Sonputra: Văn 01 – Nơi có mẹ và anh

Truyện ngắn

Vẫn như ngày nào, một ngày của Dứt khác hẳn so với mọi người. Anh lớn lên trong gia đình gọi là kha khá trong palei. Palei lúc đó hiếm có gia đình như anh, với gần trăm con bò, đối với anh là tài sản rất quý.
Dứt thi đỗ đại học, cuộc sống của anh thay đổi từ cái nhỏ nhất, anh cố gắng học với mong muốn đổi đời. Bốn năm đại học cũng trôi qua nhanh chóng, anh ra trường với tấm bằng đỏ trong tay. Là một người muốn am hiểu tất cả các lĩnh vực, hoàn cảnh không cho phép, anh đành đi kiếm kế sinh nhai, với tấm bằng vừa cầm. Ba tháng chưa có gì thay đổi cả, bằng đỏ của anh trở nên vô vị, anh theo ông này, người nọ, nhưng chẳng được gì? Anh lang thang quán net, qua trung tâm giới thiệu việc làm, và sự giúp đỡ của bạn bè, nhờ đó mà anh được làm trong một trung tâm văn hóa thành phố.
Ngày trong cơ quan, đêm về anh lại dạy nhạc cho các em thiếu nhi, để trang trải thêm cuộc sống của anh. Công việc có vất vả thật, nhưng mà anh cảm thấy vui, khi làm đúng nghề mà anh ngồi suốt bốn năm trên giảng đường đại học,. Anh gần như ổn định, còn gia đình anh thì sao? Giờ lâm vào cảnh nghèo túng, không còn khá giả như xưa nữa và thành hộ nghèo của palei.
Hai năm bươn trải trong Sài thành, anh có chút ít kinh nghiệm về công việc, không hiểu tại sao, anh trở về quê đột ngột đến thế, rồi làm trong cơ quan nhỏ của tỉnh mình. Anh về với những gánh nặng trên vai, về công việc của anh là phụ, cái chính của anh là gánh vác gia đình. Gia đình anh cả ba đều là con trai, mồ côi anh từ nhỏ, anh là con cả nên cũng chịu nhiều cực khổ.
Đêm buông xuống, tiếng mưa rơi lách tách, cùng những bước chân đi không mục đích, những suy nghĩ miên man hiện về trong đầu anh, anh lại thêm trách nhiệm của mình, khi hai đứa em lớn dần, một vào đại học, một vào cấp ba của huyện cùng hai miệng già mất sức lao động trong nhà. Tình yêu riêng tư dành cho anh cũng không có, những người bạn cùng trang lứa với anh giờ lần lượt vu quy hạnh phúc, anh sức cùng lực kiệt.
Công việc đó dành cho phụ nữ mới đúng nghĩa, thế mà anh phải vươn vai gánh vác, tất cả chỉ vì hai tiếng “ lo toan “. Thức bạn của anh đã có hai lần sinh nhật con mình, vậy mà anh chẳng có một mảnh tình nào cho riêng anh.
– Tao lo cho mày quá! Thức nói.
– Sao mày không lo cho hạnh phúc của mình đi.
Dứt nheo mắt cười.
– Thông thả đã, tao chưa sẵn sàng, cảm ơn mày đã quan tâm.
Anh muốn quay lại với dòng sông Lu yêu dấu, của những ngày chân bò trên đồng cỏ xanh ngát, và những cánh diều bay vút cùng thời gian.
Thời gian trôi đi, ngày qua ngày, đêm lại buông xuống, giữa không gian vắng lặng của làng quê, không còn tiếng âm vang của con chó hay tiếng người xột soạt ngoài đường, mà chỉ nghe lời nặng trĩu của người mẹ trung niên, từng lời thốt lên buồn bã và cô quạnh.
– Tối nay con lên thành phố à!
– Ừ!
Tiếng nói của anh có vẻ lững lờ, đầu anh lúc này lẫn thẫn. Có nên chăng, nếu anh đi, ai ở nhà lo toan công việc thường ngày, ai chăm sóc các cụ mỗi khi trái gió trở trời.
Không gian ngôi nhà giờ đây thật đáng sợ, đến nỗi chú thằn lằn ăn mồi trên tường phát ra tiếng động cũng làm cho mọi người giật mình.
– Con suy thông suốt rồi! Anh nói.
– Mẹ đừng nghĩ gì. Con còn lo cho các em nữa mà.
Không còn tiếng vang nữa, anh đi lần này biết bao khó khăn đến với anh, anh hứa bốn năm nữa sẽ về phục vụ gia đình và palei.
Anh ra đi nước mắt trào tuôn như tiếng mưa rơi đầy sầu não, anh đi bỏ lại mẹ và nội già lặng lẽ. Anh đâu biết sau lưng anh là dòng nước mắt tuôn chảy từng giọt của người mẹ khóc thâu đêm, cầu mong cho anh được bình an vô sự. Mong cho anh tìm được chốn bình yên cho riêng mình, và đêm nay vẫn còn nghe văng vẳng tiếng chó tru đêm, anh mơ về phương trời hạnh phúc, ngoài trời mưa bắt đầu rơi.

Đàng Hữu Trọng
NINH THUẬN QUÊ TÔI

Mảnh đất Ninh Thuận được biết đến như là vùng đất khô cằn và nóng hạn nhất cả nước. Quanh năm chỉ có hai mùa nắng và gió. Cái nắng như “rang” và cái gió như “phan” làm cho du khách lần đầu đến Ninh Thuận rất khó chịu. Như Ninh Phước quê tôi đa phần là đất đai cằn cỗi, những hàng cây xương rồng, những đàn cừu dê đang gặm cỏ trên đồng trắng. Dẫu sao, lẫn vào đó là con Kênh Nam, Mương Cái như dòng kẻ xanh. Chúng đã mang lại cho đất đai màu xanh tươi mát, khiến vùng đất này trở nên dịu nhẹ hẳn, làm thay đổi cuộc sống lẫn tinh thần nhân dân Ninh Phước.
Kênh Nam nó bắt nguồn từ vùng núi đập Nha Trinh. Con “sông mẹ” với truyền thuyết “Mương Đực mương Cái” truyền từ thời Po Klaung Girai hào hùng. Dòng kênh đã mang đến vùng đất Phước Sơn những cánh đồng thuốc lá rất đặc trưng. Những đàn bò, đàn dê Phước An, Liên Sơn vốn đã đông đúc nay trở nên vui nhộn hơn. Qua khỏi Phước Sơn, Kênh Nam đã mang một nguồn sức sống mới đến với quê hương anh hùng cách mạng Đổng Dậu – Phước Thái. Một vùng đất rộng lớn nhưng cũng rất khắc nghiệt, một vùng quê quanh năm chỉ có nắng và nắng. Dòng Kênh Nam đã tưới mát từ làng Chăm Hoài Trung đến làng Bà Dương đến làng Thái Dao. Ở nơi đây tình đoàn kết giữa ba dân tộc anh em Kinh – Chăm – Raglai thắm đượm. Thôn Đá Trắng nằm dọc bờ kênh cũng trở nên đẹp đẽ và ấn tượng hơn. Kế đến đó là làng Chăm Như Bình – ngôi làng được người ta biết đến với lễ hội đầu năm Rija Nưgar đậm đà bản sắc Chăm với món đặc sản rất Chăm Ia tanut. Những buổi chiều dọc theo bờ kênh ở Như Bình thật thoáng đãng, ta nghe xao xuyến nỗi nhớ kì lạ. Đâu đó trên những cây cầu, thanh niên ngồi túm lại tán gẫu, trò chuyện. Bóng dáng thiếu nữ Như Bình bên bờ kênh ngồi giặt áo thơ mộng, làm say mê biết bao nhiêu chàng trai mỗi khi đặt chân đến đây như có một mãnh lực nào đó cứ níu kéo bước chân không trở về.
Dòng Kênh Nam hiên ngang uốn quanh rời khỏi Như Bình để mang nguồn nước đến với một làng quê rộng lớn nhất, trù phú nhất của người Chăm, đó là làng văn hóa Hữu Đức – một ngôi làng có từ thuở xa xưa, là điểm đến lý tưởng đến với những ai đã, đang và sẽ quan tâm đến nền văn hóa dân tộc. Đặc biệt cuộc sống ở nơi đây trở nên rất nhộn nhịp như chốn thị thành mỗi khi vào mùa lễ hội Katê. Những trận bóng đá quyết liệt, buổi trình diễn văn nghệ vui tươi, trò chơi dân gian mang đậm tính truyền thống của dân tộc… Thật thiếu sót, nếu dự lễ hội Katê cổ truyền mà không đặt chân ghé thăm Hữu Đức! Hữu Đức bây giờ đã thay đổi, hàng loạt mái ngói đỏ mọc lên. Cuộc sống của dân làng đã khá lên rất nhiều. Đây là làng trù phú nhất của Chăm, có lẽ. Từ Hữu Đức rẽ sang ngã đường Mang Thé, Kênh Nam mang lại màu xanh và không khí mát lành đến với làng Chăm Hậu Sanh, làm cho tháp Ppo Rome đỡ phần cô quạnh. Kế đến là thị trấn Phước Dân giàu có, một Bầu Trúc nổi tiếng với nghề gốm cổ truyền; một Mỹ Nghiệp với nghề dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo, nó mang tên tuổi Chăm đi khắp vùng đất nước và cả quốc tế! Thành Tín với những cồn cát đỏ rất đặc trưng. Tình đoàn kết Kinh – Chăm ở Phước Hải, An Hải ngày càng thêm gắn bó chặt chẽ hơn.
Vùng đất Phước Thuận, Phước Hậu không được may mắn hưởng nguồn nước từ Kênh Nam mang lại nhưng đã có một Mương Cái rất dồi dào. Phước Thuận, Ninh Quý với vườn xoài sai trái, đồng lúa xanh tươi, đặc biệt là những vườn nho trĩu quả của Phước Hậu. Trường Sanh màu xanh bao phủ những giàn nho. Tại đây, nhà nhà trồng nho và chất lượng thì khỏi phải nói, đã nổi tiếng khắp vùng. Một Hiếu Lễ nữa! Trước, Hiếu Lễ được coi là một làng Chăm dù nghèo tiền nhưng rất giàu tình, truyền thống hiếu học là đặc trưng ai cũng biết. Chính nơi này là cái nôi đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ người và họ giờ đã trở thành những người thành đạt.
Ai đến Ninh Phước thì phải đi ngang qua nông trường Quán Thể xum xuê vườn điều, trước đó là núi Cà Ná đá chồng lên đá. Cà Ná cũng có màu xanh nhưng không phải màu xanh rì của cây lá mà xanh thẳm của biển cả. Cà Ná còn là vựa muối công nghiệp của cả nước. Thời gian gần đây Cà Ná có sự phát triển đáng kể đặc biệt là khai thác thủy hải sản và du lịch. Tương lai không xa, Cà Ná trở thành trung tâm du lịch và công nghiệp của xứ nóng Panduranga.
Ôi! Quê hương Ninh Phước của tôi ơi, cằn khô mà đẹp vô cùng, tôi muôn vàn yêu mến! Với tôi, mảnh đất này mãi mãi ghi dấu biết bao kỷ niệm khó phai. Vài cuốn hút của cuộc sống hiện đại có thể tách tôi ra khỏi quê hương, nhưng không thể nào tách quê hương ra khỏi trái tim tôi được. Nếu cho tôi quyền được lựa chọn thì tôi cũng chọn sinh ra và lớn lên trên mảnh đất tràn ngập tình thương, kì diệu và đầy huyền bí này.

One thought on “Sonputra: Văn 01 – Nơi có mẹ và anh

  1. Truyện ngắn viết về một mảnh đời của một thanh niên trên mảnh đất Palei nhưng hình như tôi thấy có con người anh trong đó.Anh đang tự sự về chính bản thân mình.Dường như tôi chỉ thấy anh đi,đi hoài,đi mãi…Một con người đặt nghĩa vụ với gia đình lên trên hết,muốn tự mình xoay chuyển cuộc sống bằng chính đôi bàn tay trắng và khối óc của mình.Nhân vật trong truyện phản ánh một trí trai hiếm có trong thời hiện đại.anh ra đi,trời bắt đầu mưa.Điều đó cho thấy những bước đi của anh dường như vô định.,mở ra một suy nghĩ cho người đọc,liệu rằng anh có thể thành công trong tương lai 4 năm,liệu anh có còn kịp tìm hạnh phúc của riêng mình ko?
    Chúc cho anh thành công trong tương lai!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *