Trà Vigia 12: Mĩ Sơn đường về

MỸ SƠN ĐƯỜNG VỀ
bút ký

Đoàn người khởi hành từ Chakleng vào lúc 6 giờ sáng, trong đó có 9 người đàn ông và 7 phụ nữ với đủ thành phần, đối tượng… Chuyến đi được hình thành từ sự kiện: Khóa học bồi dưỡng chữ Chăm do Ban biên soạn tổ chức và Làng văn hóa Mỹ Nghiệp đăng cai. Nghệ thuật là trạng thái động để minh họa cho văn hóa và chuyến hành hương về nguồn đến Thánh địa Mỹ Sơn cũng là một hình thức nghệ thuật mang tính dân gian trong sinh hoạt đời thường với những yếu tố đăc thù thời đại. Ai cũng trong tư thế cấp tập không được chuẩn bị chu đáo. Đây là thời điểm tựu trường của học sinh các cấp. Phụ huynh lo sắm sửa quần áo sách vở cho con cái, giáo viên phải hội họp phân giờ nhận lớp… Mọi người đều khẩn trương sắp xếp bố trí lại công việc gia đình, công tác cơ quan làm sao cho phù hợp với chuyến đi đột xuất và mấu chốt chính vẫn là kinh phí. Chẳng có ai thừa tiền để đi chơi trong khi nhu cầu trước mắt luôn thiếu trước hụt sau, nhưng dường như có một tập tục kì diệu, một tiếng gọi thiêng liêng từ xưa xa vọng lại để tất cả đều có mặt đúng giờ xuất phát.
Điểm đến đầu tiên là tháp Inư Nưgar – Nha Trang. Đoàn đã chuẩn bị tươm tất những lễ vật cúng bái đơn giản như trứng, trầu cau, nến, trầm cũng như hoa quả. Mọi người thành kính khấn nguyện dưới khói trầm nghi ngút nhiệm mầu, cầu xin Po tha lỗi cho con cháu vì không gian cách trở nên không thường xuyên đến thăm cầu xin Po cho con cháu có đủ sức khỏe để kiếm sống nuôi con cho giống giòng không tuyệt diệt. Cầu xin Po cho con cháu đi đường bình an trên hành trình vào Mỹ Sơn tìm nguồn cội. Cầu xin Po cho nhân loại thương yêu đùm bọc lẫn nhau như ngày xưa trăm con trong bọc trăm trứng và cuối cùng xin Po ở mãi nơi này phù hộ cho con cháu có đủ niềm tin để đương đầu với mọi thử thách, bất trắc nơi trần gian ô trọc này. Cầu xin Po đừng ruồng bỏ, hắt hủi chúng con. Heleh!
Hành lễ xong, mọi người như có thêm sức mạnh, những cơ bắp như căng cứng dẻo dai hơn, buồng phổi như có nhiều oxy hơn và buồng tim như được bơm máu nhanh hơn cho một chuyến hành trình dài về xứ Tháp. Đoàn lại tiếp tục lên đường và điểm dừng kế tiếp là tháp Nhạn – Phú Yên. Thời gian có thể là một thiên niên kỷ nhưng không gian chỉ là mấy trăm cây số đường dài. Chân con người đã đặt lên mặt trăng, tiếp cận bao hành tinh xa lạ nhưng nơi đây hoàn toàn mới mẻ. Cũng ngôi tháp thờ Po Inư Nưgar nhưng tượng ngài không biết ngự trị nơi đâu?! Xứ Ia Trang Ia Ru, Ia nào khác nơi cư dân Chăm đã từng sinh sống tồn tại… Chỉ còn khói trầm lan tỏa cùng lời khẩn nguyện tâm linh nối liền nay với xưa, kiếp trước kiếp này với kiếp sau và kiếp sau nữa… Cuộc sống hôm nay là mặt tiền của kinh tế thị trường, mặt tiền của chân dung con người thời đại, mặt tiền của chiến lược toàn cầu bỏ lại sau lưng những pho tượng vô tri, những phận người vô ngã. Mặt tiền của ô nhiễm môi trường, những con thú có nguy cơ tuyệt chủng, những con người bị lãng quên! Con người tự thân phải ý thức tìm lại chính mình, tìm về cội nguồn, hoàn nguyên nhân tính để cuộc sống tiếp diễn trường tồn hạnh phúc. Kỉ nguyên của thời khủng long đã qua nhưng con người vẫn tìm hóa thạch, thời của Tôn Ngộ Không quy y nên lốt người vẫn trầm luân tội lỗi. Ôi! Po Inư Nưgar linh thánh hằng cứu vớt linh hồn chúng con, vực dậy chúng con trong kiếp làm người tìm về chân thiên mỹ, tìm về thế giới bình an.
Đoàn người ngược dòng Mỹ Sơn như ngược về dĩ vãng. Dừng lại tháp đồi Quy Nhơn giữa chốn thị thành hoa lệ. Ôi! Con người nơi đây vẫn phảng phất nét xưa. Những thần Yang không còn đấy những cảnh xưa người cũ, người nay một thoáng nhạt nhòa. Xin cảm ơn muôn lần người dân Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đã sống và đang sống như một con người đúng nghĩa, cho chúng tôi được một lần phục sinh. Chúa không bỏ loài người dù Chúa ở tận Jerusalem, Phật không bỏ loài người dù Phật đang tĩnh tâm dưới gốc Bồ đề bên sông Ganga xứ Ấn Độ – Mohamad cũng đoái thương loài người dù Ngài xa tít La Mecque, huống chi Po Inư Nưgar đang sống và vẫn sống cùng chúng ta trên dải đất miền Trung bão bùng sóng gió. Hãy nhớ ơn và thừa hưởng những gì Ngài đã ban cho trong vòng tay nồng nàn thân hữu. Và đây đường về Tháp Bánh ít, chẳng còn ánh bạc cho người sau nhận diện tháp Bạc, chẳng còn ánh vàng để đàn con tìm về Thốc Lốc. Thôi đành lần về Tháp Đồng Cánh Tiên. Man mác lãng du Chà Bàn chìm sâu đáy mộ, một khoảng không gian vô tận như tụ tập về đây. Chúng con tìm mình trong cõi hư vô, chúng con tìm mình trong kiếp người trần tục. Chúng con hiện hữu, chúng con không biết Ngài là ai. Chúng con biết mình là ai chúng con xin Ngài tha tội. Cuộc đời là một chuỗi dài tội lỗi. Xin Ngài ban cho chúng con bình an. He leh!
Sau khi ghé tháp Khương Mỹ chúng tôi tiến thẳng về thánh địa Mỹ Sơn. Đến nơi trời đã chạng vạng tối, vầng trăng mười bốn như cảm thông với đoàn người khổ hạnh. Dưới ánh trăng huyền ảo, lũ người tay xách nách mang lầm lũi náo nức từng bước lê vào thung lũng thần linh. Trong nhóm có mấy cụ sức kém và phụ nữ chân yếu tay mềm tụt hậu nhưng trâu béo kéo trâu gầy rồi cũng tới đích. Từ xa xưa thiên nhiên không thể ngăn trở bước chân người, chỉ có lòng người chặn núi ngăn sông. Trời ơi đất hỡi! Tưởng rằng qua bao gian khó trên đèo sông suối đến nơi thì mọi chuyện an bài, lòng người thỏa nguyện. Ngờ đâu!? Có lệnh cấp trên không cho chúng tôi cư trú. Ngỡ rằng trời sập chúng tôi còn biết đi đâu khi đã vượt qua hơn 600 cây số đường đèo mong đến nơi đây cho một đời người một lần hiện diện thì nay người ta lại bảo chúng tôi không có quyền có mặt nơi đây, trên cõi đời này. Thương thay cho mấy ông cụ thấp khớp, tuổi đã gần đất xa trời, mấy bà phụ nữ đã hụt hơi khi đã guồng chân tới đích. Sau vài lần hiệp thương cũng còn may trời xanh có mắt, phụ nữ và ông già được ở lại còn chúng tôi bọn vô thừa nhận phải xuống núi ngủ bụi nằm bờ. Không hiểu quy định của chốn thần linh thế nào nhưng chúng tôi là người trần tục phải sống theo hiến pháp và pháp luật hiện hành. Nơi đây là chốn rừng thiêng cũng phải nép theo luật rừng. Không có gì phải than thở! Chúng tôi dằn lòng khăn gói ra đi tìm chốn nương thân, tìm nơi ẩn náu. Chúng tôi đã không ít tủi buồn, nhiều lần nhẫn nhục, triền miên đau đớn với người tục, thì tại sao lại không chịu được nơi chốn thần linh khi mà lòng người, hồn người đã tận cùng tê dại. Nhóm tôi năm người xăm xăm đi xuống, còn lại hai người lớn tuổi hơn lủi thủi xuống sau. Năm lít rượu mang theo từ Panduranga, vài con mực khô hẩm hiu Cà Ná giúp chúng tôi định thần! Nơi nào lại chẳng là quê hương, chốn nào lại chẳng là con người. Dô 100% cho đời bớt khổ. Những mẩu chuyện thần tiên đời thường quỷ dữ dù sao chỉ trang điểm cho cuộc đời con người chúng ta đang sống, đang uống, vui buồn, tỉnh say lúc này mới là đời thực! Dô 100% cho đời lóe niềm vui dù chỉ trong ảo tưởng. Bỗng có bước chân ai thoang thoảng tiến gần.
– Ai đó?
– Ma Hời.
– A thằng này đúng là khiêm tốn và dũng cảm. Hồi nãy người ta đuổi tao, bức xúc quá tao cũng muốn ngâm nga!
– Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi.
Nhưng tao không dám, sợ mọi người hiểu nhầm. Cuộc đời bi đát ở chỗ không ai muốn hiểu người như hiểu chính mình, thương người như thể thương thân. Tao muốn làm ma Hời mà không dám. Mày như thế là diễm phúc.
– Không hẳn vậy hồi nãy tao xây xẩm mặt mày, xuống đây mới thốt nên lời mày đừng vuốt cho lòng tao thêm đau.
– À ra thế, thôi tao xin lỗi. Ngồi xuống đây làm một li chào sân, một li chào đất, một li chào bè bạn.
– Sẵn sàng 100%! A ha ha!!!
Bình rượu năm lít còn lại 1/5. Có chiếc Honda chở ba người dừng lại. Qua giới thiệu làm quen, các anh là người trong Ban quản lí Mỹ Sơn, chúng tôi là người hành hương về Mỹ Sơn. Nhịp cầu kết nối chóng vánh và các anh tỏ ra áy náy và ray rứt vì không thể nào tạo điều kiện tốt hơn cho chúng tôi khi chức năng trách nhiệm có hạn, còn vô hạn thì từ trên trời cao. Các anh thật tình xin lỗi mong sẽ có dịp sau tốt lành hơn. Chúng tôi chân thành cảm ơn và nghĩ rằng biết có còn dịp nào khác trong cuộc đời. Dù sao đó chính là tình người mà chúng tôi ao ước. Các anh có mang theo rượu và mời chúng tôi mỗi người một li tạm biệt để còn ngày mai lo việc lễ hội. Phần chúng tôi cũng đã ngà say, vài bài dân ca, vài câu Ariya thiểu não trong cổ họng phàm phu ằng ặc rượu. Không biết thánh thần trên cao có cảm thông người trần, có cảm thương những linh hồn lang bạt, có xót thương đám hậu duệ vong thân. Ngày mai đây có nghĩa gì khi hôm nay kg là gạch nối? Hết can rượu chúng tôi ngã trong bãi cỏ, khóc cười ú ớ cơn mê mặc cho sương xuống đêm tàn.
Bỗng từ xa có một hình người tiến lại gần. Ôi khủng khiếp! Một con quỷ chính cống. Nó có bốn mắt nhìn chúng tôi trừng trừng dọa nạt, mặt trơ xương, đầu trụi lụi. Vài sợi tóc lơ thơ phất phơ trong gió. Thật lạ lùng, con tim nó hình thang rần rât máu đen. Nó gần gật cái đầu lâu giọng khàn khàn hình sự.
– Tụi bây đến đây làm gì?
– Chúng tôi hành trình văn hóa.
– Làm gì có hành trình văn hóa, tụi mầy về đi.
– Không bao giờ. Chúng tôi hành hương.
– Nói cho tụi bây biết, ta là chủ thầu văn hóa ở đây, nếu tụi bây tìm văn hóa thì khôn hồn hãy đi nơi khác. Còn hành hương? Ô hô! Thần linh đã bỏ đi từ lâu rồi.
– Chúng tôi sẽ mời thần linh trở lại, hãy giúp chúng tôi, thần linh sẽ cho chúng tôi thăm thánh địa.
– Ô! Tụi bây chậm hiểu quá, ta là quỷ. Người trần gian chúng bây muốn gặp thần linh phải có giấy phép của ta. Ha ha! Cút đi xéo đi cho khuất mắt ta. Ha ha!!!
Tôi lồm cồm bò dậy trong sương đêm, đồng hồ chỉ đúng 3 giờ sáng. Chúng tôi mới chỉ chợp mắt hơn 1 tiếng đồng hồ lại bị đuổi một lần nữa. Mấy thằng bạn nằm lăn lóc mê man như những thây ma. Con quỷ đâu rồi? Tôi hoàn hồn dáo dác. Dưới ánh trăng nhợt nhạt không một bóng người. Thì ra tôi vừa qua một cơn mê, một ác mộng thực sự. Chúng tôi vượt hàng trăm cây số đến đây để nằm trong màn trời chiếu đất. Lũ chúng tôi có người là nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, bác sĩ, thân hào nhân sĩ… và chúng tôi muốn được đối xử có văn hóa. Nhưng không, tôi nhớ lại lời con quỷ để tự hỏi rằng: Vì sao nơi chốn thần linh lại có quỷ hiện hình và không bao giờ có lời giải đáp. Tôi đánh thức mọi người dậy vào hiên nhà kề bên trú sương, tìm lại giấc ngủ yên lành cho một ngày mai yên ả.
Năm giờ sáng, chúng tôi lò mò dậy, thu xếp hành trang cho một chặng đường mới. Núi rừng vẫn bao dung, cây lá vẫn xanh, chỉ có lòng người bợn sóng. Tôi bần thần bám víu hư vọng gần để vuột mãi hoài vọng xa. Đất nước và con người luôn gắn bó để tin yêu lan tỏa xa gần. Nơi đây điểm đến của thiên niên kỷ mới dường như chùng lại. Những mảnh băng rôn giăng ngang như giễu cợt làm trò. Chúng tôi – chính chúng tôi hơn ai hết là người để tô điểm cho lễ hội hôm nay. Chúng tôi không màng quá khứ, không đếm xỉa tương lai – chỉ mong một lần hiện diện rồi chết. Hỡi ơi, đớn hèn và nhục nhã! Tình người và tính người về đâu???
Gặp lại hai ông già được đặc xá ở lại, trong nét mặt âu lo phảng phất buồn, hai cụ lao tới đám chúng tôi hỏi han, rờ mó từng người xem có bị sứt mẻ gì không. Vẻ hớt hơ hớt hải mấy ông vờn hỏi:
– Nơi đây không phải di sản văn hoá Chăm sao, không phải do ông bà tổ tiên mình để lại à? Sao nghe nói thế giới lấy mất rồi nên đã trở thành di sản văn hoá thế giới? Thế con cháu Chăm không được quyền tới đây dâng lễ thần linh nữa sao?! Vừa nói cụ vừa khóc rấm rứt.
Chúng tôi cố giải thích để an ủi mấy cụ:
– Nơi đây chính là thánh địa Mỹ Sơn, do con dân Chăm xây dựng từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ XIII. Qua dâu bể, thánh địa trở nên hoang tàn đổ nát. Con dân Chăm cũng biến mất, không còn một mống nào sống nơi này để thờ phụng. Nhà Nước ta cũng còn nhiều hạn chế, chưa đủ điều kiện để trùng tu phục hồi lại khu di tích nên phải nhờ đến UNESCO tài trợ giúp đỡ. Tất cả con người sống trên thế giới đều có ý thức nghĩa vụ giúp bảo vệ những di sản văn hoá cổ để con cháu sau này biết được những gì tiền nhân đã sống, nền văn minh nhân loại tiến hoá qua từng thời đại như thế nào để cuộc sống hôm nay và mai sau có ý nghĩa hơn.
– Vậy UNESCO không cho phép chúng ta tới đây hành lễ. Hu hu. Ông già vừa khóc vừa rên rỉ.
– Cái này do địa phương và ban quản lí khu di tích phụ trách…
– Ô hô! Ông quản lí sao mà nhẫn tâm đến thế. Tôi tuổi già sức yếu chỉ mong ước được một lần hành hương đến nơi này rồi chết. Con cháu tôi gom góp mỗi người một ít mới đủ sở hụi cho tôi lê được cái thân già đến đây. Đến nơi tưởng sắp gặp tổ tiên ai ngờ lại bị xua đuổi. Tôi dù sao cũng được làng xóm người đời trọng nể đâu đến nỗi bị xúc phạm trơ tráo như thế này.
Thấy ông già khóc lóc kể lể chúng tôi ráng khuyên can dìu ông già vào một góc ngồi uống nước và động viên.
– Bác khỏi lo, rồi đâu sẽ đấy thôi – Chương trình lễ hội xong là chúng ta cúng. Bác mặc sức mà cầu nguyện. Bác còn khoẻ mà, chắc cũng vài chuyến tới đây nữa bác mới chầu trời. Chúng tôi pha lửng vài câu trấn an các cụ.
Chương trình lễ hội kỷ niệm 1 năm ngày công nhận Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới bắt đầu lúc 9 giờ. Nghi thức diễn ra long trọng nơi trung tâm khu tháp A1. 11 giờ chương trình biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm trong hội trường. Khách tham quan rất đông, khách nước ngoài cũng nhiều. Rừng núi thâm u Mỹ Sơn ngủ quên ngàn năm qua như được đánh thức bởi tiếng kèn Xaranai réo rắt, tiếng vỗ Baranưng bềnh bồng cùng nhịp trống Ginơng hùng tráng. Lập loè ánh chớp của máy ảnh, rè rè tiếng quay camera… Từng đoàn vũ công lượn lờ uyển chuyển qua những điệu múa cổ truyền Chăm như những nàng tiên nga giáng thế khơi gợi lại những ngày tháng thanh bình trong Chiêm quốc xa xưa, lay động những oan hồn lang thang dừng bước…
Một ông khách có vẻ trí thức khều tôi hỏi:
– Xin lỗi, anh là người Chàm? (Có lẽ anh ta thấy tôi nói tiếng và mặc áo cổ truyền khác lạ).
– Vâng, tôi là người Chàm. Mấy người bạn tôi đây cũng vậy. (Tôi chỉ mấy bạn đứng gần).
– Thế mấy người đang múa hát cũng là người Chàm?
– Không phải, tôi bâng quơ trả lời.
– Làm sao anh biết không phải là người Chàm?
– Một là tôi không quen biết ai trong số này. Người Chàm không còn nhiều, chỉ quần cư trong vài thôn xóm gần nhau, có quan hệ họ hàng mật thiết nên họ là con cháu ai tôi đều biết. Hai là trong cách họ múa, dáng nghiêng của thân mình, uốn cổ tay, nhón gót chân là chắc chắn không phải. Với lại giòng máu Chàm dường như có một từ tính mầu nhiệm. Nếu họ có cùng giòng máu thì tự nhiên họ sẽ vô hình tìm đến nhau.
– Thế mấy người này là Chàm giả à?! Thấy tôi trả lời không hào hứng lắm, thằng bạn đứng gần đỡ lời:
– Làm gì có Chàm giả, Chàm thật. Chỉ có Chàm ngay và Chàm gian. Trường hợp này có lẽ là giả Chàm. Rồi anh ta cười hì hì ý vị.
Ông khách ngớ ra rồi cũng cười hì hì, dường như anh ta “ngộ” được vấn đề gì đó nên rời sân khấu tiến vào thung lũng.
Đến màn trình diễn múa Mưdwơn (thầy vỗ Baranưng, Ong Mưdwơn đứng trước tôi cứ giãy nãy lắc đầu, dậm chân liên hồi ra chiều giận dữ. Miệng thì cứ lẩm nhẩm.
– Ôi! Tội lỗi, nghiệp chướng, bôi bác…
Một lúc chắc chịu không nổi nên ông kéo tôi ra khỏi đám đông để thều thào như sắp đứt hơi.
– Ai đã bày trò xúc phạm thần linh như vậy? Ai? Ôi! Quỷ hiện hình!!! Rồi ông khóc nấc lên.
Vỗ về ông một hồi, bình tĩnh lại ông mới nhỏ nhẹ phân trần:
– Ong Mưdwơn là một vị chủ lễ phải có tác phong nghiêm trang, đạo đức cao, kinh sách thấu triệt để chủ trì cuộc lễ và dẫn đạo những nhạc công khác tạo một không khí linh thiêng. Các vũ công trong môi trường ấy sẽ nhập hồn với thần linh và qua đó biểu đạt tâm linh bằng những động tác múa. Ôi Yang ơi, giờ đây họ lại bắt ông Mưdwơn múa may, đá giò lái như những tên du thủ du thực. Trống Baranưng thiêng liêng đến vậy mà họ huơ lên giựt xuống như mãi võ Sơn Đông, quảng cáo tiếp thị có ai mà chịu được. Ôi thần Yang ơi! Tha tội cho con. Không phải tại con, mà cũng tại con!
– Ôi bác ơi, thời đại bây giờ văn minh tiến bộ rồi, cái gì cũng đổi mới cho phù hợp nếp sống nếp nghĩ mới. Những gì bác vừa mục kích đó là nghệ thuật mới được nâng cao, cách điệu, cải tiến từ cái cũ đã lỗi thời lạc hậu rồi và sẽ còn được nâng cao hơn nữa…
Chưa đợi tôi nói hết Ong Mưdwơn nghiêmsắc mặt ngắt lời với vẻ chê trách:
– Bọn trẻ tụi con có suy nghĩ như thế mới lạc hậu lồi thời trầm trọng. Nghe bác giải thích đã:
Trong các loại nhạc cụ chính đi cùng với nhau:
Xaranai tượng trưng cái đầu, đại biểu của lí trí có chức năng kêu gọi, chỉ đường dẫn lối.
Baranưng tượng trưng thân mình, đại biểu của con tim tình cảm có chức năng vỗ về an ủi, đưa nôi ru ngủ nỗi buồn đau về lạc phúc, tà về nẻo chính. Và cũng là sự tồn tại của một tiểu vũ trụ trong đại thể.
Ginơng: tượng trưng cho tứ chi, đại biểu của lương năng hành động có chức năng tạo khí thế trong mọi thao tác đời thường từ lao động sản xuất đến chiến đấu cũng như tình yêu thương cho giống nòi tồn tại. Riêng về Baraưng là một nhạc cụ chủ đạo trong ban nhạc khi hành lễ. Đạo đức tốt thì lí trí mới thông hiểu, từ đó mọi hành động mới đi đúng hướng, phục vụ lợi ích cho con người toàn xã hội, thế giới. Cho nên, Baranưng luôn luôn được áp vào lồng ngực cũng là con tim khi vỗ, âm thanh dội vào con tim thanh lọc, sau đó mới lan toả ra ngoài không gian đến tai người nghe. Còn tiếng kèn Xaranai là hơi thở bất tử của đời người, chuỗi âm thanh không bao giờ đứt đoạn. Nó có có bảy lỗ bấm tương ứng cho thất khiếu trong cái đầu. Tất cả giác quan đó chỉ là phương tiện cho tư tưởng hiện hình, phát huy sáng tạo. Nó là khẩu lệnh của người trần cũng là lời truyền của thượng đế. Thân nó cũng gồm ba phần như thân người cần bổ trợ nhau để tồn tại, nhưng quái gở thay lại có kẻ chơi model khi thổi tách dần phần đầu phần thân còn lại phần đuôi như tự tách rời chính thân thể mình. Thật tội nghiệp! Còn đôi trống Ginơng như hai chân trụ nâng đỡ thân thể con người tiểu vũ trụ vừa là hai cột trụ nâng đỡ đại vũ trụ vô biên. Nó phải đủ đôi âm dương, phải trái. Đầu dương chúc xuống đất, đầu âm chổng lên trời, âm dương hỗn hợp, Kẻ xướng người tuỳ, theo điệu múa khi nhặt khi khoan nhịp nhàng, khi thì hùng tráng, nhịp khải hoàn ca, khi thì gập ghềnh khúc khuỷu như thác đổ, khi thì gió thổi vi vu rì rào sóng vỗ. Giờ đây người ta làm cái giá đỡ một cái Ginơng đơn chiếc mồ côi, đánh đấm loạn xạ, làm sao mà không buồn cho được!
– Thế ý bác không muốn đổi mới sao, thời đại mà bác. Bác có nghĩ mình bảo thủ hoặc khắt khe quá trong nhận định về nghệ thuật hôm nay.
– Không bao giờ con ạ, khi người ta muốn nâng cao cái xưa đã cũ thì tối thiểu người ta phải hiểu thấu ý nghĩa giá trị cơ bản của bản thể để rồi có hướng cách tân theo hướng đi mới của thời đại. Còn những gì bác cháu ta mục kích hôm nay đúng là phản nghệ thuật, đi ngược lại truyền thống văn hoá dân tộc, chỉ mang tính phong trào nhất thời. Tụi con có học thức cần minh định lại cái gì tốt xấu, cái gì cần lược bỏ, cái gì nhất thiết phải giữ lại. Phân định rạch ròi tốt xấu; những bản sắc xưa cổ luôn có giá trị riêng của nó.
– Thế bác nghĩ thế nào về bước nhảy vọt vừa rồi?
– Đó là điệu múa ma quỷ. Chỉ có ma quỷ mới nhẫn tâm, vô lương đến nỗi hình tượng hoá Ong Mưdwơn nghiêm trang thành ra một tên côn đồ thác loạn. Bác không nói nữa, thần linh sẽ trừng phạt chúng nó, trời xanh có mắt! Hỡi đấng thần linh cao cả, hãy chứng giám lòng thành của con
– Thế thì nghệ thuật múa Chăm không thể phát triển được sao?
– Vẫn có thể, nhưng lúc này chưa ai có khả năng hoà nhập đời sống tâm linh Chăm, cảm được âm thanh Baranưng, Xaranai, Ginơng Chăm; chưa ai thực sự thương yêu người Chăm như người anh em, đau nỗi đau của người Chăm… để có thể sáng tạo!
– Như vậy ca múa nhạc Chăm sẽ bị hạn chế!
– Không đâu con ạ. Chỉ với nhịp điệu Ginơng thôi đã có trên 70 khúc diễn tấu, Baranưng và Xaranai cũng thế. Đàn Kanhi chỉ có chức năng, giao hoà với thần linh khi con người muốn mở cửa tháp nhân ngày Rija Nưgar hay lễ Katê. Đàn Kanhi chỉ có chức năng tấu nhịp tấu trình thần ruộng, thần đất khi cúng Po Bhum. Đàn Kanhi chỉ hát trong đám tang để tiễn đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Ngày nay người ta hoà tấu loạn xì ngầu, bác cơ hồ muốn đứt dây thần kinh đây. Thôi bác không còn hơi sức đâu nào để nói nữa, thôi để cho bác yên để còn sống với con cháu. Nhưng gieo gió gặt bão, lưới trời lồng lộng khó thoát! Con phải tu tỉnh để hưởng phúc trời.
Tôi gắng gượng tìm hiểu thêm
– Múa Chăm cũng phong phú lắm con ạ. Nhưng ở đây chỉ múa lễ nghi phục vụ tôn giáo tín ngưỡng, chỉ nên múa những điệu cổ truyền còn tồn tại ngày nay. Sân khấu hoá quá đáng sẽ trở nên thô tục, lố bịch. Còn điệu múa cung đình đã thất truyền từ lâu, phải có nhiều thời gian, nhiều công sức… Thôi đi con ạ, con có học thức cần thận trọng cũng như tự trọng. Đừng để mọi người đánh giá sai hoặc nhầm lẫn về một nền văn hoá lẫy lừng một thời dưới chân tháp đổ.
Nói xong Ong Mưdwơn lim dim mắt có vẻ kiệt sức. Tôi không dám hỏi đành quay lại sân khấu lễ hội. Tiết mục văn nghệ vẫn tiếp diễn rình rang.
– Và đây điệu múa Apsara…
Những vũ nữ Apsara như từ tượng đá bước ra, môi cười điệu nghệ, da trắng ngọc ngà, đường cong diễm ảo… Ôi! Apsara.
Tôi tự hỏi, tại sao giữa chốn thần linh uy nghiêm thoát tục lại xuất hiện những nàng Apsara thường tục thế này?! Lại điệu múa ma quỷ? Tôi ngẫm lại lời Ong Mưdwơn. Kẻ đưa ra ý tưởng này chắc cũng tầm cỡ Ma vương hay Quỷ Chúa! Tôi tự kìm chế lòng mình, có lẽ đây là một sự ngộ nhận. Hay ai đó lầm lẫn nó với vũ điệu cung đình chăng? Nơi để vua chúa quan quyền thưởng ngoạn giải trí? Nhưng đây là thánh địa, nơi tu hành với những tu sĩ mà kẻ phàm tục ít ai được đặt chân đến. Ôi! Một nền văn hoá sâu thẳm nhiều tầng mà người ta chỉ muốn hiểu bề mặt nông nỗi. Khốn thay! Khi một ngôi tháp hùng vĩ oai linh thế kia mà chỉ thờ độc nhất ngẫu tượng Linga – Yoni thì phải hiểu rằng đó làbiểu tượng cao cả, gói ghém toàn bộ tư tưởng triết lí, nhân sinh quan, vũ trụ quan của một dân tộc. Nó biểu hiện cho sự đấu tranh sinh tồn, sự giao hoà giữa con người với vũ trụ đã hình thành nền văn minh Chăm rạng rỡ. Oái ăm thay! Nếu muốn hiểu thô tục vô học thì cứ cho đầu Linga chúc xuống vào Yoni cho xong chuyện đời thường. Nói thì nói vậy nhưng Linga vẫn hướng lên trời, hướng về chân thiện mỹ vô cùng vô tận vô hình vô tưởng. Chân đế Yoni vẫn vững như bàn thạch như ngày nào trái đất mới hình thành. Và những bầu vú bao quanh vẫn tràn trề sữa mẹ khi cơn mưa đầu mùa vẫn đúng hẹn tuôn rơi. Những tượng đá Siva vẫn ngang nhiên tồn tại như thân thể vô hình dáng đứng thường trụ giữa đất trời, đôi mắt trầm tư huệ nhãn, nụ cười bí hiểm tiềm ẩn một tiên tri khôn lường, bao quanh là những cận vệ Garuda, Makara, … muôn đời chung thuỷ trong muôn kiếp hoá sinh. Tất cả đều thăng hoa trên gạch đá bụi trần với môi trường ấy giúp cho tu sĩ hoá thân vào vũ trụ. Nhưng hôm nay người ta lại cố tình kéo nàng Apsara về chốn trần thế, múa những điệu múa ngoài hành tinh cho người trần mắt thịt rậm rật. Không biết cuộc đời nàng Apsara sẽ lặn hụp nơi đâu?!
– Xin trân trọng giới thiểu điệu múa đặc sắc của người Chăm Đwa buk (đội nước). Một nàng chiêm nữ hiện đại bước ra sân khấu với cái lu nhỏ. Bước đi dáng nhảy của nàng nửa Balê nửa Lambada. Tôi không đủ kiên nhẫn đứng lại thưởng lãm, mấy người bạn tôi đã bỏ đi từ lâu. Lễ hội kết thúc thành công tốt đẹp.
Tôi lần theo bước chân Chăm vào thung lũng thần linh. Đoàn hành hương Chăm mang lễ vật từ Panduranga tới đất này cúng lạy tổ tiên. Ong Mưdwơn trong vai trò chủ lễ đang rót rượu vào chung, miệng lâm râm khấn nguyện dưới khói trầm thơm ngát. Các mẹ, các chị đang chấp tay lên đầu, môi mấp mấy điều gì không rõ mà khoé mắt rưng rưng. Cụ già ban sáng mặt mày ủ dột nay cũng tươi tỉnh hẳn lên. Mọi u sầu buồn tủi dường như biến mất trên khuôn mặt mọi người và giờ đây từng tế bào như đang tái sinh hồng thắm. Chúng tôi cánh đàn ông ngồi hai bên nhìn các bà mẹ, nhìn các Yoni hồi phục, thu phục lại mãnh lực siêu nhiên từ đất trời. Đế có vững, đàn ông chúng tôi linga mới thăng hoa và có đủ năng lực sáng tạo, giao hòa cùng vũ trụ. Xong nghi lễ, Ong Mưdwơn áp Baranưng vào lòng hát những bài tụng ca nhớ ơn anh hùng liệt sĩ đã có công gầy dựng quê hương cho con cháu có mặt ngày hôm nay. Một bà lớn tuổi nhất sụt sùi cầu xin thần Yang cho bà được múa dâng mừng ngày kì ngộ. Điệu múa hân hoan sinh động, miệng cười tươi mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Chúng tôi ai cũng ngậm ngùi ứa lệ nhưng mồm vẫn cứ hô to cổ vũ À hay! Như được tiếp sức mấy bà còn lại cũng đứng lên múa phụ họa tạo nên một không khí u huyền nơi xứ Tháp. Mấy chàng thanh niên trai trẻ nằm xuống lạy ông bà ba lạy ba vái. Có một anh chàng to con, vẻ mặt bặm trợn, dáng cứng cỏi nhưng lại khóc oà tức tưởi khiến ai nấy cũng nửa cười nửa mếu.
Buổi lễ kết thúc mà không ai muốn dừng. Dù sao cũng phải ăn đã, hồi sáng giờ chưa có một hạt cơm trong bụng, lúc này gần ba giờ chiều rồi còn gì. Thế là lễ vật cúng gồm hai con gà luộc, canh rau dọn ra và chúng tôi ăn bóc ngon lành như thời ăn lông ở lỗ. Còn gì hơn?
Đoàn người hành hương sắp xếp hành trang rồi lủi thủi ra về. Tuy chỉ có mặt nơi đây chưa tới 24 giờ đồng hồ nhưng biết bao cảm xúc trào dâng. Ngoái lại xứ Tháp vẫy chào lần cuối, đoàn người lại lội bộ ngược về chốn thị thành. Loáng thoáng câu thơ:
Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ
Quay về xem non nước giống dân Hời
Vâng! Chúng tôi đã quay 180 độ mới đủ dũng khí tới đây khi mà cơm áo gạo tiền, nợ nần luôn vây chặt. Phải rũ bỏ bụi trần, những vụn vặt nhỏ nhen, những tị hiềm thành kiến… Tâm hồn con người mới thanh thản bước vào nơi chốn thần linh, giao cảm với chân thiện mỹ, thấu hiểu giá trị của sự vật. Tôi sực nhớ những hình tượng khỉ nơi chân Tháp. Có lẽ người nghệ sĩ hoặc nhà hiền triết muốn thức tỉnh con người rằng: con người là quá trình tiến hóa từ loài khỉ, từ thân xác đến tâm hồn, từ phàm tục đến thần linh. Chúng ta đang mang hình người nhưng tâm hồn vẫn còn cốt khỉ. Chỉ biết bắt chước, múa may nhảy nhót theo bản năng, còn nhân tính vẫn vùi ngủ đóng băng trong thân xác duc vọng nơi mặt đất thì làm sao vươn trên bầu trời cao thẳm. Nỗi ám ảnh về những pho tượng cụt đầu, đứt tay, mất chân làm tôi rụng rời đau xót. Làm sao người ta nhẫn tâm chặt đầu một pho tượng vô tri, còn nếu đó là thần linh thì con người dường như không còn là người nữa. Mãi về sau, khi gặp bất kì một mô đất cao lờ mờ trước mặt tôi cứ tưởng là Tháp đổ, một tảng đá lăn lóc có hình dáng khác thường thì lại ngỡ một bộ phận nào của thần Siva chăng? Đêm đêm lại hiện nguyên hình con quỷ bốn mắt có con tim hình thang chứa máu đen như túi mực. Tôi đã sẵn chứng mất ngủ nay lại tệ hại hơn. Thôi cũng đành một kiếp người…
Tôi muốn viết những dòng thơ tươi xanh như Tố Hữu đã từng viết, ca ngợi quê hương đất nước con người. Tôi muốn hát giọng ca mượt mà nhất, bản tình ca ướt át nhất, lời dân ca chân chất để con người tay mãi trong tay, lòng mãi thắm lòng. Nhưng bầu trời trên cao dường như thu hẹp lại, những mầm xanh vừa hé chưa định hình đã vội khô héo dưới nắng gió chói chang để rồi vương vãi trong giông gió vô tình. Những bàn chân chai tưởng chừng tới đích chợt hụt hẫng trong lũng sâu vực thẳm. Những tượng đá vô hình trong vòng tay ôm chợt vụn vỡ rã rời… Xin cảm ơn, cảm ơn tất cả những gì đã cho tôi được hiện diện, tìm lại mình, nhận diện con người, tiếp cân thần linh như câu chuyện thần thoại cổ tích ngàn xưa. Xin cảm ơn người dân Duy Xuyên, cảm ơn ba anh chàng ngự lâm cùng uống rượu với chúng tôi dưới ánh trăng huyền ảo; đã cho chúng tôi một chút tình người ấm áp, thân thiện. Khổ đau rồi sẽ thăng hoa thành hoan lạc. Hồn tôi đã gởi lại nơi tháp cổ, giờ này tôi đang một mình trầm tư mặc tưởng bên tượng linga – yoni để tìm ý nghĩa uyên nguyên của sự sống. Vĩnh biệt Ma vương, Quỷ chúa, khỉ mang hình người! Một thoáng bâng khuâng còn lại cho cuộc sống vẫn êm trôi bình lặng:
Katê em!
Như thiêng liêng mà như trần tục
Em đến rồi đi chẳng bao giờ đúng lúc
Chỉ còn lại Katê lời hẹn giao mùa
Và tôi còn đưa đón những cơn mưa…

3 thoughts on “Trà Vigia 12: Mĩ Sơn đường về

  1. Trà Vijia đúng là cao thủ viết truyện, một chút bâng khuâng như cảm giác đọc Ppo Parơng, của một đứa con Chăm ngậm ngùi thăm xứ sở xưa, mà lại rất triết lý, tài hoa …

  2. Thật tuyêt vời lần đầu tiên tôi độc bài này, tôi không ngờ một bài thật hay và ý nghĩa như vậy. Tôi đã nghe các ban nói rất nhều về bài này và hôm nay ngày 24/03/08 tôi đã tận mắt đọc những dòng truyện ” xứ sở xưa”. Tôi ước trước khi nhắm mắt tôi được chứng kiến Mỹ Sơn hùng vĩ của vương Quốc Champa.Cam on tra viya. Xin Cam on anh

  3. Đừng nói sai lời lịch sử!

    Hội thảo khoa học quốc tế “Văn minh Chăm, mối liên hệ giữa VN và Ấn Độ” đã kết thúc sau hai ngày (26 và 27-6) với phiên thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trùng tu, bảo tồn di tích Chăm.

    GS.TS Hoàng Đạo Kính là người đã có hơn 30 năm gắn bó với việc trùng tu, bảo tồn di tích Chăm nhìn nhận: “Ở VN có lẽ chỉ di tích Chăm là khó ứng xử nhất bởi đây là di sản đặc biệt quý hiếm, là nguồn di sản hầu như mồ côi, không có con cháu và có nhiều di tích ẩn dưới tầng đất. Lại là những di tích bằng gạch rất khó bảo quản. Tư liệu lịch sử lại nằm ngay trong chính những di tích này”.

    Từ những khó khăn này, GS Kính chia sẻ thêm là thực tế hiện nay kinh nghiệm trùng tu di tích đất, đá cũng như những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này rất thiếu và yếu. “Chúng ta phải giải được bài toán kỹ thuật xây dựng của người Chăm từ gạch đến chất kết dính, kiến trúc” – GS Kính cho biết.

    Nhiều ý kiến tâm huyết của những chuyên gia gắn bó với di tích Chăm đã được trình bày tại hội thảo. Tiến sĩ Patrizia Zolese (đang trùng tu di tích Mỹ Sơn) cho rằng cách tiếp cận tốt nhất với tháp Chăm trong vấn đề trùng tu bảo tồn là đến gần với nguyên trạng của nó. “Đã có trường hợp chúng tôi thấy ở VN sử dụng “chất cấm” trong trùng tu là ximăng. Điều này đặc biệt nguy hiểm” – tiến sĩ Patrizia Zolese cho hay.

    Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỉ (Trung tâm Bảo tồn di tích – danh thắng Quảng Nam) chia sẻ: “Những điều tôi đã thấy và hiểu biết về vấn đề trùng tu, bảo tồn đền tháp Chăm là nên chữa bệnh cho người già chứ chúng ta đừng làm trẻ hóa ông già.

    Như vậy sau Ba Lan, Nhật Bản, Đức, Ý, nay tiếp tục là các chuyên gia Ấn Độ sẽ giúp VN triển khai tu bổ các đền tháp Mỹ Sơn từ nguồn tài trợ 3 triệu USD của chính phủ nước này.

    Trả lời báo chí câu hỏi về việc hiện đã và đang có nhiều quốc gia tham gia trùng tu Mỹ Sơn, liệu có tạo ra phong cách trùng tu khác nhau và phương pháp của Ấn Độ có tương thích với các phương pháp trên? Đại sứ Ấn Độ tại VN Ranjit Rae khẳng định: “Phương pháp của chúng tôi phải dựa trên sự điều tra rất cẩn thận, nghiêm túc trên cơ sở xem xét nguyên bản di tích. Để cân nhắc trong việc bảo tồn, chúng tôi có công nghệ và đã quen thuộc trong việc bảo tồn những di sản như thế này trên thế giới”.

    24 tham luận đã được trình bày. Các chuyên gia đều đưa ra hằng số chung về giải pháp trùng tu, bảo tồn di tích là chọn phương pháp khảo cổ học. Trong đó ưu tiên việc duy trì, bảo tồn, gia cố để tăng sức đề kháng cho tháp Chăm. Thực hiện việc sắp đặt tại chỗ, hoàn lại vị trí đã có. Tháp ít bị tổn thương thì dễ phục hồi.

    “Thời gian, chiến tranh đã vô tình làm hại di tích tháp Chăm ở Mỹ Sơn, nhưng nếu vội vã trong việc trùng tu gây nên tổn thương thì sẽ khó sửa chữa được. Đừng biến di tích thành khuyết tật, câm điếc, đừng nói sai lời lịch sử” – giáo sư Hoàng Đạo Kính tha thiết bày tỏ. Ông “nói” với tháp Chăm nhưng cũng là nói với vô vàn di tích đang bị hủy hoại vì trùng tu, phục dựng…

    Theo Tuổi trẻ ngày 01/07/2012

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *