Nhập cuộc và hi vọng

Mùa xuân năm 1998, trong buổi nói chuyện về thơ tại Thư viện Tỉnh, sau khi lờ qua được một bạn thơ nữ câu hỏi: nhà thơ nhận định như thế nào về nền thơ Ninh Thuận, tôi đã bị một thính giả vặn lại: đề nghị anh trả lời thẳng vấn đề. Túng thế, tôi nói bừa: chưa có khuôn mặt thơ thật nét, chưa có tác giả thì làm gì có nền? To tát quá không!
Đúng ba năm sau, ban biên tập Tạp chí Văn nghệ – Ninh Thuận gợi ý tôi viết về cái được và chưa được của văn nghệ tỉnh Ninh Thuận.
Như vậy đó, lại phải có ý kiến!

Không hiểu xuất phát từ đâu và từ khi nào nơi chúng ta hình thành thông lệ rằng chỉ gọi là nhà thơ, nhà văn khi người sáng tác là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Còn lại thì không. Buồn cười không kém là có sự phân cấp nhà thơ trung ương/địa phương. Rồi khi nhà thơ trung ương về địa phương thường đưa những nhận định với giọng điệu trên ngó xuống rất khệnh khạng. Khen một ít, chê một ít. Và cuối cùng là: có nhiều cố gắng.
Để tránh cho mình cái “khệnh khạng lố bịch nhà ma” (từ của Bùi Giáng) kia, tôi muốn xem (và mong bạn đọc cùng xem) bài viết này như một lập biên bản về hiện trạng thơ Ninh Thuận, chứ không như bài lý luận phê bình, càng không phải bản tổng kết nhận định.
Ninh Thuận mạnh về thơ, đó là nhìn ở bề nổi. Trong lúc khiêm cung và lặng lẽ, văn xuôi chúng ta có những bước đi chậm mà chắc. Ít ra từ lực lượng này, văn xuôi Ninh Thuận có được một tác giả của nhiều đầu sách. Tôi muốn nói đến Xuân Thông. Vẫn sáng tác đều đặn cả ở tuổi hưu. Sau đó là các tên tuổi: Tô Nghĩa, Lê Anh Lợi, Kông Đản, Bích Hà… có truyện, kí đăng rải rác. Rất tiếc, chưa thấy sáng tác nào của các tay viết này xuất hiện ở báo trung ương.
Nhưng dẫu sao những người yêu văn xuôi Ninh Thuận còn được an ủi ở khoản vài bản dịch truyện ngắn nước ngoài được đăng lại trên tạp chí của Hội, để người đọc tỉnh nhà còn thưởng lãm, học tập.

Riêng thơ, chưa có được vinh dự đó.
Không hiểu bởi đâu đã qua hơn 40 số Văn nghệ rồi mà vẫn chưa một bài thơ dịch nào, một chân dung thơ quốc tế nào có mặt trên báo tỉnh nhà? Dù dân Ninh Thuận rất yêu thơ. Hôm nay đang có cả một đội ngũ sáng tác kha khá, đủ để làm nên đêm thơ cuốn hút, tập thơ có tiếng vang hay nổi lên vài khuôn mặt thơ xuất sắc. Tại sao thơ chúng ta vẫn chưa bay?
Tự do sáng tạo của nghệ sĩ và trách nhiệm công dân, cá nhân và cộng đồng, chất dân tộc và tính hiện đại, trì nặng mặt đất và phiêu lãng bầu trời… Các phạm trù đối lập song hành tồn tại trong tâm hồn kẻ sáng tạo. Anh luôn phải chịu sự ma sát của chúng: đau đớn, chia xé, vụn vỡ… và anh dễ bị đẩy vào mê hồn trận của định kiến, lệch lạc nguy hiểm. Hoặc anh sa lầy trong nỗi ngây thơ, ngô nghê, bản năng, cảm tính… hoặc anh hỏng chân trong trừu tượng vô lối, hũ nút, bí hiểm, hình thức, hậu hiện đại học đòi… Cho đến khi anh tiêu hóa chúng, thăng hoa chúng để làm thành phong cách, giọng điệu của riêng anh.
Đừng nhầm mãi khư khư ôm lục bát, Đường luật, tám chữ là giữ được truyền thống. Xuân Diệu đã chẳng bị chê lai Tây là gì? Nhưng chính Xuân Diệu lại phản bác lối thơ không vần của Nguyễn Đình Thi không phải thơ. Chỉ qua hai mươi năm của thời gian!(1) Làm như cứ ở lại với vần vè êm tai là dân tộc. Khi chúng ta lặn thật sâu vào nền văn hóa dân tộc, yêu và hiểu biết tinh tế ngôn ngữ dân tộc, luôn mang tâm cảm dân tộc thì dù bất Kì chúng ta sống ở đâu, sáng tác bằng thể thơ nào, viết về đề tài gì, hồn dân tộc, hơi thở cuộc sống vẫn cứ nóng hổi trong mỗi trang viết của chúng ta. Chứ không cứ đậm đà bản sắc dân tộc đầy mơ hồ để tự vuốt ve một cách đáng buồn.

Giở lại tập Da diết sông DinhKhoảng trời quê hương(2), người đọc luôn đụng phải đề tài, các thể thơ quen thuộc, không hiếm lần bắt gặp những bâng khuâng, da diết, quyến luyến, lưu luyến, bơ vơ, cô liêu, nỗi nhớ, lúng liếng, xao xuyến vân vân và vân vân. Thử lật một trang bất chợt để lẩy ra một tác giả ngẫu nhiên. Bên cạnh bài thơ với câu thơ sáo mòn, chuệch choạc: Tiếng sóng vỗ nghe buồn hơn da diết,… chúng ta có ngay một bài ngắn tươm tất. Dù tứ thơ không mới, nhưng nếu người viết chịu gia công thì hẳn nó sẽ ra một bài thơ xinh xinh. Đằng này:

Em tránh cô đơn nép vào anh tin cậy
Ta nép vào nhau suốt cả cuộc đời
.
Người ta trốn cô đơn, chạy trốn cô đơn – ai lại tránh cô đơn? Hay người viết tiếc rẻ từ “tránh” được dùng khá thích ở câu đầu? Kẻ sáng tác bản lĩnh có thể ném đi cả bài thơ, thậm chí cả tập thơ rút ruột đẻ ra và đã từng yêu thích nó, nói chi chỉ một từ – một tứ sẵn sàng làm hỏng cả bài thơ! Nữa! Từ “nép”. Cái đắt của “nép” trên không cứu vãn nổi cái hỏng ở nép dưới. Em nép vào anh suốt cả cuộc đời thì còn nghe được, ai lại ta nép vào nhau? Vừa yếu đuối vừa bất khả. Chỉ cần thay bằng “tựa” thì cả bài thơ mạnh khỏe lên.
Ôi, cái nghề thơ lắm công phu là vậy!

Mặc cảm sắc tộc, tỉnh lẻ, chưa là hội viên là thừa.
Quyết định sự lớn/bé của nghệ thuật là ở tài năng và sự dấn thân hết mình cho nghệ thuật. Nó lệ thuộc rất ít hoặc không lệ thuộc gì cả vào các phạm trù ngoài rìa(3).
Hãy nhìn sang tạp chí Cửa Việt của Quảng Trị. Và thử điểm danh đội ngũ thơ của đất nghèo Quảng Ngãi! Đứng vững nơi mảnh đất mình đứng, thu phối mọi tinh khí của trời đất nơi mình đang sống, vận dụng tất cả nguồn nội lực tiềm ẩn để sáng tạo. Và chỉ sáng tạo.
Bao giờ vượt qua được mặc cảm bé nhỏ, chúng ta mới có thể lớn. Biết đâu chính không khí tỉnh lẻ tách biệt, bản sắc dân tộc thiểu số của Ninh Thuận lại cống hiến cho nền thơ Việt Nam tương lai một giọng mới lạ, độc đáo và đầy lôi cuốn.
Mặc dù sáng tác là công việc của cá nhân, cưu mang và sinh nở một mình, nhưng sự giúp đỡ của Hội là rất cần thiết, nhất là đối với các người viết ở vùng sâu, vùng xa đang gặp nhiều khó khăn về đời sống, về thông tin văn học – nghệ thuật trong nước và quốc tế, về gặp mặt trao đổi…
Thành công của tờ tạp chí được đánh giá ở các tên tuổi lớn, các sáng tác giá trị góp mặt thì ít, mà ở phát hiện khuôn mặt mới, ở làm nền đất cho con chim lạ tung cánh nhiều hơn. Nhưng dường như cả hai khía cạnh này, chúng ta đáng thiếu, thiếu lớn.
Thi thoảng lắm chúng ta mới được một Vũ Hạnh hay một Hồng Diệu ghé thăm. Còn mình thì cây nhà lá vườn với nhau. Khuôn mặt mới, chúng ta chỉ mới có một Nguyễn Vĩnh Nguyên, nhưng không phải Văn nghệ Ninh Thuận khám phá hay bồi dưỡng. Một Thục Linh nữa.

Thục Linh (sinh 1983) ra mắt tập thơ đầu tay vào năm cuối cấp Trung học. Bằng giọng thơ êm mượt đạt chuẩn “cổ điển” khá cao, nhiều bài đậm dấu ấn không gian thẩm mĩ quê hương, Thục Linh hứa hẹn khả năng thơ được mong đợi.

Ánh nắng mỏng đậu trên cánh chuồn chuồn
Mẹ qua sông một ngày bạc áo
Giọt mồ hôi khóc tuổi xuân tần tảo
Lục bình trôi tím cả khúc ca buồn.

Mẹ chất bao hy vọng vào quang gánh
Suốt đường dài chỉ còn những nỗi đau
Cơn mưa đêm không ướt bằng nước mắt
Gió tiễn mẹ qua sông chẳng có cầu
.

Vết nẻ bàn chân bám vào cát bỏng
Mẹ bước đi bằng sức mạnh xương rồng
…(4)
Tuy vậy, đọc xong Thời gian qua tay, tôi cứ nơm nớp lo sợ cây viết mới này nguy cơ rơi vào đại cà sa kể lể. Dừng ngay thôi, bạn thơ trẻ ạ! Phải học biết giú mình (giú mình không phải là không xuất hiện) để chuẩn bị cho một bứt phá quyết liệt ở hôm sau.

– Khác Thục Linh, Nguyễn Vĩnh Nguyên (sinh 1970) là tay viết báo sắc sảo đồng thời là một kẻ làm thơ chịu tìm tòi trong cách thể hiện. Chưa có thi tập, nhưng mấy chục bài thơ đăng rải rác trên các báo giấy, báo điện tử hai năm qua, cũng gây được sự chú ý đáng kể với bạn đọc ngoài tỉnh. Một tài năng thơ, tôi tin thế! Thử trích một đoạn:

THỨC ĂN CỦA ĐÔI MẮT(5)

đôi mắt
ăn bóng đem không đủ
đôi khi muốn nuốt chửng tôi
theo cách của nó.

mỗi ngày
trôi theo từng mặt báo, khung hình, email, website, bảng hiệu
trôi đi những con đường, góc phố, mặt người, tiếng nói, thịt da
bội thực thông tin

giấc ngủ là đường dao bén lướt khuyết trong đêm
và ăn lẹm sang ngày(…)

cứ thế
cả một đời nhìn thấy/ một đời im tiếng
ngày nọ đến ngày kia
cũng đến khi
lũ chúng tôi lấy đôi mắt của chính mình dọn lên bàn nhậu
.

Bùi Đức Tú (tức Tú Nhật – sinh 1961), năm 2002, cũng kịp cho ra đời tập thơ dày dặn kèm cả Các lời bình của vài nhà văn uy tín: Thời gian. Thơ anh thuộc phái cổ điển và mô phạm thuần túy, có lẽ.

Nguyên Vi (sinh 1960), nổi bật hơn cả thời gian qua. Nỗi chiều Kinh Kha(6) của anh ra đời được coi là một sự kiện lạ trên thi đàn Ninh Thuận. Lạ, không phải ở tên tuổi anh (quá quen thuộc) mà ở cách anh xuất hiện: hơn 20 năm làm thơ, mãi quá tuổi nhi bất cập mới chịu in thơ!

Ta như hòn sỏi nhỏ
Giữa đại dương cuộc đời
Đang tìm phương trả nợ
Hái lượm thơ – nên người
!
Không lang bạt như Nguyễn Vĩnh Nguyên hay Inrasara, Nguyên Vi trụ tại quê nhà, cặm cụi hái lượm thơ – miệt mài rồi cũng có được tập thơ dày dặn, đáng bàn.
Thế thôi! Dù Thục Linh, Nguyễn Vĩnh Nguyên hai lần nhận giải thưởng thơ báo Văn nghệ trẻ với tạp chí Sông Hương; hai khuôn mặt này vẫn còn quá trẻ: tuổi đời lẫn tuổi văn. Nên, vẫn cứ là những hứa hẹn.

Trong thời đại thừa thông tin này, chúng ta lại đang thiếu thông tin. Tập thơ tự xuất bản của các nhà thơ tên tuổi không thấy bày bán ở hiệu sách. Người ta in thơ để biếu tặng là chính. Khi chúng ta ít giao lưu, trao đổi thì lấy ai biết mà tặng. Thư viện tỉnh cũng không mặn mà lắm với thơ, nhất là xu hướng sáng tác mới. Chúng ta không biết thiên hạ đứng ở đâu, thế giới đã đi đến đâu để mà so đo, mà định hướng phấn đấu thì làm sao có thể nhích lên?
Chúng ta không đăng lý luận phê bình hay chưa có bài hay để in? Không in thơ dịch hay chưa có dịch giả uy tín đảm trách? Không in thơ hiện đại (tôi chưa nói thơ hậu hiện đại) hay Ninh Thuận chưa nẩy nòi thi sĩ có xu hướng cách tân? (2 truyện ngắn của Inrasara được Văn, Văn nghệ đăng trong lúc Văn nghệ tỉnh nhà thì cứ an toàn từ chối).
Sông Hương, Nha Trang… làm được, tại sao chúng ta không? Chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng chăng? Không đăng những sáng tác mang tính khai phá thì làm sao có hy vọng phát hiện? Không sáng tạo có tính khuynh hướng thì phong trào cứ dậm chân ở tản mác, rời rạc, manh mún. Trách ai!
Khi Trường thơ loạn manh nha ở đất Bình Định thời Tiền chiến, có ai dám nghĩ rằng nửa thế kỷ sau chính phong trào thơ ở đất nghèo này đã khẳng định vị trí cao vượt của mình trong nền thơ Việt Nam. Tại sao chúng ta không có quyền tham vọng?

*
Và cuối cùng, đâu là bản sắc dân tộc thiểu số trong Văn nghệ Ninh Thuận? Đâu phải cứ viết về tháp, về vũ nữ Apsara, cây xương rồng… hay đưa được ginang, xaranai vào thơ, nhạc là đinh ninh rằng chúng ta đã đậm đà bản sắc dân tộc Chăm. Đoàn Văn Công đạt nhiều huy chương trong đó Đoàn bán chuyên Chăm góp một phần khá lớn; Câu lạc bộ nhiếp ảnh nhanh nhậy chớp được những thoáng nháy của cuộc sống dân tộc, mấy năm qua đã đạt những thành tích không ngờ. Văn chương thì thế nào?
Mỗi Kì báo có được mỗi sưu tầm văn học dân gian Chăm chỉ để làm gia vị thôi sao? Một sưu tầm không ai kiểm chứng. Ví dụ số mới nhất của Tạp chí ở mục này đã có sai lầm rất cơ bản. Sai ở ngay tiêu đề: “Thành ngữ Chăm nói về thời vụ lễ nghi”. Làm gì có chuyện thành ngữ nói về? Trong sáu câu, có đến năm câu là tục ngữ, một là ca dao. Và cái một này chúng tôi nghi là sáng tác mới chứ không sưu tầm gì cả.
Có cần thiết đăng thêm các sáng tác bằng ngữ Chăm?

Dân tộc Champa đã dựng nên nền văn học truyền thống lâu đời và độc đáo. Nhưng sau hai thế kỉ biến cố lịch sử qua đi, khi người Chăm đã hòa nhập vào cuộc sống chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, nhu cầu sáng tạo và thưởng thức văn học nghệ thuật ở cấp độ cao vẫn còn tồn tại nơi dân tộc này – đó là cái chúng ta vẫn chưa thực sự nhận biết. Tại Ninh Thuận, trước 1975, Chăm có hai tập san của/cho cộng đồng: Panrang và Ước vọng; nhưng sau đó, đình bản. Và các cây viết Chăm cũng im hơi lặng tiếng.
Vài năm trở lại đây, Tagalau – tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu Chăm(7) ra đời, đáp ứng phần nào nhu cầu đó. Qua ba kì Tagalau, vài khuôn mặt mới xuất hiện và khẳng định. Dù Tuyển tập chỉ được phát hành trong phạm vi nhỏ hẹp ở vài tỉnh có đồng bào Chăm sinh sống, nhưng thực tế nó đã góp được một tiếng nói nhất định.
Điều đáng mừng là người viết Chăm hôm nay biết sáng tác trực tiếp bằng cả hai thứ tiếng: Việt và Chăm. Hiện tượng này làm phong phú lối nghĩ, lối viết của các tác giả dân tộc thiểu số đồng thời đóng góp tích cực bản sắc vào vốn ngôn ngữ-văn chương chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thử điểm danh vài cây bút tiêu biểu:

Trầm Ngọc Lan (sinh 1955) được xem là thi tài bộc lộ sớm ngay vào những năm đầu Trung học, sau 1975, anh ẩn mình. Xuất hiện trở lại cùng với Tagalau, Trầm Ngọc Lan là một trong vài cây bút chính của Tuyển tập. Tài hoa cả trong thơ lẫn văn. Thơ anh dồi dào cảm xúc, một cảm xúc trên nền tình yêu thắm thiết dành cho quê, cho mẹ, cho con, cho anh em, bè bạn.

những đứa con hoang xa
nhớ quê mò về
đứng bên bờ kênh Bắc
nhìn cây quao già
quê hương tôi đây rồi…
Suối Tre
khi tôi sinh ra chẳng có một bụi tre
đã thành hoài niệm
hai thánh đường lúc nào cũng nhìn nhau hằn học
Mohamed buồn

Nhịp thơ chậm, giọng thơ buồn được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ điêu luyện, nên thơ anh rất dễ đến với người đọc.
Giọng văn anh qua truyện ngắn “Chân dung đồng một vụ”: tưng tửng mà lôi cuốn, có vẻ bất cần mà đẫm tình. Chỉ bằng vài nét phác sơ sài, vài đoạn đối thoại ngắn, vài quan sát như lối nhìn trẻ thơ, anh đã vẽ được chân dung của một làng quê Chăm vừa cũ vừa hiện đại, nửa như yên ắng nửa muốn làm sôi động giả tạo trong buổi giao thời nhưng cứ đặc chất Chăm. Đây là lối tiếp cận hiện thực khá hiện đại.

Trà Vigia (hay Yamy sinh 1957). 16 tuổi đã có thơ đăng ở Nội san Panrang. Thơ Trà Vigia giàu chất suy tưởng, luôn ý thức tìm tòi, làm mới thơ. Anh như đang cố vượt thoát khỏi vùng sương mù tiềm thức lẫn tù túng của ngữ ngôn, để tìm đến ánh sáng trong trẻo riêng mình.

Đường về plây
Dẫu tháng ngày trôi nổi liêu xiêu
Vẫn nhịp đều chân bước
Lơ láo đám học trò xắn quần lội nước
Đuổi con cá lòng tong nháo nhác lạc bầy
Niềm vui hôm nay trang vở chữ đầy
Niềm tin mai sau trang đời yên ả…
Dẫu miếng cơm còn nhiều vất vả
Tuổi hồn nhiên tay cứ nắm bàn tay.

Đường về plây
Cồn cào hoài niệm bạc màu nỗi nhớ
Nặng bước người đi chức nặng lòng kẻ ở
Lũ bạn bè ai kẻ sống người còn
?!(8)
Trà Vigia vừa viết truyện ngắn, bút kí văn học vừa viết tiểu luận văn chương, nhất là văn chương Chăm cổ điển. Sức tưởng tượng bay bổng, chi tiết ngồn ngộn nửa như lấy từ thực tế cuộc sống nửa như từ cõi mơ hồ nào đó, chúng cư trú trên lằn ranh giữa thực và mộng, lồng ghép, quấn quyện đến không biết đâu mà lần. Thế mà nó cứ thực, thực còn hơn hiện tiền xảy ra hàng ngày quanh ta. Hiện anh có bản thảo tập thơ, tập truyện ngắn chưa in.

Trà Ma Hani (sinh 1948). Cây viết nữ có bản thảo tập thơ: Em, hoa xương rồng và nắng, đoạt Giải B trong cuộc thi thơ 2 năm 2001-2002 của Nhà xuất bản Kim Đồng, là một giọng thơ viết cho thiếu nhi đáng ghi nhận. Một bài thơ tiêu biểu:

BẠN BANA Ở LÀNG CHĂM

Tôi hỏi bạn từ đâu về đây
Bạn lắc đầu không biết – không nhớ tên làng
– chỉ nhớ tên mẹ – nhớ tiếng Bana.

Tôi hỏi bạn tại sao về đây
Bạn lắc đầu không biết – chỉ nhớ mẹ đã mất – nhớ bà đã mất

Bạn lặng lẽ nhìn tôi – đôi mắt bạn tròn đen ngấn nước
Tôi không còn hỏi nữa từ đâu, tại sao.

Tôi biết bạn đang ở đây, nơi này – trong bàn tay mẹ Chăm
– đã năm năm – sẽ nhiều năm nữa – trong vòng tay dịu hiền plây mới

Bạn lặng lẽ nhìn tôi – trong mắt bạn long lanh nắng ấm(9).

Ngoài ba cây bút vừa kể, Tagalau còn là đất để các người viết trẻ Chăm tiếp tục thể hiện mình: một Bá Minh Trí đoạt giải thơ Bút Mới lần thứ V của báo Tuổi trẻ, hay sau này: Thạch Giáng Hạ,… xuất hiện đều đặn qua mỗi số Tagalau. Hy vọng đó sẽ là những khuôn mặt độc đáo đóng góp phần mình vào văn học đất nước hôm nay và ngày mai.

*
Vài điểm danh sơ bộ, ghi nhận các nỗ lực của các bạn thơ xuất thân nông thôn, trung thành ở lại hay đã vượt thoát khỏi thân phận thi ca tỉnh lẻ. Những khuôn mặt còn khá khiêm tốn. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng đã rất cố gắng. (Xin lỗi tôi lại dùng đúng cụm từ nhà thơ trung ương giả định ở trên).
Cuộc sống rậm rạp bộn bề. Người viết phải lăn xả lo toan cho cuộc sống. Chúng ta tạm dẹp văn chương chữ nghĩa sang một bên để dự phần vào cuộc chiến sinh tồn. Quên văn chương đi mà lo cho sự ấm êm của thân xác. Cho đến khi cuộc sống vứt ta vào xó cùng của nỗi cô đơn kinh khiếp hơn, sâu thẳm hơn; ngồi một mình trong bóng tối mặc cho nỗi cô đơn gặm nhấm, chúng ta chợt nhớ mình như bỏ quên một cái gì đó lạ mà quen, xa xôi mà rất gần gũi. Để từ đáy hồn ta bỗng bùng ra một cuộc nổ kinh hoàng, lay động tận sâu thẳm tiềm thức ta. Và như không tự ý thức, trên bờ môi ta chợt vỡ ra một tiếng nói giản đơn nhưng quyết liệt: tôi phải viết.
Chỉ lúc đó thôi niềm hy vọng của chúng ta – cùng với sự nâng đỡ tinh thần của bạn văn chân thành, và dĩ nhiên cả sự giúp đỡ của Hội – sẽ được đốt cháy trở lại, chói sáng hơn, vạm vỡ hơn.

Sài Gòn, 1999, viết lại vào tháng 10.2004.
*
Vài năm gần đây, Ninh Thuận có vài thay đổi quan trong, trong đó sự xuất hiện của thơ Lê Hưng Tiến là rất đáng kể.
_________________________________
Chú thích
(1) Da diết sông Dinh (thơ in chung), Sở Văn hóa – Thông tin – Hội Văn nghệ Ninh Thuận xuất bản, 1999. Khoảng trời quê hương, (thơ in chung), Sở Văn hóa – Thông tin – Hội Văn nghệ Ninh Thuận xuất bản, 2001.
(2) Xem thêm: “Cuộc tranh luận về thơ Nguyễn Đình Thi ở Việt Bắc”, báo Thơ, quý I.2003.
(3) Xem thêm: Inrasara, “Sáng tác văn chương Chăm hôm nay”, Tagalau1, Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiếu số Việt Nam, 2000.
(4) Thục Linh, Thời gian qua tay, Hội Văn nghệ tỉnh Ninh Thuận xuất bản, 2001.
(5) Nguyễn Vĩnh Nguyên, evan.vnexpress.net, ngày 28.07.2004.
(6) Nguyên Vi, Nỗi chiều Kinh Kha, NXB Thanh niên, H., 2003.
(7) Tagalau- tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứa Chăm 1-3, do Hội Văn học Dân tộc thiểu số Việt Nam xuất bản từ năm 2000-2003.
(8) Các đoạn thư được trích dẫn từ Tuyển tập Tagalau.
(9) Trích từ Cổ tích trong lâu đài (tập thơ in chung), NXB Kim Đồng, H., 2003, tr. 43.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *