng tạo luôn làm khác truyền thống (như thế mới gọi là sáng tạo chứ!), làm khác để tạo ra truyền thống khác. Không đâu xa, ngay ở Việt Nam, Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du đã chịu bao nhiêu búa rìu dư luận. Xuân Hương thì bị xã hội phân biệt đối xử, còn Nguyễn Du thì vua Tự Đức đòi nọc đánh roi. May mà ông vua này còn biết yêu văn chương, không thì Nguyễn Du tiêu và kiệt tác này cũng tiêu luôn. Quần chúng Việt thời đó thì truyền tụng: “Đàn ông chớ đọc Phan Trần/ Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”. Bạn biết rồi, hôm nay về văn học, chính 2 tác giả này chứ không ai khác mà người Việt hãnh diện với thế giới!

Van Gogh sinh thời đói khát, họa phẩm bị vứt xó, bởi ông ta vẽ khác truyền thống. Vậy mà vài chục năm sau giá của mỗi bức xém trăm triệu đôla! Nhiều lắm, kể không xuể đâu bạn ạ.

Khi viết bài này, là tôi còn nói nhẹ. Nhà phê bình thời danh đang dạy tại Đại học ở Úc còn quyết liệt hơn nhiều: “Là người Việt Nam, không thể làm một nhà văn đúng nghĩa nếu trước hết không phải là một kẻ phản bội có ý thức: phản bội quá khứ, phản bội truyền thống, phản bội tất cả những di sản tinh thần đã góp phần hình thành nhân cách và văn cách của mình” (Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt nam, t điểm nhìn h(ậu h)iện đại, NXB Văn nghệ, Hoa Kì, 2000, tr. 284).

Tôi còn chưa phát biểu như thế mà, dù tôi tự nhận là kẻ sáng tạo.

Nhưng tôi đã làm gì? Chính tôi ngay từ 14 tuổi đã đi qua từng làng Chăm lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ, để hình thành Văn học dân gian Chăm. Công việc này tầm thường và rất dễ làm, nhưng để làm được nó đòi hỏi tình yêu thương và lòng kiên trì. Nếu bạn biết có một Chăm nào khác làm như thế, xin nói cho tôi hay nhé.

Ca dao + Tục ngữ = truyền thống. Sara sưu tầm Ca dao + Tục ngữ để in ra và tặng 800 cuốn cho bà con Chăm = Sara chống truyền thống!!!

8. Về Tagalau. Tagalau là ấn phẩm chung của cộng đồng Chăm. Nó tồn tại được đến hôm nay là điều kì lạ, theo đánh giá của bà con. Nhà nước không tài trợ, mạnh thường quân lớn đỡ đầu: không, quảng cáo: không, bán: không (từ số 5, mỗi số bán bình quân 100 bản), vậy mà nó sống nhăn! Vài năm qua ở Việt Nam, non trăm tạp chí ra đời rồi chết, dù họ nhận không ít hỗ trợ. Qua 9 số, tỉ lệ ủng hộ Tagalau trồi sụt (số1: 80%, số2: 85%, số5: 60%, số8: 90%…) nhưng hôm nay đến 94% đồng bào Chăm chấp nhận nó, lại là điều kì lạ khác nữa.

Riêng tôi, tôi nghĩ đơn giản: nhờ ơn trời. Và tôi luôn là người may mắn nữa! Giờ chót là… may mắn xảy đến.

Chuyện vui: vài đại gia Chăm không dám ủng hộ Tagalau, do sợ Tagalau “phản động”; một đại gia Kinh dù là FAN của thơ Sara và sẵn sàng “tài trợ” riêng cho tôi, nhưng khi tôi gợi ý hỗ trợ tài chính cho Tagalau 10 thì lại ngại Tagalau không thân với chính quyền! Kể chuyện này ra để bà con hiểu sinh mệnh Tagalau bấp bênh thế nào. Khi biết 2 năm nay, tôi bị ung thư màng…túi, vài bạn có vẻ lo. Tôi nói: Sara sinh ra dưới ngôi sao may mắn, sẽ có phép mầu vào giờ cuối. Như thần: 2 bạn thư cho biết sẽ tài trợ Tagalau 10, còn thiếu chút đỉnh tôi ngửa tay xin bà Hani, là xong.

Kính chúc bà con, anh chị em và bạn đọc khỏe, vui và… may mắn hơn Sara.

Lần nữa xin thành thật cám ơn.

Inrasara.

One thought on “Về Comment không được cập nhật & giải minh

  1. Bạn đọc đề nghị Sara viết yêu cầu:
    – Phản biện không nên có tư tưởng phân biệt dân tộc.
    – Không nên phê phán cá nhân.
    – Không nên phán 1 câu mà không chứng minh hay phân tích.
    – Có thể dùng nickname, nhưng yêu cầu viết nhận định với tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Tốt hơn nên dùng tên thật hay bút danh, như vài website khác.

    Cám ơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *