Ngôn ngữ, từ lời dạy của Khổng Tử

Thư cho bạn trẻ

Bạn thân mến
I. Chuyện vui
1. Từ năm 1985-1992, thời gian ở quê tôi có khoảng 20 cuộc hội thảo mini tại gia đình. 8-12 người/ cuộc. Gồm các chú bác trí thức và chức sắc Chăm (đôi khi cả Kinh) tham gia, từ các làng, tỉnh khác nhau, thành phần khác nhau. Tôi đãi cơm, rượu, trà nước và gợi mở cho chú bác nói chuyện. Bổn phận tôi là… nghe. Có bác dự vài cuộc khá ngạc nhiên hỏi Sara sao không thấy cậu phát biểu gì cả. Tôi nói: cháu nghe là đủ rồi.
Điều quan trọng hơn cả là: mọi người vui vẻ trao đổi bàn bạc. Có ích cho tất cả.

2. Chủ trì Bàn tròn văn chương cho Ban sáng tác Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi có 3 đề nghị:
– Đề tài Bàn tròn văn chương tự do chọn.
– Thành phần tham gia tự do, và không hạn chế.
– Thành viên tự do phát biểu ý kiến, và trách nhiệm với ý kiến của mình.
Trong cuộc, tôi gợi ý cho mọi người nói – vui vẻ và hào hứng, tôi chỉ tham gia phần kết. Nhiều người ngạc nhiên, sao Sara không nói gì cả? Tôi bảo: tôi trách nhiệm gợi mở và gợi hứng cho các bạn trao đổi, tôi quan niệm đây là cuộc chơi, cuộc chơi-thiệt! Qua 7 cuộc được tổ chức ở 3 tỉnh khác nhau (người ít tuổi nhất 20, nhiều nhất là 75, gồm cây viết ưu tú của Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận, cả nhà văn Việt kiều nữa), có thể nói Bàn tròn văn chương thành công mĩ mãn.

3. Thế mà Bàn tròn văn chương cũng có dấu hiệu phe cánh! Phe không chính thống gồm vài nhà văn vỉa hè xuyên tạc rằng: tay Sara bây giờ đầu hàng [chính thống] rồi! Trời đất, tôi có chiến đấu với ai, với cái gì bao giờ đâu mà bảo là đầu với chả hàng? Còn bên chính thống, có một quan văn sau khi đọc bài viết của tôi trên báo Văn nghệ: “Bàn tròn văn chương qua ba kì phiêu lãng”, đã dọa là Sara tập họp mấy người viết lôm côm lại bàn về văn học Việt Nam, tôi sẽ trình BCB Hội Nhà văn và trao đổi tới nơi tới chốn. Nghe mà cười nôn ruột. Tôi chờ ông ta trao đổi, nhưng chả thấy đâu mô. Vậy đó, người ta cứ nhìn văn chương qua con mắt chính trị, rất nhảm nhí.
Trong cuộc trà dư tửu hậu, một bạn trẻ Chăm nhận định: chú Sara mới chính trị xịn, chính trị siêu hơn cả! Chuyện như đùa, Trà Vigia cãi lại: Sara chẳng biết mô tê gì chính trị cả đâu, cháu suy luận đó thôi. Tôi nói: Trà Vigia mới là người hiểu mình. Tôi hay nói trước với cả Kinh hay Chăm, nếu các ông/ bà muốn bầu bán, giơ tay ủng hộ hay chống đối ai đó thì xin chừa Sara ra. Tôi là kẻ ngoài cuộc, một nhà văn vô chính phủ ngay từ bản chất. Vô chính phủ đầu tiên và cuối cùng.
Đoạn thơ mở đầu cho tập thơ mới nhất: Chuyện 40 năm mới kể…:

Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên

Cũng chẳng có gì trầm trọng cả!
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.

Kể 3 chuyện này, tôi muốn nhấn mạnh 2 điều: thứ nhất, biết nghe là một kĩ năng cần học tập, tôi luyện; nó vô cùng thiết yếu, nhất là với một nhà văn; tôi đã bỏ ra 25 năm học nghe. Thứ hai, ở mọi cuộc hội, họp lớn, bé do tôi điều hành, dù là trong xã hội Chăm hay Kinh, đều khởi đầu và kết thúc vui vẻ, sau đó tôi dzọt lẹ về với tủ sách của tôi. Trong cuộc nhậu nhẹt bù khú, tôi cực kiệm lời; chỉ tại diễn đàn đúng nghĩa, tôi mới tranh luận. Và tranh luận rất hăng!

II. Về một trường hợp Chăm chê tôi
Có một vị Chăm gởi thư điện tử cho mọi người viết rằng lối phiên âm chữ Chăm của tôi hời hợt. Tôi chưa chuyển tự hay phiên âm chữ Chăm bao giờ, tôi chỉ dùng lại hệ thống của các nhà ngôn ngữ học khi ở thế buộc phải ghi Latinh tiếng mẹ đẻ (tôi ghi rõ trong tác phẩm tôi). Chuyện tôi không làm mà đem gắn cho tôi, để có cớ chê tôi “hời hợt” là điều lạ thứ nhất. Rồi qua thư điện tử bàn chuyện khác nhưng lại lần nữa nói tạt qua tôi: cái vụ tôi không hề trả lời điều gì đó mà cứ một mực bảo tôi có, là lạ thứ hai.
Trong khi giữa tôi với vị này:
– Nghìn trùng xa cách, chắc chắn không thể va chạm quyền lợi nhau rồi.
– Làm nghề khác nhau (tôi chắc vậy, vì Chăm chưa có ai là nhà văn chuyên nghiệp, ngoài Inrasara)
– Trong quá khứ 2 bên chưa có gì thù oán nhau. Cả tương lai cũng vậy.
Vậy mà đã có 2 vụ đáng tiếc trên, chính điều đó tôi cho là “không thể hiểu nổi”.

Chuyện tương tự trước đây cũng xảy ra với tôi vài lần. Tôi thử đưa chuyện “không thể hiểu nổi” này ra than phiền với một ông thầy cũ. Ông bảo: Không dám chê Sara, nhưng tôi cho Sara quá ngây thơ và chưa hiểu Chăm. Rồi không đợi phản ứng của thằng học trò, ông thầy bồi tiếp: lí do rất đơn giản, cái tội của Sara là quá nổi tiếng!
– Đồng ý, vụ này em cũng đã nhiều lần bị trong văn giới Kinh; nhưng đấy là chuyện giới viết lách với nhau. Đằng này, Sara với vị Chăm kia hành nghề chẳng dính dáng gì đến nhau cả mà.
– Thì chính đó mới là đặc thù Chăm đó, nên mới bảo em chưa hiểu Chăm. Ông thầy phán. Rồi tiếp: – hắn phải dìm em xuống để hắn ngoi lên cho bàn dân thiên hạ nghĩ hắn cũng ngon lành như ai – còn nếu hắn ngoi không nổi thì ít ra phải dìm em để cùng nhau ngang bằng cá mè một lứa – cuối cùng: hắn dìm chơi vậy thôi, như thể phá đám đó mà.
Nghe ông thầy phân tích, tôi chỉ có nước ngọng!

Nói điều này ra, tôi không cho vị Chăm trên thuộc trường hợp vừa nêu, nên tạm kết như vậy: Tôi nói là nói cho, nói vì, nói giúp. Khổng Tử dạy: Với bằng hữu, nói một lần mà bạn không nghe là mất lời; cố nói nữa e sẽ mất cả lời lẫn bạn (từ “bạn” ở đây nên hiểu là tình đồng tộc).

III. Vấn đề trao đổi
Tôi đã trao đổi với hơn mươi người về nhiều lĩnh vực khác nhau, và đại đa số người được trao đổi luôn thấy được và nhận ra thiếu khuyết của mình. Đó là tín hiệu tốt lành. Bởi, trao đổi là chuyện rất khó khăn. Trao đổi [học thuật hay tư tưởng] là sự đấu tranh truy tìm sự thật qua đối thoại cởi mở. Chuyện chỉ có thể xảy ra giữa những người “lớn” với nhau.
Tuy vậy, có không ít người “lớn” chưa nắm được tinh thần đó, nên trao đổi biến thành một trở ngại khó vượt. Trở ngại không chỉ bởi hạn chế ở tri kiến của các đối tượng mà chủ yếu ở, không biết lắng nghe. Như đã nói, khả năng lắng nghe cần được tôi luyện lâu dài và thường trực. Đã không ít người được/ tự trang bị kiến thức khá đủ đầy, nhưng do không có khả năng lắng nghe nên, họ đánh mất luôn khả năng nói. Từ đó, chặn đường bít lối sự trao đổi. Ngay khi nhận ra điều đó, tôi chỉ còn giữ lại thao tác đính chính hay nhắc nhở, qua thái độ tương hợp trong tinh thần giúp đỡ là chính.

IV. Qua kinh nghiệm đó, dù năm 2007 tôi có 2 tin vui mới khá lớn và vài tin vui nhỏ khác, nhưng lúc này tôi rất ngại thông tin cho bà con anh chị em. Tôi cứ sợ mình mất đi chất ngây thơ phiêu lãng của thi sĩ khá nhiều, qua va chạm không đáng có. Mà một thi sĩ khi đánh mất chất ngây thơ phiêu lãng này thì coi như nó sắp tàn cuộc chơi. Bùi Giáng:
Giã từ cõi mộng điêu linh
Anh về buôn bán với mình phôi pha

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *