Và để làm gì, thi sĩ?

Tham luận tại Hội nghị Văn học các Dân tộc thiểu số Tây Nguyên
và Nam Trung bộ trong thời kì đổi mới và hội nhập
, tháng 05.2007.

Điểm danh người làm văn chương là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Nam Trung bộ hay cả người Kinh viết về hai vùng đất này, điều không khó nhận thấy: thưa thớt; thưa thớt hơn là các khuôn mặt viết văn làm thơ mới; là người dân tộc thiểu số thì càng hiếm hơn nữa. Niê Thanh Mai, Thanh Hương, Krajan Plin, Jalau Anưk. Đó là bốn khuôn mặt chúng ta tạm kì vọng, thế nhưng cả bốn chưa ai có sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ! Ở đây, tôi xin tạm khoanh vùng nơi thể loại thơ ca. Và dừng lại ở ba tác giả thơ tôi cho là nổi bật hơn cả, trong vài năm qua đang trú ngụ ở/sáng tác về đề tài Tây Nguyên và Nam Trung bộ: Lê Vĩnh Tài với trường ca Vỡ ra mưa ấm, Thu Loan với Sứ giả và Jalau Anưk trong các sáng tác trên tuyển tập Tagalau của anh.

Câu hỏi đặt ra: Thi sĩ, để làm gì?
Trong khi khắp xung quanh, cuộc sống thay đổi hàng ngày. Bao nhiêu cái mới, tiêu cực lẫn tích cực ngập tới đến không kịp trở tay. Bên cạnh đổi mới và hội nhập hứa hẹn ngày mai tươi sáng là môi trường bị tàn phá: môi trường tự nhiên, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ,… Giữa xáo động nhiều ngổn ngang đó, để làm gì, thi sĩ?! Thi sĩ có thể hiện được chúng trong thơ hay tự tỉnh thức và góp tiếng nói cảnh báo tai họa?

1. Nếu Tây Nguyên qua thơ Lê Vĩnh Tài lộ thiên nỗi song trùng muôn thuở của mình: Tây Nguyên giản đơn và bí mật, bạt ngàn rừng và nhấp nhô trùng trùng những đồi khô khốc, mưa thối đất hay nắng cháy da, Tây Nguyên của huyền thoại ĐamSan hoặc của anh hùng Núp đầy hiện thực, của dân dã “lời hát YPhôn” ru hồn và của giọng Rock cao nguyên YMoan mê đắm,…Tây Nguyên với những tên đất, tên sông,… làm nên văn hóa Tây Nguyên, nền văn hóa hình thành và phát triển qua/với/bởi rừng. Nó tồn tại vì rừng hay tiêu vong cũng bởi rừng:

quê hương mang sự bình tĩnh của rừng
rừng làm chứng nhân hay thì thầm kể chuyện
cho cha hoang dã như rừng…
rừng như chiếc gùi
rừng trong quả bầu khô
…những lời thề dao chém
rừng làm đêm đen
rừng làm kho tàng
rừng làm mặt trời
rừng làm ý tưởng…
rừng tuần hoàn vòng tròn bí ẩn…
rừng xanh biếc mắt người rất trẻ
rừng âm u trong mắt người già
.
(Lê Vĩnh Tài, Vỡ ra mưa ấm, NXB Văn nghệ, 2005).
Là Tây Nguyên đầy ắp tình trong thơ Lê Vĩnh Tài, cũng chính Tây Nguyên ấy mê đắm Thu Loan:

Trọn đời lăn lóc Tây Nguyên
chưa hiểu hết…
Tim tôi rung nhịp cồng chiêng
yêu pơlang bùng sắc đỏ
nhà sàn ấm lửa tôi đến trú
bài hơri, tiếng đuổi chim, viên sỏi nhỏ
ngụ hồn tôi
tôi triệu phú bao giờ!
Người tặng tôi hồn rừng sắc nắng
.
(Thu Loan, Sứ giả, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2006)
Nó khiến nhà thơ này nguyện làm “sứ giả”: nâng niu Người rước ra cõi sáng / nguyện rũ bụi lầm / nguyện khơi trầm tích…Nhưng, thi sĩ làm gì để cứu rừng, cứu cái đẹp mong manh của văn hóa Tây Nguyên? Hay ước mơ chỉ là mơ ước?

Tôi khát khao tạt dấu chân trần lên điệp điệp trùng trùng đồi núi
dựng tượng đài uy nghi quê hương.
…ánh mắt thất thần mùa trôi lũ xoáy
trăng non mắc võng nỗi buồn
(Thu Loan).

Nhớ Phan Rang quê tôi, ba-bốn mươi năm trước thôi, vào lúc chạng vạng tối, khi có mưa nguồn, người nông dân thư thả mang vó ra kiểm lại, thư thả cơm chiều và, cũng rất thư thả vác vó ra ngoài sông chọn chỗ thuận làm sàn đợi nước lũ xuống. Thường thì phải đến gà gáy hồi hai, nghĩa là ít nhất cũng mất 6-7 giờ đồng hồ. Nhưng nay không thể nữa rồi, rừng đầu nguồn bị phá sạch. Mưa núi, lũ quét xuống nhanh đến không đuổi trâu bò kịp chạy nữa là! Thiên nhiên trả thù hành động dại dột của con người đến không kịp hối: “rừng thành chật chội bước chân của người…/ rừng bỏ chúng ta đi…” (Lê Vĩnh Tài). Khi rừng bỏ đi thì cơn mưa bỏ đi, mùa màng bội thu thưa thớt đi, văn hóa dần tàn héo đi và con người rời bỏ plây mà đi. Đi biệt:

Rừng về đâu cho chiêng hụt hơi
Người về đâu cho Khan trễ nãi
Em về đâu cho Tây Nguyên vòi või
… (Inrasara, 1998)
Từ đó, thế hệ mất rừng ra đời: một/một vài thế hệ lạc lõng. Không còn sự ôm ấp ấm áp của mọi trường thiên nhiên, các thế hệ đi tới khó tiếp nhận được văn hóa đã từng nuôi nấng tâm hồn ông cha họ. Và, họ ngoảnh mặt chối bỏ tất cả, có thể lắm chứ! Đấy chính là nguy cơ. Khi “rừng đã thành huyền sử” thì, truyền thống bị đứt mạch. Buồn! Nói theo cách của Lê Vĩnh Tài, đó là: “nỗi buồn tro than nỗi buồn của lửa / nỗi buồn di dân chật cả giấc mơ.” Một lời oán trách gió bay hay tiếng nói truy cứu trách nhiệm? Anh biết: anh, tôi, họ và cả “quê hương còn món nợ với trò chơi vô tăm tích” này. Chúng ta có trách nhiệm với sự mất mát quá to lớn của văn hóa các dân tộc thiểu số, cũng là của chính chúng ta. Dưới kia, nơi miền cực Nam Trung bộ, hãy nghe Jalau Anưk phê và tự phê:

Thuở ấy tôi đi
Với
hào quang trước mắt
ngỡ được tắm trong thế giới diệu kì
ngỡ hái trọn bao trái cây mơ ước.
Thuở ấy tôi đi…
mang nông nỗi thời trai trẻ
bơm háo thắng qua vụn vặt kiến thức
nuôi xảo quyệt cơm-áo-gạo-tiền phủ bẩn giấc mơ
.
(Jalau Anưk, “Tạ lỗi”, trong Tagalau 4, 2005)

Ai như em – dán dính mình bằng quần Jean, áo pull, bầm môi như máu ứa?
Ai như em – bập bẹ Chăm, Kinh, nụ cười ngượng nghịu, dáng đi mùa dịch gia cầm – avian flu?
Ai như em – ném vào nhân gian cái nhìn bạc bẽo, cơn đói tờ giấy bạc, giấc mơ nail-doer, hơi thở overseas
?
(Jalau Anưk, “Ng.”)
Hôm nay, môi trường văn hóa Tây Nguyên và các dân tộc Nam Trung bộ đã thành tĩnh vật, nó làm bảo tàng trong tâm tưởng người già, nó chuyển hóa thành trăm ngàn mẩu văn hóa vật thể/phi vật thể thu nhỏ đang bảo tàng trong các nhà trưng bày. Đó là điều cần thiết. Nhìn cách biện chứng, chúng là chứng tích cảnh giác chúng ta trước những nông nổi nhất thời để phục vụ vài lợi ích nhất thời. Ý thức đủ đầy để mà hành động, ngay từ hôm nay. Không thể trì hoãn nữa rồi. Thế hệ đi tới sẽ làm lại từ đầu, bằng kí ức được lưu trữ. Dù thế nào đi nữa cuộc sống vẫn cứ tiếp tục. Cho dù sinh hoạt thường nhật hôm nay có cơ khổ tới đâu:

nước ở trên gùi chứ không ở dưới sông
lấy được nước mồ hôi nhiều hơn nước
(Lê Vĩnh Tài).
Nhưng người dân tộc thiểu số vẫn cứ sống, khép lại quá khứ mà sống:

Ngọn tháp là của ngày xưa
ngôn ngữ đẹp là của Ariya ngày xưa
điệu múa kì ảo, say đắm lòng người là của ngày xưa
bản đồng dao hay mà em hát cùng anh thuở thiếu thời
là của ngày xưa
của ngày xưa tất …
bây giờ lai căng

(Jalau Anưk, “Dưới bầu trời là những mái nhà”, trong Tagalau 7, 2006)
Thi sĩ nhạy cảm với cái mới, thức tỉnh và làm cho mọi người tỉnh thức về các tai họa. Bài thơ về sự cả nể của Lê Vĩnh Tài đã rất quyết liệt trong cảnh báo. Nhà thơ buộc chúng ta mở to mắt nhìn trừng vào thực tại. Vô ích, ở đó cứ mãi vỗ nhau về “bản sắc văn hóa”, về cái đẹp thơ mộng phi thực, cái đẹp đã làm cổ tích:

chúng ta quên mất cuộc đời nhiều cánh cửa
cùng đóng lại ước mơ
với một ly cà phê Highland bốn mươi ngàn
khuyến mãi máy lạnh
quên mất người trồng cà phê ở Tây Nguyên
bốn năm rồi sáu ngàn một kí
khuyến mãi mồ hôi
khuyến mãi đôi mắt thất thần bất ngờ siêu thị

lẽ ra phải kêu lên nỗi đau cành cây gãy
chúng ta cứ hát ca ban mai mưa lá ướt…
lẽ ra phải gánh nặng dự báo tro than và lửa
…chúng ta cứ hát ca ánh sáng
mơ cánh rừng cổ tích ngày xưa

(Lê Vĩnh tài, “Bài thơ về sự cả nể”, trong Liên tưởng, 2006)
Từ bỏ huyễn tưởng và nhẹ nhõm lên đường, hội nhập với thế giới bao la ngoài kia:

Đi đi em!
phía bên kia nông hoèn hoẽn sông quê là ùn ùn sóng bể
sau hoang hoãi đêm dài là rực phố đông vui
phố cũng thích Xaranai
phố cũng say đắm lòng tháp cổ
phố cũng rộn ràng với Ginơng
phố cũng trải lòng với điệu múa Apsara
phố cũng hiểu Ariya
phố cũng sụt sùi nghe chuyện ngày xưa bà kể

(Jalau Anưk, “Dưới bầu trời là những mái nhà”, trong Tagalau 7, 2006)
Sự háo hức của bác nông dân khi mang vó ra ngoài sông hay niềm vui của bác khi xách giỏ cá về là thực, nhưng cái thực kia đã hết tồn tại rồi. Hình ảnh bác nông dân cất vó xưa ấy, nếu được chớp và trưng bày trong bảo tàng thì rất đẹp; thế nhưng cái đẹp ấy nên biến mất đi càng sớm càng tốt! Quay nhìn ra sau lưng là điều vừa bất khả nếu không nói là, lạc thời. Cần phải học biết chấp nhận định phận. Nhận phận và yêu phận, như tinh thần của F. Nietzsche: Amor Fati! Yêu mệnh để cải mệnh. Chính bắt nhịp được tinh thần bi tráng ấy, Lê Vĩnh Tài đã cho ĐamSan-hiện đại – “chàng ĐamSan không bao giờ đêm tối / không bao giờ xuôi tay” chôn vùi huyền thoại cũ, tạo dựng một huyền thoại mới:

gió đã bước sang thế kỉ 21
bếp lửa chúng ta nhỏ bé và chật hẹp
nhỏ bé và chật hẹp cả bài khan cổ tích…
đêm không ngủ với niềm vui mới
niềm vui đứng trên vai những gã khổng lồ
huyền thoại xoay vòng tròn cối xay gió
làm mưa
… (Lê Vĩnh Tài)
Từ huyền thoại mới này, một thành phố Banmê hiện đại sẽ ra đời:

niềm vui Banmê chênh vênh mõm đá
thành phố dịu dàng nỗi đau ngược gió
bay lên

(Lê Vĩnh Tài).

2. Chúng ta tạm lướt qua 3 khuôn mặt thơ nổi bật đã sống, yêu thương và suy nghĩ cùng với thiên nhiên, con người và văn hóa Tây Nguyên và Nam Trung bộ: các quan sát, những dự cảm và cảnh báo, bao ngợi ca và thúc giục.
Nhưng thi sĩ, để làm gì?
Cảm nhận chưa chắc chắn rằng, so với nhà thơ hay thơ về dân tộc thiểu số ở phía Bắc, thơ của/về Tây Nguyên và Nam Trung bộ, nhất là ở 2 tác giả tương đối còn trẻ là Lê Vĩnh Tài và Jalau Anưk, chất thời sự xã hội đương đại xuất hiện đậm nét hơn, suy tư về các hiện tượng xã hội mang tính chiều sâu hơn. Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ, với những gì đang xảy ra xung quanh. Chữ viết và tiếng nói của các dân tộc thiểu số ngày càng bị lai căng, đang nguy cơ biến thành tử ngữ. Thi sĩ với tư cách là kẻ canh giữ ngôn ngữ dân tộc, vẫn chưa làm được gì nhiều cho nó! Tuyển tập Tagalau của Chăm mỗi năm ra hai kì, vẫn thưa thớt lắm các sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Lực lượng trẻ – có, trình độ – có, nhưng vẫn chưa có thành tựu nổi bật, hoặc để hình thành tác giả đúng nghĩa. Tương lai như còn xa lắm!
Nhìn gần và thực hơn, môi trường văn hóa – xã hội Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị phá vỡ tạo bao nhiêu xáo trộn. Thống kê xã hội học cho biết, nhiều plây Chăm ở Ninh Thuận đã có hơn phân nửa thanh niên bỏ quê vào phố. Sinh hoạt những con người trẻ tuổi này thế nào? Tâm lí và quan niệm sống họ ra sao? Họ có còn là Êđê, Kơho, Giarai, Bana,…không, hay đã “có nước da hơi sáng – em chối mình là Chăm” (thơ Inrasara)? Vẫn chưa có bài thơ nào về thân phận những đứa con tha phương này. Nhà thơ còn chưa đặt câu hỏi về sự thiếu vắng này nữa!
Đó mới chỉ là hai trong hàng chục câu hỏi bức bách.
Để đáp ứng trúng nhịp đề tài mới, nóng kia, nhà thơ viết như thế nào? Người làm thơ hôm nay còn có quyền tái sử dụng thủ pháp nhàm cũ với nhịp thơ rù rì như đã từng không? Hoặc, những hạn từ mòn sáo đèm đẹp nhằm vuốt ve mặc cảm không còn cần thiết nữa, hôm nay? Cuộc sống thay đổi buộc nhà thơ thay đổi lối nhìn và thay đổi cả lối viết. Ở khía cạnh này nữa, Lê Vĩnh Tài và Jalau Anưk có bước tiến mới đáng kể.

3. Nhưng như thế vẫn còn chưa đủ! Đâu là thế hệ tiếp nối? Chúng ta tìm các cây bút mới ở đâu? Và đâu là chương trình hành động mang tính khả thi?
Theo tôi được biết, tại các trường nội trú dân tộc thiểu số Tây Nguyên và Nam Trung bộ, cuộc giao lưu với các nhà văn dân tộc thiểu số hiếm khi được tổ chức. Các tên tuổi nhà văn Dân tộc thiểu số hầu như rất ít quen thuộc với các em. Thì lấy đâu thông tin cần thiết với chất kích thích sáng tạo? Trong khi chính môi trường này là nơi cung cấp lực lượng lí tưởng cho văn học tương lai.
Khác với mĩ thuật hay nghệ thuật múa yêu cầu có sàn diễn, đạo cụ, cùng bao vật liệu lỉnh kỉnh khác,… người viết văn làm thơ ngược lại, không cần gì cả ngoài tri thức nghề nghiệp cơ bản, đôi chút tố chất và nhất là sự kích thích thường trực. Ai sẽ cung cấp chúng cho họ? Và cung cấp như thế nào?
Đây không phải là câu hỏi đặt ra rồi bỏ đó, mà nó cần được suy nghĩ rốt ráo và có giải pháp thỏa đáng. Theo tôi, ngoài tạp chí Văn hóa các Dân tộc mỗi năm Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số cần có tuyển tập thơ/văn trong năm, phát hành tận các Trường. Trong dịp này, Hội cần kết hợp với Trường tổ chức giao lưu với 2-3 nhà văn/thơ về các vấn đề văn học và về chính tuyển tập. Bên cạnh, chúng ta có thể bày ra cuộc thi thơ/truyện ngắn ngay trong Trường và giữa các Trường với nhau! Như vậy, ngay từ cấp III, các em nhận được cái nhìn khái quát sinh hoạt văn học của Hội, của các nhà văn dân tộc thiểu số. Và biết đâu, các em sẽ tìm được lối đi cho sáng tác của mình trong tương lai. Chuyện giữa bó đũa bật lên 1-2 cột cờ không phải là không thể.

4. Thi sĩ, để làm gì? Và, thơ ca có đang chết? Hay đã chết?
Ngay từ những năm sau thế chiến thứ hai, thi ca là thể loại văn chương luôn bị đặt trong tình trạng dự báo tuyệt chủng. Câu nói nổi tiếng của T. W. Adorno: “Làm một bài thơ sau Auschwitz là điều dã man”, vang lên như một ám ảnh. Nhưng hơn nửa thế kỉ qua, thơ cứ sống, và sống khỏe nữa. Khi văn hóa nghe nhìn phát triển lấn át văn hóa đọc, lần nữa các nhà tiên tri giả chộp lấy cơ hội, lại lớn tiếng tuyên bố tiếng chuông đưa tang thi ca đang được đánh tới hồi cuối.
Rồi văn hóa Internet xuất hiện, làm thay đổi cả hệ thống thẩm mĩ văn chương, từ cách viết đến cách tiếp nhận, in ấn lẫn phát hành, liên tục đặt thi ca nói riêng và văn chương nói chung trước một thách thức mới! Năng khiếu nghệ thuật của cá thể cũng chịu sự thách thức dễ gây chán nản cho những đầu óc ngoan cố nhất: qua lập trình phức tạp, máy vi tính có thể soạn nhạc, làm được cả thơ, hơn thế – chưa hẳn là thơ tồi!
Vậy mà thơ cứ sống nhăn! Nhưng tại sao thơ không đến với công chúng?
Chẳng thời nào là thời của thơ cả. Hãy dẹp tâm lí tô hồng quá khứ qua bên. Cũng chính báo Figaro cho biết: ngày xưa Alcools của Apollinaire chỉ in nổi 241 cuốn trong năm xuất bản đầu tiên, thế mà ngày nay tổng số sách của ông bán được đã vượt con số một triệu bản. Cũng hãy quên cái huy hoàng (đâu riêng gì thơ) của thơ thời bao cấp đi. Ở đây chúng ta đi thẳng vào vấn đề của hôm nay.
“Thơ bán không chạy thì phải hỏi lại người làm thơ!”. Một nhà thơ khẳng định thế trong một cuộc phỏng vấn. Theo tôi, vừa hỏi nhà thơ đồng thời hỏi luôn nhiều thứ khác. Câu hỏi cụ thể hơn : thi sĩ làm thơ thế nào? Thời thế thay đổi, thơ thay đổi đã đành; khoa học kĩ thuật thay đổi, thơ cũng phải thay đổi. Thế nào cũng được miễn là nó phải thay đổi cách tồn tại. Để mà tồn tại.

Đây đó đã có nhiều tin lành. Khắp nơi đều thấy các dấu hiệu hồi sinh của thơ: Chợ thơ ở Saint-Sulpice sôi động chưa từng có; các Tòa nhà Thi ca (Maison de la Poésie) được dựng lên khắp nước Pháp; các liên hoan Mùa xuân của thi nhân luôn luôn thành công; các site dành cho thơ ngày một nhiều trên Internet.
Và, Việt Nam cũng đã qua Ngày hội thơ lần thứ 5.
Hãy đọc qua đoạn văn đầy lạc quan của Xavier Darcos, khi ông kết luận cuốn chuyên khảo rất thú vị của mình – Lịch sử văn học Pháp, NXB Văn hóa–Thông tin, H., 1997: “Và những con số sách bán ra không có gì khiến cho ta phải than thở. Thị trường sách ở Pháp, năm 1991, dẫu khủng hoảng, vẫn đạt gần 22 tỉ franc. ..Như thế, trong khung cảnh chung của hiện tượng quay về với sự tiêu thụ văn hóa, văn chương, một lần nữa được đọc bởi quần chúng độc giả thực sự đông đảo. Văn chương không hề bị thất sủng hay giạt ra ngoài lề như những đồ đệ của Mc Luhan tiên đoán, khi họ cho rằng thời đại của chữ in đã qua rồi và giải ngân hà Gutenberg sắp chìm vào hư không”.
Và… “Theo danh sách của American Poetry Annual (Hoa Kì), có khoảng 6000 nhà thơ hoạt động khắp nước trong đó hơn 1000 người đang giảng dạy các lớp, khóa sáng tác tại những đại học. Chưa kể hơn 2000 nhà xuất bản với báo chí định kì chuyên về thơ, cộng thêm hàng trăm giải thơ thường niên từ Pulitzer, National Book Award đến đủ loại tặng thưởng từ các tổ chức văn hóa hay đại học. Còn phải kể những buổi đọc thơ trên các đài phát thanh, truyền hình, và câu lạc bộ, phòng trà,… Tóm lại, có một nền văn hóa chuyên về thơ được hỗ trợ bởi cả mạng lưới chằng chịt thể chế công cộng lẫn tư nhân, từ chính quyền các cấp đến các địa phương xa xôi. Số nhà thơ nghiệp dư hiện nay lên đến vài trăm nghìn…” (Christopher Beach, Poetic Culture, Northwestern UP, 1999).

Mặc cho bao nhiêu dự báo về ngày cáo chung của thơ, Thơ mãi sống!

Sài Gòn, 09.03.2007.

One thought on “Và để làm gì, thi sĩ?

  1. Một bài viết rất hay và sâu sắc và đày trách nhiệm. Chắc chắn nó sẽ làm thay đổi một chút gì đó trong cách nghĩ, cách cầm viết, cách tư duy của những người trong cuộc – những người (đang ít nhiều) viết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *