Chưa đủ tài năng để sáng tạo

CHƯA ĐỦ TÀI NĂNG ĐỂ SÁNG TẠO
Lê Thiếu Nhơn thực hiện.

Nhà thơ Inrasara từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập Tháp nắng và đoạt giải thưởng văn học ASEAN với tập Lễ tẩy trần tháng Tư. Không những thế, công chúng còn biết đến ông với tư cách một nhà nghiên cứu và một nhà phê bình. Gần đây nhất, tác phẩm tiểu luận Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo của Inrasara được giới cầm bút chú ý bởi sự thẳng thắn và chân thành. Dưới đây là trao đổi giữa nhà thơ Inrasara và nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

*
LTN: Thưa nhà thơ Inrasara, theo yêu cầu của bạn đọc cần có những cuộc đối thoại gần gũi và cởi mở đối với đời sống văn nghệ, KTGĐ mở thêm góc nhỏ có tên gọi “Bàn trà văn nghệ”. Anh có thể cùng tôi “khai trương” chứ?
Inrasara: Rất sẵn sàng, thậm chí là rất vinh hạnh.

LTN: Theo anh hiện nay chúng ta đã có văn hóa tranh luận chưa?
Inrasara: Tôi chưa thấy văn hóa tranh luận trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

LTN: Vì đâu nên nỗi… bi quan ấy?
Inrasara: Một phần vì báo chí ta quá dễ dãi, và nhất là bởi chưa có diễn đàn đúng nghĩa. Diễn đàn ở đây phải là diễn đàn chuyên nghiệp, chứ không phải diễn đàn một chiều, mạnh được yếu thua

LTN: Theo tôi thì lỗi không phải ở báo chí anh ạ. Nhiều năm nay không khí dân chủ đã tưng bừng lắm. Cái lỗi lớn nhất là do các nhà phê bình chỉ giỏi chạy theo nói “vuốt đuôi” hoặc khen chê bè cánh. Vì vậy, thiếu thành tựu diễn đàn chứ không phải thiếu diễn đàn.
Inrasara: Bản thân tôi, nếu có diễn đàn mở, tôi sẽ nói thẳng, nói thật, nêu căn bệnh của văn học Việt Nam hôm nay. Ý kiến có thể đúng, sai nhưng tôi sẽ hết sức nghiêm túc.

LTN: Anh cứ nhìn qua nhìn lại mà xem, đề cập đến văn chương học thuật thì chỉ thấy sự phỏng đoán và thổi phồng của một số người viết báo. Diện mạo phê bình chính thống rất tù mù, trong khi ở các trang web cá nhân thì phát ngôn loạn xạ.
Inrasara: Do nền phê bình đang mắc bệnh, bệnh làm cái gì cũng không đến nơi đến chốn. Suy nghĩ nửa vời, trao đổi nửa vời, kết luận nửa vời…
Tranh luận chúng ta lâu nay luôn xoay quanh cái bên lề chứ không tập trung vào chính tác phẩm; nếu tranh luận quanh tác phẩm thì bài viết về tác phẩm được chú ý hơn chính tác phẩm đó; trao đối về tác phẩm lại nhấn mạnh khía cạnh xã hội hơn là thành tựu nghệ thuật của nó; và cuối cùng: người tham gia tranh luận ít đọc kĩ tác phẩm mà mình tranh luận!

LTN: Khoanh vùng lại trong nghề nghiệp văn chương thôi nhé. Mấy năm nay ồn ào nhiều trường phái cách tân mà sao không thấy hình thấy bóng tác phẩm hay tác giả đâu cả?
Inrasara: Vì các tờ báo văn chương đã không dám mở “đấu trường” để mổ xẻ từng vấn đề cụ thể. Tôi ví dụ, nhóm Mở Miệng hay nhóm Ngựa Trời cứ phập phù nơi vỉa hè. Cứ dành khoảng 5-6 trang báo Văn nghệ trao đổi tới nơi tơi chốn thì hai “hiện tượng” trên sẽ lộ nguyên hình là thật hay giả, là “thần” hay là “quỷ” ngay thôi.

LTN: Ơ ơ… không khéo sẽ…mắc mưu đấy anh ạ. Các cây bút trẻ rất khoái những trò nổi tiếng ngoài văn chương. Nếu không xác định rõ tiêu chí và bảo đảm chất lượng tác phẩm thì đưa ra “hiện tượng” này sẽ tạo cơ hội cho “hiện tượng” khác bát nháo nhảy xổ ra.
Inrasara: Hề hề… Thì đó cũng là chuyện bình thường chứ. Ở Việt Nam, chúng ta chưa phát kiến một trào lưu văn chương nào đã đành, ngay khi tiếp nhận một trường phái văn chương bên ngoài, ít ai đã đi đến cùng con đường chọn lựa. Thấy cái nào hay hay là nhặt về thử nghiệm. Luôn luôn ở ngưỡng thử nghiệm. Vô tình chúng ta tự biến mình thành thứ con tốt trong trò chơi văn chương của thế giới.

LTN: Tôi rất đồng tình với cách đánh giá của anh trong cuốn “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” rằng: “Có những người thơ trẻ nuôi hoài vọng làm nhà kỹ thuật hậu thời. Bày biện, sắp xếp, kết hợp, uốn vặn con chữ như trò luyện đan ngôn ngữ với hi vọng một ngày đẹp trời nào đó bật lên thứ hoa tâm linh ngẫu nhĩ. Nhưng làm sao có thể cách tân thi ca khi anh còn chưa kinh qua cuộc nổ lớn nơi tâm thức? Chưa bị những mảnh vụn của cuộc nổ vùi dập đồng thời nâng đỡ và hối thúc anh lên tiếng nói?”. Thế nhưng, anh có nghĩ về sự tham gia cần thiết của độc giả đối với những tìm tòi văn chương không?
Inrasara: Độc giả cũng phải cần được đào tạo để khỏi bỡ ngỡ, khỏi định kiến với văn chương thời hội nhập. Không cần nói cách dạy “văn học” ở bậc phổ thông, ngay cả sinh viên đại học cũng chưa được trang bị kiến thức văn học đương đại. Đại bộ phận sinh viên văn chương ta mù tịt về các trào lưu văn học đương đại trên thế giới, hơn 30 năm qua.

LTN: Cái mới cần song hành hai yếu tố lạ và hay. Vậy mà tôi có cảm giác những cái mới (bắt chước nước ngoài) của chúng ta chỉ đơn thuần là cái lạ, những cái lạ tục tĩu, những cái lạ dọa nạt, những cái lạ vờ vịt. Riêng ở lĩnh vực thơ ca, ông Hoàng Hưng sau mấy năm xúi đám trẻ cải tiến, cải…lùi thì ông ta quay lại lối thơ truyền thống bằng tập Hành trình.
Inrasara: Hoàng Hưng không là chân lí! Sự sám hối của Hoàng Hưng không thể là tấm gương cho mọi người noi theo được.

LTN: Trên quả địa cầu này, không một quốc gia nào bắt người tâm thần phải chịu trách nhiệm về hành vi của chính họ. Có lẽ nắm bắt được điều này nên vài cây bút trẻ và không còn trẻ của chúng ta cũng giả điên để khỏa thân ngang nhiên trong văn chương cho mọi người chú ý. Tôi lo sợ cái ham hố nổi tiếng quái đản này của họ… Hình như phẩm chất nhà phê bình năng động của ông cũng khá hứng thú với chuyện này?
Inrasara: Tôi không ủng hộ cũng không đả phá, tôi chỉ ghi chép lại các hiện tượng văn chương hiện thời theo kiểu “lập biên bản”. Nó xảy ra, và tôi ghi nhận nó, tìm cách lí giải nguyên nhân đẻ ra hiện tượng đó. Và, cả cố gắng tìm ra cái hay của nó nữa!

LTN: Giữa kinh tế thị trường, giới cầm bút thừa cô đơn đấy chứ. Phải chăng sự nhạt nhẽo của chúng ta hôm nay nên đặt tên là “chưa đủ tài năng để sáng tạo”?
Inrasara: Tôi phân cô đơn làm 3 giai đoạn khác nhau: thời kì tìm ý thai nghén mang nặng, giai đoạn tập trung viết tác phẩm (chính xác hơn: kì gian ngồi trước trang giấy/màn hình không chữ) và, sau khi đứa con tinh thần mở mắt chào đời. Giai đoạn tôi nhấn mạnh là: cô đơn trước tờ giấy trắng. Đó là điều tối quan trong, nhưng đa số nhà văn chúng ta chưa. Chưa cô đơn – dĩ nhiên và: chưa đủ tài năng cho sáng tạo, như bạn nói.

*
Tạp chí Kiến thức gia đình, số32, 10.08.2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *