Trần Can: Văn 16 – Thơ ca và thân phận…

Thơ ca là trò chơi chữ nghĩa của con người, con người lại là trò chơi của số phận. Như bài thơ chỉ thực sự là bài thơ khi ta hoàn thành nó, ta sinh ra là ai, ta cũng chỉ biết khi đã là.
“Con là Chăm ngay lúc ban đầu vỡ ra tiếng khóc ”
còn được nhấn mạnh:
“Hơn thế nữa, chín tháng mười ngày trước khi vỡ ra tiếng khóc”*
(thơ Inrasara)

Sara chấp nhận định phận của mình như nó phải là, anh là Chăm, không thể khác. Là Chăm, nghĩa là đồng nghĩa với khổ đau và kiêu hãnh, như một định phận của trò chơi nghiệt oan lịch sử. Sinh ra để thấy hoang tàn đau thương như Tháp, nhưng anh không làm một Tháp Chàm lở lói rỉ rên than mà hoá thân thành một Tháp nắng rực rỡ. Uy nghi và kiêu hãnh.

Tôi yêu thơ Sara đến say mê, bởi hiếm có một giọng thơ nào chân thực và độc đáo đến thế. Thế giới Chăm từ lâu khép kín bỗng phát lộ huy hoàng, đưa người đọc vào những cảm thức lạ lẫm buồn thương, sao Chăm gần đến thế mà từ xưa xa quá xa? Chăm ẩn mình bao thế kỉ, giấu tài hoa trong cánh cửa khép với thế giới bên ngoài, và nhà thơ đã mở toang cánh cửa ấy, bước ra đĩnh đạc bằng chính tài năng và trí tuệ Chăm rạng rỡ.

Sara vẫn đang miệt mài với những sử thi Chăm. Cả một kho tàng văn hoá Chăm đồ sộ được anh biên tập, sắp xếp hệ thống và lần lượt in ấn.
Với công lao và tâm huyết của Sara, tôi tin Văn học sử không thể khép cửa mãi với Chăm, những Ariya Chăm tuyệt vời như Bini – Cam, Cam – Bini, Sah Pakei, Glang Anak, Po Parơng… sẽ phải có ngày đứng đúng vị trí của chúng trong Văn học Việt, mọi người sẽ được thưởng thức những trường ca Chăm kì lạ, những câu thơ Chăm lộng lẫy, vẻ đẹp Chăm sẽ lưu truyền mãi.

Và, Inrasara, vầng trán rộng thênh thang và nụ cười hiền lành trẻ thơ. Anh là ai?- chàng thi sĩ, một học giả, một triết gia, một nhà tư tưởng…? hình như tất cả đều đúng! Nhưng tôi luôn yêu quý anh như một người thơ, bởi với thơ ca, mọi thứ dường như bay bổng trên đôi cánh diệu kì chữ nghĩa…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *