Phan Quốc Anh: Inrasara, đứa con đất Tháp

Tôi – đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
Đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao

(Thơ Inrasara)

Tôi đến thăm làng Mỹ Nghiệp quê anh vào một chiều nắng cháy. Cũng như bao làng Chăm khác, Mỹ Nghiệp cũng có hàng cây xương rồng bao quanh và những mái nhà thấp lè tè. Người Chăm kiêng không trồng cây cao, chỉ có những hàng rào bằng cây keo khô tua tủa gai ken sít vào nhau nên xứ nắng như càng nắng hơn. Hình như nước da ngăm ngăm của người Chăm chỉ thích hợp với nắng. Từ làng Chăm Mỹ Nghiệp có thể nhìn thấy cả hai cụm Tháp Chàm nổi tiếng Po Klaung Girai và Po Rome, hai đền tháp thờ hai vị vua – thần của người Chăm Bàlamôn. Vì vậy, mảnh đất này được gọi là “đất Tháp”.

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara sinh ra và lớn lên ở đó. Anh tiếp chúng tôi ở phòng khách, cũng chính là phòng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm dệt thổ cẩm. Anh dẫn chúng tôi tham quan xưởng dệt có đến gần trăm cô gái Chăm đang miệt mài dệt trên khung cửi. Vợ anh – chị Thuận Thị Trụ – Giám đốc xưởng dệt giới thiệu qui trình công nghệ dệt và cho chúng tôi xem những sản phẩm tuyệt đẹp được may từ thổ cẩm Chăm như áo, mũ, các loại túi xách, hộp nữ trang, váy, ga, nệm v.v… Xưởng dệt và sản phẩm thổ cẩm Chăm của chị đã trở nên nổi tiếng trong phong trào phát triển làng nghề truyền thống của cả nước.

Năm 1976, Inrasara học Đại học Sư phạm và sau đó về công tác tại Ban biên soạn sách chữ Chăm ở Phan Rang. Hơn bốn năm công tác ở đây, anh đã tích lũy được rất nhiều vốn kiến thức về văn hóa Chăm. Năm 1992, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á (Đại học tổng hợp TP.HCM) mời anh về làm việc. Từ đó, các công trình về văn hóa Chăm liên tục được anh cho xuất bản.
Từ năm 1996, giới văn học bắt đầu chú ý đến những bài thơ của Inrasara in trên các báo, táp chí. Tập thơ Tháp nắng gồm 22 bài thơ và một trường ca đã trở thành “hiện tượng thơ ca” và đoạt giải nhì năm 1997 (không có giải nhất) của Hội Nhà văn Việt Nam. Tập thơ Sinh nhật cây xương rồng của anh đã đoạt giải nhì của Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 1998. Ngoài ra anh đang tiếp tục hoàn thành những công trình khoa học và hoàn chỉnh bản thảo các tập thơ để tiếp tục công bố.
Inrasara tâm sự: “Nền văn hóa Chăm rất phong phú và đậm đà màu sắc, nhưng đội ngũ sáng tác văn học Chăm chưa nhiều. Cần đẩy mạnh sáng tạo văn học cho các dân tộc ít người, trong đó có dân tộc Chăm”. Tạm biệt anh, tạm biệt làng Chăm Mỹ Nghiệp, xa xa, nắng đổ vàng lên ngọn tháp cổ, tôi chợt nhớ mấy câu của anh đã được phổ nhạc:

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày

*
Báo Văn hóa, 15-12-1999.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *