Đối thoại: Giải-nhị nguyên…

Hai bài trao đổi – đối thoại về hậu hiện đại xung quanh các xuyên tạc mang màu sắc ngoài văn chương…

Inrasara
GIẢI-NHỊ NGUYÊN
Hay Gạch đầu dòng hậu hiện đại

(Ghi chú quanh bài viết: “Phải chăng hậu hiện đại…” ở phongdiep.net, 23.04.2008)

bài đã đăng ở Phongdiep.net, 26.04.2008.

What counts as a properly philosophical text?
What form should it take?
What kinds of language should it use
?
(J.Collins – B.Mayblin, Derrida, Totem Books USA, 2005, p.11)

*
Dị ứng.
Tôi có lập hồ sơ khá phong phú và thú vị về sự vụ này. Trong các bài viết của tôi, ít nhất tôi có dẫn ra 5 ví dụ rất mực điển hình [tiên tiến]. Quan sát sinh hoạt văn chương trong nước, tôi nhận thấy nó, dẫn nó ra và tìm lai lịch của nó. Nếu có đụng hàng với các nhận xét trước đó, thì càng khẳng định rằng nó trúng chứ không trật.

Khoa học
“Giải minh…” không phải là tiểu luận khoa học. Tôi chỉ tóm ý chính hậu hiện đại từ các bài viết trước đó của tôi để người đọc phongdiep.net dễ theo dõi và thảo luận. Bù lỗ: tôi liệt kê đầy đủ các bài viết ở phần Chú thích, tại nhiều bài này có dẫn chứng hẳn hoi. Trong đó bài “Hậu hiện đại và thơ HHĐ Việt” tạm kêu là bài đinh.

Nietzsche

Là kẻ đã đánh thức tư tưởng phương Tây ngồi dậy suốt hai ngàn năm đêm trường siêu hình học. Tôi chưa bao giờ kêu ông này hậu hiện đại ở đâu cả! Tên ông ta được nêu chỉ với mục đích chuyển ý.

Krishnamurti
Tư tưởng và hành xử của Krish rất gần với tinh thần hậu hiện đại. Còn nhốt Krish vào mỗi cái lồng “tư tưởng vô niệm” hay “giải thoát tri kiến” thì khá là… vui tính.

Làm dáng
Lớn cả rồi, nhỏ em gì đâu?!

Heidegger
H. mà không dính dáng gì đến hậu hiện đại mới là chuyện lạ. Cứ đọc Derrida thì đủ biết. Còn quyết đóng hộp ông này riêng một cõi “triết học và hiện hữu” thì mới biết đến đầu mà chưa biết đến đũa.

Khế Iêm
Thơ ông này tạm chia làm 3 thời kì: thời “truyền thống” tự do (Dấu quê và trước đó), thời vận dụng thủ pháp hậu hiện đại (chủ yếu đăng trong tạp chí Thơ ở Mỹ), đến năm 2000 ông mới mở lò Tân hình thức Việt và chuyên trị dòng này. Biết KI ở mỗi tân hình thức là mới biết đến đũa mà chưa biết đến đầu.

Bùi Giáng
Chính Nguyễn Hưng Quốc gợi ý cho tôi xem Bùi Giáng là kẻ khơi mào thơ hậu hiện đại Việt, tôi chỉ hót lại. Trong “Hâu hiện đại và…”, tôi nói rất rõ vụ này. Tiếc là vì vấn đề tế nhị (“yếu tố nước ngoài” đó mà!) nên tôi đưa nó xuống phần chú thích. Tôi đã có thư riêng cho NHQ để thanh minh thanh nga nó.

Nguyễn Thị Hoàng Bắc và…
Bàn về thơ người này mà không bàn về thơ người nào đó, là chuyện ôi là bình thường trên thế gian. Nếu tác giả bài viết khoái ai đó và coi thơ ai đó hậu hiện đại thì cứ bàn đi, sao lại cầm tay dẫn qua nhà tôi!

Trần Thái Đỉnh
Tôi cứ tưởng tác giả bài viết sẽ giới thiệu một công trình mới lạ, độc đáo về hiện sinh vừa ra lò, ai ngờ… Chương trình lớp tú tài toàn ban C, một học sinh kha khá cũng đọc nát Triết học hiện sinh của ông Trần rồi. Trời đất!!!

Hiểu(1)

Tại chú thích 2 trong “Giải minh…”, tôi viết rõ: “Trong nỗ lực tìm hiểu tinh thần thời đại [trong nước lẫn thế giới], tôi đã dấn mình vào hậu hiện đại. Và thử lập biên bản các sáng tác của người cùng thời”.
Tôi đã “nỗ lực” tìm hiểu, và vận dụng nó vào thực tế văn chương Việt Nam. Tôi xem đọc hậu hiện đại không phải chuyện thuộc lòng để trả bài cho thầy, hay viết lại để truyền bá kiến thức HHĐ như vài người đi trước đã viết, dịch (họ làm tốt rồi, tôi làm nữa là thừa). Mà dấn mình vào tư tưởng và tinh thần của nó. Để có khả năng song thoại với. Và hậu hiện đại chỉ là một trong những.

Hiểu(2)
Tôi là kẻ đi sau rất nhiều người về hậu hiện đại, tác giả hay dịch giả trong nước lẫn có “yếu tố nước ngoài”. Tôi nêu tên họ đủ đầy. Trong bài mới nhất: “Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ” (Tienve.org, 04.2008), tôi cũng đã lặp lại vụ này. Nhưng khác với Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn, là hai khuôn mặt hàng đầu về hậu hiện đại, tôi hoàn toàn đi theo hướng khác:
Hàng loạt tiểu luận “giải-nhị nguyên” về các khía cạnh liên quan mặc cảm trung tâm/ngoại vi: thơ tiếng Việt/Chăm, dân tộc thiểu số/đa số, thơ nữ/nam, trong nước/hải ngoại, địa phương/trung ương, Đông Nam Á/thế giới, chính lưu/ngoài lề,..
Đây là chuyện tôi là kẻ đầu tiên làm.
Tiếp: thử lập biên bản (tôi không kêu là phê bình cho to) về sáng tác của người đương thời: Phan Nhiên Hạo, Phạm Lưu Vũ, Lê Anh Hoài, Nguyễn Hoàng Tranh, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Bùi Chát, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nhật Chiêu, Như Huy,…
Đánh giá sự “hiểu” của tôi về HHĐ là dựa vào kết quả đó, chứ không ở nỗi “thuộc bài”.

Vọng ngoại
Như vậy, trong chục người kể trên, chỉ có hai là “có yếu tố nước ngoài”. Vọng ngoại ở đâu cơ chứ!? Ngay ở tham luận “Nhập lưu hậu hiện đại…”, khi chọn bình năm bài thơ HHĐ hay, nhà thơ trong nước chiếm đến 3/5! Trong lúc cả về nghiên cứu lẫn sáng tác HHĐ, người Việt hải ngoại đã đi trước anh chị em trong nước ít nhất cũng dăm ba năm.

Vỡ lòng
Một người bảy năm qua đã theo học [đòi] lớp vỡ lòng M.Foucault, J-F.Lyotard, R.Barthes, J.Derrida, G.Deleuse,… nay người đó được một vị khác gợi ý nên ghi danh học thêm khóa bổ túc kiến thức hậu hiện đại mới mở ở nhà… Đông La!!!!!! Dẫu sao cũng cám ơn lăm lắm.

Giải-nhị nguyên
Là chuẩn bị cho tinh thần phi tâm hóa của HHĐ và tâm vô phân biệt của Krishnamurti và nhà Phật. Tôi đã viết về nửa trăm nhà văn nhà thơ Việt, trong đó tác giả [sáng tác theo, mang cảm thức] HHĐ chiếm chưa đầy1/3. Nghĩa là Sara vẫn còn “truyền thống” chán!

Công bằng
Tôi chưa bao giờ hô hào mọi nhà thơ Việt Nam nhất tề làm thơ hậu hiện đại ở bất kì đâu cả. Ai khờ thế chứ? Cũng không kêu đòi họ vận dụng mọi thủ pháp HHĐ. Tôi chấp nhận mọi trào lưu và mọi cách thể hiện (từ chối nó mới là phi HHĐ). Trong “Giải minh…”, tôi rất ư là chi li rõ ràng. Thử đọc lại:
“Các nhà thơ hậu hiện đại Việt, tôi đã làm thao tác vứt bỏ rất nhiều để lưu lại vài cái đáng lưu.
Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ cá biệt [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó; chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại” thì càng. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi nó bị tát cạn bằng phơi mở trọn vẹn thủ pháp đặc trưng của nó qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó”

Ngán
Cách nay hai tháng, có tạp chí đã chộp cho tôi cái mũ phi văn chương khá là rầu lòng. Trong tất cả bài viết, tôi chưa bao giờ nhắc đến bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” cả, vậy mà báo này cố ý buộc chặt tôi vào nó, rồi ghép tôi vào cánh ca ngợi loại thơ phá hoại này, “có ý đồ gì đằng sau đó thì ai cũng biết”!!!
Ở đây, ngay phần mở, tác giả bài viết “Phải chăng…” phán cho tôi cả cụm “Inrasara lặp lại ý kiến của một vài người cầm bút hải ngoại, khi họ phê phán văn chương Việt Nam”, rồi thì gán lên ngực tôi danh hiệu “vọng ngoại”, để cuối cùng đẩy tôi ra ngoài… văn bản và văn chương ôi là xa tít tắp.
“Dân tộc Việt Nam có những niềm tin, có những chuẩn mực, có những giá trị vĩnh cửu, những truyền thống văn hoá riêng, đó là những Đại Tự Sự. Phá bỏ những Đại Tự Sự ấy khác nào phá bỏ chính bản thể dân tộc. Chẳng hạn, niềm tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng, niềm tin vào chủ nghĩa nhân đạo và những giá trị nhân văn, sự khẳng định sức mạnh dân tộc, sự khẳng định chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự khẳng định lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do“.

Các truyền thống tốt đẹp này có dính dáng gì đến văn bản tôi đâu chứ?!
Một ý kiến hay bài viết không có sự đồng thuận là bình thường. Nhưng… ngán ngẩm vậy đó. Đấy là điều tôi muốn tránh xa, rất xa. Nên, tôi thành thật xin phongdiep.net cho tôi ngưng lại ở đây. Và… tịnh khẩu.

Càmau, 25.04.2008.

bài 2.
BBBB
Bùi Công quyết ôm đại tự sự!
đã đăng ở yahoo.com/le_anhhoai, 29.04.2008
.
Phơi quần áo lót và đi đái công khai là biểu hiện
của niềm tin vào tự do của cả dân tộc –
một đại tự sự cần được bảo vệ và nhân rộng.

*
Từ Cà Mau, khi đang đi công chuyện gì đó, và có lẽ đang đập muỗi, Inrasara nhắn tin cho BBBB, tổng cộng 5 lần, tất cả đều cùng 1 nội dung: “Ông Bùi Công Thuấn tranh luận với anh trên phongdiep.net, em đọc chưa? Thấy thế nào?”.
Tất nhiên là BBBB vội đọc bài của nhà thơ, nhà phê bình Inrasara.
Đây là một bài có tính phổ thông, bằng cái giọng tưng tửng rất người Chăm chơi khăm người Việt, Inrasara đã nêu được những yếu tính lớn nhất và diện mạo cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam. Đồng thời cũng nêu lên những thói tật rất quen của người viết và phê bình Việt!
Thế là ông Bùi nổi giận, không chỉ ông nổi giận như một nhà phê bình bị chạm nọc, mà còn như một tín đồ khi thấy đấng tối om của mình bị báng bổ.
Bài của Bùi Công Thuấn tất nhiên còn đó, nhưng vì bài này vô cùng thú vị, nên BBBB xin phép trích vài câu để chứng minh cái tính thú vị của nó.

“Trong bài viết Giải Minh về Hậu Hiện Đại, Inrasara cho rằng tình trạng dị ứng với Hâụ Hiện Đại ở Việt Nam là Dị ứng phát sinh từ não trạng sợ hãi cái mới, dị ứng từ tinh thần bảo thủ luôn chống lại cái gì đến từ ngoài, nhất là từ phương Tây.
Tôi không rõ Inrasara căn cứ vào đâu để nhận định như vậy. Dường như Inrasara đã lặp lại ý kiến của một vài người cầm bút hải ngoại, khi họ phê phán văn chương Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có một đặc điểm quan trọng là khả năng Việt hoá tất cả những ảnh hưởng Đông Tây, trên nền tảng tinh hoa văn hoá và tư duy Việt, vì thế, không hề có cái gọi là “não trạng sợ hãi cái mới và tinh thần chống phương Tây”. Cứ xem khả năng Việt hoá tư tưởng Phật Nho Lão của cha ông, khả năng tiếp thu chủ nghĩa Lãng mạn của văn học 1930-1945, và sự tiếp thu sáng tạo chủ nghĩa Marx của Cách Mạng Việt Nam để làm nên những kỳ tích lịch sử thì đủ rõ.”

Sự thú vị của đoạn trên là ở đâu? Xin khảo vài câu:
+ Vài “người cầm bút hải ngoại”, anh là ai? Tại sao Inrasara dẫn hẳn tên người ra như Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn thì Bùi sinh lại phiếm chỉ cứ như nói về bọn chuột chũi (đáng khinh???). Đây là động tác lừa người đọc rất báo Nhân dân và CA.
+ Dân tộc Việt nam là đứa nào? Bọn học hành tử tế hay bọn nhố nhăng ăn bánh dầy độn mứt? Bọn công dung ngôn hạnh hay bọn bán trinh tiết lợn?
+ Việt hoá, điều đó có. Và cần bàn nghiêm chỉnh chứ không phải là cứ “làm nên những kỳ tích lịch sử thì đủ rõ” là xong! Mà kỳ tích gì, đề nghị Bùi sinh kể rõ, chứ đừng có dùng giọng giáo viên bình dân học vụ!
Tiếp:
“Inrasara đã không dẫn được nhà thơ nhà văn đương đại nào ở trong nước đang viết bằng thi pháp Hậu Hiện Đại? Tại sao vậy? Tôi lại ngờ rằng Inrasara có tính vọng ngoại”.

Nhời bàn của BBBB:
Bố đây chứ còn ai nữa, và rất nhiều người sáng tác Hậu hiện đại, những người mà cứ kể ra là Bùi Sinh lại giở giọng đạo đức ra để trấn áp: Bùi Chát, Lý Đợi thì rác dơ, háo danh nhưng bẩn thỉu, Đỗ Kh cũng vậy… Inrasara ơi, anh nhận đi, anh vọng ngoại đúng không? Vọng ngoại hiện vẫn là một tội đáng bị toàn dân tộc phỉ nhổ nhưng may thay, hiện anh không bị đi cải tạo đâu!
Bùi sinh đi đến kết luận nốc ao:
“Vậy vấn đề “dị ứng” với Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại và sáng tác văn chương Hậu Hiện Đại ở Việt Nam chưa có những thành tựu là do đâu?
Câu trả lời nằm chính trong bản thể của tư tưởng và thi pháp Hậu Hiện Đại.
Chủ nghĩa Hậu Hiện Đại từ bỏ những Đại Tự Sự, chủ trương đa nguyên văn hoá, điều này khó được chấp nhận ở Việt Nam. Dân tộc Việt Nam có những niềm tin, có những chuẩn mực, có những giá trị vĩnh cửu, những truyền thống văn hoá riêng, đó là những Đại Tự Sự. Phá bỏ những Đại Tự Sự ấy khác nào phá bỏ chính bản thể dân tộc. Chẳng hạn, niềm tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng, niềm tin vào chủ nghĩa nhân đạo và những giá trị nhân văn, sự khẳng định sức mạnh dân tộc, sự khẳng định chủ nghĩa Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sự khẳng định lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Những “đại tự sự” ấy đang bị những người tự nhận là Hậu hiện Đại cố sức đánh đổ… và thay thế vào đó là những thứ tư tưởng vô luân, vô đạo đức, phi dân tộc, phi lý tưởng… dựa trên thân phận và tâm lý di dân. Tôi nghĩ những nhà văn Việt Nam có ý thức sẽ không bao giờ chấp nhận phá bỏ những Đại Tự Sự như thế.”

Nhời bàn của BBBB:
+ Chỉ ra được những đại tự sự của xã hội hậu XHCN này, Bùi sinh không hổ danh là người có dùi mài kinh sử, cái cày chìa vôi mài mãi cũng thành cái kim khâu tấm vải liệm cho tư bản suy đồi. Tuy nhiên, việc Bùi khăng khăng gán những cái hay ho vào đó, chứng tỏ một điều mà BBBB đã viết: việc phá bỏ đại tự sự ở VN hiện là không tưởng, giải thiêng có vẻ dễ hơn nhưng phải ẩn nấp dưới những câu chuyện tiếu lâm. Việc Bùi hô hào “những nhà văn Việt Nam có ý thức” khiến tớ nghĩ ông ta là đàn em của những kẻ bị thánh sông Tô Lịch vật, đồng thời cũng tự hào mà nhận ra mình có thể sẽ bị quy là “mất ý thức”. Cụm từ hay được dùng để chỉ những kẻ đi vệ sinh không dội nước chẳng hạn, hay đái bậy… vv và vv…
+ Tiếc thay, thói đi vệ sinh không dội nước và đái bậy cũng là một truyền thống tốt đẹp (cùng với nhiều truyền thống lắm, đơn cử như: đã làm quan là phải tham, đã làm ăn là phải gian, nói không giữ lời, định tuyên bố gì thì không dám đứng vai trò cá nhân mà bao giờ cũng phải kéo hàng đống người vào cùng (cả dân tộc càng tốt!). Ha ha. Những “đại tự sự” ấy có giữ lại không Bùi sinh anh giáo làng của tôi?
Trong mớ lý luận lủng củng mà BBBB không nỡ trích ra đây, mà Bùi sinh dùng để đả Inra cùng nhiều người khác, nó chỉ toát ra một mùi hầm mộ. Chứng tỏ một người có khả năng (rất cao) trong việc đi một bước nói một lý luận đồng thời có một con cóc chết văng ra!
Sách vở bị nghiền thành bột, bị hít vào khí quản rồi gây ung thư toàn diện. Cứ động bút một cái là hàng ki lô mét vuông đầy xác người lại văng ra. Kinh hãi lắm thay! Nói như các cụ ngày xưa là học mà như thế thì đi cày lợi hơn.
Kính cẩn phúng viếng!

Hà Nội, 30.04.2008.

One thought on “Đối thoại: Giải-nhị nguyên…

  1. Pingback: inrasara.com » Blog Archive » Tiếng nói nhà văn: Về tiếng nói - chữ viết Chăm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *