Ghi chép Tết Kỉ Sửu 2009

1. Tết, đóng cửa viết liên tục mỗi ngày một nhà thơ để hoàn thành cuốn nghiên cứu – phê bình – tuyển: Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại. Cuối cùng tôi cũng đã kết thúc về 17 nhà thơ tiêu biểu:
– 4 ở Sài Gòn: Bùi Chát, Vũ Thành Sơn, Lý Đợi, Như Huy.
– 1 ở Hà Nội: Đặng Thân.
– 1 ở Hải Phòng.
– 1 ở Đak Lak: Lê Vĩnh Tài.
– 1 ở Nha Trang: Trần Wũ Khang.
– 1 ở Anh: Nguyễn Đăng Thường.
– 2 ở Úc: Nguyễn Tôn Hiệt và Nguyễn Hoàng Tranh.
– 5 ở Mỹ: Đinh Linh, Lê Thị Thấm Vân, Khế Iêm, Nguyễn Hoàng Nam, Chân Phương.
– 1 ở Pháp: Đỗ Kh.
Cũng vừa viết xong phần “Một thế hệ mới”. Nhưng có thể nói phần quan trọng nhất sẽ nằm ở Tổng luận “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”. Nó sẽ khái quát sự chuyển biến xã hội và hệ mĩ học sáng tạo, tiến trình thơ Việt đương đại.
Công trình dày khoảng 700 trang, sẽ ra mặt độc giả vào cuối quý I-2009.

2. Tâm hồn dân tộc thiển nghĩ, lộ bày rõ hơn cả trong tác phẩm văn chương. Qua Văn học Chăm khái luận – văn tuyển (3 tập) và Văn học Chăm hiện đại 1&2, tôi đã ít nhiều hiểu được tâm hồn dân tộc mình. Từ đó, tôi phần nào lí giải [có thể sai] nguyên nhân Champa thất bại trước Đại Việt.
Do đó, trong ý hướng tìm hiểu tinh thần người cùng thời, tôi cũng khởi từ văn chương. Mà tôi mạo muội gọi tên là “lập biên bản”. Về thơ dân tộc thiểu số, tôi bắt đầu từ một tác giả/ tác phẩm (mươi tác giả cả thảy), sau đó tổng hợp lại làm thành “Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động”. Và dĩ nhiên: cuốn nghiên cứu – phê bình – tuyển về nó ra đời một ngày không xa.
Về thơ hậu đổi mới, tôi cũng đang thực hiện thao tác tương tự. Mỗi tác giả/ tác phẩm được nỗ lực tiếp cận bằng nhiều cách thế khác nhau, diễn đạt bằng nhiều lối khác nhau. Như là một gợi mở, gợi ý [tục gọi là giải mã] để người đọc đi vào chính sáng tác của tác giả. Chúng khác bài điểm sách, càng không giống một bài phê bình đúng nghĩa. Hi vọng sau đó, sẽ làm một bài tổng luận: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”. Như tôi đã từng làm với “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ’” hay “Thơ đổi mới, khởi đầu cho một khởi đầu”. Dĩ nhiên, lại hi vọng rồi cũng sẽ có nghiên cứu – phê bình – tuyển, như trên.
Trước hết, tôi làm vì vui thú. Ví như về thơ dân tộc thiểu số và thơ nữ, ngoài ít cái độc đáo (khác nhau), rất nhiều sáo mòn và nhảm nhí giống nhau đến kì lạ; đến nỗi tôi thấy không cần thiết lập biên bản về mỗi tác giả nữa, mà gộp lại bàn chung (xem: “Thơ nữ và hiện tượng lặp lại mình”, Inrasara.com). Bên cạnh đó, công việc này giúp tôi hiểu được phần nào tinh thần người cùng thời, nhìn lại hành trình sáng tác của mình, đồng lúc giúp người đọc nhận diện khuôn mặt thơ của một thời kì.
Có thể nó dang dở hay thất bại, nhưng đó là thất bại cần thiết, chắc chắn thế.

3. Hội thảo “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng Nai, ngày 8-1-2009, nhà thơ Hữu Thỉnh có đoạn đề dẫn đáng chú ý: “Có một lo lắng rất thiện chí là lo văn học ta tụt hậu với thế giới. Đó là một lo lắng rất đúng, một tâm huyết đáng trân trọng. Nhưng cần bổ sung thêm, đó còn là một mối lo văn học tụt hậu với đời sống, tụt hậu với văn hóa dân tộc.”. Sau đó không ít nhà văn lên mi-cờ-rô than phiền văn học không bám sát thực tế đời sống, xa rời thậm chí đi ngược lại bản sắc văn hóa dân tộc.
Được bố trí đọc tham luân vào buổi chiều, tôi phát biểu:
_______

Tôi có cái tật là chưa bao giờ học biết cầm tờ giấy đọc trước cử tọa. Sự thể đó gây cho tôi bao trắc trở, nhưng bù lại, đứng chơ vơ trên diễn đàn, tôi cũng nảy ra nhiều ý đột hứng đầy sáng tạo!
_________

Đề dẫn của nhà thơ Hữu Thỉnh về ba “lo sợ tụt hậu”. Tụt hậu với thế giới thì không nói rồi, tụt hậu văn hóa dân tộc sẽ nói ở phần cuối. Ở đây, tôi xin trực tiếp đi vào cái tụt hậu thực tế cuộc sống. Một thực tế rất to, gây xúc động cả dân tộc là “Sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”, hỏi có bao nhiêu nhà văn tại hội trường này viết về nó? Chắc chắn là không rồi! Xúc động lớn mới cơ may tạo nên tác phẩm lớn, vậy mà nhà văn ta đã bỏ ngoài tai sự kiện đó. Tôi không rành chuyện thời sự chính trị, nên miễm ý kiến. Bài thơ “Ở nơi ấy, hảo hảo hảo” của tôi viết “nhân” vụ này, khởi từ ý thức công dân, qua xúc động nhân văn, bằng tâm thức hậu hiện đại và vận dụng tối đa thủ pháp hậu hiện đại. Nó được cho là hay.

______________

Bài thơ được đọc và phỏng vấn tác giả trong chương trình www.radio.sbs.com.au, (Australia) 19 giờ, 29-12-2007 cùng với Lý Đợi và Nguyễn Viện.
_____________

Theo dõi khá sát sao thơ Việt đương đại, từ dân tộc thiểu số đến đa số, trong nước đến hải ngoại, từ tập thơ có giấy phép xuất bản, thơ in photocopy hay thơ trên mạng, tôi rất lạc quan với tương lai văn chương Việt Nam. Trong đó có hậu hiện đại.

______________

Tham luận của tôi “Thơ & giọng điệu thơ thời công nghiệp” tạm trưng ra 3 khuôn mặt trong nước đang cư ngụ ở 3 vùng khác nhau: Lê Vĩnh Tài, Phan Trung Thành và Jalau Anưk. Họ không nhìn nông thôn qua con mắt duy mĩ nữa mà, bằng cái nhìn thực và gần hơn, cái nhìn phản tỉnh đầy tính phản biện. Lê Vĩnh Tài với sinh phân rừng và người Tây Nguyên; Phan Trung Thành kêu cứu cùng cô dâu Việt ở xứ Hàn, bờ Thanh Đa sụt lở, mấy ông lớn trúng thầu mặt ruộng; Jalau Anưk trong một bài thơ, đã xáo trộn cả tiếng Chăm, Anh, Việt tưởng thiếu văn hóa dân tộc nhưng lại là bài thơ phơi bày sự mất bản sắc độc đáo hơn cả! Tôi tóm ý tham luận chưa đầy 2 phút.

_____________

… lạc quan với tương lai văn chương Việt Nam. Trong đó có hậu hiện đại.
Hậu hiện đại, không vấn đề gì cả. Nó không xâm hại bản sắc văn hóa dân tộc. Chớ nghĩ các bài thơ nhếch nhác, tục tĩu, kém cỏi đại diện cho hậu hiện đại. Lâu nay ta chống là chống sự du nhập hậu hiện đại, chứ có nhà phê bình nào đang hội thảo ở đây đủ lí lẽ để phản bác chính lí thuyết hậu hiện đại. Tôi không hiểu hàm nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc với anh Hữu Thỉnh thế nào, riêng tôi, tôi nhìn nó theo hướng động. Lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện thực xã hội chủ nghĩa, rồi thơ tự do của nhóm Sáng Tạo vân vân đã làm nên bản sắc thơ Việt, chứ trước đó dân Việt Nam có từng sở hữu chúng đâu!
Hậu hiện đại ngày mai cũng sẽ làm nên bản sắc thơ Việt, biết đâu đấy! Vậy mà Văn nghệ cứ từ chối đăng thơ hậu hiện đại, đăng các sáng tác về “Sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”.
________________

Phát biểu tưởng sẽ “gây xôn xao dư luận”, nhưng nó đã rơi tõm vào khoảng trống mênh mông của đất trời Đồng Nai. Mỗi nhà thơ Phạm Quốc Ca như lệ thường, đại diện chủ tịch đoàn nói lời “cám ơn nhà thơ Inrasara đã nêu vấn đề hậu hiện đại, là chuyện vẫn còn cần bàn lại”. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo – trước đó dọa rằng nếu Sara mà nói dài, anh bỏ đi dở chừng đấy – ngồi cạnh tôi “Sara có vài ý rất hay, nhưng cách nói… À, mình đi đây”, và anh dzọt. Riêng ngài Phó giáo sư – Tiến sĩ kiêm nhà phê bình […] Phạm Quang Trung, sau đó hai tham luận, trước khi khai mào, cũng đã phát âm lướt qua nó: “nhà thơ Inrasara trong tham luận của mình đã rất lạc quan về thơ Việt, nhưng tôi cảm nhận ngược lại: sao tôi thấy bi quan quá”. Vậy thôi, không gì thêm. Ngài va quẹt một nhát như thế rồi ngài cắm cúi đọc một lèo về nỗi xuống cấp đạo đức, từ nhà trường (quan hệ sinh viên với giảng viên) cho chí xã hội, cùng vân vân trận xuống cấp khác nữa, mới đến văn chương.
Cũng tiêu tốn mất mươi phút đồng hồ.
_____________

4. Sáng ngày 15-1-2009, tại thành phố Phan Rang – Tháp Chàm có tổ chức Hội thảo về xây dựng Lò máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Các trí thức Chăm trong và ngoài cơ quan Nhà nước được mời tham dự, để nghe các báo báo chuyện môn của các chuyên gia đầu ngành về nguyên tử thuyết trình, trao đổi ý kiến trong một buổi.
Tôi cũng có nhận điện mời, nhưng không dự được.

2 thoughts on “Ghi chép Tết Kỉ Sửu 2009

  1. Em la ngoc tam dya!nguoi co nho anh iraxara tu van ve kich ban phim, em dang viet gan xong roi, sau bao nhieu ngay tran tro khi em doc nhung ya trong nay em phat sinh ra mot y tuong vua binh di ma rat doi thuong cua mot con nguoi
    yeu thich nghe thuat, khi nao viet xong em se gui cho anh. vi no lien quan den cai ten iraxara tu dau phim den cuoi phim.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *