Ngôn ngữ – sự ngộ nhận

Nhà thơ Indonesia Zamzam Noor, lúc nhìn mặt người thì đeo kính nhưng khi đọc sách anh lại giở kính ra. Tôi hỏi sao thế: anh bảo con chữ thì vô tư, con người biến ảo khôn lường, cần phải nhìn thật kĩ mới phân biệt chân/giả. Anh triết lí thế.
Tôi đùa anh rằng: Sara ngược lại, nhìn con người với con mắt trần – con người ở đâu cũng vậy thôi, mờ mờ nhân ảnh, mình cũng nên như vậy để còn sống với nhau, chứ nhìn kĩ quá thì chỉ có nước lên núi mà tu –, còn ngôn ngữ, phải soi thật kĩ: lắm hố hang khôn lường. Mỗi người dùng chữ với mục đích của mình, xáo trộn chữ nghĩa, lật lọng, bóp méo,… Ở đâu cũng vậy. Dân tộc nào cũng thế. Albert Camus nói: Khi một nhà văn Pháp khen một nhà văn nào đó, chớ có tin: anh/chị ta muốn chê một nhà khác đấy!
Kể chuyện trên, tôi muốn nêu cách dùng từ, hiểu từ.

Ngôn ngữ luôn gây ngộ nhận, phiền là chỗ đó. Chúa hành hạ loài người khi tạo ra nhiều tiếng nói để họ không hiểu nhau. Nhưng ngay cả khi họ chung tiếng mẹ đẻ, chắc chi đã đả thông nhau!
Nhớ, khi lần đầu in thơ tôi, Tạp chí Thơ ở Mỹ đã thay chữ “xâm canh” bằng “thâm canh”. Xâm canh, là từ chỉ người làng này làm ruộng thuộc vùng làng/xã khác, nhưng ruộng đó vẫn là sở hữu của mình. Người Việt sống ở Mỹ trước 1975 khó nhận ra nghĩa đó, nếu không chịu tra từ điển mới.
Hay trong ngành xuất bản, từ “liên kết” và “đặt hàng”. Một tác phẩm muốn được nhà xuất bản tài trợ in, thì phải xếp hàng chờ. Riêng hội viên Hội Dân tộc thiểu số thì chờ mất năm năm mới in được một cuốn. Tôi đã từng chờ như vậy. Cuốn nào được Nhà xuất bản bỏ tiền ra in, bìa 4 được ghi “Sách do Nhà nước đặt hàng”. Còn nếu nóng lòng muốn in sớm, tác giả phải chi tiền túi ra thì được kêu “sách liên kết”. Lạ chưa!?
Ví dụ khác: “phản động” có hai nghĩa: 1. chống lại chính quyền, 2. phản lại sự tiến bộ hay tinh thần cấp tiến. Vậy mà lâu nay thiên hạ cứ hiểu theo nghĩa thứ nhất. Do đó ít ai dám dùng từ phản động!

One thought on “Ngôn ngữ – sự ngộ nhận

  1. Đọc bài này mình bỗng chợt nhớ đến một câu rất hay của người TQ xưa :
    ” Trong chữ có ma ”
    ngẫm ra rất đúng, ngôn ngữ không chỉ gây ra sự ngộ nhận mà còn biến hoá muôn hình ngàn tướng đến mức chẳng còn biết đâu là thật , giả …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *