Trần Hoàng Nhân: Inrasara, gương mặt văn hóa Chăm

NHÀ THƠ INRASARA – GƯƠNG MẶT VĂN HÓA CHĂM

Inrasara tên khai sinh là Phú Trạm, sinh năm 1957 tại làng Chakleng (Mĩ Nghiệp), thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Ông từng làm công tác nghiên cứu ở Ban biên soạn chữ Chăm – Ninh Thuận, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á.

1. Inrasara – Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm
Việc nghiên cứu văn hóa Chăm của Inrasara được ghi nhận bằng Giải thưởng CHCPI (Trung tâm lịch sử Đông Dương) thuộc Trường ĐH Sorbonne – Paris năm 1995 với tác phẩm Văn học Chăm I và Giải thưởng của Hội đồng Dân tộc – Quốc hội khóa IX năm 1996 cho tác phẩm Văn học Chăm II. Năm 2003, Hội văn học-nghệ thuật các Dân tộc thiểu số VN trao Giải tiếp cho tác phẩm Văn hóa – xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại của ông.
Nhìn vào danh sách các tác phẩm văn hóa nghiên cứu Chăm của Inrasara đã được xuất bản, ta không khỏi nể phục. 12 đầu sách (kể từ bản in ronéo năm 1985 tác phẩm Từ vựng học tiếng Chăm đến tác phẩm xuất bản gần đây nhất), tính sơ cũng phải tốn hàng chục ngàn trang in. Để hoàn thành các tác phẩm trên, ông phải mất hơn 30 năm lao động miệt mài.
Inrasara đúc kết: “Thói quen vô thức, nhầm lẫn, học đòi trong cách sử dụng ngôn ngữ tạo ra nguy cơ đánh mất ngôn ngữ “. Sống và lớn lên trong làng Chăm, sau này đi khắp những nơi có cộng đồng Chăm để nghiên cứu, Inrasara đau lòng nhận ra: “Người Chăm ít dùng ngôn ngữ của mình mà pha lẫn tiếng nói của các dân tộc khác. Muốn bảo tồn tiếng nói thì mỗi người dân Chăm phải dùng ngôn ngữ dân tộc Chăm trong sinh hoạt cộng đồng. Buồn thay, ngay cả các bậc lão trượng trong làng nhiều khi cũng quên đi nhiều tiếng Chăm cổ”.
Được các giải thưởng là ngoài mong đợi, bởi vì đối với Inrasara, những gì ông làm mang lại cho cộng đồng chính là sự tưởng thưởng cao nhất. Những năm 1979 -1980, mỗi ngày Inrasara cật lực cày cuốc kiếm ra một ít tiền, số tiền này ngoài việc dùng mua sách, ông còn dùng cho chuyến đi nghiên cứu. Sau khi vốn nghiên cứu, sưu tầm kha khá, ông trở lại làm việc trong Ban biên soạn chữ Chăm – Ninh Thuận (1982). Nhưng chỉ được bốn năm, Inrasara lại thôi việc để trở về sống giữa lòng đồng bào Chăm và làm nông dân, đi, đọc, nghiên cứu và làm thơ.

2. Inrasara – nhà thơ
Inrasara được biết đến nhiều nhất trong làng văn nước ta với danh nghĩa nhà thơ. Tập thơ đầu tay Tháp nắng của ông xuất bản năm 1996 được dư luận tán thưởng và năm 1997 được Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng Giải thưởng. Dư luận từ sau Tháp nắng cho rằng thành công của Inrasara là nhờ vào vốn văn hóa Chăm mà ông gìn giữ mấy chục năm ròng đã làm nét riêng của thi phẩm.
Sau Tháp nắng, Inrasara đã xuất bản thêm ba tác phẩm gồm: Sinh nhật cây xương rồng – 1997; Hành hương em – 1999; Lễ tẩy trần tháng Tư – 2002. Hầu hết các tác phẩm thơ của Inrasara đều nhận được giải thưởng văn học trong nước.
Hôm chúng tôi đến thăm Inrasara ở Quận 4, Tp.Hồ Chí Minh thì được biết ông lo luyện lại tiếng Anh để chuẩn bị tháng 10 năm nay sang Thái Lan nhận Giải thưởng văn học ASEAN trao cho tác phẩm Lễ tẩy trần tháng Tư (tập thơ đã từng nhận giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2003). Vinh quang trong sáng tác nhiều như thế nhưng ông vẫn cho rằng việc nghiên cứu văn hóa Chăm là công việc chính.

3. Inrasara – nhà doanh nghiệp
Sống từ nhỏ trong làng dệt thổ cẩm Chăm – Mĩ Nghiệp nổi tiếng, Inrasara nhận thấy nghề của làng có thể nuôi sống dân làng bằng cách sản xuất để buôn bán chứ không dừng lại ở tự cung tự cấp. Thế là Inrasara cùng Inrahani (vợ ông, nghệ nhân Thuận Thị Trụ) mang sản phẩm của làng đi bán trong cộng đồng Chăm khắp nơi. Vợ chồng ông đã xuống tận ở Trà Vinh để bán hàng. Inrasara nói vui: ”Vợ chồng tôi đi bán thổ cẩm ở Trà Vinh trong các làng Khmer, nhiều gia đình không có tiền trả nên họ đem heo ra đổi, thế là bất đắc dĩ tôi thành thương lái… heo”.
Năm 1995, vợ chồng Inrasara thành lập Công ty TNHH Inrahani, đặt trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, công ty này chủ yếu là do vợ ông quản lí còn ông phụ trách phần kiểm tra. Trong quá trình kinh doanh quảng bá thổ cẩm Chăm, vợ chồng Inrasara đã có một nguồn thu tương đối, nguồn thu có được đầu tư vào các tập sách do ông viết, in ra để tặng. Ông đã xin Sứ quán Canada đầu tư làm hệ thống nước sạch cho làng Chăm quê ông, sửa trường mẫu giáo… Inrasara nói: “Chuyện tiền bạc có gì phải ngại, chỉ ngại cách ứng xử với tiền ra sao thôi. Chê tiền thì chả khôn ngoan, làm ra vẻ chê thì còn phiền hơn”.
Inrasara hiện đang làm chủ biên tờ Tagalau (Bằng Lăng) một tuyển tập sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Chăm và hiện đã ra được 5 số. Đây không phải là chỗ… kinh doanh mà chỉ đơn thuần tạo sân chơi cho các học sinh, sinh viên Chăm. Inrasara cho hay: “Tôi dự định ra khoảng đến số 10 Tagalau thì giao lại cho các bạn trẻ người Chăm tiếp tục làm, mình chỉ đứng sau hỗ trợ thôi”. Chúng tôi biết với mỗi số Tagalau, Inrasara phải bù lỗ khoảng 7 triệu đồng.

*
Tạp chí Tài hoa trẻ, số 384, tháng 09.2005.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *