Giải hạn mùa Katê

Sài Gòn – Baigaur, 6-9-2008.
Ppathuw mik wa adei xa-ai! Kính gởi bà con anh chị em Chăm và bạn đọc!
Katê, đất trời chuyển mình sang mùa. Katê, chúng ta cho nhau tặng vật tốt lành. Trước khi chúc phúc nhau, ta cũng cần giải nghi hoặc, giải sân hận từ vài ngộ nhận cũ. Cho tặng vật làm mới lại cuộc sống, thăng hoa lần nữa tinh thần. Để ta đường hoàng bước vào giai đoạn mới của cuộc sống. Nhẹ nhàng hơn và khinh khoái hơn.
Sống đời chữ, tưởng sang trọng và cao cả, nhưng ở bề trái của nó cũng lắm gập ghềnh, trắc trở hố hang. Không ai có thể tránh vấp ngã, đây đó suốt hành trình. Sara cũng vậy.
Đây là trích đoạn 4 bài tiêu biểu người ngoài (không là Chàm mình) cáo giác Sara, trong đó có vài bài mới nhất. Thiển nghĩ, sự việc dù xấu hay tốt, cũng có thể cho ta vài bài học bổ ích nào đó. Đăng lên, đọc để biết rồi quên đi. Mãi mãi.
Tadhuw kajap karo thuk siam – Chúc mạnh khỏe và tốt lành.
Kính, SARA.

Bài thứ 1.
Tạp chí Hồn Việt do một vị Gsư-Tsĩ làm Tổng biên tập, sau khi mang một bài thơ của NHHM ra phân tích, vô cớ đã tố cáo Sara:
“Tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này… thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.”
Tôi đã trả lời như sau (trích):
“Báo Thể thao-Văn hóa ngày 23-10-2007 đã “cắt dán” tham luận của tôi in bên cạnh bài báo “Văn hóa thời hội nhập, Bài 1: Ai là sát thủ của cái mới?” của nhà thơ NHHM. Đây là việc làm của tòa soạn, không can dự đến tôi.
Đoạn văn của tôi nằm trong hệ thống toàn bài tham luận “dài 9.000 chữ, [anh] có sự phân tích khá sâu sắc và không giống với nhiều người khác về sự xuất hiện của dòng thơ hậu hiện đại, về nhóm thơ nữ ở TPHCM và phong trào nữ quyền trong văn chương, về lối thoát cho văn chương (Internet), về một hoạt động phê bình không ăn theo sáng tác mà gợi mở, thậm chí dẫn đạo cho sáng tác” – như nhận định của Ban tổ chức Hội thảo “Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh 20 năm đổi mới”.
Nó không liên hệ anh em gì đến bài thơ đơn lẻ kia, càng không dính dáng bà con máu mủ gì đến bài báo của nhà thơ trên! Tôi chưa có ý kiến nào ở bất kì đâu về bài thơ đó cả! Còn việc báo chí gán ghép duyên nợ thế nào là quyền của báo. Vậy mà quý ngài đã viết: “ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn, không khó nhận thấy.”
Đúng: ngài đã “không khó nhận thấy”, nhưng tiếc là quý ngài nhận thấy trật.

Bài thứ 2.
Trên Website Vanchuongviet, nhà văn MVL tố cáo tôi: “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” với quá khứ, chỉ vì một đoạn trong tiểu luận “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần” đăng rất nhiều lần trước đó.
Tôi trả lời dài (trích đoạn):
Trong “Sẽ không có cuộc…”, ở phần hai, tôi nêu: Còn hôm nay? Vài năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy thơ trẻ Việt Nam phát triển theo bốn dòng chính: những kẻ sáng tác theo “truyền thống”, dòng cách tân đơn lẻ, dòng thơ nữ, nhóm Mở Miệng… Riêng dòng sáng tác theo “truyền thống”, tôi nhận định:

“Những kẻ sáng tác theo “truyền thống” với lối suy nghĩ đầy tai hại rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay. Dạng thơ này in tràn khắp mặt báo đã tạo khủng hoảng thừa, khiến người đọc ngán ngẩm thơ. Đơn giản, lâu nay người đọc cứ ngỡ rằng thơ Việt chỉ có mỗi nó, như thế.
Đáng buồn là những tưởng hôm nay, loại thơ cũ mèm kia hết ghế ngồi rồi, không ngờ chúng cứ chễm chệ đầy trang trọng tại các trang đinh của nhiều tờ báo, cả báo chuyện nữa, mới phiền. Chuyện dễ hiểu đến đau lòng: đại đa số người trực trang thơ các loại báo không ưa thơ khuynh hướng cách tân; họ là các nhà thơ tự hưu non, vậy nếu đăng sáng tác mới, lạ (mà chắc chi họ phân biệt được đâu là thơ cách tân hay với cách tân dở) thì các tác phẩm của họ hết chỗ đứng. Và, viễn tượng mất ghế biên tập không tránh khỏi!
Ví mà câu chuyện ngưng tại đó thì còn may. Đằng này, loại thơ đồng phục này đang đầu độc khí quyển thơ mà không tự biết. Kẻ mới vào làng thơ ngộ nhận rằng thế mới là thơ, thơ đích thực. Bộ phận không nhỏ người làm thơ, biết đó là đồ rởm nhưng muốn sáng tác của mình được đăng nên, rắp tâm đẻ hàng loạt thơ nhàn nhạt cùng kiểu; để rồi sau nửa đời hư, đường đường lên chức “nhà thơ”. Hậu quả thế nào thì người đọc lãnh đủ. Và – nền thơ Việt Nam lãnh đủ”.

Anh MVL chê trách tôi chủ yếu là ở phần này. Nhưng hãy thử xem Inrasara có “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” với quá khứ không? Thử phân tích. Tạm chia đoạn trên làm 3 lô:

[1]. Con người hôm nay [đang] sáng tác theo “truyền thống”.
[2]. “Truyền thống”, tức cái gì thuộc quá khứ, chính Quá khứ.
[3]. Tác phẩm thơ hôm nay sáng tác từ dòng này.

– Đố ai tìm ra từ/ câu nào trong bài “Sẽ không có cuộc…” phê phán nhằm vào phần [2], nghĩa là vào chính truyền thống, quá khứ! Ngay trong bài, tôi còn đưa ra bao lời tụng ca “quá khứ gần” nữa. Nên, bảo “vô ơn” với quá khứ tại khu vực này là rất TRẬT!
– Phiền trách nếu có là ở phần [1], nghĩa là con người hôm nay sáng tác theo truyền thống. Nhưng ngay lô đất này nữa, cũng không nốt (hãy đọc phần kết của tiểu luận). Mỗi nhà thơ có quyền làm thơ theo kiểu của mình.
Họ là kẻ cùng thời với tôi nhưng sáng tác theo hệ mĩ học cũ, tôi không học gì ở họ nên chẳng việc gì phải mang ơn họ cả, do vậy – càng không có chuyện “vô ơn” tại đây. Riêng các bạn thơ sáng tác theo hệ mĩ học mới, dù tuổi đời của họ ít hơn tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn nhận đã học được lắm điều ở họ (xem thêm: “Văn học Việt Nam: Cần một sự bứt phá về tư tưởng”, Inrasara trả lời phỏng vấn báo Điện tử Tổ quốc, 30-1-2008).
– Mục tiêu phê phán mà tôi nhằm vào chính là phần [3], nghĩa là các dạng thơ “ăn theo” quá khứ đang “dọc ngang độc quyền mặt bằng thơ đất Việt”.
Do đó, nếu vị nào muốn trao đổi, thì chỉ nhấn vào chính điểm này thôi, bài viết khả dĩ có giá trị và ý nghĩa, qua đó hi vọng mang lại lợi ích nào đó cho người đọc. Chứ nhè vào chuyện đạo đức như: “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” thì rất ư là… lạc đề. Lạc đề và vô bổ.

Bài thứ 3.
Một quý ông nữa tố cáo Sara đăng trên Phongdiep.net:
“Dân tộc Việt Nam có những niềm tin, có những chuẩn mực, có những giá trị vĩnh cửu, những truyền thống văn hoá riêng, đó là những Đại Tự Sự…. niềm tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng, sự khẳng định sức mạnh dân tộc, sự khẳng định chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự khẳng định lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do. Phá bỏ những Đại Tự Sự ấy khác nào [ông] phá bỏ chính bản thể dân tộc Việt Nam“.

– Đây là kiểu chụp mũ mà thời bao cấp, người ta dắt nhau vào tù như chơi. Tôi có bài “GIẢI-NHỊ NGUYÊN hay Gạch đầu dòng hậu hiện đại” đáp trả, thế là tác giả im.

Bài thứ 4.
NNNg. “Phỏng vấn nhà thơ HCB” đăng trên Vannghesongcuulong. Tôi có bài trả lời, nguyên văn:

Xem vở diễn này rất ư là… vui. Mời quý độc giả thưởng thức ngay đoạn cao trào:
“- NNNg.: Phong trào Tân hình thức rộ nở ở các lãnh vực thi ca, hội hoạ, âm nhạc…, mà người ta nói rằng, đó là sự xâm thực tự nhiên. Với cái mới nầy, anh có chính kiến ra sao?
– HCB: Cái gì cũng vậy, ‘hữu xạ tự nhiên hương’ nó tốt đẹp, hấp dẫn thì sống lâu, như lúa nông nghiệp A3 thì tàn lụi mau. Anh thấy đó, thiếu gì loại nhạc A3, văn A3, thơ A3. Đúng là 3 tháng thì người ta quên ngay. Thời gian gần đây tôi có đọc một số ‘thông điệp’ của một nhà thơ dân tộc, hô hào cổ suý cho phong trào tân hình thức, hậu hiện đại. Trên web vanchuongviet.org, người ta tranh tụng chuyện nầy ì xèo, bà xã tôi cười cười “ôi.. anh ta có nói vấn đề đó thì cũng là ngoại ngữ, mà người nói bằng ngoại ngữ thì dễ tha thứ được, chứ gì nữa… tiếng việt đối với anh ta là ngoại ngữ rồi” đúng là tôi mút ý kiến..”

Có mấy vỗ tay dành cho tiết mục văn nghệ này như sau:
Mở màn. Cái vỗ đầu tiên dành phần cho “người hỏi”: “Tân hình thức rộ nở ở các lãnh vực thi ca, hội hoạ, âm nhạc…”.
– Cứ xuống ngồi quán cà phê cóc nào dọc đường phố Sài Gòn mà hỏi bất kì ai am hiểu chút đỉnh về văn chương chữ nghĩa đều thấy câu trên thừa đến năm chữ, hai dấu phẩy, và ba dấu chấm! (các, hội hoạ, âm nhạc…). Tôi nói thừa là nhẹ, chứ thật thì nó sai.
Người hỏi không nắm vấn đề, đã đành; ngay người được hỏi không hiểu mà cũng cố “nổ”, mới cực kì… vui tính.

Màn 1. “một số ‘thông điệp’ của một nhà thơ dân tộc, hô hào cổ suý cho phong trào tân hình thức, hậu hiện đại”.
– Thơ tân hình thức Việt do nhà thơ Khế Iêm khai mào ở tận Mỹ, “thông điệp” Tân hình thức, tứ khúc và những tiểu luận khác, NXB Văn mới, USA, 2003 phát hành [“hô hào”] khắp thế giới, sau đó nó được tạp chí Thơ và Website Tanhinhthuc.org “cổ súy” từ đầu thiên niên kỉ thứ ba. Hơn 50 nhà thơ không phải là không ngon lành từ trong nước đến hải ngoại sáng tác theo phong trào này. Đã có hàng chục đầu sách – trong đó có 2 thi phẩm in song ngữ Việt – Anh – ra đời. Mới nhất, tác phẩm thơ 5 người in chung: Bướm sáu cánh vừa được cho ra mắt tại Sài Gòn vào quý II-2008.
Ở Việt Nam tuyệt chưa người nào có nửa phát biểu mang tính ‘thông điệp’ nào về tân hình thức, chưa có bài phê bình nào về bất kì tập thơ tân hình thức nào, nên không ai dám giành cái quyền mà mình không có là gởi thông điệp “cổ súy tân hình thức”.
Ô là là, gắn huân chương công trạng như thế thì “oai” cho nhau quá!

– Về hậu hiện đại cũng rứa. Cứ đọc Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Minh Quân, Nguyễn Văn Dân, Phương Lựu, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Phan Tấn Hải, Hoàng Hưng, Nguyễn Ước hay Tạp chí Việt,… và lướt qua bộ Văn học hậu hiện đại thế giới hai tập bìa cứng dày cui do NXB Hội Nhà văn và Trung tâm Văn hóa – ngôn ngữ Đông Tây ấn hành năm 2003, cũng đủ biết. Riêng Inrasara là kẻ lẽo đẽo đi sau họ đến non mươi năm. Nên hắn chỉ theo đóm ăn tàn tạm làm kẻ “lập biên bản” [phê bình] các trào lưu thơ Việt hôm nay, trong đó có hậu hiện đại. Còn các bài về hậu hiện đại ở vanchuongviet.org thì chiếm chưa tới 1% tiểu luận – phê bình của hắn về thơ ca.
Ừ, cũng được thôi. Ngài không cần biết người thiên hạ hoạt động ra sao, thơ ca ngoài kia đã đi bước chân chữ bát đến những đâu (tục gọi là lạc hậu), là vấn đề của riêng một cõi, tôi không dám can thiệp.

Màn 2: Nhưng độc giả có thể cật vấn “người trả lời”: Hà cớ có cụm từ “nhà thơ dân tộc” trong này?
– Nếu cưu mang lối nghĩ hẹp hòi của một racialist ở đây, thì tinh thần hậu hiện đại [và Phật Đại thừa] quyết giải tán tâm phân biệt tệ hại và tai hại đó.
Mười năm nhập cuộc văn chương Sài Gòn, hơn mươi kì ngồi ghế chủ trì Hội thảo thơ hay Bàn tròn văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam (vụ này thì có oai thiệt), nửa trăm cuộc nói chuyện về thơ ca Việt Nam đương đại khắp các tỉnh thành, các Trường Đại học… đây là lần đầu tiên tôi hân hạnh đón nhận danh hiệu cao quý này. Đa tạ, dạ thưa em báo cáo anh Hai!
Cũng chưa là vấn đề đại to cồ.

– Độc giả có thể hỏi vặn tiếp: Nỗi gì ông lại kéo “bà xã” vào cõi văn chương đầy bất trắc? Nhỡ tại chốn ta bà chơi vơi đó có xảy ra lời lẽ không phải văng miểng trúng người phụ nữ liễu yếu ba đảm đang thì ai chịu trách nhiệm đây? Vụ này thì rất cần đóng thùng trịnh trọng cà-ra-vát mà nhắc nhở “người trả lời” rằng: Đây đích thị thái độ vô trách nhiệm cực kì nhảm nhí mà không một đấng nam nhi nào làm thế, nếu sự thật có chuyện đó xảy ra tại tư gia mình như vậy!

– Rồi độc giả lại tra khảo thêm “người trả lời”: Sao lại “ngoại ngữ” với ‘tha thứ”? Sao phải dùng đại từ phiếm chỉ vu vơ mây gió? Trả lời phỏng vấn, ngài đột ngột vận dụng chước thứ ba mươi bảy thọc chỗ này một lụi nơi kia một lụi. Đây là lối làm mà Nguyễn Hoàng Văn từng mệnh danh là “phê bình du kích”. Hà cớ?
Ngài không đủ khả năng và dũng cảm để nói chuyện văn chương nghiêm túc?

Nói đi nói tới vòng vèo tận đâu cũng cần phải có cái tóm lại. Trong trò chơi chữ nghĩa, người ta biết mười chưa chắc đã dám nói một, trong lúc “người trả lời” mới nắm đuôi chuột mà cứ tưởng mình chộp được đầu bò. Đây là sự liều lĩnh vô tiền [khoáng hậu] trong văn chương mà tôi lần đầu tiên trong đời được chiêm ngưỡng. Mô phật! Vậy thì xin cho đệ tử này một cái lạy dài…
Bàn về văn chương, nhà văn ta cứ thói tật sưu tra lí lịch với kể lể lê thê mấy chuyện nhảm nhí ngoài lề, hỏi làm sao văn học ta không mãi ở lại vùng trũng của văn học thế giới? Và làm gì đòi có được tác phẩm nhớn, để có thể mở mặt mở mày với thiên hạ?

Lời khuyên chí tình: Văn chương là cõi chơi phù phiếm nhưng nhiêu khê lắm hang hố gập ghềnh, cho nên biết tới đâu thì nói tới đó, thưa thốt xíu càng tốt. Bể học thì mênh mông, có hợm hĩnh mới cho mình gì cũng biết. Còn tù mù về vấn đề nào đó mà cứ ham “nổ” thì không đủ làm trò cười cho con trẻ. Tội lắm!

* Ghi chú: Sau khi nhận bài Sara gửi, BBT đã chính thức xin lỗi tôi và gỡ bài phỏng vấn kia xuống. Người phỏng vấn là nhà thơ NNNg. cũng phone nhận lỗi.

II. Bài học.
Khi một nhà văn không sáng tác ra hồn, họ quay sang làm phê bình tủn mủn. Khi không khả năng trao đổi học thuật, người ta hay chụp mũ tôi ở mấy lãnh vực:
– đạo đức-chính trị. Quý ông Kinh là :“khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” với quá khứ; quý ngài Chàm mình thì: “bôi nhọ và tẩy chay các hội đoàn Chăm”,…
– phản bội dân tộc (“phá bỏ bản thể dân tộc Việt Nam”, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh). Người Kinh tố cáo tôi như thế thì còn tạm nghe được, chớ chuyện 1-2 Chàm mình cũng tố cáo Sara phản bội dân tộc hệt như trên, mới lạ!
– chính trị thuần túy. Tạp chí trong nước tự nhận bảo vệ chính sách nhà nước là Hồn Việt bảo tôi “hàm ý sâu xa, kích động” thì còn có lí, chứ một tạp chí Chàm mình kết án tôi “cùng trường phái với thế lực công an”, “tôn vinh đảng và nhà nước”, “nhằm ý đồ nào khác” thì khó mà mò ra nguyên do nào khác ngoài đố kị nhếch nhác.
– cuối cùng, khi không còn cách nào lí luận đánh đổ tôi, họ giở ngón bài tẩy cuối cùng: phân biệt chủng tộc! Là ngón hạ cấp và dơ nhất mà một nhà văn dùng tới.

Nhưng may mắn thay, đó chỉ là những cá biệt. Chúng sẽ qua nhanh, như mây bay gió thoảng.

Vui sướng chúng ta bị lịch sử bỏ quên
vui sướng chúng ta sống sót
vui sướng chúng ta còn tay bắt, môi hôn cùng những chiều nâng cốc
.

May mắn thay – vẫn có rất nhiều cái nhìn khác, trong lành và tươi mát. Nâng đỡ tâm hồn và khích lệ trí tuệ chúng ta. Để mà nhẹ nhàng sống, hân hưởng cuộc sống và làm việc và sáng tạo.

One thought on “Giải hạn mùa Katê

  1. Tôi chỉ tâm đắc “Bài học” để nhớ đời
    Bởi vì phải sống trên đời mà.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *