Văn xuôi 20: Bản trường ca bỏ hoang

BẢN TRƯỜNG CA BỎ HOANG
(hay Huyền thoại nàng Mưhuê)
Truyện ngắn.

Những trận đi vô định gần như vô tận của Chế Khan dễ gợi cho ta xem nó như cú chơi khăm của định mệnh lên cuộc sống ru rú của hắn suốt 20 năm ròng từ khi anh rời Chakleng lên Playku học cho đến có hai mặt con với Lâm làng Văn Lâm con gái Bàni đầu tiên cưới chồng Chăm Bàlamôn mà kẻ độc miệng bảo đó là nỗi đày đọa mang tính tổ tông vô phương cứu vãn. Trong lúc Chế Khan phát biểu về vụ này chỉ bằng hai tiếng cụt ngủn đồ bhut mà âm gió phụt ra từ đôi môi dày chu lại nghe phát ngán nhưng may được vớt vát bằng cái nhìn trên ngó xuống đầy vẻ kẻ cả, sẵn sàng tha thứ cho kẻ ở dưới mình, rất dưới mình. Kẻ bất ngờ bàn giao công việc tại Phòng Nông nghiệp huyện sau sáu năm gắn bó nhiệt tình rồi đột ngột từ bỏ gia đình yên ấm với bà vợ cùng hai đứa con, rời làng đi biệt hai tháng, trở về một năm rồi lại biệt tăm, nếu không chập thì cũng bị ám bởi cái gì đó vượt ngoài tầm suy đoán của người đồng loại, dù là ông láng giềng trà tối hay cô thư kí thường trực Phòng mà câu chuyện thường ngày không bao giờ việt vị khỏi vũ trụ tem phiếu, lên lương, biên chế, tâm tính đồng chí thủ trưởng; hay cả tôi mà hắn xem như bạn tâm giao độc nhất vô nhị trong các cơn bình phẩm hiếm hoi không đầu không đũa tổ tiên ngàn đời chẳng để lại gì ngoài gia tài rách rưới cho những tâm hồn rách rưới trong cuộc sống rách rưới này.
Nên, dù chương Bản trường ca bỏ hoang viết xong và đã đăng báo như một truyện ngắn trong mắt xích liên hoàn của tiểu thuyết Chân dung cát để giới thiệu nhân vật đặc kì này, tôi nghĩ một sản phẩm lỡ tay của thượng đế, kẻ cư trú ngay đường biên bóng tối và ánh sáng, ru rú và lang bạt, nhát hèn và bạt mạng; kẻ dám đánh liều cuộc sống mình để làm cuộc truy đuổi bản trường ca bỏ hoang tưởng tượng hay có thật thì không chịu bó gối trong một thể loại văn chương nào bất kì.
Tôi đã xóa nó đi.
Vẫn không từ chối hắn được. Dẫu sao hắn cũng là bạn tâm đắc hiếm hoi trong các cơn của tôi. Thứ tình bạn không xây dựng trên cái gì cả ngoài ngộ nhận và lập dị, lập dị hắn với lập dị tôi. Lập dị tôi thì còn có chút gì đó kẻ dễ tính bỏ qua chứ của hắn thì không ma nào chịu thấu.

Ngộ nhận với lập dị của chúng tôi thật không đáng cho Dhan Than ném tới nửa cái nhìn quan tâm. – Văn chương chữ nghĩa ông khá lắm, hắn nói. – Chỉ khá thôi à? – Mức đó thôi. Ông sẽ dậm chân tại chỗ (1,2,3 dậm chân – dậm, như lính tráng tập ấy) nếu ông không đủ dũng khí vứt chúng đi. – Vứt ở đâu? – Đống rác lịch sử ấy. Hãy viết như công dân thế giới. – Ông mới học sách nào thế? Vậy thôi, hắn gườm gườm tôi rồi bỏ đi. Hơn tháng sau, thấy tôi ngồi cheo leo trên tảng đá lơ đễnh xem đám thanh niên làng dượt banh, hắn đi tới, hất hàm hỏi: – Đã tìm ra sọt rác chưa? – Rồi, và vứt rồi, qua đó mà nhặt. – Hãy để bọn giữ kho truyền thống thu lượm. Sứ mệnh của tôi và ông là làm mới. Viết như là nhà văn hoàn cầu. Tôi cười hô hố, tụt xuống tảng đá, đi thẳng. Hôm sau, hắn sang nhà tìm tôi nhưng làm như thể đi ngang luôn tiện tạt vào. – Vô đây, vô đây. Tôi nói khi thấy hắn muốn bỏ đi. Hắn vẫn đứng tại bậc cửa: – Tao rất thất vọng với lối nghĩ nhỏ con của Chăm, do không rặn nổi một giọt tiểu ý tưởng mới nên cứ nghĩ mọi người cũng hệt họ. Mầy khá hơn nhưng không may lỡ đạp cứt họ. – Vào uống miếng trà đã rồi phán sao thì phán. – Ông nhớ, chủ nghĩa dân tộc là thứ rác rưởi nhất trong các thứ rác rưởi, cả chủ nghĩa dân tộc lớn, dân tộc bé hay chủ nghĩa dân tộc không có dân tộc. Hitler bị lịch sử cho cái bạt tai như thế nào ông thấy rồi, cả tay Cao Xuân Hoang nhà ta cũng thế, bị đá đít đáng đời một ngày không xa. Tôi không nói gì. – Ông và tôi rủi ro là Chăm. Nhưng cái đáng nói là hãy dám sống như một đơn vị Chăm, một đơn vị Chakleng càng tốt, nhưng khi sáng tạo phải với tư cách công dân thế giới. Công dân thế giới, – ông hiểu không, chỉ chúng ta mới có may mắn đó.
Đối thoại vô bổ dễ tạo ô nhiễm môi trường nông thôn này dù không làm sứt mẻ ai nhưng đã gây hứng thú không ít cho đồ đệ thâm niên của Dhan Than trong đó có Cao Xuân Hoang trang trọng ghi nó vào mục tư tưởng mới lạ cần chào hàng trong chương trình xuất khẩu ý tưởng của anh mà chúng ta sẽ thấy ở một chương sau.
Hắn bỏ đi, đống thịt đựng ý tưởng hoàn cầu ấy.

Dẫu chung làng nhưng chúng tôi chưa khi nào nói chuyện với nhau quá dăm phút. Gặp ngoài đường, tôi chào hắn lấy lệ: – Đi đâu? – Camơrun. Hai, ba lần như thế, sau đó (nghĩa là có thể ba, bốn tháng sau bởi tôi tháng ngày lang thang bờ sông ruộng lúa, còn hắn cắm cúi đạp xe lên huyện đúng ngày giờ) không đợi tôi hỏi, hắn cứ: – Camơrun, Camơrun! Hắn áp dụng chiến thuật quá ư bất lịch sự này với tất cả mọi người bất kể chú bác lớn tuổi hay thằng bé mũi thò lò. Và luôn đầy hiệu quả. Để khỏi tốn thì giờ mình lẫn thiên hạ, hắn bảo. Từ đó tôi đi qua hắn như không có, không hề có hắn trên trần đời. Lối ứng xử như thế dễ làm tái mặt bọn đạo mạo quan trọng với trịnh trọng vặn cổ gà không gãy, những kẻ Nietzsche muốn cho vài cái đạp. Kẻ nào ngã thì đạp cho nó ngã hẳn, hắn nói, với vẻ chán chường chạy tràn mắt, cái đầu bờm lắc qua lắc lại chục lần mới chịu lụm khụm bước đi.
Kẻ tôn sùng Heidegger và Derrida, đã phê phán xã hội Chakleng chỉ là đống bầy nhầy của thứ thịt trâu già không gì hơn tập hợp những tâm hồn bệnh hoạn kiêu hãnh hão về đất văn vật nghìn năm duy nhất có tên trên bia kí cứ tưởng là ngon lành mà không rặn nổi mục tiêu thực tế bé con nào để phấn đấu và tạo dựng lại từ đổ nát, – bỗng nhiên bị sự vụ vô bổ hơn đánh đổ sau chuyến đi ngắn ngày qua làng Mali, mảnh đất cuối cùng của vùng đất cuối cùng của Champa. Ông không tưởng tượng nổi đâu, hắn nói, môi dưới trề xuống đẩy môi trên run lên và giật giật đến phát khiếp.

Huyền thoại1.

Mùa Katê trước năm chế độ mở cửa. Không mưa. Nhóm bạn làng xa ngồi lai rai dưới giàn nho trơ cành ngoài sân tán dóc chuyện đông tây kim cổ. Khuya. Vài vị ốm đòn nằm lăn mặc lũ muỗi đói từ đám rau muống xáp tới dự tiệc khắp chân cẳng. Riêng anh kẻ lạ người Bal Riya, Khan giới thiệu tôi quên bẵng tên, huyên thuyên về huyền thoại nàng Mưhuê. Anh bảo đã rùng mình khi bà cụ nắm cứng lấy hai tay anh hồi lâu rồi vuốt lần ngược lên tận bả vai anh, bà lắc mạnh làm cái đầu mình muốn văng ra khỏi cổ.
– Cháu của bà, các cháu còn ư ? Hai môi khô rúm của bà cụ giật giật, giọt nước từ hai hốc mắt nhỉ ra rồi chảy dài xuống gò má xanh bợt.
– Chúng ta còn ư? Bà cụ nghĩ sau biến cố Thak Wa Chăm không còn mống nào hoặc đã đi hết rồi. Còn chăng chỉ là mảnh vụn còi cọc, loắt choắt chứ đâu đẹp trai cao ráo như Tây này. Rồi bà lại nắn. Và lắc.
Mình đã không mở miệng nổi để nói, dù một từ, một phát âm vô nghĩa. Hôm trước có tin bà cụ nằn nì được gặp, phải gặp mình một lần, khi biết mình từ Phanrang xa xôi ghé đất Mali nghèo cằn bốn mùa hanh mù gió cát này. Ông giáo làng bảo thế. Mình nghe lạ, nghĩ ông đùa. Nhưng không, mình đường đường cán bộ Phòng xuống kiểm tra dạy tiếng Chăm lớp duy nhất của làng.
Rất sớm, bà cụ đến. Bà ngoài bảy mươi nhưng dáng đi nhanh, thanh thoát. Hôm qua ông giáo làng cho mình hay làng có cô gái, lai lịch bí ẩn, từ nhỏ sống với bà nội, nết na và xinh đẹp cực kì nhưng phải tội kén nên thành quá lứa. Hai lăm, phụ nữ ở đấy ít nhất cũng vài lần nằm lửa rồi. Kiếm tấm chồng cho cháu gái không xong, bà cụ có rút ruột thương cũng đành phó mặc cho số trời. Hay nghe danh đồng chí thủ trưởng, cô nàng muốn kiếm mụn con chăng. Chính câu cuối này mà mình nghĩ ông giáo làng đùa. Nhưng ánh mắt ông cực nghiêm, anh bạn kể.
Sáng hôm sau xong việc, khi mò đánh vần không trôi thi phẩm cổ ông trưởng lão mượn, mình về. Buồn muốn tìm gò mối lủi đầu vào, các bạn ạ. Mình với ông giáo làng ngậm cám suốt đường đạp xe ngược lên thị xã hơn chục cây. Câu hỏi ám mình mấy năm nay.
– Lâu chưa? Khan hỏi.
– Năm 80, mình nhớ chắc bởi đấy là năm ta đang trường kì ăn độn.
Tôi nghĩ anh kẻ lạ có đầu óc lãng mạn, thêu dệt. Kẻ đi xa về tha hồ khoác lác, chả chết chóc ai, lại được vui cuộc. Nhưng với Khan thì không. Hắn sốc dữ, như bị chớp xẹt. Vợ hắn bảo mấy tháng nay ảnh ra ra vào vào Malâm làm gì chả hiểu, như con ma xó ấy!
Cuối năm đó, Khan được phân công hướng dẫn đoàn nghiên cứu Liên Xô (đang bờ tan rã) xuống các plây Chăm điền dã điều tra ngôn ngữ học. Nhưng các nhà nghiên cứu Nga với mấy ông làm hành chính Tỉnh vào Bình Thuận ngon lắm quanh quẩn Ủy ban xã đã là khá. Hắn xuống Mali cùng chàng thanh niên địa phương, cộng tác viên ngắn hạn.

Trong thứ triết lý đen tối gần như là bệnh hoạn, Chế Khan tin rằng chỉ khi nào ai đó đột hứng đào mồ chôn phắt quá khứ đi thì xã hội Chăm mới nhúc nhích lên được, thứ niềm tin cứng đầu khiến hắn dù trong cộng đồng nhưng đã không mẫu số chung với cộng đồng hắn cho là phiền toái đến hết thuốc chữa, và tốt hơn cả là đi trước nó. Kẻ đã khăng khăng rằng chỉ có tôi mới đủ tầm để hiểu hắn đồng lúc chửi rủa triết lý giải-truyền thống của tôi – thuyết lý tôi kì công bỏ cả thời tuổi trẻ dựng lên như là lối thoát cho lối thoát của truyền thống văn hóa dân tộc bị hắn cho không gì hơn một thành ngữ thời thượng khác thêm vào đống cụm từ thời thượng sáo mòn lâu nay thiên hạ bôi bẩn quanh vấn đề quá cũ rích này: đậm đà, bảo tồn bản sắc, tiếp thu sáng tạo, truyền thống ngàn năm, nét đẹp quốc hồn quốc túy, phát huy vốn văn hóa vân vân ôi là vân vân – hắn cười vào mũi nó, cho tôi là đồ nhiễm trùng máu theo voi ăn bã mía chỉ đợi ngày cắp nón ăn mày. Còn kẻ tự nhận cải biên hay phát triển truyền thống này nọ chỉ là thứ lấy đầu này đắp đầu nọ hổ lốn vô trật tự chẳng lừa nổi ai ngoài bọn con nít đầu óc không thể nghĩ cao hơn hàng rào nhà chúng. Phát biểu khơi khơi ngỡ là tầm phào sau dáng vẻ phớt đời này của hắn cũng đã gây sốc xã hội Chakleng lâu nay quen thói nghe theo, tin theo cũng đã mở mắt ngộ ra hay chí ít biết xấu hổ cho cái tin theo của mình. Kẻ chưa một lần biết yêu phụ nữ dù đó là bà hay mẹ, cô dì, chị, em gái hoặc vợ gì gì hắn cũng cho chỉ đáng thương hại mà thôi, lại bị câu chuyện một cô gái vớ vẩn tại một làng xa xôi diệu vợi khỉ ho cò gáy làm cho điên đảo.
Hắn bỏ làng ra đi.

Huyền thoại2.
(chuyện kể của anh thanh niên)

Mưhuê không cha, đúng hơn cha nàng đi khi bà mẹ mang thai ba tháng. Vội vã. Để lại xấp bản thảo chép trên lá buông với lời dặn: đứa con trai (ông đoan chắc thế) lớn, đọc sách để tìm cha. Rồi bà mẹ bị trận dịch mang đi lúc nàng lên tám, giao tập sách cho nàng. Nàng giữ rịt nó bên mình, không cho nội mó tới, dù nhà chỉ hai bà cháu với nhau. Nàng từ giọt sương, bọt nước lớn lên qua bàn tay gầy que gỗ của bà.
– Mẹ cha ơi, đời em chưa nhìn thấy người nào đẹp thế đâu. Không bao giờ đâu…
Lạ, nàng không hề biết đến nương rẫy. Tên hạt bắp, củ đậu cũng không. Sáng, nàng giúp nội đan khăn, xế chiều thơ thẩn đi xuống bãi biển mãi sẫm tối mới về. Kẻ bảo nàng nhớ cha, các cụ nghĩ nàng con nhà trời mơ về thiên xứ, bọn trẻ thì cho nàng hâm. Nói gì chứ, lối nàng vừa đi qua, mùi trầm thoang thoảng.
À, chuyện này anh đừng nói ra ngoài: người ta đồn bắt đầu tuổi 15 cái bướm của nàng nở hoe lạ lắm. Nó bắt đầu dậy hương. Và vẫy mời. Mỗi chiều nàng đi xuống bãi là để gió biển át bớt nó đi, không thì có quý ông nào mà chịu cho thấu. Cứ thế đến khi đứa con đầu lòng ra đời, cái bướm kia từ từ khép cửa lại, mãi mãi. Như của em bé ấy. Ông chồng cũng bỏ đi, vĩnh viễn. Nó có chịu mở ra nữa đâu mà ở lại! Tiếp nhé:
Chẳng hâm là gì khi nàng khôn khéo từ chối mươi đám có ý cùng nàng nên nghĩa vợ chồng. Bảy đứa giỏi lam giỏi làm nhất làng ưng, rồi thì hai đám rất khá làng bên nữa. Cả cậu sinh viên Kinh sau hai ngày xuống làng, điền dã như anh ấy mà cũng bị cái nở hoe ấy bắt mất hồn, đòi rước nàng về thị xã. Nàng Mưhuê đưa bản viết tay, nhờ họ đọc và giảng cho nghe: mẹ bảo cha nói đó là bản trường ca mà một chữ được đo bằng cả dặm cha đi, xa và dài. Thế là chả cu cậu nào với tới. Nàng buồn lắm, mắt thâm lại. Ước mơ được gặp mặt cha như muốn làm mất hút. Hôm ông Phanrang ghé làng, người ta thấy nàng Mưhuê tươi tỉnh, một mình xuống suối tắm. Có chị còn nói như bắt được rằng đã ngửi thấy mùi lạ kia nữa. Nhưng ông quan nghe đồn hay chữ này nửa ngày trời mới đọc hết bốn lá. Từ đó, không ai còn thấy bóng dáng nàng Mưhuê ra khỏi nhà.

Người lưu lạc xô văn chương lưu lạc.
Bản trường ca bỏ hoang. Chắc chắn không chỉ có một. Dân tộc đồ sộ trong kiến trúc và điêu khắc như thế kia không thể không là gì cả trong văn chương được, hắn tin thế. Thứ niềm tin sâu thẳm tối tăm đến phi nhân ám hắn như loài hoa độc, gặm nhấm linh hồn hắn suốt một năm hơn khi hắn từ Mali trở về, thứ niềm tin quái quỷ khiến một công chức đầy công thức sáng xách cặp đi chiều đạp xe về họp hành lương bổng, vụt cái như thiền sư ngộ đạo, giũ bỏ tất cả.
Đi.

Huyền thoại3.

Rời quán nước ven đường, hắn cùng thằng bé dẫn đường còng lưng đạp xe ngược gió trồi sụp trên đường bụi mù. Bên cạnh nhà tranh, tôn rỉ sét, Mali đã mọc lơ thơ vài mái ngói mới đỏ chói dưới nắng nhiệt đới. Chế Khan cảm giác dân ở đây sống tạm bợ. Như sẵn sàng lên đường đi tới vùng đất mơ hồ nào đó, xa xôi. Nghèo. Cực. Và tạm bợ. Ánh sáng văn minh quên ném những mảnh vụn của nó sang nơi xó xỉnh này của trái đất.
Hôm sau, Chế Khan tìm đến nàng. Ra cửa đón hắn vẫn là bà cụ năm xưa. Gầy, dáng đi thẳng, thanh thoát nhưng âm u, bí hiểm. Ngoài nụ cười. Một nguồn sáng kì lạ lóe lên qua hai mắt khi bà cụ đưa hai tay quờ nắm cánh tay Chế Khan, thật chặt. Hắn rùng mình. Bà cụ mời họ vào nhà. Nàng đang ngủ trên giường tre được đóng cầu kì.
– Mưhuê bà bệnh. Bà cụ nói. Chế Khan nhìn nàng, nghĩ nàng còn quá trẻ, như mới hai mươi. Không tìm thấy ghế, Chế Khan nhẹ nhàng ghé ngồi vào góc giường. Người bệnh mở mắt ngó Chế Khan, chậm. Đôi mắt sáng, gầy, buồn và cực đẹp. Hắn choáng.
– Chúng tôi sang xem bệnh cho em. Chế Khan dồn hết sức nhìn vào mắt nàng.
– … có thể xem… nhưng không hy vọng đâu… Chế Khan nắm lấy tay nàng xem mạch, cảm nghe luồng gió lạnh thổi rát vào tim. Bàn tay tuyệt quý phái – hắn chỉ có thể nói thế. Thon dài và ấm. Hậu duệ vương triều sót lại chăng? Nàng để yên nó trong tay người lạ. Xanh xao, tím tái. Cả khuôn mặt nàng tái nhợt. Nàng đang chết. Chỉ có đôi mắt là sống, rất sống.
– Chúng tôi sẽ trở lại.
Trưa hôm sau, Chế Khan đến. Nàng đang ngủ.
– Phúc đức nhà cháu! Mưhuê đỡ nhiều, vừa tắm xong, mới vào giường. Chế Khan ra hiệu bảo đừng đánh thức nàng và xin mượn bà tập sách. Bà cụ nhìn sang cháu gái, ngần ngừ, rồi đi bằng những đầu ngón chân sang bên kia giường, bê từ đáy Ciet cái bọc khá lớn đưa cho người khách. Chế Khan đưa cả hai tay đỡ lấy, bước vội ra phòng ngoài ngồi lần giở. Hắn quên đất, trời, quên cả mâm cơm trưa đã nguội. Đọc và đọc.

Hoàng thân Chăm yêu say đắm cô gái Islam từ Mecca. Cô gái đáp trả chừng mực, cho việc truyền bá đạo Hồi vào vương quốc Bàlamôn được thuận lợi hơn. Mối tình trái ngang đổ vỡ kéo theo cuộc chiến tranh huynh đệ. Sau đó là tan rã quê hương, ly tán của cả dân tộc. Kế hoạch thất bại, nàng lên tàu trở về cố quốc.
Buồm mỏng manh theo sóng nước trôi xa
Ôi cánh buồm như cánh mối mờ xa
Đùm bọc người tình ta đi mất
Đi mất hút khỏi tầm nhìn đất nước

Chàng ngồi đó, một mình trên bờ biển vắng lạnh: trước mặt là trùng khơi với bọt sóng trắng xóa, sau lưng là núi rừng đang trỗi khúc nhạc buồn. Ngày đang tắt.
Than ia rabbah ke tavak takai nai
Phận quê hương đau khổ khôn cầm bước em

Chàng quay ngựa trở về.
Ngựa đưa chàng qua Tánh Linh, ngang Châu Hanh đến tháp Po Dam. Vị hoàng thân bắt đầu giục ngựa đi nhanh: Thanh Kiết, Lâm Giang, Phanrí để cuối cùng, ngựa dừng chân ở Chung Mỹ quê chàng. Kinh đô Debare vừa trải qua một tàn phá. Phế tích ngổn ngang. Vài cơn mưa nhiệt đới đầu mùa ban cho mầm sống trong đất những giọt nước hiếm hoi cơ hội trỗi dậy. Rong rêu. Cây cỏ.
Cấu trúc tác phẩm dời bình diện: từ thực tế-hồi tưởng sang kí ức-hồi tưởng. Nơi quê nhà, vị hoàng thân Chăm hồi tưởng (hơn ba phần tư tác phẩm) chàng đã theo đuổi nàng công chúa xa lạ ấy thế nào, ôm ấp trong vòng tay mình tấm thân ngọc ngà ấy thế nào. Và đã khốn đốn thế nào suốt chặng đường đi dọc miền đất quê hương như đi xuyên qua lịch sử đau buồn của dân tộc. Để đến lúc này, chàng mới biết mình vừa đánh mất tất cả: bạn bè, cha mẹ, người tình, và lớn hơn cả – Tổ quốc:
Kuw urang lihik phik
Abih tamư sang mưgik gilac duh bimong yang
Tanưh riya kuw Pangdarang
Calah grơp jalan dhwan baul bhap uranơm
Kuwuk hagait dalam tangin
Yaum sa drei cim pơr tamư lavah
Ta như kẻ mất hồn
Hết vào thánh đường lại lên đồi tháp
Pandarang ôi đất nước
Tan nát rã rời, con dân lưu lạc
Khắp phương trời
Ta còn lại gì trong tay?
Một con chim cô đơn bay vào vô tận
.
Một con chim cô đơn với trái tim rớm máu hát lên khúc kêu thương. Con chim chết đi tiếng hát lưa lại, lưa lại với dư âm trầm buồn trải dài, khi bắt đầu, xuyên suốt tác phẩm để cuối cùng chín rụng ở câu sau cùng: Một con chim cô đơn bay vào vô tận.

– Như vậy, đã có một trường ca, một tác phẩm trong và xung quanh tác phẩm. Chế Khan đột ngột kết luận. Có phải thâm ý của cha Mưhuê là muốn con trai ông truy tìm bản trường ca này, như trối trăng của vị hoàng thân kia?
– Nhưng làm sao ông quyết đoán thế khi chỉ dựa trên tâm trạng? Tôi hỏi.
– Này nhé: Biết rằng, ngay từ thế kỉ XVI, khi đất nước đang thời nguy khốn sau biến cố Vijaya, khi đã chán ngấy tinh thần văn hóa Ấn Độ, Champa dõi mắt sang nền văn hóa mới, niềm tin mới: Islam. Để đến đầu thế kỉ XVII, vua Po Rome phải hối hả xắn quần vượt biển Đông qua Kalentan mong bốc đơn thuốc cho sinh mệnh dân tộc. Nhưng Hồi giáo, như cô gái xinh đẹp, đến quá muộn màng. Định mệnh đã xuống tay. Thực tế, Hồi giáo cũng không cứu vãn nổi nguy cơ đang ập đến. Chẳng những thế, Hồi giáo hầu như – qua tiếp xúc và va chạm – còn góp ngón út đẩy cho đại bi kịch xảy ra nhanh hơn:
Dalam nưgar Dedare karen karang
Bini sucam dom thun talah
Limưn kanai dơng sa gah
Asaih kuw sa gah, ia tanưh lir tapir
Jaguk ba baul pabblaung kalin
Cam tagok Mưdren, Bini tamư Caraih
Darah xwa nhjom kađwơl asaih
Limưn bak glaih dac ngauk hahluw paran
Trong xứ Dedare loạn lạc lan tràn
Bàni với Bà Chăm bao năm ròng rã
Voi em đứng một bên, ngựa anh về một ngả
Đất nước ngập chìm trong tối tăm
Thừa cơ giặc mang quân xâm lăng
Chăm lên Dilinh, Bàni vào Phanrí
Máu trôi thấm dầm gót ngựa
Voi mệt nhoài ngơ ngác giữa đầu lâu

– Qua cuộc tình một chiều này, ở chiều sâu của thi phẩm, thi sĩ hé lộ cho chúng ta thấy phương thức truyền Islam vào Champa, tâm lý Chăm khi đón nhận nó và ảnh hưởng của nó trong Vương quốc – những sự kiện không tư liệu lịch sử nào ghi nhận.
Im lặng.
– Dĩ nhiên thi ca đã mang chở nó rất tình cờ. Lúc sau, không nhìn tôi:
– Trước và sau biến cố Lê Văn Khôi, có hàng loạt tác phẩm thế sự lớn ra đời. Lẽ nào trước đó chưa đầy thế kỉ, với biến động quyết định như thế lại chỉ đẻ ra một trường ca trữ tình-thế sự?
– Nhưng bản Ariya Bini – Cam mà chúng ta biết là bản chưa trọn vẹn…
– Không. Nó là một trong ít văn bản hiếm hoi còn tồn tại và là văn bản hoàn chỉnh.
Im lặng.
– Phải có vài trường ca khác đang lưu lạc, chắc chắn.

Chế Khan. Tôi chưa bao giờ nghĩ hắn rành rọt thế, chắc nịch thế, kẻ luôn suy tư mù mờ và khoái hoạt để cho cái mù mờ được là thế, cứ là thế; kẻ đã phát biểu lạnh như dao cắt rằng chớ khờ khạo tin vào xã hội Chăm ngày mai không lây nhiễm đĩ điếm cướp của giết người, xã hội mẫu hệ tan rã làm phân mảnh tất cả những gì gọi là cố kết vững bàn thạch ngàn năm; kẻ ngay sau đó tuyên ngôn lớn tiếng rằng giải thoát không là chạy trốn như loài chuột nhắt hay chúi nhủi đà điểu mà là đi trước, tan rã trước cái tan rã. Kẻ từng nhận định triết lí Chăm là thứ triết lí hỏng chân nhất trong các thứ hỏng chân, hỏng chân đầu tiên và cuối cùng. Suốt 20 năm. Đột ngột hôm nay nổi hứng bốc một phương thuốc tối hậu chữa trị xã hội đó khi lập ngôn độc địa rằng nó xứng đáng là lý tưởng sống của thanh niên Chăm thế kỉ 21: triết lý hỏng chân. Hãy tái khám phá nó, yêu thương nó, bảo tồn và phát huy nó, bởi chính nó chứ không phải gì gì khác sẽ cứu vớt chúng ta, ngày mai. Chân lý vừa tìm thấy như thọc lét hắn khiến hắn vỡ cười làm lồng ngực rung lên ùng ục. Nhưng xã hội Chăm hậu-mẫu hệ, hậu-rã đám sẽ như thế nào thì hắn lí giải rất mù mờ. Cái hắn biết chắc bây giờ là hắn đã đi trước, dzọt trước để khoanh tay nhìn nó xảy ra. Làm cái gì hắn thích, hắn thấy nó có ý nghĩa hoặc chính hắn ban ý nghĩa cho nó. Chấm hết. Hắn không rung đùi, nhưng qua giọng nói đầy âm sắc thanh thoát tôi biết hắn đang rất khoái hoạt.

Huyền thoại4.

Mưhuê đứng sau mình có lẽ đã khá lâu. Mãi lúc nàng đặt bàn tay ấm lên cánh tay mình khiến mình giật thót, ngước lên. Nụ cười. Ánh sáng! Đôi môi, ánh mắt, khuôn mặt và cả người nàng tràn trào ánh sáng. Lúc đó mình chỉ muốn chét, cậu ạ.
– Em đợi chàng hai mươi năm nay.
Mình im lặng nhìn Mưhuê.
– Chàng dùng cơm đi. Đã nguội rồi.
Như tên nô lệ của ánh sáng kia, mình răm rắp làm theo, không một lời.
Xế chiều, nàng rủ mình đi xuống bãi biển, giờ nàng thường dạo bước năm xưa. Người làng nhìn nàng, lặng lẽ mỉm cười, gật đầu chào. Tụi mình đến ngồi lên một bãi cỏ khô nhìn ra biển. Nàng nắm bàn tay trái mình, kéo tới vuốt vuốt và cắn nhẹ vào đầu những ngón. Tay kia mình vẫn nắm chặt tập sách như muốn bóp nát nó ra. Mình không nói gì, ngây ngất chìm vào mùi hương từ người nàng thoang thoảng.
– Cha đã đi về hướng ấy. Nàng trỏ về phía ngọn sóng. Nhưng từ nay em không còn mong cha nữa. Em đã có chàng.
– Anh đã có vợ con. Mình nói. Nàng nhìn mình mỉm cười. Buồn, bí ẩn. Nói thật với ông đến chết mình cũng không thể nào quên nổi cái mỉm cười kia. Tối, tụi mình đi vào khoảng rừng thưa bên kia đụn cát. Nhiều đống lửa được đốt lên suốt đêm hôm ấy. Nhiều, rất nhiều tiếng sóng vỗ bờ.
Một tuần sau, Chế Khan rời Mali. Hôm từ biệt, hắn trả lại nàng Mưhuê tập trường ca.
– Biết đâu con trai chúng mình lại cần đến nó để tìm cha.

Hắn đi. Mười năm qua nhanh như gió.
Dân Văn Lâm, Chakleng không còn thấy Chế Khan về làng vào những dịp Ramưwan hay Katê nữa. Không ai biết hắn làm gì, ở đâu.
Mãi khi ngài giáo sư Trần Hùng nhắc tên hắn vào một sáng kia…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *