Góp nhặt sỏi đá – Kì 2.

GÓP NHẶT SỎI ĐÁ
Kì 2.

7. Trở lại luận điểm ban đầu: thế đã rõ là nhà thơ là người ủng hộ sự thể nghiệm, bất kì thể nghiệm nào? Và như thế: Theo nhà thơ cứ để cho bọn trẻ tự do!?
– Đúng, cứ để cho họ dọc ngang thoải mái thể hiện: sáng tác, ra sách, giao lưu trao đổi, hay trình diễn thơ gì gì khác. Thứ nhất, cấm thì gây thêm tò mò cho người đọc; thứ hai, ở đó mà cấm với chả cấm trong thời buổi bùng nổ thông tin này!
Chuyến đi Đức đọc thơ của Nguyễn Hữu Hồng Minh vào cuối năm 2005 là một minh chứng khá hùng hồn cho sự vụ. Ví Nhà nước cấm không cho nhà thơ này đi, thiệt hại trước tiên thuộc phía Nhà nước đã: cánh trẻ [và cả “bọn xấu”] sẽ kêu đích thị Việt Nam thiếu dân chủ; sau đó người đọc chịu thiệt: không biết thơ trẻ hay ra răng, mới lạ tầm cỡ nào mà bấy lâu bị lực lượng “bảo thủ” ngăn cản ghê quá; và sau cùng là thiệt thòi về phía kẻ sáng tác: Nguyễn Hữu Hồng Minh [và…] không biết được mình đứng ở đâu trong dòng chảy của thi ca hôm nay. Ngược lại, nếu cho thoải mái: lợi tất!
Kinh nghiệm nhóm Mở Miệng với Nguyễn Hoàng Tranh (nhà thơ sống tại Úc) đọc và nói chuyện về thơ đương đại tại Lớp cử nhân tài năng ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vào năm 2004 cũng thế. Thơ họ “bị sinh viên tôi phản đối quá, muốn tẩy chay luôn” (lời vị giảng viên phụ trách lớp). Hoặc thế đứng Nguyễn Thúy Hằng trong buổi ra mắt sách tại Viện Goethe cuối tháng 03.2006 cũng vậy.
Nêu ba sự kiện thả cửa hiếm hoi trên để thấy rằng, dù sau trận đem thơ đánh xứ người, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã “tự tri tự ngộ” tới đâu, hay vụ “phản đối, tẩy chay” nhóm Mở Miệng bởi những nguyên nhân nào, hoặc nỗi “mất hút” Nguyễn Thúy Hằng ra sao chăng nữa, là vài kinh nghiệm quý hơn vàng, và phải được xem như tín hiệu tốt lành cho văn chương Việt Nam trong thời kì hội nhập. Còn cứ một mực cấm chợ qua cắt giấy phép nhóm Mở Miệng đọc thơ ở Viện Goethe rồi là ngăn sông Ngựa Trời ra mắt Dự báo phi thời tiết tại thủ đô, thì xin hỏi có ơn ích ai không cơ chứ!?
Hãy để các thế hệ trẻ quyền đánh giá và chọn lựa nhau. Nhưng trước hết, hãy trang bị cho họ tri thức cơ bản để họ đủ khả năng đánh giá và chọn lựa. Bởi chính họ chứ không phải ai khác là kẻ viết lịch sử văn học Việt Nam, ngày mai. Để cho bạn thơ trẻ tự do (kể cả tự do buông tuồng), nếu họ “không đi tới đâu” hay dị hợm vô lối thì chính họ sẽ tự đào thải. Người đọc thời hiện đại đủ khôn lớn để không dễ dãi với trò rác rưởi, nhố nhăng, nhảm nhí! Từ đó, cái mới-hay sẽ tồn tại, như một giá trị-mới làm nên truyền thống-mới của văn học Việt Nam.

8. Nhưng dù gì thì gì, tôi thấy các sáng tác cách tân hôm nay cứ na ná nhau sao ấy! Đâu phải chỉ có tôi nhận ra sự vụ đó. Cả làng đều biết. Thử đọc một đoạn nhé:
“Tôi tự hỏi điều gì đã khiến Nguyễn Thuý Hằng và một số người viết thế hệ chị cứ mãi quẩn quanh với những “hạt kinh nguyệt không đồng đều”, những “hạ bộ mặt trời”, những “bọt khí”, “chấm đen đầy máu” hay “não chảy dịch vàng”, “lớp nhầy mưng mủ”, những “tụt quần”, những “mở khoá quần”…”(10).
– Chúng ta đã nửa lần bàn lướt qua vấn đề này ở trên rồi. Chỉ xin kể chuyện vui: Thuở lên tám chăn trâu, có bạn chăn mới suốt ngày mải lo tách đàn trâu năm, sáu con của mình khỏi bầy khoảng vài trăm con. Hắn nơm nớp sợ nếu cho ăn lẫn, chiều về không biết đâu là trâu nhà với trâu cánh bạn để lùa về chuồng. Cả tôi cũng vậy, với lũ trâu thì không vấn đề gì, nhưng với đám dê, tôi cứ mở to con mắt kinh ngạc khi ông già kia tách đàn cả mấy chục con nhà mình giữa cả ngàn con kia. Dê như dê mà! Với lính Mĩ cũng chẳng khác gì, bọn chăn trâu chúng tôi cứ tò mò muốn biết làm sao ông trung sĩ kia phân biệt được chú lính này với chú lính khác mà kêu tên!
Trình độ chưa qua sơ cấp về nhân chủng của chúng tôi đã ra nông nỗi ấy.
Với hội họa lập thể, trừu tượng hay thơ thể nghiệm cũng không khác mấy. Đâu biết đâu là đâu! Câu cú dài ngắn chẳng ra thể thống gì cả; từ ngữ thì rối rắm, lắm lúc thô tục; vần chẳng thấy đâu; nhịp điệu trúc trắc gồ ghề; rồi là các dấu, đủ thứ dấu; con chữ khi to khi nhỏ, lúc viết bông lúc thì không; cấu trúc bài thơ vô trật tự, ý tưởng nhảy cóc như lũ khỉ, đang nói chuyện này nhảy sang việc khác; rồi thì có tay còn cướp cạn [nhại giễu] thơ kẻ khác làm thơ mình nữa chớ! Vân vân. Nghĩa là không thể hiểu được bọn tự vỗ ngực là tiền vệ nói cái gì, bài giống bài, tập như tập, tác giả hệt tác giả.
Không đâu vào đâu, chủ yếu là do thói quen thơ của chúng ta. Thói quen làm với thói quen đọc. Một khi chúng ta chịu dịch chuyển suy tư sang chiều hướng khác, chịu chấp nhận cái khác mình, mọi sự sẽ thay đổi.
Không phải cái mới hôm nay đã không lặp lại mình, nhiều nữa là khác! Sự lười nhác tư duy thơ hay cả lao động nghệ thuật khiến không ít khuôn mặt mới rập khuôn bạn thơ ở ngay thế hệ mình(11).

9. Như vậy, qua đối thoại tôi mới hiểu là nhà thơ chê nhiều chứ có cỗ vũ hay ca ngợi cánh trẻ như bị đồn thổi vậy đâu! Nhưng dẫu sao tôi cứ ngờ ngợ nhà thơ đang bơi lấp lửng giữa mới và cũ, giữa khen và chê, truyền thống với hiện đại. Vậy xin hỏi: đâu là quan điểm chuẩn của nhà thơ và, đâu là phương pháp phê bình Inrasara?
– Tôi từng nói tôi sống/viết ở đường biên mà! Có khen chê đâu. Nhà thơ chứ trẻ nít đâu mà vòi roi vọt hay bánh kẹo. Tôi cũng không quan tâm đến lối phê bình được mệnh danh phê bình bắt sâu hay thưởng hoa. Điều tôi muốn làm là “lập biên bản” (như cảnh sát giao thông lập biên bản hiện trường tai nạn ấy mà) các sự biến văn chương (thơ là chính) đang xảy ra trong thời đại tôi đang sống, những con người đang làm việc và sáng tạo cùng thời với tôi. Có chú cảnh sát nào dám bỏ sót tai nạn đâu, nếu chú ta làm thiệt, không muốn bị kiểm điểm. Người sống thời sự văn học nào cũng hành xử vậy thôi, nếu hắn không muốn bị tụt hậu hay không chấp nhận lỡ tàu thời đại.
Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay bản sắc văn hóa dân tộc, một chân lí đinh đóng hay cái đẹp vĩnh cữu. Cũng không phải từ lập trường văn học trung tâm nào, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với nhóm Mở Miệng, với phong trào tân hình thức Việt và mọi tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn nhất có thể các quan điểm sáng tác, qua đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa.
Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế.

Tình trạng phân hóa của hệ mĩ học và quan niệm sáng tác xảy ra từ 5 năm trước, ngày càng rõ nét. Mỗi ngày, cả trăm bài thơ nóng hôi hổi được bắn lên mạng. Hằng năm, mấy trăm tập thơ xô đẩy nhau xuất lò in, cả lò photocopy. Không ai tự nhận quán xuyến tất cả các sáng tác khác lạ và cả khác nhau ấy. Nên, một nhà phê bình chỉ có thể chọn lựa một quan điểm thẩm mĩ nhất quán, để làm phê bình.
Nhưng nhìn tới nhìn lui, rất ít [nếu không nói là chưa có] nhà phê bình nào chịu đồng hành với thơ đương đại (cụ thể hơn: thơ hậu đổi mới) để có thể song thoại sòng phẳng với cái nó. Có, nhưng chỉ để trù dập hay tán tụng. Chưa có ai dấn thân trọn vẹn với các trào lưu sáng tác mới, để có thể nắm bắt, cả phần sáng lẫn bề tối của chúng. Qua đó, khai mở cơ sở văn hóa, nền tảng triết học hình thành các loại thơ kia. Chúng ta rất ngại đi vào vùng xoáy dễ sa sẩy của sáng tác mới, của hôm nay. Tinh thần ngại phiêu lưu khiến các nhà phê bình luôn tìm chốn trú ẩn an toàn trong miền sáng tác thuộc hệ mĩ học đã được thời gian thẩm định và lưu kho.

Thời cuộc thay đổi. Thơ đã thay đổi. Và, cách nhìn nhận thơ cũng phải thay đổi. Một hệ mĩ học sáng tạo chỉ có thể bị/được vượt qua bằng phê bình tác phẩm đại diện xuất sắc thuộc hệ mĩ học đó, chứ không phải ngược lại. Thế nhưng, phê bình hôm nay đang thiếu, thiếu và thừa lớn. Thiếu tư thế tự do cần thiết nên thừa sự tránh né, cả nể. Không đủ cô đơn cho… phê bình, nghĩa là thiếu giữ một khoảng cách cần thiết với đối tượng nên phê bình dễ tạo cảm giác thừa tinh thần phe nhóm, cánh hẩu. Thiếu thẩm quyền chuyên môn, do đó, các nhận xét đều thừa ý kiến vừa xu thời vừa bất cập, tùy tiện. Cuối cùng, thiếu hiểu biết về lao động nghệ thuật cùng lòng say mê nghề nghiệp, nên thừa bài viết theo sơ đồ sáo ngữ được làm sẵn, ở đó hoàn toàn vắng bóng suy tư (12).

10. Đã có quá nhiều bài tụng ca ca ngợi vống lên vài tên tuổi mới xuất hiện chưa có thành tựu đáng kể nào, lại ca ngợi không đặt trên nền tảng nào, thiếu dẫn chứng thuyết phục từng đã tạo dị ứng trong dư luận người đọc, nhà thơ không sợ mình vướng vào hệ lụy đó sao? Ở phía khác: chụp mũ với trù dập.
– Chúng ta đã bàn qua rồi: sự lẫn lộn giữa văn chương [đích thực] và [văn chương] báo chí đã tạo ra bao nhiêu ngộ nhận tệ hại. Người ta dễ dãi bày ra cái nhãn “nhà thơ siêu hình” (khi chưa cho người đọc hiểu món siêu hình là nỗi gì) hay “biểu tượng giải phóng phụ nữ trong văn học” (mà chưa hề trình tâu câu thơ nào khả dĩ minh họa cho phán quyết bạo phổi đó) hoặc “cách tân táo bạo” (nhưng không dẫn ra một so sánh tối thiểu với cái từng xuất hiện trước đó) chỉ là những phát ngôn bất cập và tùy tiện của không ít người làm phê bình [cảm nhận], thời gian qua. Thế mà cái nhãn kia được nhà thơ vốn nhẹ dạ cả tin viết vào giấy dán ngay lên… cột tập thơ mình! Tung hứng đánh đu qua lại như thế, làm sao người đọc không quay lưng với thơ cơ chứ. Có thể gọi đó là món kí sinh văn nghệ. Trước tiên, đàn em kí sinh tên tuổi đàn anh/chị mà leo lên; sau đó, sự kí sinh phát triển theo chiều ngược lại!
Ngoài sự thiếu tư thế tự do và thiếu hiểu biết về lí thuyết mới, sự chưa đủ cô đơn cho phê bình (không giữ khoảng cách cần thiết với đối tượng) là một trong những lí do khiến vài ngòi bút đàn anh/chị sa lầy trong thẩm định tác phẩm. Sự phán quyết thiếu vật chứng ấy sinh ra bao nhiêu là hệ lụy.
Đấy là nói chuyện “khen”, riêng chê thì xin miễn bàn. Tại sao ư? Đơn giản, có ai thấy các tập thơ của Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ, hay Dự báo phi thời tiết (thơ của năm tác giả nữ, NXB Hội Nhà văn, H., 2005) được “chê” bao giờ và ở đâu đâu?
Bởi chúng ta chưa có diễn đàn tự do thật sự nên, người đọc chỉ được nghe một chiều. Các đối tượng bị oan không có tí ti cơ hội nào mà đánh trống kêu. Do đó, mọi thiệt thòi đều đổ về phía người đọc, hay nói to hơn là: văn học Việt Nam.

11. Nữa: xin nhà thơ cho biết đâu là lối thoát cho thơ hôm nay? Năm ngoái nhà thơ đã từ chối trả lời câu hỏi rất thẳng của tôi. “Tôi không nhất trí với sự chạy trốn trách nhiệm này, khi nhà thơ nêu nhưng không giải quyết được vấn đề”.
– Chớ mà dại dột tự kí phép cho mình làm thầy lang bốc thang thuốc xuyên tâm liên chữa bách bệnh cho nền thơ Việt Nam. Chỉ xin thành thật với nhau một điều là: cần thiết phải có diễn đàn văn học tự do. Diễn đàn, chúng ta không thiếu: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ,… Tuy nhiên, các tờ báo chuyên văn học của Hội Nhà văn chưa mạnh dạn chấp nhận tiếng nói khác mình hoặc ý tưởng đa chiều. Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu hay trước nữa, “Vụ Hoa thủy tiên” chẳng hạn, người đọc chỉ được cho nghe một bề “phê”, chứ chưa thấy đâu ý kiến ngược. Thì làm sao dư luận rộng đường? Hiện tượng nhóm Mở Miệng hay Ngựa Trời xôm tụ là thế, có bao giờ Văn nghệ, Văn nghệ trẻ hạ cố dành cho ít trang gọi là? Chỉ có vài tờ báo không chuyên “đặc trị” chúng.
Hội nghị những người viết văn trẻ vừa qua, khá nhiều ý kiến phê phán Văn nghệ trẻ. Theo thông tin lóm được, bạn trẻ tập trung chê Văn nghệ trẻ “không trẻ”, vì báo chỉ chuyên đăng các sáng tác già cỗi, cũ mèm. Đó là một phê phán đúng nhưng thiếu và, không cao tay. Bởi ranh giới cũ/ mới, dở/ hay trong sáng tác, nhất là thể loại thơ thì cực mơ hồ, có bàn đến tận thế cũng không xong.
Đánh giá Văn nghệ trẻ vài năm qua, Nguyễn Quang Thiều dù cố gắng nhỏ nhẹ cũng phải kêu lên một tiếng: “Tôi nghĩ Văn nghệ trẻ đang rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình”(13). Nguyễn Quang Thiều đã không cụ thể. Theo tôi, cái dễ thấy nhất ở tờ báo là nó đã và đang mang vác một thứ thừa và ba cái thiếu. Thừa và thiếu nghiêm trọng.
– Thừa: bổn phận của Văn nghệ trẻ có phải dành đến bảy, tám trang báo để đa mang chuyện xã hội hay đánh tiêu cực? Đánh tiêu cực xã hội, Văn nghệ trẻ cạnh tranh nổi với Thanh niên hay Pháp luật chắc? Trong khi báo ta lại đem bỏ chợ đứa con đẻ [nhiệm vụ chính] của mình.
– Thiếu: đó là thiếu về sự trình bày lí thuyết, trào lưu văn nghệ đương đại. Trình bày đầy đủ, chính xác với lối nhìn khách quan và nhiều chiều. Để thế hệ nhà văn trẻ của ta bớt đi nỗi lạc hậu tình hình văn chương người thiên hạ.
Thiếu thứ hai là thiếu về giới thiệu các khuôn mặt xuất sắc của văn chương khu vực và thế giới, nhất là các khuôn mặt mới. Để bạn văn trẻ biết mình đang đứng ở đâu trong dòng chảy của văn chương thế giới, tránh sự hợm mình kiểu cóc ngồi góc mâm.
Thiếu thứ ba là Văn nghệ trẻ chưa bao giờ dũng cảm giới thiệu đến nơi đến chốn trào lưu, hiện tượng thơ văn trong nước gây xôn xao [cả thật lẫn giả] dư luận. Để người đọc nhận chân giá trị của các sáng tác đó. Và, nhiều thứ khác nữa.
Đó là nỗi không làm tròn bổn phận của tờ báo chuyên, một không làm tròn tưởng vô thưởng vô phạt nhưng thật sự đã tác hại không nhỏ đến phát triển của văn học hôm nay và cả mai sau.
Tóm lại, tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn (TP Hồ Chí Minh) lâm trọng bệnh gần mấy năm qua rồi, mãi hôm nay vẫn chưa có dấu hiệu ngoi ngóp. Như vậy, chúng ta chỉ còn hi vọng Văn nghệ trẻ, Văn nghệ “hãy là mình”, “dám là mình” và, “đừng rời xa đối tượng cơ bản nhất của mình”, như kẻ đã từng nuôi lớn nó mong mỏi thế.

12. Câu hỏi cuối: Tôi nhớ cách nay vài năm, khi vừa xuất hiện với tư cách người làm lí luận phê bình, nhà thơ đã có hàng loạt bài “Để thơ đến với bạn đọc”? Như vậy, chúng ta bắt đầu từ đâu? Cụ thể hơn: làm thế nào để người đọc trở lại với thơ?
– Thơ đang mất độc giả, là thực tế. Thơ ca ngày càng xa rời quần chúng và đánh mất lớp công chúng trung thành. Nhà thơ hôm nay đang sống co cụm, cày cuốc và cãi cọ trong đám ruộng nhỏ bé của mình. Làm sao giành lại người đọc đã mất và chinh phục người đọc mới. Chúng ta bắt đầu từ đâu?
Dana Gioia trong tiểu mục: “Nhà thơ làm thế nào để được biết đến”, đã “nêu lên sáu đề nghị khiêm tốn”. Trong thực tiễn sinh hoạt thơ Việt nam, tôi thử rút bớt còn ba:
“Khi nhà thơ đọc thơ trước công chúng, nên bỏ ra một phần của chương trình để đọc thơ người khác”. Đây là yêu cầu dễ thực hiện hơn cả, nhưng đa số nhà thơ chúng ta ít khi làm được. Lạ! Chúng ta luôn tranh thủ cơ hội xuất hiện trước công chúng với tần số cao nhất có thể, không để làm gì cả, ngoài trả lời phỏng vấn, thổ lộ hoàn cảnh ra đời của bài thơ rồi, đọc các bài thơ… cũ mèm của mình. Trên màn ảnh nhỏ hay sân khấu, hội trường. Đọc thơ là để tôn vinh thơ chứ không phải tôn vinh nhà thơ. Ồ, nếu các nhà thơ ta dứt bỏ được “tâm thế” chuyên đọc thơ mình trước công chúng thì thơ sẽ được nhìn nhận khác đi nhiều lắm lắm.
“Nhà thơ cần viết nhiều về thơ hơn, vô tư hơn và công hiệu hơn”. Bởi thơ [hậu] hiện đại hãy còn xa lạ với người đọc. Đã lâu lắm rồi, các trào lưu thơ thế giới không được giảng dạy trong các trường đại học. Nhà thơ sáng tác theo khuynh hướng mới, cần thuyết lí về hệ thẩm mĩ của mình, dĩ nhiên, bằng ngôn từ giản đơn có thể. Ở các báo chuyên lẫn không chuyên. Và, khi viết về thơ của người cùng thời, nhà thơ cần viết với tinh thần trong sáng, vô tư. Không bài xích kẻ không cùng quan điểm sáng tạo, không phủ định sạch trơn các sáng tác mình chưa hiểu; sẵn sàng ca ngợi và biết ca ngợi các bài thơ hoặc thi phẩm độc đáo. Công hiệu, tại sao? Bởi đã không ít kẻ ủng hộ cái mới, nhưng do hạn chế ở thẩm định và diễn đạt, các lời lẽ đề cao thành phản tác dụng: người đọc càng dị ứng với cái mới hơn!
“Các nhà thơ biên soạn thi tập – hoặc chỉ đưa một danh sách đọc – nên thành thật một cách thận trọng, chỉ gồm những bài thơ họ thật tình hâm mộ”. Thời gian qua, chúng ta đã làm nhiều thi tuyển, đủ kiểu. Theo đề tài, theo thời đoạn, theo giới cũng có mà theo nghề nghiệp cũng xong, khuynh hướng sáng tác lẫn quen biết bạn bè cũng không chừa. Để làm phong trào, để giải ngân hay để gì gì nữa. Người tuyển luôn mặc cho cảm tính, cảm tình hay dáng vẻ của các tên tuổi thao túng. Dù ở “lời nói đầu”, Ban tuyển bao giờ cũng tuyên vô tư khách quan đáo để. Như thể phân phối tem phiếu vậy. Thì làm sao hàng trăm bài thơ trong mấy tuyển kia đủ sức lay động tâm hồn người đọc, kích thích họ trực tiếp tìm đến thi phẩm của các tác giả riêng biệt?

* Lẽ ra Góp nhặt sỏi đá tạm ngưng tại đây, như nhiệm vụ nó đặt ra cho mình ban đầu: thu lượm các nhầm lẫn lặp đi lặp lại trong nhìn nhận về thơ Việt. Xong việc, nghỉ là đúng phép nhà. Nhưng một bạn có lẽ còn ấm ức nên, đã hăng hái chất vấn ngoài lề. Đây là câu hỏi/ trả lời muộn hơn cả(14). Tôi tạm dùng nó làm phần kết cho Đối thoại giả định-thật này.
13. Đó là yếu tố khách quan, còn chủ quan của người sáng tác? Trong “Chân dung cát”, nhà thơ viết: “Càng hiếm hoi hơn nữa con người tuổi trẻ của ngày hôm nay chịu suy tư trong cô độc hơn là thích làm nổi bật mình nơi đám đông”. Trong tập tiểu luận có cái tên rất gợi: “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, nhà thơ cũng nói rằng: “Không phải người viết văn làm thơ hôm nay chưa thâm nhập đầy đủ vào thực tiễn cuộc sống của quần chúng lao động; không phải do chúng ta dốt, không đọc nhiều, kém tri thức về các trào lưu văn chương thế giới; không phải bởi thế hệ mới còn quá mỏng kinh nghiệm; càng không phải thời hiện đại bận rộn tiêu mất quá nhiều thời gian của người viết, mà thiếu, nguyên nhân chính – sâu xa và nền tảng hơn, như là nguyên nhân của nguyên nhân – do kẻ sáng tạo chưa đầy đủ cô đơn. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu…”. Vậy chúng ta phải “phấn đấu” cô đơn mới có sáng tạo mới hay sao?
– Mô phật! Tôi phân cấp “cô đơn” của kẻ sáng tạo làm ba lô khá là rành rọt: thời kì tìm ý thai nghén mang nặng, giai đoạn tập trung viết tác phẩm (chính xác hơn: kì gian ngồi trước trang giấy/màn hình không chữ) và, sau khi tác phẩm mở mắt chào đời. Do mãi nhăm nhăm vào lô thứ nhất: nhà văn tách khỏi sinh hoạt tập thể, xã hội và cộng đồng nghề nghiệp mình, nên đã có vài ngộ nhận không đáng có. Đó mới là cô đơn ở cấp độ thứ nhất, chính danh – “cô độc”. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, nó chỉ dừng lại ở quả vị A-la-hán, dẫu đã sang bờ bên kia nhưng chưa quay trở lại làm bố tát cứu độ chúng sinh! Và tôi cũng không đặt nặng nó cho lắm. Nên có thể nói, vài phản ứng vụn từ khi bài viết xuất hiện xung quanh “cô đơn” chỉ mon men ngoài hè hay mới dừng lại ở cửa mà chưa bước lên chánh điện. Lạ vậy chứ!
Cô đơn LÀ tự do LÀ sáng tạo. Khi tôi chết đi mọi thiên kiến, mọi lo âu thường nhật; khi tôi chết đi mọi âm thanh và cuồng nộ của cuộc người; nhất là, khi tôi chết đi mọi sợ hãi – là tôi cô đơn.
Cô đơn đầu tiên và cuối cùng, đấy là bắt chước lối nói của J. Krishnamurti (The first and last Freedom). Là khoảng rỗng nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Không phải tôi sở hữu nó như thể trẻ con sở hữu hòn bi, mà chính nó chiếm hữu tôi, ném tôi vào khoảng rỗng vô định và đầy bất an của nó. Trước trang giấy trắng hay màn hình xanh nhạt (Trời đất, có ai ngồi trước tờ giấy trắng một cách “tập thể” đâu!), tôi không còn nghe một giọng mơ hồ nào đó răn đe, thoát khỏi mọi nhắc nhở phải thế này hay không nên thế kia. Tôi LÀ một sinh thể tự do. Như thiền sư đạt đạo thơ ca, “thõng tay đi vào chợ, thong dong giữa miền cuộc đời”. Dẫu lang thang vào các làng Chăm Phan Rang cháy nắng hay ngược xuôi giữa nhộn nhịp đường phố Sài Gòn, hội nghị họp hành của Hội Nhà văn hoặc nhậu nhẹt bù khú anh em vỉa hè, tôi vẫn cô đơn. Cư ngụ trong khoảng rỗng đó, sáng tạo sẽ tuôn tràn.
Còn ở lô thứ ba: sau khi tác phẩm được ném ra ngoài mưa gió cuộc đời, hãy cứ mặc nó ra sao thì ra và đừng lo tìm cách bảo vệ nó trước búa rìu dư luận, nếu có. Nhớ rằng, tự quảng bá tác phẩm hay bảo vệ tác quyền không đồng nghĩa với đứng ra bảo vệ tác phẩm mình. Đây là điều ít nhà văn trẻ hôm nay làm được. Tôi gọi đó là chưa cô đơn khi tác phẩm đã ra đời. Một chưa đủ cô đơn cực kì nhảm nhí!

Sài Gòn, 7-2006.

____________________________________
Chú thích
(1) Mai Quốc Liên, “Một vài nhận thức về lí luận văn nghệ hiện thời”, báo Văn nghệ, 22.04.2006.
(2) Từ Nữ Triệu Vương trả lời phỏng vấn, Tạp chí Nhà văn, số 5, 2006.
(3) Lê Thiếu Nhơn, “Giải mã ảo giác thơ trẻ”, báo Thế thao – văn hóa, số 84, 15-7-2006.
(4) Xem thêm: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt”, Vanchongviet.org.
(5) Riêng chủ nghĩa hậu hiện đại, có thể tìm đọc Tạp chí Việt (1998-2001, 8 số cả thảy) do Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn chủ trương, xuất bản tại Úc và: Văn học hậu hiện đại thế giới (2 tập): Những vấn đề lí thuyết và Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới,, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.
(6) Evan.vnexpress.net, 4.2004.
(7) Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long, Phan Ngọc dịch, NXB Văn học, H., 1999, tr. 254-257.
(8) Xem thêm: Inrasara, “Khủng hoảng như là dấu hiệu tốt lành”, Tham luận Hội thảo khoa học 20 năm mỹ thuật đổi mới 1986-2006 tại Hà Nội, tháng 4-2007.
(9) Nguyễn Hưng Quốc, Văn hóa văn chương Việt Nam, NXB Văn mới, Hoa Kì, 2002, tr. 21-22.
(10) Nguyễn Thanh Sơn, “Câu chuyện chú mèo và cuộn len hay về Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý của Nguyễn Thuý Hằng”, Talawas.org, 6-4-2006.
(11) Xem thêm: “Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố ‘nữ”, Talawas.org.
(12) Xem thêm: Theodor W. Adorno, “Về khủng hoảng của phê bình văn học”, Trương Hồng Quang dịch, Talawas.org.
(13) Văn nghệ trẻ, ngày 25-6-2006.
(14) Báo Thể thao – Văn hóa, 14-7-2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *