Hội nhập, tâm thế và thái độ

1. Mở cửa, toàn cầu hóa, hội nhập, APEC, WTO,… bao nhiêu là sự kiện dồn dập tới. Đến không kịp thở. Đến dễ lạc hậu và lỗi nhịp, nếu ta không sẵn sàng thái độ mới, mở, nhập cuộc. Nhưng Việt Nam và Đông Nam Á, ta đã chuẩn bị thích đáng thái độ cho sự kiện đó chưa? – Chưa! Ngoảnh lại SEA GAMES mới đây thôi, Thái Lan tại sân nhà đã dẫn đầu huy chương với cách biệt rất lớn. Trước nữa: Việt Nam, Indonesia,… mỗi sân nhà là mỗi thu gom về huy chương. Bao nhiêu là huy chương. Của khu vực. Về các bộ môn nước nhà có ưu thế.
Tôi gọi đó là tâm thế làng xã. Ta chỉ lo cạnh tranh nhau, sao cho ta phải là số một khu vực. Tâm thế đó thể hiện ở nhiều lĩnh vực: thể thao, văn học – nghệ thuật,… Cạnh tranh – được thôi, nhưng ta lại không học nhau, chưa tôn trọng mình hay coi trọng nhau.

Dạo qua các hiệu sách lớn tại Bangkok, Kualar Lumpur, không thấy tác giả Việt Nam đâu cả! Cũng vậy, ở Sài Gòn hay Hà Nội, hoàn toàn vắng bóng tác phẩm của các nhà văn quan trọng của khu vực. Tuần lễ SEA Write Award tháng 10.2005, trong buổi giao lưu với Hội Nhà văn Thái Lan và sinh viên văn chương Thái, tôi nêu câu hỏi khiến không ít người ngạc nhiên: Có ai trong các vị nhận giải SEA Write Award năm nay – chín khuôn mặt [được coi là] xuất sắc nhất của văn chương nước mình – quen biết nhau, đọc của nhau hay thậm chí, biết đến tên nhau? Không ai cả! Văn chương Đông Nam Á đến hôm nay vẫn còn đóng cửa với nhau, là vậy. Nhà văn khu vực này không quan tâm đến nhau, không cần nhau, nếu không muốn nói – xem nhẹ nhau và, xem nhẹ chính mình. Chúng ta có học (dịch thuật, nghiên cứu) là học người khác chứ không học tập ta. Tâm lí hậu thuộc địa còn trì nặng nơi tâm thức sáng tạo của mỗi người viết Đông Nam Á.

Trong khi tâm thế mới sẵn sàng bước ra khỏi làng xã, để đi ra biển lớn. Câu hỏi: ta đã bước chưa? Và bước như thế nào? Ở đó vẫn còn bao nhiêu mặc cảm. Mặc cho các trào lưu văn chương phát triển và nẩy nở trên khắp thế giới, chúng ta mãi thái độ dửng dưng. Ta cứ nghĩ nó là của thế giới chứ không liên can gì đến ta. Chưa có trào lưu văn học đương đại nào được chương trình Khoa văn chương của các trường Đại học ta giới thiệu nghiêm túc. Thì làm sao lớp độc giả tương lai đó có thể tiếp cận với các sáng tác mang tính cách tân? Từ đó có thể sàng lọc ra được các sáng tác phẩm giá trị.
Mở cửa, nhưng ta vẫn thái độ e dè. Trong Hội thảo khoa học Đời sống Văn học – Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh thời kì hội nhập, tháng 10.2007 vừa qua, khi một đại biểu cho rằng hội nhập dễ nguy cơ sự “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê bác lại: đó là cơ hội cho người ngoài mang cái đẹp của văn hóa họ vào Việt Nam để khoe, ta thấy hay thì học, dở thì thôi; vấn đề là ta có cái gì để khoe không?

2. Vậy đó, ta cần sẵn sàng tâm thế cho thái độ tiếp nhận.
Nhìn gần bên – cạnh ta, trong chương trình “Tiến tới toàn cầu trong thiên niên kỉ mới”, tờ The Korea Times (11.1999) viết: “Người Hàn Quốc không cần sợ bị mất bản sắc văn hóa của mình. Tốt hơn, họ nên sợ mất cơ hội thưởng thức các nền văn hóa khác”.
Chúng ta ưa nói đến truyền thống Đông phương, cụ thể hơn: truyền thống văn hóa Việt Nam. Các câu đại loại: cần bảo tồn bản sắc, cách tân ” học đòi” không phù hợp với văn hóa dân tộc. Nhưng thế nào là bản sắc, truyền thống? Bản sắc là cả quá trình tiếp nhận và sáng tạo.
Thử hỏi thơ Đường luật trước đó có là truyền thống Việt? Hay Thơ Mới thời Tiền chiến? Bản sắc thơ Việt có cái nào na ná Thơ tự do không? Hoặc như áo dài, mới có lịch sử chưa tới trăm năm, thì trước đó áo gì là bản sắc? Bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là thứ đã đóng băng. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy bản sắc [cũ], ta tự cách li và cô lập với xung quanh.
Về văn chương hay triết học, các tác phẩm lớn của nhân loại vẫn chưa được dịch có hệ thống. Ta tiếp cận nó rất phiến diện và méo mó. Mùa xuân 2006, tiếp chuyện với anh em văn nghệ sĩ Hải Phòng, có một chuyện làm tôi kinh ngạc: các bạn mới “mê” Krishnamurti hơn năm qua. Trước đó – không hay không biết! Người bạn họa sĩ hỏi tôi đã đọc ông này chưa, khiến tôi khá ái ngại. Cuối cùng tôi bảo: Đã, từ hơn 30 năm trước! Cái buồn sâu thẳm hiện lên trong mắt ông. Cơ hội thưởng thức văn hóa nhân loại của ta bị bỏ lỡ, bởi thời cuộc thì ít, bởi tâm thế đóng cửa của chúng ta nhiều hơn.

3. Và tâm thế cống hiến.
Chúng ta có cái gì đáng khoe? Ta đã làm gì cho âm nhạc, nghệ thuật, các nền văn hóa của các dân tộc thiểu số? Và cả văn chương nữa, ta đã quảng bá nó tới đâu?
Mãi đến hôm nay, các tác phẩm văn chương quan trọng giai đoạn qua vẫn chưa được tổ chức dịch ra ngoại ngữ có bài bản, để giới thiệu ra thế giới. Các dịch phẩm luôn xoay quanh đề tài chiến tranh; còn khía cạnh khác, có chăng chỉ là vài tác phẩm nhằm thỏa mãn óc tò mò về một văn hóa xa lạ. Hơn nữa, đa phần chúng được dịch đầy tắc trách. Hội sách quốc tế tại Franfurt ba năm trước, trong lúc gian của Hàn Quốc với bạt ngàn sách, khách ra vào nườm nượp, còn ta thì vắng hoe: lơ thơ mấy tên tuổi quen thuộc. Một bạn văn người Pháp của tôi khi cầm trên tay hai tập thơ Việt Nam được dịch ra tiếng Pháp, cho rằng đây không phải là thơ, mà là ngôn ngữ Pháp của đầu thế kỉ XX!

4. Làm gì?
Từ Bangkok trở về, tôi đã liên hệ với Tạp chí Tia sáng dịch giới thiệu hai nhà thơ ĐNÁ kèm theo ảnh, bên cạnh tiểu luận: “Văn học Đông Nam Á trong tâm thế Hậu thuộc địa” (Tia sáng số14, 20.07.2006); thế nhưng để tìm người viết về văn học Đông Nam Á đương đại thì… chịu! Cho nên số đặc biệt về văn học khu vực này đành dang dở. Chỉ thế thôi, vậy mà khi gởi đường link đến các bạn văn trên, họ đã khá phấn khích. Lâu nay ít ai nghĩ đến chuyện này, anh bạn thơ Indonesia nói – thiết nghĩ nếu các bạn văn năng giao lưu hơn, nhiệt tình giới thiệu nhau và giới thiệu các nền văn học của nhau đến với thế giới, thì văn học Đông Nam Á sẽ mang bộ mặt khác hẳn.

Chúng ta thực sự chưa ứng xử công bằng với văn học [bị cho là] ngoại vi. Từ thẳm sâu tiềm thức, ta còn mang tâm phân biệt giữa văn chương ngoại vi/trung tâm, địa phương/trung ương, là/chưa là hội viên Hội Nhà văn, hải ngoại/trong nước, Đông Nam Á/thế giới, ngoài lề/chính lưu,… Bên cạnh, tâm lí hậu thuộc địa mãi ăn sâu vào lối nghĩ của người viết, không dứt ra được.
Nhà văn là phản kháng lại tâm phân biệt đó.
Tinh thần cốt tủy của hậu hiện đại là giải trung tâm, phi tâm hóa. Nó đạp đổ bức vách ngăn được dựng lên ngay trong suy nghĩ của mình. Người viết hôm nay dù sinh sống vùng xó xỉnh nhất của trái đất vẫn có thể tự tin nhập cuộc. Chính sự phi tâm hóa của thế giới hậu hiện đại cung cấp phương tiện cho nhà văn [bị cho] là ngoại vi nhập lưu văn chương thế giới.
Chỉ khi nào bước ra khỏi tâm thế làng xã, chúng ta mới hội nhập đúng nghĩa

Sài Gòn, 27.12.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *