Nguyễn Văn Tỷ: Khái quát về văn hóa Chăm 1/2

“Tôi nghĩ các cán bộ là người dân tộc thiểu số hay người Kinh đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc, cần nắm vững chính sách dân tộc của Đảng. Nắm vững và dũng cảm thực hiện mà không ngại bất kì thế lực nào, miễn là mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.
Inrasara.
Tạp chí Văn hóa Dân tộc, số 01,2006.

*
Văn hóa dân tộc Chăm luôn luôn là đề tài thu hút các nhà nghiên cứu trong nước và ngoài nước. Muốn viết tương đối đầy đủ về đề tài này, cần đến một công trình công phu và dày dặn.
Qua các tài liệu nghiên cứu của các thế hệ trước, được biết rằng văn hóa Chăm được hình thành do kết quả của quá trình hoạt động nhằm thích ứng với các điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt của cư dân vùng chân núi và đồng bằng ven biển miền Trung Việt Nam. Đó cũng là kết quả của sự giao lưu tiếp biến với các cư dân trong vùng Nam Đông Dương cũng như vùng Đông Nam Á, thể hiện qua sự phát triển ngôn ngữ chữ viết, sự đan xen giữa văn hóa miền núi và văn hóa biển, giữa các tín ngưỡng dân gian với các tôn giáo Bàlamôn và Hồi giáo. Chúng được thể hiện qua những nét văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Chăm, vừa mang tính cách đồng nhất cho cả cộng đồng, vừa hàm chứa vài dị biệt do các vùng cư trú và các cộng đồng tôn giáo khác nhau.
Qua bài tiểu luận này, tôi chỉ giới thiệu những nét khái quát nhằm giúp các dân tộc anh em muốn tìm hiểu văn hóa Chăm có một cơ sở thiết thực để nghiên cứu và giúp các bạn trẻ Chăm có cơ sở ban đầu để tiếp cận với văn hóa dân tộc mình. Ngoài ra tác giả cũng mong muốn bài viết sẽ giúp ích một cách thiết thực cho chính quyền địa phương nắm bắt được nếp sống và lao động, cũng như tôn giáo-tín ngưỡng, phong tục-tập quán của dân tộc Chăm hầu có những cách giải quyết thích hợp cho các vấn đề thuộc vật chất hay tinh thần trong cuộc sống hôm nay.

I/ NGUỒN GÔC, ĐỊA BÀN CƯ TRÚ VÀ DÂN SỐ
Về nguồn gốc tộc người, người Chăm được xếp vào nhóm Malayo-polynésien cùng với các tộc người Churu, Raglai, Giarai, Êđê ở Việt Nam. Như vậy, cư dân Chăm có nguồn gốc từ thế giới Đa đảo mà giống người chiếm đa số và ưu thế là người Indonesien. Những cuộc khai quật các di tích lịch sử vùi sâu trong lòng đất từ thời Pháp thuộc chứng tỏ được rằng văn minh Indonésien được truyền bá rộng rãi từ Vân Nam đến Sumatra. Người Dyak ở đảo Bornéo giống người Êđê, người Giarai ở Việt Nam là bằng chứng hùng hồn về sự rộng rãi của lãnh vực sinh hoạt.
Bernard Groslier nhận định “những người Chiêm đầu tiên của nước Lâm Ấp đều chắc sinh ra từ những người Indonésien, những kẻ đã sáng tạo ra văn hóa Đông Sơn”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng tộc người Chăm có nguồn gốc từ Nam Trung Quốc di chuyển vào. Nhưng giả thuyết này xem ra không đứng vững lắm.

Trước đây người Chăm là cư dân đã sinh sống lâu đời trên dải đất miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Người ta thường chia dân cư Chăm thành ba nhóm: Chăm Hroi, Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận, Chăm Nam bộ. Họ sống tập trung trong các thôn xóm riêng biệt gọi là palei. dân số Chăm cả nước có khoảng 150.000 người.
1) Chăm Hroi:
Chăm Hroi sinh sống ở 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định tập trung ở các huyện Vân Canh (Bình Định) và Đồng Xuân, Sơn Hoà, Sông Thinh (Phú Yên) dân số vào khoảng 20.000 nguời. Chăm Hroi sống rất gần gũi và hoà đồng với người Bana và đặc biệt là có những mối quan hệ hôn nhân khắng khít.
2) Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận:
Đặc điểm của người Chăm ở hai tỉnh nam Trung bộ là còn gìn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, đặc biệt là Ninh Thuận, họ sống tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải (Ninh Thuận) và Bắc Bình, Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc (Bình thuận). Lưu ý thêm: theo các tài liệu Pháp trước đây, vào đầu thế kỉ XX, dân tộc Chăm giảm đến mức chỉ còn vài chục ngàn người. Theo niên giám thống kê vào năm 1907, người Chăm Phan Rang và Bình Thuận chỉ có khoảng 15.000 người (6.000 ở Phan Rang và 9.000 ở Bình Thuận). Khoảng 30 năm sau, vào năm 1940, dân số người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận không có gì thay đổi, vẫn chỉ 15870 người. Đến năm 1963 dân số người Chăm hai tỉnh này mới nhiều lên được 33500 người(1) . Trong sách đã dẫn, Maspéro có lưu ý là “dân cư Chăm trước đây ở miền trung không bao giờ vượt tới con số hai triệu rưỡi như xứ trung kì ngày nay” (nghĩa là vào năm 1907). Theo thống kê mới nhất cho biết dân số Chăm Ninh thuận là 73.000 người (chiếm ½ dân số Chăm toàn quốc) và Bình Thuận là khoảng 40.000 người.
3) Chăm Nam bộ:
Đặc điểm của Chăm Nam bộ là toàn bộ đều theo tôn giáo Islam. Họ cư trú trong các thôn xóm riêng biệt, xung quanh những thánh đường Islam ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Tp. Hồ Chí Minh. Dân số trên 20.000 người. Cần lưu ý về những cư dân Chăm ở Châu Đốc, là do nguyên nhân lịch sử sau: vào giữa thế kỹ XIX, Trương Minh Giảng đem quân sang Campuchia đánh quân Xiêm có tuyển thêm nhiều lính Chăm và Mã Lai ở đây. Khi lui binh, số người này về Việt Nam và định cư sinh sống tại vùng Châu Đốc cho đến hôm nay(2).
Ngoài Việt Nam, người Chăm còn cư trú ở các nước: Campuchia (khoảng 350.000 người ) Thái Lan (8.000), Malaysia (chỉ sau 1975 đã có hơn 30.000 người gốc Campuchia; Hải Nam (Trung Quốc: 20.000 người) và các nước Hoa Kì, Úc, Pháp và một số nước Châu Âu khoảng 6.000 người(3). Xin lưu ý thêm là số dân di cư đến Hải Nam chủ yếu là những người Chăm làm nghề đánh cá thuộc châu Amaravati (Quảng Nam) đặc biệt là dân “cù lao Chàm” ra đi vào thời kì một người Việt lên làm vua nước Chiêm thành tên Lưu Kì Tông (983-986).

II. ĐẶC ĐIỂM VỀ VĂN HOÁ VẬT THỂ:
Trong ba vùng Chăm, người Chăm Ninh Thuận và Bình Thuận và người Chăm Miền Nam là gần gũi nhau nhất. Nhưng những nhà nghiên cứu thường đến Ninh Thuận để tìm hiểu về văn hóa Chăm là do người Chăm ở địa phương này còn gìn giữ được tương đối trọn vẹn những bản sắc đặc trưng của dân tộc. Trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin nhấn mạnh những nét đặc trưng đó, và khi cần thiết thì liên hệ với các vùng Chăm khác để vấn đề được thêm sáng tỏ.

A. THÔN XÓM – NHÀ CỬA – TRANG PHỤC – ẨM THỰC:
1. Thôn Xóm:
Trong bất cứ vùng nào trong ba vùng cư trú của người Chăm, có một số thôn xóm Chăm cộng cư với thôn ấp Việt, sống đoàn kết chan hoà nhưng lại không bao giờ hoà trộn lẫn nhau về mặt thổ cư cũng như bản sắc văn hoá. Họ giữ nề nếp riêng, lối sống riêng của cộng đồng mình do các lễ nghi tôn giáo và phong tục tập quán quy định. Chính những nề nếp riêng đó đã làm cho cuộc sống cộng đồng người Chăm lúc nào cũng “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nét đặc trưng nhất của thôn xóm Chăm là mỗi nhà lại nằm trong một khuôn viên rộng rãi, có hàng rào bao bọc xung quanh. Tất cả dãy nhà đều phải ngang hàng thẳng lối theo chiều nam – bắc và cửa ngõ đều được trổ ở góc tây – nam. Giữa hai dãy nhà như thế luôn luôn có con đường khá rộng, đủ cho 2 chiếc xe bò di chuyển ngược chiều(4). Do những vấn đề lịch sử, ngày hôm nay các thôn xóm Chăm thường cách xa đường lộ và cách xa biển.
2. Nhà cửa:
Trước đây (vào thập niên 40-50), hầu như tất cả nhà cửa Chăm đều được xây cất theo kiểu truyền thống. Đó là những thang yơ có đặc thù của loại nhà sàn.(mà sàn lại rất thấp, chỉ cách mặt đất khoảng 3, 4 tấc) luôn luôn quay về phía tây. Thang yơ có bề ngang hẹp và bề dài khá sâu để bố trí nhiều phòng. Thang gan Chăm hao hao giống như căn nhà ba gian của người Kinh nhưng luôn luôn quay về hướng tây như thang yơ. Còn Thang lơm giống như thang gan nhưng có đặc trưng là rất sang trọng, loại nhà của các phú gia hay các quan chức; mái thường lợp ngói (trong lúc thang yơ và thang gan thường chỉ lợp tranh) , dưới mái chính này lại có mái phụ bằng đất sét, chính vì thế mà thang lâm giữ độ ẩm rất tốt, mùa đông thì ấm áp, mùa hè thì mát mẻ. Sàn nhà thì làm bằng gỗ, thường là các gỗ quý. Toàn bộ những khuôn cửa cũng như khuôn lòng đều bằng gỗ cao cấp, được chạm trổ rất mĩ thuật. Thang lâm luôn luôn hướng về phía nam. Loại nhà thứ tư là thang tong là loại nhà khách luôn quay về phía đông là hướng của các thánh đường Hồi giáo nên không phải là nhà ở bình thường mà lại là “nhà mát” dùng để tiếp khách và làm nơi hội họp, sinh hoạt gia đình mà thôi. Tưởng cũng cần nói đến loại nhà thứ năm theo cụm nhà truyền thống là thang ging (nhà bếp) là một nhà hai gian (một gian dùng làm bếp núc, gian kia làm kho). Thang ging luôn luôn quay về hướng đông, đối diện với các nhà truyền thống thang gan và thang yơ.
Ngược lại người Chăm Nam bộ thì thường ở nhà sàn trong những làng gần bờ sông, rạch, kênh, mương. Còn Chăm Hroi thì chịu ảnh hưởng sâu đậm các sắc dân Tây Nguyên, đặc biệt là sắc dân Bana.
Hiện nay, ngay tại vùng chăm Ninh Thuận, nhà cửa có thay đổi nhiều. Đa số nhà được xây cắt theo kiểu hiện đại, kiên cố. Chỉ một số rất ít nhà theo kiểu mẫu nhà truyền thống được hiên đại hóa. Hầu hết các nhà ở Chăm không tuân theo nguyên tắc “hướng nhà” mà trước kia là rất quan trọng để đồng loạt quay về hướng đông, vừa đề tránh ánh nắng gây gắt của buổi chiều vừa để được hưởng gió biển của miền cực nam Trung bộ.
3. Trang phục:
Người Chăm rất tôn trọng trang phục truyền thống dân tộc nên mới có câu tục ngữ: “Bất hạnh cho dân tộc nào tìm cách thay đổi trang phục của mình”. Trong xã hội Chăm, hai hạng người tiêu biểu cho phong tục tập quán dân tộc là phụ nữ và chức sắc.
– Phụ nữ Chăm có trang phục giống như phụ nữ Mã Lai: Áo dài không xẻ tà và được chui qua đầu lúc mặc, mang váy (khơn) trắng, đội khơn hluh hoặc khăn nhjrơm truyền thống. Áo dài truyền thống không nắn eo như áo dài hiện nay. Sở dĩ có việc nắn eo này là do ảnh hưởng áo dài người Kinh ….
– Các chức sắc thuộc tôn giáo Bàni thì mang áo dài trắng, khăn trắng và đầu chít khăn trắng có viền đỏ với những “đắng ten đỏ. Các chức sắc Bàlamôn cũng mang y phục trắng tương tựa như chức sắc Bàni, nhưng có khác hơn ở một vài đặc điểm, nhất là cách gài nút lại ở phía hông bên phải (chứ không ở khoảng giữa như các chức sắc Bàni)
– Nam giới thì mặc áo tương tựa như áo bà ba, nhưng có cổ cao, nút thắt, xẻ tà và không có túi, mặc chăn (khơn) trắng, đầu chít khăn trắng có đăng ten (brwei) hoặc khăn màu (đối với bô lão).
Đối với người Chăm Nam bộ, trang phục phụ nữ cũng như Nam giới đã phải chịu ảnh hưởng sâu đậm của phong cách và văn hóa Á Rập, trong lúc Chăm Hroi lại bị lai căng phần nào với trang phục Bana.
4. Ẩm thực:
Chắc chắn là trước kia, người Chăm có rất nhiều món ăn lạ và sang trọng như các món ăn của những người thượng lưu và vua chúa, nay đã thất truyền. Hiện nay, người Chăm chỉ còn giữ lại những món ăn thông dụng như: Các món canh rất đặc trưng (gồm có canh măng non nấu với thịt gà, canh rau môn nấu với thịt trâu tơ, canh rau rừng nấu với loại ốc leo (abaw lingik), canh rau đắng nấu với thịt thỏ, canh rau tạp – bông bí, ngọn bí, bông mướp, ngọn mướp, rau nồng tơ – nấu với cá trê, canh bầu với cá nước ngọt). Đặc biệt người Chăm rất thích nấu canh rau rừng với bột gạo sền sệt có vị ngọt rất dịu (thay được các bột nêm hôm nay), dĩ nhiên có bỏ thêm cá. Các món nấu chua cũng rất đặc trưng vì là rất chua và đậm “chất Chăm”, khác hẳn với cách nấu ngọt của người Kinh. Xin đơn cử mấy món nấu chua đặc thù của người Chăm là: cá nước ngọt nấu chua lá me, cá khô và cá nước ngọt nấu chua trái me chín có thêm gạo trắng (hay gạo lức càng tốt); cá trầu nấu chua với lá me non, thêm gạo trắng; các món thịt như thịt gà, thịt thỏ rừng, chim rừng nấu chua lá me hoặc lá giang đậm đà hương vị (đặc trưng của các món lẩu hôm nay). Rất thiếu sót nếu không nhắc đến các món ăn có tính cách “gu” riêng của dân tộc là “ia mưnut”, loại canh chua có bỏ thêm bột gạo rang, do nước luộc của dê, trâu. Tục ngữ Chăm:
“ Ia mưnut palei Padra, Ia bai nhjơm bwa palei Hamu Tanran”.
( Canh chua ia mưnut Như Ngọc, canh môn Hữu Đức)(5).

B. DI TÍCH LỊCH SỬ
Những du khách xuôi ngược trên con đường Thiên lý Bắc –Nam đều nhận thấy một vài ngọn tháp cổ sừng sững áng ngữ các ngọn đồi trọc giữa những cảnh đẹp hùng vĩ của Miền trung. Đó là những vết tích xa xưa của Chiêm Thành. Dọc duyên hải miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận, nơi người Chăm cư trú trước đây đều để lại những dấu tích có thể là những nền thành cũ, có thể là những cổ luỹ, nhưng thông thường chúng ta đối diện với những ngọn tháp rêu phong cổ kính bị thời gian và con người tàn phá nặng nề, nay đang được trùng tu lại. Nếu làm một cuộc hành trình từ Bắc vô Nam, chúng ta sẽ bắt gặp các di tích:
– Tại Quảng Bình: “ Phế thành Lâm Ấp” (Lâm Ấp cổ thành) là vết tích thành cũ của người Chăm cổ tọa lạc tại xã Trung Ái, huyện Bình Chính. Nơi đây, chúng ta còn tìm thấy “Luỹ cũ Hoàng sơn” (Hoàng sơn cổ luỹ) là biên giới giữa Lâm Ấp và Đại Việt(6).
– Tại Quảng Trị: “Cổ thành Quảng Trị” cũng là di tích lâu đời và nổi tiếng của người Chăm được mọi người biết đến.
– Tại Thừa Thiên: có thành Khu túc ở phía nam sông Hương, vào khoảng giữa Nguyệt Biều và chỗ hợp lưu của sông Phú Cam(7). Tại Thừa Thiên cũng có một tháp cổ Chăm đổ nát mới được phát hiện tháng 4-2001 tại xã Phú Diên, nay đã được trùng tu lại. Tháp Phú Diên có niên đại khoảng thế kỉ thứ VIII.
– Tại Quảng Nam: Đây là trung tâm văn hóa chính trị của Champa cũ nên chúng ta bắt gặp nhiều ngọn tháp đồ sộ và đa dạng nhất như: Thánh Địa Mĩ Sơn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên cách Đà Nẵng 70 km về hướng tây nam) là cụm tháp gồm 71 ngôi tháp, đã sụp đổ khoảng 50 , nay chỉ còn 21 tháp, do sự tàn phá của thời gian và con người. Thánh địa được xây dựng từ thế kỉ thứ VIII, và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Đồng Dương là di tích kinh đô Champa, nơi ghi nhận sự phát triển và thịnh hành của phật giáo Champa (thuộc huyện Thanh Bình) được xây dựng từ thế kỉ 9. Trà Kiệu tức kinh đô Indravarman từng vang tiếng một thời của châu Amaravati, được xây dựng vào thế kỉ thứ 4 nay chỉ còn thấy dấu vết của thành quách cũ (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên); tháp Bằng An, toạ lạc tại xã Duyên Hồng, Huyện Điện Bàn, cách Đà Nẵng 30 km về phía nam, là một ngôi tháp xây dựng vào thế kỉ XII, theo hình bác giác rất độc đáo; tháp Chiên Đàn tọa lạc ở xã Tam An, thị xã Tam Kì, cách Đà Nẵng 6 km về hướng Nam; đây là cụm tháp đẹp gồm 3 ngôi tháp có niên đại là thế kỉ thứ XI. Tháp Khương Mĩ cũng là cụm tháp đẹp ở xã Tam Kì, Huyện Mĩ Thanh, cách Đà Nẵng 70km về hướng Nam ( cách thị xã Tam Kì 2 km) gồm 3 ngôi tháp với kiến trúc tân kì, xây dựng vào THế Kỉ thứ 10.
– Tại Bình Định: Đây cũng là trung tâm văn hóa chính trị lớn thứ hai của Champa, được hình thành thủ đô Sribanưy (Đồ Bàn) vào năm 1000. Có nhiều tháp đẹp được tìm thấy ở thủ đô cổ này như: Tháp Bạc (còn gọi là tháp Bánh Ít) tọa lạc tại xã Nhơn Hòa, huyện An Nhơn, cách Qui Nhơn 18 km về hướng Bắc. Cụm tháp này được xây dựng vào thế kỉ thứ XI trên một ngọn đồi cao, nên từ xa trông rất hùng vĩ; tháp Bình Lâm tọa lạc tại thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà, huyện Trung Phước, cách Qui Nhơn 25 km về hướng Đông Bắc được xây dựng vào thế kỉ thứ XI; tháp Cánh Tiên và thành Chà Bàn còn gọi là tháp Đồng hay tháp con Gái được xây dựng vào Thế kỉ thứ XII tọa lạc tại thôn Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, cách Qui Nhơn khoảng 27 km về hướng Bắc. Đồ Bàn là thành đô lớn của Champa sinh hoạt thịnh vượng cho đến năm 1471, năm chiến thắng của vua Lê Thánh Tôn; tháp Thốc Lốc (còn gọi là Tháp Vàng được xây dựng thế kỉ thứ 12 thuộc xã Nhơn Thận, huyện An Nhơn, cách Qui Nhơn 30 km về hướng bắc; tháp Thủ Thiện tọa lạc tại xã Thủ Thiện, huyện Tây Sơn cách Qui Nhơn 30km về hướng bắc được xây dựng vào thế kỉ 12 ; Tháp Dương Long (còn gọi là Tháp Ngà) gồm 3 ngọn tháp đẹp nhất của khu vực Bình Định, chạm trổ rất độc đáo được xây dựng vào thế kỉ XII. Cụm tháp này thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Tây Sơn, cách Qui Nhơn 40 km về hướng tây bắc; tháp Hưng Thạnh hay tháp đôi tọa lạc tại Đống Đa thuộc thành phố Qui Nhơn, được xây dựng vào thế kỉ XII.
– Tại Phú Yên: từ quốc lộ số 1 tại thị xã Tuy Hoà, du khách có thể trông thấy ở phía đông một ngôi tháp đồ sộ trên một ngọn đồi cao đó là Tháp Nhạn. Đây là một ngôi tháp đẹp được xây dựng vào thế kỉ thứ XI.
– Tại Khánh Hoà: trên một ngọn đồi không lớn cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 2 km về hướng bắc, sát quốc lộ số Một, là ngọn tháp Ppo Nagar nổi tiếng. Tháp được xây dựng vào thế kỉ thứ XI để thờ bà mẹ xứ sở Ppo Inư Nưgar.
– Tại Ninh Thuận: nằm sát quốc lộ số Một, thuộc địa bàn xã Tân Hải cách TP Phan Rang 14 km, du khách có thể ghé thăm cụm tháp Hòa Lai, còn gọi là Ba Tháp (nay chỉ còn 2 tháp) mà người Chăm gọi là Yang Pakran. Tháp được xây dựng vào thế kỉ thứ VIII nên có vẻ cổ kính và hoang tàn; tháp thứ hai là Tháp Ppo Klaung Garai, được xây dựng vào cuối thế kỉ XIII đầu thế kỉ XIV trên Đồi Trầu (Bbwơn Hala) cách TP Phan Rang 7 km về phía tây. Đây là một trong những ngọn tháp đẹp nhất của người Chăm; nơi đây thường diễn ra định kì hàng năm lễ hội Katê hoành tráng của người Chăm Ninh Thuận; Tháp Ppo Rome được xây dựng vào thế kỉ XVII , là giai đoạn cuối cùng của nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm. Tháp tọa lạc phía tây palei Thon (Hậu Sanh) huyện Ninh Phước trên một ngọn đồi xinh xắn, cách TP Phan Rang khoảng 14 km về hướng tây nam.
– Tại Bình Thuận: du khách tìm thấy trước hết là Tháp Po Dơm được xây dựng trên một ngọn núi đá cách ga Sông Lòng Sông 2 km hướng đông bắc huyện Tuy Phong. Cụm tháp gồm 6 tháp nhỏ đang trong tình trạng đổ nát và được nghiên cứu trùng tu lại. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỉ thứ IIIV và đầu thế kỉ thứ IX, theo phong cách Hoà Lai; tháp Phú Hài (tiếng Chăm Pajai) cách trung tâm TP Phan Thiết 7 km, về hướng đông bắc để thờ Ppo Xah Inư (người chăm thường gọi tháp Ppo Xah Inư) tháp này được xây dựng rất sớm, vào thế kỉ thứ VIII, theo phong cách kiến trúc Khmer(8).
Ngoài 20 ngọn tháp và cụm tháp nói trên du khách có thể tìm thấy 2 ngọn tháp nữa ở Tây Nguyên, một là tháp Yang Mum ở huyện Cheo Reo tỉnh Gia Lai, cách Pleiku 50 km về hướng đông nam và tháp Yang Prong ở tỉnh Dak Lak.

*
Tagalau 09.

One thought on “Nguyễn Văn Tỷ: Khái quát về văn hóa Chăm 1/2

  1. 1. Thang gan có phải là tên khác của Thang mưyâu không.
    2. Em hỏi chị hướng dẫn tại khu nhà người Chăm thì chị ấy nói Thang tông là nhà dành cho ông bà. Không biết ai đúng.
    3. Chỗ thờ cúng của người Chăm ở nhà nào.
    P/s: Hồi âm cho em nhé. Em đang phải làm bài về nhà của người Chăm.
    Xin chân thành cám ơn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *