Phát hiện mới – trích

Cuộc khai quật Tháp Bình Lâm (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vào tháng 8-2008, do Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện, ngòi hiện vật khác còn phát hiện rất nhiều mảnh ngói ống và ngói lá, trong đó có ngói lá in dập hoa văn hình ô vuông và đầu ngói ống trang trí hoa sen 8 cánh, ngói mặt hề. Đây là loại vật liệu kiến trúc có niên đại rất sớm (thời Hán, thế kỷ I – III). Loại ngói này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở một số di tích văn hóa Champa khác như ở Thành Trà Kiệu (Quảng Nam), Thành Hồ (Phú Yên), Thành Cha (Bình Định)…

Số lượng hoa lửa bằng đá được tìm thấy có tỷ lệ nhiều hơn đất nung, có nhiều mô-típ hoa văn khác nhau (các đợt khai quật khảo cổ ở tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long… hoa lửa không nhiều và thuần nhất về mô-típ). Hoa lửa có nhiều kích thước khác nhau, loại chất liệu đá sa thạch màu sắc đa dạng: xám vàng, xám xanh, xám trắng và tím. Căn cứ họa tiết hoa văn và màu sắc đá hoa lửa, các nhà nghiên cứu xác định hoa lửa có cả sớm lẫn muộn kéo dài từ thế kỷ XI – XIV. Từ đó có thể đoán định tháp Bình Lâm sau khi xây dựng có ít nhất hai lần tôn tạo phần sảnh vòm cửa chính.

Mặc dù trên các ô khám tháp Bình Lâm hiện không có tượng đá và dấu vết gắn tượng đá (tất cả tượng các ô khám và trang trí đều chạm trực tiếp trên gạch), thế nhưng khảo cổ đã phát hiện nhiều đầu tượng người (có cả tượng tròn), rắn Naga… Tất cả đều bị đập vỡ và vùi lấp ở độ sâu khoảng 1,2m đến 1,5m trong khu vực trước tháp. Những tượng này được xác định thuộc giai đoạn sớm: thế kỷ thứ X – XI.

Xung quanh tháp này còn có rất nhiều kiến trúc khác đã bị sụp đổ. Với diện tích khai quật khoảng 600m2 đã phát hiện một số nền móng và chân các kiến trúc. Trong số những phế tích ấy có kiến trúc sớm hơn và kiến trúc muộn hơn tháp Bình Lâm hiện còn.

Đặc biệt kết quả khai quật khảo cổ đã làm xuất lộ hệ thống bó chân tháp bằng gạch dày 1,25m, phần cao nhất hiện còn 0,8m. Bó chân tháp được xây giật cấp và bẻ góc từ hai bên cửa giả phía Nam và phía Bắc ôm vòng qua trước tiền sảnh của vòm cửa chính. Toàn bộ bó chân tháp được điêu khắc khá tinh tế, các góc lồi điêu khắc hình chim thần Garuda, hai bên tạc hình sư tử, đoạn giữa điêu khắc cụm bệ tượng cánh sen lật hai lớp và hình sư tử đứng, ngồi… Phần bó chân tháp bị chôn sâu trong lòng đất khoảng 1,5m. Đây là một phát hiện mới đối với kiến trúc tháp cổ Champa ở Bình Định. Rất tiếc, phần trên của bó chân tháp đã bị hư hỏng, hệ thống tượng điêu khắc trang trí bị mất hoàn toàn hoặc mất đầu và nửa thân trên. Tuy nhiên, những gì còn lại đã giúp cho các nhà nghiên cứu và trùng tu rất nhiều thông tin, cứ liệu giá trị về tháp Bình Lâm.

Từ lâu những nhận thức của các nhà nghiên cứu Việt Nam về hệ thống tháp Champa ở Bình Định nói chung và tháp Bình Lâm nói riêng về phong cách và niên đại không khác với các nhà nghiên cứu người Pháp (Parmentier, P.Stern…). Song, những năm gần đây có một số ý kiến của các nhà nghiên cứu trái chiều với các học giả người Pháp, nhất là sự cảm thụ và đánh giá về nghệ thuật điêu khắc của hệ thống tháp Champa Bình Định. Hy vọng với những thông tin mới của cuộc khai quật tháp Bình Lâm lần này ngoài việc phục vụ cho công tác trùng tu tôn tạo sẽ góp thêm những chứng cứ khoa học giúp cho các nhà nghiên cứu có những nhận thức chính xác hơn về giá trị văn hóa nghệ thuật của cụm tháp này. Và tất nhiên để những thông tin được đầy đủ, thuyết phục hơn cần có những cuộc khai quật khảo cổ học tiếp theo ở tháp Bình Lâm và khu vực thành cổ Thị Nại.
*
Tin đầy đủ, mời xem: Vannghesongcuulong.org, 9-9-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *