Làng người xanh của Nguyễn Hiệp

Phát biểu ngắn về Làng người xanh,
tiểu thuyết của Nguyễn Hiệp, NXB Hội Nhà văn, H., 2008.
Phim tài liệu về Nguyễn Hiệp, Đài phát thanh truyền hình Bình Thuận, 17-8-2008.

Dăm năm qua, Nguyễn Hiệp là một trong vài khuôn mặt văn xuôi miền Trung gây cho tôi sự chú ý đặc biệt.
Chú ý – không phải ở truyện ngắn anh đoạt Giải thưởng báo Văn nghệ, hoặc anh hơn một lần có truyện ngắn lọt vào Top Ten, cũng không ở anh là nhà văn miệt mài lao động chữ để có tác phẩm xuất hiện đều đặn. Hai khía cạnh này nhiều người viết còn ăn đứt anh, chắc chắn thế. Chú ý – chính ở chỗ anh là người viết cư trú ngoại vi. Ngoại vi so với trung tâm văn học ở các thành phố lớn. Bám trụ tại vùng đất xa trung tâm, thâm nhập nó và khai thác cùng tận vấn đề đặt ra cho chính vùng đất ấy. Nhưng không phải vì thế mà bút pháp văn xuôi anh thiếu đi sự khai phá hướng về hiện đại.
Ngoại vi, đột ngột xuất hiện trên văn đàn và gây sự chú ý của đông đảo bạn đọc cả nước.

Từ Ngã hai cho đến các tập truyện ngắn sau đó, và nhất là cuốn tiểu thuyết mới xuất bản: Làng người xanh, văn xuôi Nguyễn Hiệp đang đạt đến độ chín. Đề tài mở rộng đa dạng hơn, bút pháp mới mẻ hơn.
Lâu nay, điều làm tôi ngán ngại ở các nhà văn ngoại vi miền sâu vùng xa là họ luôn có xu hướng lặp lại người khác hay, lặp lại chính mình. May, Nguyễn Hiệp không mắc phải triệu chứng đó. Đó là điều đáng mừng thứ nhất.
Tiếp nữa là anh đã dám dứt bỏ thể loại thơ anh từng gắn bó buổi đầu để tập trung vào văn xuôi, nhất là tiểu thuyết, là thể loại cần đầu tư công sức hơn, đòi hỏi người viết chịu khó ngồi vào bàn làm việc nhiều hơn.
Cuối cùng là, đã có không ít nhà văn ngoại vi, khi thành danh, luôn có ý định “về thành”. Về thành, không phải là điều gì tiêu cực, nhưng nó rất dễ khiến nhà văn đánh mất bản sắc địa phương, dễ hòa ca mới mọi người. Nguyễn Hiệp ngược lại, vẫn “bám đất bám làng”.

Có điều đáng lưu ý Nguyễn Hiệp là, dường như tác phẩm anh còn khá mỏng cơm. Anh chưa có đầu tư vào đề tài rộng lớn hơn, có khả năng bao quát cao hơn. Anh hãy còn trẻ, tuổi viết còn dài, năm tháng đang ở trước mặt. Hi vọng trong những năm sắp tới, bạn đọc khắp nơi sẽ đọc được những tác phẩm sáng giá của anh.

Sài Gòn, 15-8-2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *