Nguyệt Phạm, Chấm hết phận Ngựa Trời

Đọc Mắt giấy, thơ Nguyệt Phạm, NXB Thanh niên, H., 2008.

“Trong thế giới thiếu sẻ chia” này…
Sáng sớm, chạy trốn dư hưởng của cô đơn vồ chụp và hành hạ suốt tối qua, tôi hối hả xuống phố, bước ra đường, mong tìm hơi ấm con người để sưởi mảnh hồn cô độc. Nhưng ngoài kia là những “ngày vội vàng không kịp”. Với “những cao ốc đô thị”, “gấp gáp những dòng xe”, ”chạy chạy chạy”,… Rốt cùng toàn là ”những ngày buồn như giấy loại” nối đuôi nhau. Chúng chạy tràn lên tôi, đè bẹp tôi, vượt qua và bỏ tôi rớt lại. Tôi vẫn cứ “đơn độc”, “căng thẳng cao độ”!
Tôi bỗng thấy mình rơi bịch vào một góc phố xa lạ. Cô độc càng cô độc hơn. Quán lạ. Tôi ngồi đó. “Suy nghĩ bất động”, “Mất cảm xúc”. Quán cà phê vỉa hè với li nước cam đóng hộp, cảm xúc đóng hộp, suy nghĩ đóng hộp. Chúng đóng hộp cả đời sống tôi.
Tôi cố vùng vẫy, nhưng bất lực. “Bất lực toàn phần”.
Tôi tìm đến trú ẩn chỗ quen thân. Hẹn nhau cuối ngày đốt mấy điếu thuốc, phả khói vô hồn vào trời chiều. Vẫn ngần ấy khuôn mặt quen thuộc đến nhàm chán. Vẫn bấy nhiêu chuyện cũ lặp lại, trôi tuột. “Buồn chua người / mốc thiu”. “Trơ như đất”. “Tôi đang bị lão hóa”, hơn thế nữa – “bê tông hóa”. “Giữa ồn ào… Giữa ngược xuôi… Cố nói về bạn bè để cảm giác ấm áp…”. Nhưng không, ngay cả ấm áp này cứ là ấm áp công thức: vô cảm, cứng ngắc, rệu rã, vỡ vụn,…
“Tôi sợ hãi”. Tôi sợ phố, sợ người quen và kẻ lạ, sợ chính tôi. Sợ con người “nhìn nhau bằng đôi mắt giấy”. Cả anh nữa, nhìn em bằng đôi mắt giấy. “Sợ tất cả” mà như không hiểu sợ cụ thể cái gì. Không gì cả! Tôi sợ hãi trống rỗng, sợ hãi chính nỗi trống rỗng đang lớn dậy trong tôi.
Hoang mang và sợ hãi tột cùng. Không biết bám vào đâu nữa. Tôi mấp máy tay chân để biết mình còn sống, tôi bước lui bước tới giữa căn phòng chật hẹp. Để cảm giác không gian. Tôi “hát vì quá sợ hãi”. Sợ hãi – tôi yêu. Sợ hãi – tôi viết. Để mọi người xung quanh còn biết tôi tồn tại. Để tôi biết rằng tôi vẫn hiện hữu.

Những cảm thức tràn ngập Mắt giấy của Nguyệt Phạm, chúng không mới. Meursault [của A. Camus] hay Roquentin [của J-P. Sartre] đã trải nghiệm rồi. Lâu lắm – hơn nửa thế kỉ trước. Tuyệt đại đa số nhà thơ chúng ta luôn tụt hậu với người thiên hạ là thế, có riêng gì Nguyệt Phạm đâu!

Cô đơn, xung đột với ngoại giới và xao xuyến là ba cảm thức nền tảng của hiện sinh. Sartre thấy địa ngục là tha nhân. Ở đây, Nguyệt Phạm: Tha nhân mang hình mắt giấy cắt đứt mọi cảm thông sót lại!
Một hình ảnh không phải là không độc đáo.
Nhưng trong khi, để chạy trốn/giải quyết cảm thức đó, Malraux [và nhân vật của ông] lao vào các hoạt động sôi động không ngưng nghỉ, “tham dự vào việc kiến tạo nên con người” (Xavier Darcos). Hay như Sartre – xô con người quyết chiến để “giải phóng tư tưởng tù hãm và cho phép nó đạt đến sự phát triển toàn diện” (André Niel). Hoặc Camus – khi đứng trước lạnh lùng của vũ trụ, sự phi lí của kiếp người hay nỗi muộn phiền của chuyện sinh tử – kêu gọi con người vui hưởng hiện tại, giảm thiểu tối đa khổ đau.
Thì, trong thế giới thiếu cảm thông này…. Nguyệt Phạm muốn tìm đến nghệ thuật. Dẫu không quyết liệt như Malraux xem nghệ thuật như thái độ phản kháng với nỗi phi lí và một thế giới trống rỗng, “để mang lại ý nghĩa và đời sống, xác chứng sức mạnh và vinh dự làm người”, thì thi sĩ này mang ý hướng khiêm cung hơn: Hi vọng để lại cái gì đó dẫu mờ nhạt nơi kí ức kẻ xung quanh, chỉ để tìm sẻ chia. Nhưng rồi:

Những bài thơ ra đời
Lướt qua người khác
Rồi lại quên…

Thế là Nguyệt Phạm – con Ngựa Trời (tôi cứ cố tình hiểu đó là “ngựa”) được cho là lành tính nhất làm cuộc trở về chuồng, để tìm sự yên bình (Phần III của tập thơ). Đây có phải là một bất lực, một thái độ quy hàng [tạm thời] hay cuộc “trở về với giá trị cổ điển” của nhà thơ này? Tùy góc nhìn mà người đọc đánh giá.
Với tôi, sau giai đoạn: “Em là con ngựa non thon vó / lạc giữa rừng người hoang vu” (thơ Hoàng Hưng) tung tẩy với Dự báo phi thời tiết, trong khi “Chờ con” [để hình thành một dạng tác phẩm khác], Nguyệt Phạm đã bẻ hướng sinh mệnh Ngựa Trời của mình.
Con Ngựa Trời này còn nhớ miền đất tự do và khao khát thảo nguyên bao la để tung vó nữa hay không không hiểu. Chúng ta cứ chờ và hi vọng.

Sài Gòn, 18.01.2008.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *