Trần Can: Văn 05 – Giải mã hiện tượng Inrasara

Không thể phủ nhận tài năng của nhà thơ Ninh Thuận gốc Chăm này, phải nói rằng thơ của Inrasara có một “ma lực” rất lớn và chẳng phải ngẫu nhiên anh lại đoạt được rất nhiều giải thưởng từ trong nước đến nước ngoài. Giải thưởng, tuy không là một mục đích cuối cùng – của thi sĩ – nhưng nó cũng có thể xem như dấu ấn chứng nhận – của một tài năng thơ ca kiệt xuất Việt Nam đương đại.

Tiếng kêu thương của một dân tộc bị lãng quên.
Vì nhiều lý do, sử sách Việt vẫn ít đề cập đến Chăm, chưa nhìn nhận đúng sự đóng góp của dân tộc Chăm trong quá trình hình thành nước Việt Nam. Người Kinh ít hiểu biết về một dân tộc anh em rất lớn xa xưa, với bề dày văn hoá đồ sộ, nền văn hóa đã gần như hoàn toàn biến mất, dấu vết để lại không còn gì, ngoài những tháp đền hoang phế… Dân tộc Chăm là một dân tộc phải chịu quá nhiều bất hạnh, đất nước họ đã tan biến hoàn toàn trong lòng nước Việt Nam. Inrasara, đứa con của dân tộc bị lãng quên ấy, đã viết những câu thơ xé lòng, những câu thơ khiến người đọc rưng rưng nước mắt.
Những người am hiểu lịch sử mới có thể cảm nhận thơ anh một cách toàn vẹn, chính vì thế, thơ anh lại là một thôi thúc cho mọi người tìm hiểu về Chăm. Chăm là gì? Chăm còn ai? Chăm sống ở đâu? Sống thế nào? Thôi thì biết bao nhiêu câu hỏi cứ liên tiếp gợi mở, và người đọc cứ việc mày mò tìm hiểu để tự trả lời.

Xưa
Dưới cái rây lịch sử khổng lồ
Cha lọt sàng sống sót
Lổm ngổm bò dậy làm người
Một phép lạ…

Người đọc sẽ được/bị đưa vào một sự ngạc nhiên ngay tức thì. Tại sao lại: cái rây lịch sử? Lịch sử nào? Tại sao lại lọt sàng sống sót? Nhà thơ đưa người đọc liên tiếp vào những bí mật… Hãy tự mình khám phá đi, rồi anh sẽ hiểu.
Lịch sử nước Việt là một lịch sử của sự tế nhị, vì có những chuyện chỉ nên hiểu chứ không nên nói!
Nhưng phải biết – đọc thơ Inrasara – mới thấy hay, mới thấy cái xót xa của một thân-phận-người ở nơi cùng cực xót xa, không còn tiếng nói để góp mặt với cái chung, thân phận ngoài lề, thân phận lãng quên và bị quên lãng.
Và, từ bóng tối không lời ấy. Inrasara đã cất cao lời hát kiêu hãnh, bất chấp phận số của định mệnh u tối đã trói buộc bao đồng tộc của anh ngàn đời quẩn quanh trong những plây Chăm bé nhỏ…
Đã đến lúc, chúng ta cần có một cái nhìn trân trọng về văn hoá và dân tộc Chăm, họ chỉ còn lại rất ít người, nhưng đã từng làm nên một nền văn hoá lớn, đã song hành cùng dân tộc Việt ngót hai ngàn năm cùng biết bao yêu thương và đau buồn, nhưng, xin dành trách nhiệm này lại cho các nhà Văn học sử.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *